Tôi gần như tình cờ “chộp” được Lê Sơn trong một lần họa sĩ, nhà thơ Lê Huy Quang cùng bạn bè bù khú tại một quán bia nhân ông vừa “trở về Hà Nội”. Trong lúc “trà dư tửu hậu”, ông bảo: “Là người “hành nghề” tiếng Nga có thâm niên nhiều năm, tôi có nhiều bạn đến từ Liên bang Xôviết lắm. Họ như là một phần đời không thể thiếu và có ý nghĩa trong tôi. Họ cũng để lại trong tôi nhiều kỷ niệm ấn tượng không dễ phai mờ”…
1.Khi suy nghĩ về nghề văn, dịch giả Lê Sơn bộc bạch: “Tôi ham nghiên cứu, giới thiệu và dịch văn học nước ngoài, chủ yếu là văn học Nga – Xô viết. Ngôn ngữ chính để “hành nghề” là tiếng Nga. Sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, tôi vẫn yêu quý tiếng Nga vì đó là một ngôn ngữ vĩ đại, ngôn ngữ của một nền văn học vĩ đại sẽ mãi mãi chiếm lĩnh trái tim của nhân loại.
Tôi tin rằng tiếng Nga rồi đây sẽ giành lại vị trí xứng đáng của nó. Và tôi tự hào rằng mình đã góp phần nhỏ bé vào việc duy trì và giới thiệu văn học Nga ở nước ta. Viết văn là một nghề vô cùng gian khổ nhưng cao quý. Dịch văn học với ý nghĩa đầy đủ của từ đó có thể coi là đồng sáng tạo với tác giả. Một tác phẩm dịch tâm huyết, theo tôi, cũng có vị trí ngang với một sáng tác”.
Nêu dẫn chứng trên để thấy Lê Sơn yêu tiếng Nga, văn học Nga đến mức nào. Đồng thời cũng cho thấy Lê Sơn là một người luôn coi trọng việc dịch thuật và đánh giá cao các tác phẩm được chuyển ngữ nếu được coi là “tâm huyết” đến mức nào. Qua bộc bạch trên, cũng có thể nhận ra một Lê Sơn vẫn không nguôi lạc quan về tiếng Nga nói chung và văn học Nga nói riêng khi hướng về phía trước.
Tôi gần như tình cờ “chộp” được Lê Sơn trong một lần họa sĩ, nhà thơ Lê Huy Quang cùng bạn bè bù khú tại một quán bia nhân ông vừa “trở về Hà Nội”. Trong lúc “trà dư tửu hậu”, ông bảo: “Là người “hành nghề” tiếng Nga có thâm niên nhiều năm, tôi có nhiều bạn đến từ Liên bang Xôviết lắm. Họ như là một phần đời không thể thiếu và có ý nghĩa trong tôi. Họ cũng để lại trong tôi nhiều kỷ niệm ấn tượng không dễ phai mờ”.
Rồi ông “nhái” hai câu thơ nổi tiếng của P. Nêruđa viết về Santiagô: Không thể nói về tôi mà không có Santiagô trong ấy/ Nhưng không thể nói về mình mà không có Santiagô để ứng khẩu thành: Không thể nói về tôi mà không có họ trong ấy/ Nhưng không thể nói về mình mà không có họ.
Người đầu tiên, Lê Sơn nhắc đến là GSTS, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam Niculin. Ông nói: “Ông ấy quan tâm đến văn học Việt Nam lắm và yêu Việt Nam lắm, đã tới Việt Nam đến 20 lần. Tôi có may mắn được đồng hành với ông tới 10 lần. Ông là người bạn lớn của chúng ta và không biết đến bao giờ văn học Việt Nam mới có một người bạn nữa như Niculin?”
Người thứ hai Lê Sơn nhắc đến là Phó Tổng biên tập Báo Văn học (Liên Xô) I. Barabas. Ông kể: “Quãng giữa năm 1963, tôi được nhà thơ Hoàng Trung Thông (thường vụ Hội Nhà văn) giao cho một việc: Vừa phiên dịch, vừa là hướng dẫn viên, vừa là phụ trách đưa I. Barabas đi thực tế ở Vĩnh Linh. Vì còn trẻ nên ban đầu, tôi hơi run và không khỏi lo lắng.
