Dịch giả, nhà văn Bửu Ý
“Điện đàm” với dịch giả Bửu Ý, “Mệ dạo ni có chi vui?”. Bên kia giọng cười hiền như gió thoảng, “Ngày 4.5.2015 tới, Đại sứ Pháp sẽ vào Huế trao cho tôi Huân chương Cành cọ Hàn lâm Pháp vì những đóng góp của tôi về văn hóa, văn học nổi bật trong khối Pháp ngữ mấy chục năm qua. Chuyện ni cũng có thể coi là thay đổi không khí”. Thế là chuyện lan man, từ ngôn ngữ, văn học Pháp, đến quan điểm chuyển ngữ, sáng tác…
Từ năm 1963, bản dịch đầu tiên của Bửu Ý – “Nhật ký” của Ann Frank do An Tiêm phát hành đã xôn xao văn đàn miền Nam bởi văn phong chuyển ngữ tinh tế, đẹp, bay bướm nhưng chính xác, tôn trọng văn phong của tác giả. Sau đó, Bửu Ý tiếp tục chuyển ngữ hàng chục tác phẩm văn học qua tiếng Pháp, trong đó nhiều cuốn trở thành sách “gối đầu giường” của bao thế hệ yêu văn học người Việt như: “Đứa con đi hoang trở về” (Le retour de l’enfant prodigue, 1907) của André Gide, “Vỡ mộng” (Isabelle, 1911) của André Gide, “Dostoievski” (Dostoievski, 1923) của André Gide , “Bọn làm bạc giả” của André Gide (Nobel 1947); “Chúa tể đầm lầy” (Le Roi des Aulnes, 1970) của Michel Tournier; “Con lừa và tôi” (Platero y yo, 1914 ) của Juan Ramón Jiménez (Nobel 1956); “Thư gửi con tin” (Lettre à un otage, 1943) của Antoine de Saint-Exupéry…
Thưa, từ những năm trước 1975, khi chọn dịch những tác phẩm văn học sang tiếng Việt, tiêu chí của ông là gì?
– Trước hết là về nội dung văn hóa, nhân bản của nó. Thứ đến mới là tên tuổi của nhà văn. Đó là những tên tuổi vượt không gian, thời gian. Ngoài ra còn là hình thức văn chương của tác giả. Đó là kiểu mẫu cho độc giả. Tôi nhắm một lúc được nhiều mặt, dù tác phẩm của họ rất kén bạn đọc. Khi dịch tôi luôn nghĩ mình phải có trách nhiệm lo cho thanh niên của đất nước, đào tạo cho tâm hồn của một thế hệ thanh niên biết rung cảm trước cái đẹp. Mới đây, tôi rất vui khi đọc một bài phỏng vấn nhà văn Nguyễn Ngọc Tư về những cuốn sách để lại dấu ấn trong đời, cô bảo cuốn sách ghi dấu ấn đậm nhất cho thời thanh niên của cô là cuốn “Con lừa và tôi” của dịch giả Bửu Ý. Đó là một ví dụ ghi nhận những cuốn sách tôi chuyển ngữ gây được ảnh hưởng tốt với thế hệ bạn đọc trẻ. Họ thấy xúc động, rung cảm khi đọc những tác phẩm tôi chọn giới thiệu, vậy là thành công.
Sau 1975, nhiều tác phẩm văn học mà ông chọn dịch trước đó được một số nhà xuất bản ở phía Bắc chọn dịch lại, ông có đọc những tác phẩm dịch này không? Và ông nhận xét gì về những bản dịch này?
– Thật sự là tôi chưa có thì giờ để đọc những bản dịch đó nên không thể nhận xét. Nhưng tôi thấy một điều: Tác phẩm giá trị thường được nhiều người chọn dịch. Mỗi dịch giả có trình độ văn hóa, ngôn ngữ khác nhau, có cách làm việc riêng, nên có khác biệt trong các bản dịch là chuyện thường tình. Vấn đề là, với các tác phẩm văn chương đích thực thì dù ở miền Nam hay miền Bắc, dù trước hay sau năm 1975, đều được chúng ta yêu quý, trân trọng và chọn dịch để giới thiệu với công chúng.
