Xin hãy mường tượng, diện mạo của văn học Việt Nam như thế nào, văn học Việt Nam phát triển, cách tân và hòa nhập ra sao, nếu không có văn học dịch. Chính dịch văn học đã mang đến cho người đọc Việt Nam những tinh hoa và những giá trị của văn học thế giới…
Dich giả – nhà nghiên cứu Lê Bá Thự
Lâu nay chúng ta đã tốn khá nhiều thời gian, công sức, giấy bút cho việc thảo luận đề tài: tiêu chí của dịch văn học là gì?, thực chất là bàn chuyện bếp núc của dịch văn học. Ba chữ tín, đạt nhã được bàn đến nhiều nhất, được nhiều người xem là tiêu chí của dịch văn học. Có người cho rằng chỉ cần hai chữ tín và đạt là đủ, hoặc chỉ cần một chữ tín. Lại có ý kiến cho rằng, tiêu chí của dịch văn học là chính xác, tức dịch chính xác. Còn tôi, tôi đã nhiều lần phát biểu và giờ đây vẫn tiếp tục phát biểu rằng, tiêu chí của dịch văn học là đúng, nghĩa là dịch đúng. Theo Đại từ điển tiếng Việt của cụ Nguyễn Như ý, đúng là phù hợp với sự thật, với yêu cầu khách quan hoặc với những điều quy định. Tôi chọn đúng vì khái niệm đúng có nội hàm sâu rộng.
Đúng có nghĩa là phải dịch chính xác lời văn và tinh thần của nguyên bản. Phải tìm cho được những từ, những thuật ngữ tương ứng trong tiếng Việt để dịch cho đúng với nội dung bản gốc. Thực tế cho thấy, trên cơ sở tinh thần của câu văn, của văn cảnh trong nguyên tác, bao giờ chúng ta cũng có thể tìm được những thuật ngữ tiếng Việt chuẩn xác nhất để có được lời văn, câu văn đúng với nguyên tác. Lắm khi chỉ tìm một từ tiếng Việt cho thật chuẩn xác với bản gốc thôi mà người dịch phải loay hoay, trăn trở mất mấy ngày liền, có khi còn ăn không ngon, ngủ không yên. Nghề dịch lắm công phu là như vậy. Có những trường hợp ta có thể dịch chính xác đến từng câu, từng chữ của bản gốc. Đó là khi lời văn và câu văn, hình thức ngôn ngữ của nguyên bản có sự đồng điệu và tương đồng với tiếng Việt. Hoặc có những câu văn đơn giản, hoàn toàn có thể, thậm chí cần phải dịch đúng từng chữ. Chẳng hạn “anh yêu em”, “tôi ăn cơm”, “hôm nay trời đẹp quá” thì ngôn ngữ nào cũng nói rõ ràng và dễ hiểu như vậy thôi, người dịch chỉ việc dịch đúng từng chữ là ổn. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp ta lại không thể làm như vậy, nhất là khi gặp những thuật ngữ, những lời văn, những câu văn, những thành ngữ, ngạn ngữ… miêu tả, phản ánh phong tục tập quán, lối sống, cách nói mang bản sắc của một địa phương, vùng, miền, một bộ tộc, một dân tộc… Đây là những tình huống đòi hỏi người dịch chẳng những phải thành thạo ngôn ngữ được dịch mà còn phải am tường lịch sử, văn hoá, phong tục tập quán và lối sống của dân tộc sử dụng thứ ngôn ngữ được dịch sang tiếng Việt đó. Cho nên người ta mới gọi dịch văn học là dịch văn hóa. Cái tài của người dịch là tìm được những từ, những thuật ngữ, những khái niệm tiếng Việt đắc địa nhất, đúng nhất so với nguyên bản. Cần phải thấy rằng, trong tiếng nước ngoài, tùy theo tình huống mà một từ, một thuật ngữ hoặc cụm từ có thể có tới cả chục nghĩa khác nhau hoặc hơn thế. Đây là chỗ cần sự sáng suốt và sáng tạo của người dịch. Thực tế cho thấy không phải người dịch nào cũng làm tốt điều này. Và làm tốt điều này cũng không phải dễ.
