Dịch giả Thúy Toàn, Giám đốc Quỹ hỗ trợ quảng bá Văn học Việt – Nga, chia sẻ với eVan về đội ngũ dịch giả trẻ, việc phục hưng các thế hệ dịch giả tiếng Nga và xúc tiến các hoạt động quảng bá văn học Việt – Nga thời gian tới.
Đội ngũ dịch giả trẻ: Chưa mấy người thực sự say mê
– Có thể nói cả sự nghiệp văn học của ông gắn liền với nước Nga, ông cho đó là duyên nợ hay sự lựa chọn tỉnh táo của ông từ thời trẻ?
– Thế hệ chúng tôi hầu hết được học tiếng Nga, khi được đi Liên Xô học đại học, tôi được học tiếp để về làm giáo viên ngoại ngữ. “Công cụ lao động” của tôi chỉ là ngôn ngữ. Chính vì vậy mà cái chuyện dịch mở ra ngay trước mắt. Bắt đầu từ những cái lặt vặt và rồi “điếc không sợ súng” bập ngay vào tác phẩm của các thiên tài như Puskin, Lermontov… Tất nhiên nhờ có thầy, có bạn, có sách vở, có môi trường đời sống xã hội, mà mình hiểu được tương đối sâu sắc một số tác phẩm đầu tiên của các vị. Hiểu rồi đi đến yêu mến, nhập tâm và rồi cũng muốn cho người khác – nghĩa là bà con mình, bạn bè mình ở nhà, cũng biết và yêu mến những điều mình yêu mến…
Ở đây nói là gặp cái duyên cũng đúng, là một sự lựa chọn tỉnh táo cũng có phần đúng. Nhưng có lẽ gọi là cái số Trời đã định là đúng nhất.
– Ở Việt Nam, có một thế hệ dịch giả mới đang hình thành. Theo ông, đâu là mặt mạnh, mặt yếu của họ?
– Thế hệ dịch giả trẻ ở ta càng ngày càng đông, có nhiều người có trình độ học vấn cao, được đào tạo đến nơi đến chốn và không kém phần nhiệt tình… Nhưng hình như chưa mấy người thực sự say mê cống hiến hết mình cho một công việc. Cái gì họ cũng có khả năng và cũng muốn thể hiện mình ở lĩnh vực đó. Họ lại bị chi phối nhiều quá bởi cuộc sống thực tại. Ít người chọn cho mình chỉ một công việc dịch văn học. Và hình như các bạn trẻ, vì giỏi nên hay chủ quan, không thực sự coi công việc dịch văn học là một lao động nhọc nhằn, nghiêm túc…
Dịch giả Thúy Toàn.
– Ông có cảm nhận gì về những bản dịch tác phẩm văn học tiếng Nga của các dịch giả trẻ?
– Với quỹ thời gian ít ỏi của mình, tôi có đọc, nhưng không được bao nhiêu. Tất nhiên ở mỗi bản dịch tôi đều thấy có điều cần nói: hay có, dở có. Nhưng ở đây không thể đi vào cụ thể. Chỉ có thể nói chung đôi nét: Chưa có những bản dịch nổi bật về văn chương. Bên cạnh đó để lộ nhiều sai sót đơn giản không đáng có, rõ ràng do lỗi chủ quan của người dịch, chưa thật cẩn thận, chưa tra cứu đến nơi đến chốn, lơ đễnh, vô ý. Mọi cái đó đều có thể khắc phục được. Chỉ mong sẽ có nhiều người dịch thực sự tâm huyết gắn bó với nghề.
– Theo ông, họ có thuận lợi và khó khăn gì so với lớp dịch giả thế hệ các ông?
– Công việc dịch văn học thời nào cũng khó, bởi đó là công việc lao động sáng tạo, mà lại sáng tạo nghệ thuật. Và nếu nói sáng tạo nghệ thuật là đơn chiếc, thì sản phẩm nghệ thuật dịch từ xưa đến nay đều đã phải cạnh tranh, đang phải cạnh tranh, sẽ phải cạnh tranh… Một bài thơ Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu có biết bao bản dịch. Giữa các bản dịch ấy có sự cạnh tranh rõ ràng. Tôi nghĩ nhiều đến “cạnh tranh” đó. Còn “cạnh tranh” theo nghĩa hàng hoá bán chạy như trên thị trường sách ngày nay thì lại là chuyện khác.