Có lần ông thừa nhận là mình viết rất chậm, vậy dịch thì sao?
– Tôi dịch cũng rất chậm, thường một ngày chỉ dịch được khoảng 10 trang. Về mặt dịch, tôi cho rằng, chậm là cần thiết bởi nhanh quá sẽ cạn tiếng Việt. Có nhiều từ tiếng Việt thông dụng, sử dụng hàng ngày, nhưng khi dịch nhiều và căng quá tự nhiên quên mất những từ đó, lại chọn từ khác không hay bằng. Tôi quan niệm giỏi ngoại ngữ không thôi thì không thể dịch hay được. Muốn dịch hay mình phải giỏi cả tiếng Việt nữa. Lấy ví dụ cuốn “Chúa tể đầm lầy”, ngay cái đề “Le Roi Des Aulnes”, bản thân chữ “Aulne” là một loại cây mọc ở đầm lầy, tự điển dịch là cây Trăn. Nếu dịch là “Vua cây trăn” thì chắc chắn không ai hiểu gì cả. Cho nên dựa vào nội dung tôi phải dịch là “Chúa tể đầm lầy”.
Tiếng Việt của Bửu Ý phong phú, đẹp, cầu kỳ. Ông cùng với những Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường… mỗi người một vẻ làm nên một thế hệ người Huế khó bề gặp lại về sự lóng lánh của chữ nghĩa. Ông bảo: “Tôi là người luôn ưu tư về vấn đề văn hóa trong nghĩa cao và đẹp nhất. Tôi luôn nghĩ làm sao để nước mình có một nền văn học có văn hóa cao và xã hội luôn có những con người biết quý trọng văn hóa. Mà muốn làm được như vậy thì ngay hình thức của những tác phẩm mình chuyển ngữ, những điều mình viết ra trước hết phải có sự săn sóc về chữ nghĩa sao cho đẹp. Thêm nữa đừng có chủ quan vì người đọc rất tinh tường, nếu mình không cẩn trọng, chữ mình không đẹp thì người ta sẽ coi nhẹ, không thèm đọc mình nữa”.
Trước 1975, không chỉ dịch mà ông còn sáng tác. Thời điểm đó ông có nghĩ đến chuyện văn chương Nam – Bắc khi sáng tác cũng như chọn tác phẩm để dịch?
– Như tôi đã nói, văn chương đích thực thì không phân biệt Nam – Bắc. Những cái tôi có trong đầu, cũng như những cái tôi viết ra đều không có sự phân chia Nam – Bắc. Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ những tác phẩm văn học mình chọn dịch hay những điều mình viết ra là để phục vụ cho chế độ hay thế lực chính trị nào đó. Vì tôi cho rằng, cái đẹp, những giá trị cơ bản nhất của con người viết hoa dù ở đâu, dưới chế độ nào cũng dễ tìm, dễ gặp gỡ với các nền văn hóa khác và đó là điều tôi luôn đi tìm, hướng tới.
Tôi nghĩ rằng ở miền Bắc lúc đó, chắc cũng có rất nhiều người có cùng suy nghĩ như tôi. Cũng giống như thể Trịnh Công Sơn viết ca từ. Làm ca từ khó lắm bởi viết thì còn lách được chứ ca từ thì khó mà lách. Vậy mà lúc đó Trịnh Công Sơn đã đi giữa những lằn đạn rất là nguy hiểm. Ví dụ dùng chữ “nội chiến” chẳng hạn. Hay “Viết cho một người nằm xuống”, viết về anh Lưu Kim Cương – một sĩ quan chế độ cũ là bạn anh. Tôi nghĩ Trịnh Công Sơn đã qua rất nhiều đêm trằn trọc, rằng những bài nhạc mang những từ ngữ, cách nói như thế liệu có tồn tại được không? Và sau khi suy nghĩ rồi vẫn giữ như vậy. Và rõ ràng, cho đến ngày hôm nay, chúng ta thấy rằng, những tác phẩm của Trịnh Công Sơn đã vượt ra khỏi miền Nam, vượt ra khỏi miền Bắc. Ở trong cuộc chiến, nhưng Trịnh Công Sơn đã viết cho sau cuộc chiến, cho thời này. Càng đọc, càng ngấm, càng suy nghĩ. “Cờ bay trăm ngọn cờ bay” là chuyện của hôm nay, chuyện của mai sau…
Trước, sau ngày đất nước thống nhất và cho đến bây giờ, mặc dù sống qua hai chế độ với nhiều độ vênh về thể chế, tư tưởng, xã hội, con người… nhưng theo dõi các bản dịch và sáng tác của ông trên các tạp chí Mai, Văn, Diễn đàn, Phố Văn (trước 1975) và các báo, tạp chí Sông Hương, Tia Sáng, Liễu Quán, Văn hóa Phật Giáo, Tuổi Trẻ, Đại học Huế…. (sau 1975), tôi thấy ông vẫn giữ một quan điểm, điều này nói lên điều gì?