Đúng còn có nghĩa là bản dịch phải giữ cho được văn phong, giọng điệu của tác giả. Đọc bản dịch người đọc cảm nhận được phong cách của tác giả như đọc bản gốc vậy. Mỗi tác giả có phong cách của riêng mình, người dịch phải hành văn trong tiếng Việt sao cho đúng với phong cách đó, giữ cho được phong cách đó. Một bản dịch làm giảm hoặc làm lệch văn phong của tác giả là một bản dịch không đạt. Mọi sự “sáng tạo” làm sai lệch bản gốc là không thỏa mãn tiêu chí đúng nói trên.
Có người nói, dịch văn học là sáng tạo lại tác phẩm thêm một lần nữa hoặc tác giả và dịch giả là đồng tác giả. Theo tôi, sử dụng thuật ngữ “sáng tạo” và cụm từ “đồng tác giả” trong trường hợp này là phải hết sức thận trọng, để khỏi lẫn lộn, không rạch ròi. Tôi chia sẻ ý kiến cho rằng “dịch văn học là công việc sáng tạo trong khuôn khổ định sẵn của nội dung và hình thức”. Sáng tạo là một khái niệm rất rộng, là làm ra cái mới chưa ai làm. Người dịch không làm ra cái hoàn toàn mới mà là tái tạo tác phẩm bằng ngôn ngữ khác. Nội dung và hình thức của tác phẩm vẫn nguyên xi, tác phẩm vẫn là của tác giả, nhưng bản dịch là của dịch giả. Tôi xin nhấn mạnh: tác phẩm là của tác giả, bản dịch là của dịch giả. Nếu muốn bảo dịch giả là đồng tác giả thì phải hiểu như vậy. Trong bản dịch của mình người dịch có thể có những “sáng tạo” trong khuôn khổ “Việt hóa” để cho bản dịch hay, thuần Việt, đọc bản dịch mà như đọc bản gốc tiếng Việt vậy. Lại nữa, thông qua cách hành văn, cách dùng từ, chọn từ của mình, người dịch có thể đưa “cái tôi” vào bản dịch, nhưng “cái tôi” này phải hợp lý và không đi chệch tiêu chí “đúng”. Phải ý thức một điều là, chúng ta là người dịch, chúng ta bị cái khung bản gốc khống chế, bó buộc và không được phép vượt ra khỏi cái khung đó. Thực chất, chúng ta là những người ở trong thế bị động, tuân theo ý của tác giả. Tác giả sướng ở chỗ được tự do sáng tạo, biết gì viết nấy, thêm bớt theo chủ quan của mình. Còn dịch giả thì không được làm như vậy. Dịch giả không được thêm và cũng không được bớt một cách tuỳ tiện, khi cái sự thêm và cái sự bớt đó làm cho bản dịch của chúng ta không còn trung thành với nguyên tác, không còn đúng với nguyên tác nữa, dịch như vậy gọi là phản, sáng tạo kiểu như vậy gọi là “nhanh nhẩu đoảng”. Cho nên, tác giả “hay” thì ta “hay”, tác giả “dở” thì ta “dở”. Thấy tác giả “dở” mà ta “sáng tạo” cho nó thành “hay” là ta hại tác giả mất rồi. Chung quy, tác giả viết những gì mình biết, còn dịch giả phải dịch tất cả những gì tác giả viết và xét cho cùng, dịch giả phải biết tất cả những gì tác giả viết. Đây là một công việc nhiều công phu, lắm nhọc nhằn, càng đọc nhiều, càng biết nhiều, càng trải nghiệm nhiều, càng có lợi cho công việc dịch thuật. Khi chúng ta tìm được những từ, những thuật ngữ chuẩn nhất, chính xác nhất trong tiếng Việt để dịch là chúng ta đã cố gắng làm cho bản dịch được Việt hoá đúng theo bản gốc. Sự sáng tạo của người dịch là ở đó. Theo tôi, sáng tạo của người dịch phải sáng tạo sáng suốt. Xét cho cùng, một bản dịch tiếng Việt đúng phải là một bản dịch hoàn hảo tới độ gây cho người đọc cảm giác như đọc nguyên tác. Bản dịch mang lại cho người đọc hiệu qủa y như đọc bản gốc. Nội dung và hình thức của nguyên bản như thế nào thì nội dung và hình thức của bản dịch được giữ đúng như vậy. Tác giả có tác phẩm – bản gốc, dịch giả có dịch phẩm – bản dịch. Tác phẩm và dịch phẩm tuy hai mà một.
