“Tôi luôn nghe thánh thót từ nơi sâu thẳm, xa thẳm và đẹp như cổ tích một bản nhạc mê đắm của sóng vỗ, chim hót, của tiếng hoa nở, trăng trôi, mặt trời buông nắng. Rồi một ngày tôi dũng cảm, không chỉ nhón chân nghe ngóng, ngại ngần mà dang rộng vòng tay đón nhận. Bầu trời lung linh huyền ảo, gương mặt quê hương – gương mặt thơ, tình yêu của tôi hiện dần và trái tim tôi cất lên tiếng hát”.
Đó là những lời chia sẻ của dịch giả, nhà thơ, TS ngôn ngữ Hoàng Thị Vinh khi chị vừa về Hà Nội dự một hội thảo về giáo dục. Hoàng Thị Vinh sinh năm 1968 tại Hưng Tân, Hưng Nguyên – Nghệ An, hiện đang sống tại San Francisco (Mỹ). Hoàng Thị Vinh đã có một gia tài nhỏ là ba tập thơ Mưa hoa, Đóa hoa xuyên tuyết và Mây hoa.
Dịch giả – nhà thơ Hoàng Thị Vinh
Mỗi bài thơ, một cánh hoa
TS Hoàng Thị Vinh nguyên là sinh viên lớp FN285, khoa tiếng Nga, ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội). Mỗi lần về Hà Nội, những ký ức về tình bạn, tình yêu của một thời sinh viên ngoại ngữ đầy cực nhọc nhưng tươi vui và đắm mê luôn làm chị thổn thức, nhung nhớ. Đó là những ngày khi nghe ca sĩ Ái Vân hát Triệu đoá hồng (nhạc Raymond Pauls – Liên Xô) trong Tuần Văn hóa Việt Nam năm 1985 tại Moscow. Rồi ký túc xá Đại học Ngoại ngữ những năm 85 -90, nơi đó chiều thứ Bảy nào hầu như cũng vang lên bản nhạc Triệu đoá hồng. Cô sinh viên nào cũng điệu đà hơn khi bỗng dưng “Tặng một đại dương hoa hồng thắm, cho nàng ca sỹ anh yêu thầm …”, những bài hát Đàn sếu, Đôi bờ… là những bài “tủ” của sinh viên khoa tiếng Nga và lưu học sinh đi Nga mỗi dịp có sinh nhật ai đó ở ký túc xá hay liên hoan văn nghệ trường.
Là phu nhân của một nhà ngoại giao công tác tại tòa Lãnh sự Ukraine tại San Francisco (Mỹ), rồi làm viện trưởng một viện nghiên cứu, từng đưa hàng trăm học sinh du học nước ngoài…; ít ai ngờ Hoàng Thị Vinh lại đến với thơ. Ngay cả thời gian công tác tại tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn VN, chị cũng xuất hiện với vai trò biên tập và dịch giả chuyên sâu về đề tài văn học Nga.
Yêu thơ ngấm ngầm, dan díu với thơ một cách bí mật hàng chục năm trời, cho đến khi gần đây Hoàng Thị Vinh công bố liên tiếp mấy tập thơ, thì nhiều nhà văn, nhà thơ cùng công tác với chị đã giật mình vì nội lực và ngôn ngữ thơ của chị. Những câu thơ độc sáng trong không gian đàn bà đầy ám gợi và mê dụ:
Hai mươi năm tôi đứng ngã ba đường”
Nóng tay người đan khăn áo”
Vinh nói mỗi bài thơ cô nghĩ như một cánh hoa và mỗi tập thơ là “cơn mưa hoa tình yêu” để dành tặng cho cuộc sống quá đỗi mến thương. Mỗi ngày được đón nhận những bông hoa thì cuộc đời sẽ đầy hơn bởi hương thơm của sự tinh khiết, nhẹ nhàng, hạnh phúc.
Cả nhà yêu… tiếng Việt
Ông Yurii (chồng của TS Hoàng Thị Vinh) là tham tán thương mại Ukraine tại Mỹ nhưng rất yêu văn học và tiếng Việt. Ông thuộc và hát cả những câu ca dao đã đi sâu vào tâm thức người Việt. Ông chia sẻ: “Tôi đã đến thăm đất nước của các bạn và thực sự ấn tượng với quê hương của đại thi hào Nguyễn Du. Đất nước của những vần thơ giàu tính biểu cảm và giàu nhạc điệu, mặc dù chưa hiểu hết nhưng tôi vẫn thấy bừng sáng, vui vẻ ở trong lòng”.
Thật khó quên khoảnh khắc, khi Yurii nghiêng người trầm tư đọc thơ bằng tiếng Nga mà vợ ông – TS Hoàng Thị Vinh đã chuyển dịch sang lục bát.
Cách làm thơ của TS Hoàng Thị Vinh cũng nhiều điều bất ngờ và thú vị. Chị cho biết rất nhiều bài thơ ra đời vì được con gái Hoàng My “đòi hỏi” quyết liệt. Hoàng My hỏi nhiều từ về tiếng Việt và tra từ điển, không chỉ bắt mẹ giải thích ngọn ngành mà còn khơi trò “đố vui có thưởng” khi bắt mẹ làm thơ về quê hương có những tính từ, động từ đó để có những dẫn chứng, minh xác bằng chính “văn bản” tâm hồn của mẹ.
TS Hoàng Thị Vinh tâm sự: “Mình hay đi đâu xa, lại nhớ bạn, mà bạn mình chủ yếu lại là nhà thơ. Nhớ nhà thơ, nhớ bạn tức là nhớ tiếng Việt. Tiếng Việt đẹp và hiện đại, thậm chí chồng tôi còn ao ước sau một đêm trở thành người Việt để được nghe vợ đọc thơ lục bát. Kỳ diệu đến như vậy, có lẽ chỉ nghe tiếng Việt tôi mới thực sự có cảm giác là chính mình”.
Dù đã sống ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, nhưng những nét đẹp trong tiếng Việt, trong thơ Việt luôn là điều làm TS Hoàng Thị Vinh cảm thấy tự hào. Bao nhiêu năm sống xa quê hương thì cũng là bấy nhiêu thời gian người phụ nữ yêu thơ này dành thời gian cho việc giới thiệu và gìn giữ vẻ đẹp của tiếng Việt. Với chị đó là niềm hạnh phúc khó diễn tả.
Những dòng thơ của chị như một lời tâm sự, rất giản dị nhưng ý nghĩ vô cùng với nhiều người con sống xa tổ quốc:
“Nhìn về phía bên kia đại dương
Gọi thật to em sẽ nghe tiếng Việt”
(Nhìn về)
LÃNG MA
Thể thao & Văn hóa