THANH THẾ

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh.
 Theo Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh – nhà văn, dịch giả, người vừa vinh dự nhận Giải thưởng văn học toàn Nga mang tên “Ngôn từ là sợi chỉ gắn kết” dành cho tác phẩm văn học dịch, dịch giả người Việt dịch văn học Nga cần được kết nối một cách thường xuyên hơn, chặt chẽ hơn với các nhà văn Nga.
Phóng viên: Xin chào bà. Trước hết, cảm ơn bà đã đồng ý trả lời phỏng vấn Nhân Dân điện tử. Xin bà chia sẻ một số cảm xúc về chuyến “trở về” với nước Nga đợt vừa rồi.

TS Nguyễn Thụy Anh: Thật sự cảm xúc quay lại với tôi rất đặc biệt. Bước xuống máy bay, đi trên đường mà tim tôi đã nghẹn ngào. Đó là một thứ cảm xúc rất kỳ lạ mà tôi nghĩ là chung cho nhiều người từng gắn bó với đất nước này. Tôi cho rằng, thiên nhiên nước Nga quá ấn tượng, vừa rộng lớn, vừa hùng vĩ lại vừa tinh tế.

Cảm động hơn nữa là vào đúng dịp Tết Nguyên đán của Việt Nam. Tôi sẽ không gọi nước Nga là quê hương thứ hai, vì mỗi người chỉ có một quê hương, nhưng nước Nga sẽ luôn khiến tôi xúc động khi nhắc đến. Đó thật sự là một miền đất kỳ lạ.

Phóng viên: Liên quan đến giải thưởng văn học toàn Nga mang tênNgôn từ là sợi chỉ gắn kết”, bà nhận được tin mình đoạt giải trong hoàn cảnh nào và bà có thể chia sẻ cảm xúc khi nhận giải?

TS Nguyễn Thụy Anh: Thật ra đó là một cơ duyên. Tháng 5-2017, nhà văn người Nga Likhanov sang thăm Việt Nam. Tôi được đưa ông đi lại, giao lưu và đặc biệt là tổ chức đọc cuốn sách “Ông tướng của tôi” của nhà văn này, để xem bạn đọc nhí thế hệ mới đón nhận cuốn sách mang những giá trị Xô Viết này ra sao.

Sau đó ông có ghé thăm câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” và ông biết được những gì tôi đang làm ở đây với bọn trẻ. Có lẽ ông đánh giá lao động của tôi ở mảng này, không chỉ là dịch giả mà còn là người hoạt động xã hội vì trẻ em. Mùa thu năm ngoái, khi tôi có dịp sang Nga, ông đã mời tôi đến dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Quỹ trẻ em Nga và đại hội những người tình nguyện làm việc vì tuổi thơ. Và hôm ấy, tôi vinh dự nhận được một giải thưởng khác của Quỹ trẻ em Nga cho cuốn sách “Olga Bertgolts của tôi” mà tôi chuyển ngữ sang tiếng Việt. Sau đó chính ông lại giới thiệu cuốn sách cho giải dịch thuật của Hội nhà văn Nga, và rất cảm động là Hội đồng xét giải đã thông qua.

Giải thưởng “Ngôn từ là sợi chỉ gắn kết” do Hội Nhà văn Nga và Quỹ Văn học “Con đường cuộc sống” thành phố St. Petersburg lập từ năm 2015, được trao cho các tác phẩm dịch văn học Nga ra tiếng nước ngoài, nhằm tôn vinh lĩnh vực sáng tạo này cũng như phát hiện những tài năng dịch mới, đặc biệt là củng cố các mối quan hệ giữa các nền văn hóa và ngôn ngữ.

Phóng viên: Theo bà, giải thưởng này có tác động như thế nào đến bản thân và những người đang làm công việc tương tựchuyển ngữ văn học Nga sang tiếng Việt?

TS Nguyễn Thụy Anh: Đó là sự động viên đối với những người đang làm việc bây giờ. Tôi là người may mắn vì được người khác biết đến. Trước đây, Hội nhà văn Việt Nam và Hội nhà văn Xô Viết hợp tác với nhau rất tốt, nhưng sau những năm 90 của thế kỷ trước, mối quan hệ này ít nhiều bị ngắt quãng. Tuy nhiên, trong quãng thời gian ấy, nhiều dịch giả người Việt yêu văn học Nga vẫn âm thầm làm việc và không kém say mê.

