Căn nhà của nữ dịch giả tiếng Trung, Phạm Tú Châu, nằm lặng lẽ, yên tĩnh cuối con ngõ phố Lý Quốc Sư, Hà Nội. Khi tôi đến, bà đang ngồi gõ bàn phím dịch tập truyện ngắn mới.

Bên chiếc bàn nhỏ xinh và chiếc máy tính đã cũ, gương mặt bà phúc hậu, điềm đạm đằng sau cặp kính lão quen thuộc và mái tóc đã bạc trắng ở vào tuổi 78, trông bà như hiện thân của hình ảnh một người phụ nữ cổ xưa thanh nhàn và yên ấm.
Nhưng ít ai biết được rằng, nữ dịch giả tiếng Trung hiếm hoi ấ, đã phải trải qua không ít thăng trầm trong cuộc đời, để mỗi lần dịch được một trang sách mới là bà như đang được trút cả bầu tâm can của mình cùng những số phận nhân vật và neo lại những ám ảnh khôn nguôi trong lòng độc giả…
Nói đến bà, có lẽ một độc giả không đọc nhiều vẫn có thể nhớ được cuốn sách dịch Gót sen ba tấc (của Phùng Ký Tài) nói về phong tục bó chân của người Trung Quốc xưa, nhưng lại mang một thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc về những bí ẩn giấu cả một pho lịch sử trong bàn chân nhỏ dài 3 tấc. Một cuốn sách dịch hay được tặng thưởng văn học dịch năm 1998 nhưng dư âm của nó thì vẫn còn lưu lại cho đến tận bây giờ. Cuốn sách đã đưa tên tuổi của nữ dịch giả Phạm Tú Châu trước đó ít ai biết trở thành một hiện tượng trên diễn đàn văn học dịch và giúp bà sau đó trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Bây giờ, gặp lại nữ dịch giả ở cái tuổi cổ lai hy, nhắc lại câu chuyện ấy, bà chỉ mỉm cười đầy ý nhị. Bà cho rằng, đó là một cơ may hiếm hoi trong cuộc đời bà. Một cơ may đã thay đổi hoàn toàn số phận của một cán bộ tư liệu tại Viện Văn học trở thành một dịch giả được các NXB đặt hàng dù văn hóa đọc sách thời nay đang được coi là xuống cấp.
Bà dẫn tôi lên phòng làm việc nhỏ nhắn, đơn sơ nhưng đối với bà, nó như một thiên đường thu nhỏ, vì xung quanh toàn sách là sách. Những cuốn sách đã bị tấm áo thời gian phủ màu nhưng với bà, chúng thật sự là vô giá. Bà chỉ cho tôi những cuốn sách Hán cổ kim mà bà đã cất công sưu tầm, lưu giữ mấy chục năm nay, cả những cuốn vở quý ghi lời giảng của những bậc thầy từ thời bà còn làm việc tại Viện Văn học Việt Nam: Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Nguyễn Đức Vân, Nam Trân, Đào Phương Bình… Và điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả, là một giá sách khoảng hơn 20 đầu sách dịch riêng và hai mươi đầu sách dịch chung cùng nhiều bản thảo được bà lưu giữ cẩn thận như báu vật của riêng mình. Những tên sách đã được độc giả nhiều lứa tuổi yêu thích như: Gót sen ba tấc, Roi thần, Âm dương bát quái (của Phùng Ký Tài), Tiễn đăng tân thoại (tập truyện của Cù Hựu), Nụ hôn cuối cùng (tiểu thuyết của Vương Sóc), Trời lạnh về khuya (truyện dài của Ba Kim), Đời là như thế (tập truyện của Lưu Chấn Vân), Hồ điệp, Triết học nhân sinh của tôi (tập truyện và bút ký của Vương Mông), Biên thành (truyện vừa của Thẩm Tùng Văn), Đất dầy (tập truyện của Lý Nhuệ)…

Dịch giả Phạm Tú Châu.


Kể về câu chuyện cuộc đời đến với văn chương, học thuật của mình, PGS.TS dịch giả Phạm Tú Châu cho rằng, nó nằm trong hai chữ: ngẫu nhiên. Số phận của bà hoàn toàn do bàn tay của con tạo xoay vần chứ chẳng bao giờ được bà định sẵn hay tính toán. 18 tuổi, đang học lớp cuối cấp III thì bà được Bộ Giáo dục tuyển đi học lớp tiếng Trung tại Khu học xá Việt Nam đặt tại Trung Quốc. Học xong lớp ngắn hạn một năm thì bà tiếp tục được giữ lại vừa học vừa làm tại trường phổ thông của Khu học xá. Đó là những ngày tháng tươi sáng của một cô gái trẻ bước vào đời nhưng cũng là những năm tháng quan trọng đối với cuộc đời của bà sau này.