Nghề dịch là nghề vất vả, lắm công phu, người dịch phải oằn lưng trên từng trang sách. Như đã nói, dịch giả phải thông thạo ngôn ngữ mình dịch, am hiểu lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của đất nước sử dụng ngôn ngữ mình dịch, phải giỏi tiếng Việt, hiểu nhiều, biết lắm, càng uyên thâm càng tốt, và phải có những tố chất của một dịch giả. Giỏi ngoại ngữ chưa chắc có thể làm dịch giả văn học. Người dịch càng dịch nhiều, càng trải nghiệm, thì dịch càng ngày càng lên tay và hạn chế được sai sót. Sai sót trong dịch thuật là điều khó tránh khỏi, kể cả những người đã dịch lâu năm, không ai có thể nói mạnh được. Chỉ có điều, người dịch phải làm tất cả những gì mình có thể làm để nâng cao chất lượng bản dịch và hạn chế tối đa những sai sót, nhất là những sai sót không đáng có. Nếu vì chủ quan, vì cẩu thả, vì lười biếng, vì nóng vội, để xảy ra quá nhiều lỗi, có khi là những lỗi ngớ ngẩn, thì người dịch phải chịu trách nhiệm và đáng bị phê phán.
Có thể nói chưa bao giờ thị trường sách văn học dịch lại phong phú, đa dạng và cặp nhật như hiện nay. Ta có thể dễ dàng nhận ra điều này khi đến các quầy sách văn học của các nhà sách tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác, khi ở đó thị phần của sách văn học dịch rất cao. Đặc biệt các tác phẩm văn học dịch đương đại càng ngày càng được cặp nhật rất kịp thời. Nhiều tác phẩm văn học nước ngoài, nhất là những tác phẩm được giải thưởng, kể cả giải Nobel, đã nhanh chóng hiện diện tại Việt Nam. Nếu như trước kia người đọc Việt Nam chỉ được đọc những tác phẩm của các nền văn học lớn như Trung Quốc, Nga, Anh Pháp, Mỹ thì hiện nay người đọc có cơ hội được đọc các tác phẩm văn học của rất nhiều nước khác nữa trên thế giới mà lâu nay hầu như chưa được biết đến tại Việt Nam. Các tác phẩm văn học được dịch sang tiếng Việt cũng ngày càng phong phú về thể loại và đề tài, giúp người đọc Việt Nam tiếp cận toàn diện hơn, sâu sắc hơn với văn học thế giới, đồng thời tạo điều kiện cho văn học Việt Nam hòa nhập với văn học thế giới. Số lượng người đọc Việt nam mến mộ văn học nước ngoài cũng ngày càng tăng, điều này được thể hiện ở sức mua và việc tái bản các tác phẩm văn học nước ngoài đã được dịch sang tiếng Việt. Có được những kết quả nói trên là nhờ công sức, nỗ lực của đội ngũ những người dịch văn học, đội ngũ này ngày càng đông đảo, càng trẻ trung, được đào tạo cẩn thận hơn, bao gồm nhiều ngôn ngữ.