Theo tôi, ở Việt Nam, dịch giả văn học Nga là những người phải rất tâm huyết. Thật sự không dễ khi dành ra một vài tiếng mỗi ngày cho niềm say mê này, khi bạn còn rất nhiều công việc khác trong vòng luẩn quẩn cơm áo gạo tiền.

Với cá nhân tôi, giải thưởng này khiến tôi phải suy nghĩ hơn về công việc của mình. Nó khiến tôi phải có trách nhiệm hơn trong việc quảng bá văn học Nga đến đông đảo bạn đọc, và là lời nhắc nhở rằng, phải làm sao để liên kết được những người đang làm công việc giống mình. Tôi tự nghĩ, nếu có một cộng đồng thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ, nhìn nhau mà làm việc thì hiệu quả sẽ lớn hơn.

Khi nhận được giải, tôi cũng có cơ hội để chia sẻ nhiều hơn với Hội nhà văn Nga về tình hình làm việc của các dịch giả Việt Nam, đề nghị họ hỗ trợ mình nhiều hơn, trong đó có việc cung cấp thêm các tác phẩm mới.

Phóng viên: Vậy theo bà, dịch giả văn học Nga tại Việt Nam đang gặp phải những khó khăn gì?

TS Nguyễn Thụy Anh: Thứ nhất, đó là nguồn sách. Dịch giả người Việt cần có được cơ hội giao lưu nhiều hơn với các nhà văn, nhà thơ người Nga. Khi họ được đến nước Nga, gặp gỡ với các nhà văn Nga, đến thăm các nhà xuất bản, đắm chìm trong môi trường văn hóa bản địa, họ sẽ có cảm xúc mạnh mẽ, động lực làm việc lớn hơn.

Thứ hai là vấn đề in ấn, xuất bản. Không phải nhà xuất bản nào cũng có thể in tất cả những cuốn mà dịch giả giới thiệu. Chúng ta đang thiếu những hoạt động giới thiệu các tác phẩm Văn học Nga đến bạn đọc trên diện rộng. Mọi hoạt động quảng bá còn bị “khoanh vùng” trong giới yêu thích văn học Nga, văn hóa Nga, từng ở Nga và yêu nước Nga. Chúng ta cần có kế hoạch lôi cuốn thêm một lớp người đọc mới, những người chưa biết nhiều về các giá trị văn hoá của đất nước này.

Thứ ba, dịch giả văn học Nga ở Việt Nam vẫn rất cần được động viên, được kết nối với các nhà văn Nga thông qua một Quỹ văn hóa nào đó, được trao đổi về chuyên môn để từ yêu thích họ trở nên chuyên nghiệp hơn. Tôi nói vậy vì không phải tất cả các người dịch hiện nay đều làm việc trong lĩnh vực văn học.

Phóng viên: Bà có nghĩ Văn học Nga sẽ sớm quay trở lại với bạn đọc Việt Nam?

TS Nguyễn Thụy Anh: Tôi lạc quan là văn học Nga sẽ quay trở lại, lại có tầm ảnh hưởng nhất định đối với người đọc Việt Nam. Và trên thực tế, nó đã trở lại rồi!

Có hai lý do. Một là, tôi nhìn thấy các dịch giả vẫn đang làm việc, các sản phẩm được ra mắt, các Nhà xuất bản Việt Nam vẫn quan tâm. Rõ ràng trong thời gian gần đây, nhiều Nhà xuất bản đã liên tục ra mắt các tác phẩm văn học Nga, đặc biệt là Kim Đồng, Trung tâm Văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây, NXB Trẻ, NXB Phụ nữ… Có thể số lượng chưa bằng ngày xưa, nhưng nếu so với thập kỷ trước thì đã hơn rất nhiều.

Lý do thứ hai, chúng ta thấy rằng, lượng người đọc đến các hội sách và quan tâm đến việc đọc đã tăng lên. Độc giả ngày càng trẻ hơn, họ có nhiều thông tin hơn và có độ “mở” về mặt lựa chọn và tiếp cận sản phẩm văn hóa. Chính vì vậy, văn học Nga sẽ có cơ hội “cạnh tranh” với các nền văn học khác, chỉ cần dịch giả nỗ lực cho họ thấy nét lấp lánh kỳ diệu, vẻ sâu sắc khác biệt của nó. Tức là, hoàn cảnh như vậy chính là động lực mạnh mẽ cho người dịch trong công việc dịch thuật không hề đơn giản của mình.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà.

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

 

Exit mobile version