Bà được tiếp xúc với rất nhiều sách kinh điển của văn hóa và thơ, văn Trung Quốc, từ Khổng Tử, Mạnh Tử rồi đến Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị… Đó là một luồng gió mát lành nuôi dưỡng tâm hồn người con gái tuổi đôi mươi mới bước vào nghề. Bà bắt đầu nảy sinh tình yêu đối với văn chương trong một lần nghe thầy giáo dạy Trung văn phân tích truyện thơ cổ Khổng tước Đông Nam phi (Chim công bay về Đông Nam), kể về chuyện tình của hai người yêu nhau mà không lấy được nhau, để rồi sinh ly tử biệt. Câu chuyện vô cùng cảm động và lãng mạn đó đã ám ảnh Phạm Tú Châu để cho đến sau này, khi theo đuổi dòng văn học dịch, bà vẫn thích những câu chuyện mang tính nhân văn sâu lắng. Hễ cứ đọc được một truyện hay và hấp dẫn, bà như người bị bỏ bùa mê, ngẫm ngợi và bắt tay dịch ngay ra tiếng Việt để truyền cảm hứng của lòng mình tới độc giả.
Điều may mắn nhất của bà là được về làm việc tại một cái nôi nghiên cứu hàng đầu về văn học Việt Nam, đó là Viện Văn học. Và điều tốt nhất là bà được về Phòng Tư liệu, nơi có đủ các thể loại sách cổ kim đông tây, thứ bổ trợ kiến thức tốt nhất cho một người vốn chưa kinh qua nhiều trường lớp như bà. Năm 1969, sau khi tốt nghiệp lớp Đại học Hán văn đầu tiên do Viện Văn học mở, bà được phân công về Tổ Văn học nước ngoài của Viện, phụ trách công việc nghiên cứu văn học Trung Quốc. Đây cũng chính là ý định của Viện trưởng, nhà văn Đặng Thai Mai khi 6 năm trước, năm 1964, bà được phân công làm thư ký giúp việc cho Viện trưởng. Chính thời gian này, bà đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm và những bài học quý báu về đức độ cũng như tầm nghiên cứu khoa học của người thầy đáng kính.
Nhớ lại kỷ niệm về nhà văn Đặng Thai Mai, bà kể lại câu chuyện về thầy: ”Trong Liêu trai chí dị, Bồ Tùng Linh có kể chuyện một anh chàng họ Vương nghe nói đạo sĩ trên núi Lao có nhiều phép lạ bèn đeo bầu xách giỏ leo lên xin học để khỏi vất vả mà được sống sung sướng đầy đủ. Ròng rã mấy tháng trời, thầy chỉ giao cắt cỏ, đốn củi đến chai cả tay, tịnh không có nói năng gì đến truyền phép lạ. Anh chàng nản quá, bực mình thưa với thầy: ”Con lặn lội đến đây xin học đã vài ba tháng, thầy không dạy cho phép trường sinh bất tử thì cũng phải truyền một thuật nhỏ gì cho bõ công cắt cỏ, đốn củi hầu thầy chứ!”.
Ông thầy cười, hỏi muốn xin thuật gì, anh chàng xin học phép đi qua được tường, áng chừng sau này muốn vào trộm nhà nào cũng được. Thầy truyền câu thần chú, quả nhiên anh ta húc đầu vào tường là qua được liền. Về nhà khoe vợ, vợ bảo thử coi, nhưng anh ta chỉ bươu đầu sứt trán mà thôi. Tôi cứ như anh chàng họ Vương nhiều lần xin Giáo sư Đặng Thai Mai chỉ dẫn cho sách lý luận này nọ, học lấy một thuật nhỏ để chóng viết được một bài báo đăng tạp chí của Viện.
Ông thì tuy ở đỉnh núi Lao nhưng lại không như đạo sĩ, lần nào cũng bĩu môi cười mỉm, cái bĩu môi rất hóm nhắc tôi nhớ rằng trước hết phải đọc tác phẩm, không phải chỉ đóng khung trong văn học mà rộng ra tới lịch sử, văn hóa nói chung, phải biết cách đọc và phải đọc cho kỹ, cho tinh, cho sâu. Đọc là chọn lựa cái có ích của mình. Những sách ông giao tôi đọc, những lần ông kiểm tra chỉ bảo, tôi thấy hết cái hay, cái sắc sảo, tinh tế, hóm hỉnh dù đó là sách, hay chỉ là một đoạn tin tham khảo, một mẩu quảng cáo. Ông không muốn học trò viết ”xổi” và không bao giờ truyền tiểu kỹ cho học trò. Tiểu kỹ và viết xổi mà trót lọt được chẳng qua không nhờ thầy gà cho thì cũng là một cách lọt qua tường vào nhà người khác, lâu dài thi thố với đời ắt sẽ có phen bươu đầu mẻ trán.
Có lần Giáo sư Đặng Thai Mai chỉ cho tôi đọc một đoạn trong sách De la Littérature của Baldens Berger, trong đó, tác giả trích dẫn một câu của Goethe, ý nói: Tác phẩm viết ra chỉ xuất bản có ít, số xuất bản ra chỉ ít người đọc và những gì đọc người ta chỉ nhớ một phần. Chen vào được một phần này trong trí nhớ người đọc đâu phải dễ! Vì vậy, các thầy thường khuyên bảo chúng tôi ”Quý hồ tinh bất quý hồ đa” trong bài viết. Và tôi luôn ghi nhớ mãi điều đó trong sự nghiệp làm khoa học của mình”.
Nhắc đến những kỷ niệm khó quên với thầy Đặng Thai Mai, bà lại buông một tiếng thở dài. Bà cho rằng, hiện nay giới nghiên cứu văn học nước ngoài ở ta, cỡ tuổi như bà rồi mà thực sự nghiên cứu còn ít, ”giới thiệu pha trộn với dịch” thì nhiều, vì từ rất lâu rồi, người nghiên cứu ngay từ lúc còn trẻ mà muốn mở rộng kiến thức sang những vấn đề của ngành có liên quan – nghiên cứu liên ngành thì ít có điều kiện: kinh phí cơ quan có hạn, lại bị chia bình quân cho tất cả mọi người; lương chỉ đủ nuôi sống riêng mình, phải làm thêm việc khác, không chuyên tâm nghiên cứu sâu được…