Đoàn chúng tôi đến Vĩnh Mốc thì bị bắt dừng lại do vô tình đi lạc vào một khu quân sự. Để giấu kín “sự cố” này và giữ yên cái bề mặt, tôi chợt nảy ra một sáng kiến và đề nghị: Trong khi chờ xác minh từ Hà Nội, chúng ta nên dựng nên một cuộc tọa đàm theo kiểu dã chiến về văn học Liên Xô. Cuối cùng, chúng tôi “thoát hiểm”, còn bạn thì rất vui. Bạn bảo: Không ngờ trong lúc chiến tranh thế này mà văn học Liên Xô vẫn có vị trí đáng kể trong lòng độc giả Việt Nam ở một vùng được coi là “tuyến lửa”.
Người thứ ba Lê Sơn nhắc đến là phóng viên thường trú tại Việt Nam, Lào, Cămpuchia của Báo Sự thật Thanh niên cộng sản Ter Grigorian. Ngay trong ngày toàn thắng 30 tháng 4 năm 1975, tại Hà Nội, Ter Grigorian đã kịp mang một két rượu Ararat (một loại cô nhắc quý của nước Cộng hòa Ácmênia) đến 27 Trần Xuân Soạn (trụ sở của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam) gặp Lê Sơn cùng những người bạn Việt Nam để mừng Việt Nam thống nhất.
Và còn nhiều người bạn Nga khác nữa…
2.Ngoài cuốn sách mang tính chất nghiên cứu “Về hình tượng nhân vật anh hùng trong văn học Xôviết” (viết chung) với tư cách là tác giả, còn hầu hết các cuốn sách đã xuất bản khác, Lê Sơn là dịch giả. Khi tôi nhắc đến tác phẩm ở dạng “lý thuyết diễn giải kinh điển” như là ấn tượng và là sách gối đầu giường của giới sáng tác một thời: “Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học” của Khrachenkô thì ông bảo: “Đấy là một trong số những cuốn sách mà tôi tâm đắc.
Có một cuốn sách nữa là tiểu thuyết “Không chốn nương thân” của Avigiux, tôi cũng tâm đắc. Có lần, khi vào Sài Gòn, có một người nhỏ tuổi hơn tôi nói với tôi: Sau khi Liên Xô sụp đổ, em buồn quá, chán quá. Do vậy, em đã loại bỏ khá nhiều sách có liên quan đến Liên Xô trong thư viện tại gia. Duy chỉ có “Không chốn nương thân” thì em vẫn giữ lại.
Tôi nghe mà thấy mát lòng. Làm văn chương nói chung mà sau nhiều năm, vẫn có người chia sẻ với mình như thế, ngẫm lại cũng thấy đáng trân trọng và cảm động. Và đối với người dịch hay người viết, còn mong gì hơn thế!”.
Từ 1967 đến nay, Lê Sơn dịch sách khá nhiều và sách dịch cũng góp phần quan trọng làm nên “sự nghiệp văn chương” của ông. Riêng từ 2001 đến 2013, ít nhất, Lê Sơn có ba cuốn sách dịch ở dạng chuyên khảo, chuyên đề là “Nỗi đau và niềm tin”, “Lương tâm nổi giận” và “Một nền văn hóa biết xấu hổ” gây được ấn tượng đặc biệt và để lại nhiều suy ngẫm đáng kể.
Trong đó, “Nỗi đau và niềm tin” được trao tặng thưởng của Hội Nhà văn năm 2001, “Lương tâm nổi giận” là một trong 5 cuốn sách bán chạy nhất trong năm của Trung tâm phát hành sách TP Hồ Chí Minh, còn “Một nền văn hóa biết xấu hổ” được giới thiệu đồng loạt trên nhiều tờ báo và được Hội Nhà văn Việt Nam mua đến trên 1.000 cuốn tặng hội viên.
Nghe đâu nhà thơ Hữu Thỉnh rất thích “Một nền văn hóa biết xấu hổ”. Ngoài tặng thưởng trên, Lê Sơn còn được nhận nhiều tặng thưởng hàng năm khác: 4 lần của Báo Văn nghệ, 3 lần của Tạp chí Văn nghệ Quân đội và 1 lần của Tạp chí Sân khấu…Công bằng mà nói, Lê Sơn hình như rất có duyên với…tặng thưởng.