Những người dịch văn học vì văn học nghệ thuật và những người dịch sách văn học để bán ở thị trường có cách nghĩ và giải quyết công việc của mình một cách khác nhau. Tôi không dám lạm bàn.
Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt – Nga: Đi lên từ số 0
– Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam – văn học Nga vừa được thành lập. Ai là người có sáng kiến thành lập Quỹ này?
– Sáng kiến thành lập Quỹ là của nhiều người lâu nay vẫn gắn bó với văn hóa, văn học Nga. Tất nhiên có đề xuất từ những người trong Hội đồng văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam từ khóa trước. Bước đi đến hiện thực ý tưởng là từ sau chuyến Tổng thống Nga tới thăm Việt Nam và trong các cuộc gặp gỡ với anh chị em lưu học sinh ở Liên Xô, Nga.
– Nguồn kinh phí của Quỹ đến từ đâu thưa ông?
– Quỹ bắt đầu từ số không. Nhưng nhờ sự đóng góp của bạn bè và sức lực anh chị em tham gia xây dựng mà ngay trong ngày ra mắt Quỹ đã có được sản phẩm đầu tiên: Tập tác phẩm Marian Tkachev người bạn tài hoa và chí tình gồm tuyển các bài viết của nhà văn dịch giả Nga M.Tkachev, người suốt đời gắn bó với văn học, văn hoá Việt Nam… Đến nay, Quỹ lại đã nhìn thấy triển vọng tài chính từ Quỹ Tổng thống Nga để bắt tay vào thực hiện chương trình dịch sách do Hội Nhà văn Việt Nam đề xuất và phía Nga đã có trả lời chấp thuận.
Dịch giả Thúy Toàn giới thiệu cuốn.
Dịch giả Thúy Toàn giới thiệu cuốn Marian Tkachev người bạn tài hoa và chí tình.
– Vậy Hội Nhà văn Việt Nam có vai trò gì trong việc chỉ đạo hoạt động của Quỹ?
– Vai trò rất to lớn. Bởi thực chất Quỹ do Hội chỉ đạo từ bước vận động đến ra quyết định thành lập, ra mắt. Đi vào hoạt động, theo quy chế của Quỹ, Ban điều hành đều phải trình bày kế hoạch thực hiện lên Ban chấp hành Hội và được sự đồng ý của Ban chấp hành, Quỹ mới bắt tay vào thực hiện.
– Trong kế hoạch hoạt động của Quỹ có nội dung phối hợp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ dịch giả trẻ, vậy tiêu chí gì để Quỹ lựa chọn cho đầu vào?
– Quỹ mong tìm được những người có nguyện vọng tham gia lĩnh vực dịch văn học, biết tiếng Nga, có khả năng, chấp nhận các chương trình đào tạo dài hạn, ngắn hạn… Sau khi thương lượng và có sự chấp nhận, Quỹ sẽ trình Ban chấp hành Hội Nhà văn thông qua và đề xuất với Cục Đào tạo, Bộ Giáo dục – đào tạo để xin học bổng.
– Ông có thể chia sẻ một số hoạt động cụ thể sẽ được Quỹ hiện thực hóa trong năm nay?
– Trong năm nay Quỹ sẽ kiện toàn tổ chức để có đầy đủ tư cách pháp nhân, điều kiện làm việc. Quỹ cũng sẽ bắt tay vào các bước để thực hiện kế hoạch dịch các tác phẩm văn học Nga (cổ điển và hiện đại) và 5 tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Nga trong chương trình xuất bản của Nga. Bên cạnh đó là hoàn chỉnh hệ thống tư liệu liên quan đến công việc của Quỹ…
Nguyễn Xuân Thủy thực hiện