Cần phải nói thẳng thế này, các tác phẩm văn học dịch được in và bán trên thị trường hiện nay hầu như là hoàn toàn tự phát, đó là kết quả của sự lựa chọn, sự thẩm định của từng dịch giả. Có thể ví dịch giả văn học như người nội trợ đi chợ sách, mua các “món sách” để chuẩn bị bữa “cơm sách” cho người đọc thưởng thức. Bữa “cơm sách” có ngon lành, có mãn nguyện, có an toàn đối với người đọc hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc dịch giả – người nội trợ có phải là dịch giả – “người nội trợ thông thái” hay không. Bởi vì, ở cái chợ bạt ngàn sách văn học với đủ các thể loại đề tài, sách có giá trị, sách hay, sách dở, thậm chí sách độc hại đều có, chọn sách nào cho đúng và cho trúng để dịch hoàn toàn phụ thuộc vào cái tâm, cái tầm và cái tài của dịch giả. Theo tôi, chọn được một cuốn sách ưng ý để dịch là người dịch đã thành công đến một nửa rồi. Và tôi tin, mỗi người dịch chúng ta là một dịch giả văn học – “người nội trợ thông thái”. Sẽ tốt hơn cho thị trường sách dịch và người đọc nếu như các dịch giả văn học có điều kiện trao đổi bàn bạc với nhau về mọi khía cạnh của đề tài sách dịch và dịch sách, trên cơ sở đó từng địch giả có thể chọn đúng và chọn trúng các tác phẩm để dịch, loại bỏ những khiếm khuyết có thể mắc phải. Tiếc rằng, hiện nay ta chưa làm được điều đó. Đã có người nói đến việc thành lập Hội những người dịch văn học, hoặc cho ra đời một tạp chí dịch thuật, nơi các dịch giả có thể trao đổi kinh nghiệm và bàn những công việc bếp núc của dịch thuật văn học. Theo tôi, đây là một ý kiến xác đáng, tuy nhiên việc thực thi không đơn giản chút nào.
Vai trò của văn học dịch đối với đời sống xã hội và văn học Việt Nam chắc ai cũng biết. Nền văn học Việt Nam, cụ thể : thơ ca Việt Nam, văn xuôi, tiểu thuyết Việt Nam, nền lý luận phê bình văn học của Việt nam, các nhà văn, nhà thơ Việt Nam và người dân Việt Nam nói chung được hưởng lợi như thế nào từ văn học dịch và dịch văn học thì chắc ai cũng biết. Xin hãy mường tượng, diện mạo của văn học Việt Nam như thế nào, văn học Việt Nam phát triển, cách tân và hòa nhập ra sao, nếu không có văn học dịch. Chính dịch văn học đã mang đến cho người đọc Việt Nam những tinh hoa và những giá trị của văn học thế giới. Tuy vẫn còn nhiều sai sót, thậm chí “sự cố”, song phải nhìn nhận một thực tế là, nếu không có đội ngũ những người dịch văn học, thì chắc người đọc Việt Nam đã và đang không được thưởng thức những hoa thơm, quả lạ văn chương thế giới, đang càng ngày càng được cặp nhật. Những “hoa thơm quả lạ” này đang chiếm một tỷ lệ rất đáng kể, thậm chí đáng nể, tại các kệ sách văn học ở các nhà sách khắp miền đất nước, trong các thư viện công cộng, trường học, thu hút một lượng người đọc rất lớn. Đó là điều ai cũng biết. Và xin lại hãy mường tượng, nền văn học Việt Nam, người đọc Việt Nam sẽ bị hụt hẫng ra sao khi dịch thuật trì trệ, những người dịch văn học hết đam mê, bỏ bễ công việc dịch thuật của mình? Hậu quả nhỡn tiền là các tác phẩm văn học của thế giới sẽ không đến được với người đọc Việt Nam và tiếp theo là những hậu quả khác. Những điều đã nói ở trên cho thấy, vai trò của văn học dịch đối với đời sống xã hội và nền văn học nước nhà quan trọng như thế nào. ấy vậy mà, những người dịch văn học ở nước ta lại không phải là đối tượng của việc xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Ứng xử như vậy với văn học dich, cụ thể là những người dịch văn học, liệu có hợp lý, hợp tình và công bằng. Xin nhấn mạnh rằng, đây không đơn thuần là vấn đề giải thưởng, mà là vấn đề đánh giá, nhìn nhận, tôn vinh vai trò và vị trí của những người dịch văn học và văn học dịch nói chung ở Việt Nam.
Nguồn: Nhavantphcm