Ngoài tư cách dịch giả, Trần Đình Hiến là một nhà giáo có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa, ngôn ngữ Trung Quốc. Gần đây, cái tên này được gắn với sự kiện nhà văn Mạc Ngôn đạt giải Nobel nhưng ít ai hiểu ông nghĩ gì khi đọc văn Mạc Ngôn.

Dịch giả Trần Đình Hiến năm nay đã bước sang tuổi 80, tuổi trẻ hoàn toàn “không được biết đến”. Cái tên Trần Đình Hiến được nhiều độc giả nhắc tới qua những bản dịch tạo nên tiếng vang như “Đàn hương hình”, “Cây tỏi nổi giận”, “Báu vật của đời” của Mạc Ngôn và “Cây không gió” (Lý Nhuệ) hay “Tô tem sói” (Khương Nhung).

Ông là người có công lớn trên hành trình đưa những tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc vào Việt Nam cũng như giúp độc giả Việt Nam đến gần hơn với cây đại thụ Mạc Ngôn. Trong phần giao lưu với khán giả tại trung tâm TPD (Hà Nội) chiều 3/11 sau khi xem bộ phim “Cao lương đỏ”, dịch giả Trần Đình Hiến cùng nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn đã có buổi trò chuyện với khán giả. Hiện nay, dịch giả Trần Đình Hiến đang trong quá trình chuyển ngữ tiểu thuyết “Cao lương đỏ”.

“Mạc Ngôn thành nhà văn lớn vì đói quá”

Trong câu chuyện lí giải vì sao Mạc Ngôn xứng đáng với giải Nobel danh giá mà nhiều độc giả không phục, dịch giả Trần Đình Hiến có đưa ra 3 lý do mà theo ông là có thể “trả lời đầy đủ và thuyết phục nhất”.

Thứ nhất là thất học, nhà văn chỉ học hết lớp 5, sau này ông không viết bằng giấy mực mà dùng “phúc cảo”. Nghe thì vô lí, thất học sao trở thành nhà văn được, ấy vậy mà “tái ông thất mã”, dù thất học vốn chữ nho không đủ để viết truyện nhưng ông được “tắm” trong vùng quê Cao Mật toàn những truyền thuyết. “Nếu Mạc Ngôn nhiều chữ quá có khi cũng không sáng tác được vì chữ kéo văn đi mất”, dịch giả bông đùa. Còn lí do đến với nghề viết của Mạc Ngôn cũng kì lạ, không giống ai đó là vì “đói quá”. Cái nghèo cứ bám riết lấy người dân quê ông, đói đến mức người nông dân đi làm đồng giờ nghỉ giải lao kể chuyện về món ăn để nước miếng tứa ra cho đỡ cồn cào. Trong một lần vui chuyện, Mạc Ngôn được nghe kể: “Làm nhà văn không thường đâu nhé, một ngày được ăn tận… ba bữa sủi cảo”. Thấy “kinh hoàng” quá, thèm quá ông quyết thành một nhà văn để được ăn no!

Câu chuyện của dịch giả Trần Đình Hiến thật mà tưởng như bông đùa nhưng không chỉ có nghèo, đói, ít học bởi giữa hàng triệu thanh niên Cao Mật ít chữ chỉ có mình Mạc Ngôn đạt giải Nobel. Bởi ông có “tố chất văn chương” mà không phải ai cũng có được, dịch giả gật gù khâm phục.

Dịch giả Trần Đình Hiến giới thiệu bản gốc tiểu thuyết Báu vật của đời (Mạc Ngôn)

“Văn Mạc Ngôn thật lắm, đau đời lắm!”

Chính cái đói, cái nghèo ấy giúp Mạc Ngôn viết nên những trang văn hiện thực đầy khổ đau, bất hạnh như dịch giả Trần Đình Hiến lý giải: “Không phải ai cũng viết về hiện thực được đâu. Tôi sẽ dùng chính câu nói của Mạc Ngôn để chứng minh: Đỗ Phủ cả đời uống rượu nấu bằng trấu thì làm sao có thơ bay bổng như Lý Bạch được. Phải sống khổ mới viết về cái khổ hay được”. Trong câu chuyện của mình, Trần Đình Hiến có kể, năm 2005 một trường đại học ở Đài Loan có đề nghị trao học vị tiến sĩ cho Mạc Ngôn, nhà văn đã quả quyết nói: “Nếu trao cho tôi vì nói thật tôi xin nhận, còn về kiến văn hay thứ khác tôi không nhận vì tôi chỉ nói thật”. Theo dịch giả, “Mạc Ngôn biết cách nói thật, đó là cái kém của chúng ta”.

Trong cuộc nói chuyện xung quanh tiểu thuyết “Cao lương đỏ” và bộ phim cùng tên, Trần Đình Hiến hơn một lần khẳng định: “Mạc Ngôn viết dữ, dữ lắm nhưng rất nhân văn”. Nhiều người Việt ta nghĩ rằng, nhà văn Trung Quốc được viết thật vì nước họ không có vùng cấm nhưng không phải. “Mạc Ngôn vượt ra ngoài những vùng cấm bằng giọng văn “tưng tửng”. Anh ta viết cứ “tưng tửng” mà đọc rất đau, đều là nỗi đau đời cả vì có những chuyện rất giống nước mình. Tôi dịch được văn của anh ta không phải vận dụng cái này hay cái khác để đồng cảm đâu. Lúc nào tôi cũng thấy như chuyện nhà mình vậy”.

Dù đã chuyển ngữ thành công nhiều tiểu thuyết của nhà văn đạt giải Nobel song dịch giả Trần Đình Hiến không ngần ngại thuật lại câu nói của Mạc Ngôn: “Để hiểu tôi chỉ nên đọc Báu vật của đời (Phong nhũ phì đồn – Vú to mông nẩy)”, chỉ tác phẩm đó mới đúng là Mạc Ngôn, thật đến mức chẳng còn gì hoa mĩ.

Và dịch giả Trần Đình Hiến cũng rất thật khi khẳng định: “Đừng bao giờ nghĩ đến việc cấm truyền bá văn hóa Trung Quốc bởi muốn làm bạn với người Tàu hay cạnh tranh với họ trước hết phải hiểu văn hóa nước họ đã”.

Nguồn: Dantri