Viện Văn học vừa tổ chức tọa đàm “Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” nhằm tôn vinh dịch giả quá cố Nguyễn Trung Đức. “Trăm năm cô đơn”, do ông là đồng dịch giả, được Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục trao giải sách hay về văn học năm 2012.

Từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước dịch giả Nguyễn Trung Đức đã miệt mài dịch những tác phẩm hiện thực huyền ảo quan trọng của văn học Mỹ Latin.

“Cú sốc” đầu tiên mà dịch giả Nguyễn Trung Đức tạo ra đối với văn học Việt Nam có tên “Sự tráo trở của phương pháp” (tác giả: Alejo Carpentier, dịch giả: Nguyễn Trung Đức) in năm 1981. Tờ Newsweek giới thiệu về cuốn sách như thế này: “Văn phong lạ lùng, bút pháp quái dị, trừu tượng chen huyền ảo… những yếu tố đã làm Sự tráo trở của phương pháp trở thành bất hủ và đưa tác giả của nó Alejo Carpentier, trở thành một trong những bậc thầy của văn học tiếng Tây Ban Nha”.

Trước khi xuất hiện “Sự tráo trở của phương pháp”, văn học Việt Nam vốn chỉ quen thuộc với lối tư duy trắng đen rõ ràng, thì lúc đó, cuốn sách dịch này “giống như một phát nổ. Xa lạ, khó hiểu nhưng hấp dẫn” (lời Tiến sĩ văn học Đào Tuấn Ảnh).

Bản dịch Trăm năm cô đơn có sự tham gia của dịch giả Nguyễn Trung Đức

Nguyễn Trung Đức xuất thân là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam. Từ năm 1974 ông bắt đầu vào làm việc tại ban văn học thế giới thuộc Viện Văn học. Trong cuộc đời dịch thuật 17 năm của mình, Trung Đức là tác giả của phần lớn các tác phẩm văn học Mỹ Latin từng xuất bản ở Việt Nam. Danh sách các nhà văn được ông chuyển ngữ gồm có: Alejo Carpentier, Marquez, Octavio Paz và Luis Borges. Riêng với G.G. Marquez – nhà văn mà ông tôn sùng, Trung Đức đã dịch 7 tiểu thuyết và hơn 50 truyện ngắn.

Số phận những bản dịch của ông không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Tiến sĩ Đào Tuấn Ảnh kể rằng: lần đầu tiên “Tình yêu thời thổ tả” được in ra, chưa kịp phát hành thì có lệnh cấm. Toàn bộ số sách khi đó bị đem nghiền thành vụn giấy. Phải đến 8 năm sau (1995) cuốn sách này mới chính thức được phát hành. Số phận của “Trăm năm cô đơn” cũng không khá hơn. Khi mới xuất hiện nó bị chỉ trích rất dữ, người ta còn đồng hóa nó với sách khiêu dâm.

Ngay từ những tác phẩm dịch đầu tiên của mình, Nguyễn Trung Đức đã không chọn lối đi an toàn. Sách chống Mỹ và độc tài của Mỹ Latin khi đó không hiếm, ông lại chọn những cuốn thuộc dòng văn học hiện thực huyền ảo – là thứ mà lúc đó rất xa lạ với mặt bằng văn học Việt Nam. Bản thân ông vừa là dịch giả, nhà nghiên cứu, và nhà văn, Trung Đức là một đảm bảo lý tưởng cho những cuốn sách dịch chất lượng, và có khi “xuất thần” (chữ dùng của nhà thơ Thanh Thảo). Với mỗi đầu sách ông đều có bài giới thiệu, phân tích công phu và khái quát thành hệ thống thi pháp đặc trưng của nền văn học đó. Từng chút một, những bản dịch của Trung Đức đã góp phần không nhỏ làm thay đổi quan niệm thẩm mỹ của nhiều thế hệ nhà văn, rằng: từ nay họ có thể viết khác đi. Đồng thời cũng làm thay đổi quan niệm thẩm mỹ của người đọc, rằng: văn học không chỉ có thế: đúng, sai, phải, trái, trắng, đen… Dịch giả Cao Việt Dũng cũng đánh giá: Nếu đầu những năm 80 không có những bản dịch của Trung Đức thì văn học Việt Nam sẽ khác đi. Những tác phẩm của G.Marquez đều có khả năng truyền cảm hứng rất lớn. Nhìn vào lịch sử văn học giai đoạn đó, có những nhà văn đã thay đổi hoàn toàn cách viết.

Và đến tận ngày nay, ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong các tác phẩm của G. Marquez vẫn còn là một dòng chảy ngầm mạnh mẽ. Có thể tìm thấy bóng dáng của nó qua những sáng tác của Nguyễn Bình Phương. Hoặc qua tiểu thuyết “Sông” mới đây nhất của Nguyễn Ngọc Tư.

Buổi tọa đàm kết thúc bằng một ý kiến rất đáng chú ý của PGS.TS Lê Huy Bắc: “Văn học Việt Nam nói không ngoa thì lẹt đẹt cách xa thế giới cả thế kỷ, nếu không có văn học dịch thì còn lâu mới có thể cập nhật để không bị lạc hậu, bởi đơn giản có mấy nhà văn ở ta có đủ trình độ ngoại ngữ để đọc được tác phẩm bằng nguyên tác. Nhưng mà trên thực tế, rất nhiều dịch giả hiện đang ‘ăn đòn’ vì những lỗi này lỗi kia vốn khó tránh khỏi trong quá trình chuyển ngữ. Một điều lạ nữa, tất cả những người đòi ‘giết’ các dịch giả đa phần đều là dân ngoại đạo, tệ hơn, không phải là người am tường về văn chương”.

Bản dịch “Trăm năm cô đơn” của văn hào Gabriel Garcia Marquez do ba dịch giả thực hiện: Nguyễn Trung Đức, Phạm Đình Lợi và Nguyễn Quốc Dũng (NXB Văn học xuất bản lần đầu năm 1986) được Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) trao giải thưởng sách hay về văn học năm 2012.

“Trăm năm cô đơn” là kiệt tác đã đem giải thưởng Nobel Văn chương năm 1982 về cho đất nước Colombia. Từ câu chuyện ở một làng quê được đặt tên Macondo, kết hợp chất liệu hiện thực và yếu tố huyền thoại, cuốn tiểu thuyết nói lên bi kịch cô đơn của một dòng họ, vì phạm tội loạn luân mà trở nên bất lực trước tình yêu và bị tuyệt diệt.

Bản dịch tiếng Việt “Trăm năm cô đơn” ra đời ngay năm đầu tiên thời kỳ Đổi mới (1986), với số lượng 10.000 bản in, đã thu hút đông đảo độc giả Việt Nam vốn chưa tiếp xúc nhiều với văn học Mỹ Latin.

Từ đó đến nay cuốn sách đã được tái bản nhiều lần. Trao giải cho bản dịch này cũng là khẳng định đóng góp của ba dịch giả nói trên, đặc biệt là dịch giả quá cố Nguyễn Trung Đức, người có nhiều công lao trong việc giới thiệu nền văn học tiếng Tây Ban Nha cho độc giả Việt Nam.

Nguồn: vnexpress.net

Exit mobile version