– Như đã nói, tôi là người luôn luôn ưu tư về vấn đề văn hóa trong nghĩa cao và đẹp nhất. Và trọng tâm về văn hóa trong tôi bền vững, chiếm vị trí quá quan trọng trong suy nghĩ, cảm nghĩ. Con người có hai mặt, lớp trên và lớp dưới, con người sâu xa và con người biểu tượng hay là con người hoàn cảnh. Những va đập, thay đổi… thường chỉ đụng đến con người bên trên của tôi và những thay đổi đó sẽ loãng dần đi trong cuộc sống theo thời gian và không bao giờ đụng đến được con người bề sâu của mình.
Ông nghĩ gì về tháng 4 năm nay, dịp kỷ niệm tròn 40 năm nước nhà thống nhất?
– Mấy hôm nay tôi ưu tư, tròn 40 năm Nam – Bắc thống nhất một mối, nhưng mình đã làm được gì nhiều chưa nếu nhìn vào thực tế xã hội hiện nay? Giới có trách nhiệm nên ưu tư, khắc khoải hơn để làm sao có câu trả lời có ích cho xã hội. Vấn đề nữa là trên mặt địa lý chúng ta đã thống nhất Bắc – Nam, nhưng sau 40 năm, lòng, tâm trí con người ở trong nước và hải ngoại đã thật sự thống nhất chưa?
Với văn chương nghệ thuật, liệu đến thời điểm này, đã ai thừa nhận những tài năng văn học nở rộ từ năm 1954 -1975 với những nhóm “Sáng tạo”, “Thế kỷ 20”, “Văn nghệ”… cùng những Thanh Tâm Tuyền, Thái Tuấn, Tô Thùy Uyên… Một trong những lý do cơ bản khiến những con người này không được thừa nhận tác phẩm là do họ “trốn chạy” miền Bắc để di cư vào miền Nam trước giải phóng. Hòa hợp, hòa giải là vấn đề chúng ta đã đặt ra từ nhiều năm nay nhưng kết quả thu được vẫn còn hạn chế. Đã đến lúc cần sự bao dung hơn…
Xin cảm ơn ông!
Dịch giả, nhà văn, nhà giáo Bửu Ý, tên đầy đủ Nguyễn Phước Bửu Ý, sinh năm 1937 tại Thừa Thiên – Huế. Ông là chắt nội của nhà thơ Tuy Lý Vương. Ông học Pháp văn tại Huế, từng giữ chức Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Sư phạm Huế. Ông tham gia nhiều lĩnh vực xã hội, dạy học, nghiên cứu nghệ thuật, viết văn, dịch sách, đặc biệt là mảng tư liệu và văn học Pháp. Ngoài chuyển ngữ hàng chục tác phẩm văn học Pháp, Bửu Ý còn dịch và biên tập hàng vạn trang “Bulletin des Amis du Vieux Huế” (Tập san “Đô thành hiếu cổ” – B.A.V.H). Năm 1992, Đại học Paris VII mời ông sang giảng về văn học Pháp. Mới đây, ông xuất bản một lúc 3 cuốn sách: “Nước chảy qua cầu”, “Ngày tháng thênh thang” và “Tâm tình với Trịnh Công Sơn”…
Theo Hoàng Văn Minh – Lao động cuối tuần (18/04/2015)