Bên cạnh đó, để cập nhật với đời sống, Lê Sơn còn là cộng tác viên tích cực của nhiều tờ báo, tạp chí trong nước. Ông đã viết và dịch nhiều bài, nhiều tác phẩm ngắn đăng tải ở nhiều nơi như Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công an, Nhân dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới…
Ông bảo: “Đấy cũng là cách “lấy ngắn nuôi dài”, “lấy báo nuôi văn” theo tinh thần mà Erenbua đã chỉ ra cách nay đã lâu lắm rồi”.
3.Từ 1951, Lê Sơn là học sinh phổ thông ở Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc). Đến năm 1953, Lê Sơn là một trong 100 người được chọn đi học tiếng Nga ở Liên Xô, trong đó có những nhân vật nổi tiếng sau này như Vũ Khoan, Thúy Toàn, Đặng Nhật Minh, Hồ Huấn Nghiêm…
Sau đó một năm (1954), có 19 người được giữ lại, tiếp tục theo học Đại học Sư phạm Quốc gia Lênin, trong đó ít nhất có 3 người sau này đều trở thành dịch giả là Lê Sơn, Thúy Toàn và Vũ Thế Khôi. Từ 1961 đến 1973, Lê Sơn công tác ở Viện Văn học. Từ 1973 cho đến lúc nghỉ hưu (2003), ông chuyển nơi làm việc sang Viện Thông tin khoa học xã hội. Ông là nghiên cứu viên cao cấp và nhận học hàm Phó giáo sư năm 1984.
Ông là người nhiệt huyết và tinh thông chuyên môn, nhưng lại ít để ý đến cuộc sống thường ngày. Đây cũng là nét nghệ sĩ của Lê Sơn. Vì vậy mà có một dạo, bạn bè ông ở Viện Thông tin khoa học xã hội thường vui đùa gọi ông là “Vĩnh tồ” (Lê Sơn tên thật là Lê Xuân Vĩnh). Như nhiều văn nghệ sĩ khác, ông cũng là người trực tính và cực đoan.
Qua những lần tiếp xúc, tôi thấy bấy nhiêu lần đó, ông đều nổi giận thực sự khi nhắc đến một người từng “đạo” truyện dịch của ông đăng báo dưới một cái tên khác. Nhân đó, ông nhắc lại câu nói lúc sinh thời của nhà thơ Pháp Muýtxê: “Tôi ghét sự ăn cắp văn chương như ghét cái chết. Cái cốc của tôi tuy nhỏ, nhưng tôi chỉ uống nước trong cái cốc ấy”.
Có một chuyện đi vào giai thoại văn học có liên quan đến Lê Sơn mà nhiều người trong làng văn còn nhớ. “Đầu cua tai nheo” thế này: Vào khoảng 1966 – 1967 của thế kỷ trước, Tạp chí Văn học nước ngoài của Liên Xô có đăng một chùm thơ cùng ảnh chân dung Chế Lan Viên. Do ảnh được tách ra từ một bức ảnh chụp chung, nên Tạp chí in ảnh Lê Sơn mà cứ đinh ninh là ảnh Chế Lan Viên.
Một sự nhầm lẫn không cố ý. Nhân sự việc này, có một lần gặp Lê Sơn, Nguyễn Đình Thi đã nói vui và nói rõ to: “Chào Chế Lan Viên!”. Không phải người vừa, Chế Lan Viên phản ứng tức thì: “Ảnh dởm cũng được. Thơ dởm cũng được. Nhưng cứ rúp thật là được rồi!”.
Ở lần sinh nhật thứ 78, Lê Sơn như chưa biết đến tuổi già. Ông chọn “chốn nương thân” mới ở Sài Gòn và tiếp tục theo đuổi con đường đã chọn thật hăm hở, say mê theo kiểu của ông. Thỉnh thoảng, ông vẫn vào Nam ra Bắc và vẫn nói năng sôi nổi, khí thế như thuở nào. Ông bảo: “Phàm đã là nhà văn thì đừng nghĩ nhiều đến tuổi tác”.
Đặng Huy Giang – Văn nghệ công an