Bà lấy làm phiền lòng khi nhận lời phản biện kín cho một luận án tiến sĩ về Thủy hử khi phát hiện người viết chỉ đọc bản dịch tác phẩm mà không đọc chính tác phẩm nên khi bình luận, người viết bình cả đoạn thơ do người dịch hứng lên thêm vào mà tưởng đó là chính văn của tác phẩm nguyên bản. Từ đó, bà thấy nản, không muốn tham gia hội đồng chấm luận án nữa. Bà tiếc khi ngày nay, có quá ít người trẻ thực sự dành hết tài năng và tâm huyết cho nghiên cứu văn học. Đó đã trở thành mầm mống cho hiện tượng sa sút về ”văn” trong đời sống hiện nay.
PGS.TS, dịch giả Phạm Tú Châu là một người điển hình cho tấm gương tự học mà nên, mà thành nghề. Cũng bởi con đường đến với khoa học và dịch thuật đầy chật vật nên bà trân trọng những giá trị thật của cuộc đời, sợ những cái ảo, những hư danh mà nhiều người ngày nay chạy theo, bất luận những cái giá phải trả đắt rẻ thế nào. Với riêng bà, dù ở tuổi 20 hay giờ đây gần 80 thì sự say mê, thận trọng, trung thực với nghề, với chính cuộc sống của mình vẫn luôn là một yếu tố tiên quyết. Tính đến nay bà đã có hàng nghìn trang sách dịch, nhiều công trình khoa học nhưng vẫn luôn tâm niệm rằng, nghề dịch là một nghề khó. Dịch để chuyển được đúng tinh thần nguyên bản đã đành, nhưng phải gắn được cái hay, cái sắc, cái tinh thần Việt vào trong bản dịch thì bản dịch mới thực sự sống lâu trong lòng độc giả. Bây giờ, mỗi ngày, bà vẫn dành khoảng bốn tiếng đồng hồ ngồi bên máy tính để làm việc.
Bà chia sẻ rằng, đó là cách bà không ngừng trau dồi vốn ngoại ngữ cũng như Hán văn, cũng là cách bà được hóa thân vào một thế giới của nhân vật vui buồn có, sướng khổ bất hạnh có để quên đi nhiều nỗi trái ngang ở cuộc đời. Bà, hơn ai hết, cũng là một người phụ nữ có nhiều nỗi bất hạnh trong đời sống lúc tuổi già, dù bà luôn cứng cỏi để bước tiếp cuộc đời và biết chấp nhận những quy luật của nhân sinh. Kể câu chuyện về đời mình, dịch giả Phạm Tú Châu cho rằng, cuộc đời, không ai nói trước điều gì, thôi thì biết sống cho người khác cũng là một điều hạnh phúc.

Trần Hoàng Thiên Kim
Theo An Ninh Thế Giới