Chưa bao giờ sách dịch, văn học dịch nở rộ như hiện nay. Nhưng, cũng chưa bao giờ người đọc phải căng óc tiếp xúc với nhiều bản dịch “dưới chuẩn” như hiện nay. Trong số đó, có không ít những tác phẩm dịch, đọc xong bản tiếng Việt, độc giả có cảm giác hình như mình quá kém, bởi chẳng hiểu tác giả muốn nói gì. Phần hạn chế, đa phần thuộc về người dịch…
Bản dịch có chất lượng đang thiếu vắng
Nguyễn Hồng Lam
Tôi rất thích hai câu thơ của Trương Nam Hương: “Biết làm sao dịch được/ Hoàng hôn hay máu chiều”. Quả thật, dịch thuật là cả một quá trình sáng tạo đầy những trăn trở, không đơn thuần chỉ là chuyện chuyển nghĩa.
Chưa bao giờ sách dịch, văn học dịch nở rộ như hiện nay. Nhưng, cũng chưa bao giờ người đọc phải căng óc tiếp xúc với nhiều bản dịch “dưới chuẩn” như hiện nay. Trong số đó, có không ít những tác phẩm dịch, đọc xong bản tiếng Việt, độc giả có cảm giác hình như mình quá kém, bởi chẳng hiểu tác giả muốn nói gì. Phần hạn chế, đa phần thuộc về người dịch.
Bản dịch tiếng Việt tiểu thuyết “Lolita” từng bị dư luận chỉ trích vì những sai sót.
Từ thập niên 90 của thế kỷ XX trở về trước, mỗi khi tiếp xúc với sách dịch, dù là triết học, tiểu thuyết hay thi ca, người đọc đều cảm thấy yên tâm, bởi gần như chắc chắn khi đã được in thành sách, in lên báo, tác phẩm nước ngoài đã được Việt hóa ở mức độ cao. Đội ngũ “dịch giả” ngày trước không hẳn đã nhiều, song đều là những người cự phách.
Trước hết, họ không chỉ giỏi ngoại ngữ, họ còn rất giỏi tiếng Việt. Dịch giả đồng thời cũng mang đầy đủ phẩm chất của một nhà văn, nhà thơ. Nguyên tác được họ chuyển ngữ sang tiếng Việt vừa giữ lại được đầy đủ hồn cốt, phong cách của tác giả, đồng thời lại trở nên gần gũi, quen thuộc với bạn đọc Việt Nam. Đó là khi người ta đọc được cả những rui, mè, kèo, cột… từ một tác phẩm văn học Nga viết về vùng sông Đông.
Đó cũng là khi tác phẩm trứ danh “For whom the bell tolls” của nhà văn Mỹ Ernest Miller Hemingway được đưa đến cho người đọc Việt bằng phiên bản tiếng Việt “Chuông nguyện hồn ai”. Một tựa sách được dịch không thể đẹp hơn, thuần Việt hơn, dù vẫn rất chính xác, nếu so sánh với hai bản dịch ra đời trước, tựa tiểu thuyết được gọi là “Vì ai chuông kêu” và bản kia là “Hồi chuông cáo phó dành cho ai vậy”.
Bây giờ, đội ngũ dịch thuật đông đảo, có thể giỏi ngọai ngữ nhưng không thạo tiếng Việt. Vắt óc, tôi vẫn không tài nào hiểu nổi “Những đốm men gan trên mặt” là gì. Bởi lẽ, “đốm men gan” là cách chuyển nghĩa chính xác từng từ mà người dịch đã dịch chữ “liver spots”, trong khi nếu dịch để cho người Việt hiểu và quen thuộc, nó phải là “những vết tàn nhang” vốn ưa xuất hiện trên khuôn mặt.
Dịch thuật, nhất là dịch văn học cũng cần phải được xem như một quá trình đồng sáng tạo, chứ không chỉ là chuyển nghĩa. Sự sáng tạo đôi khi tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại giúp “tỏa sáng” tác phẩm trong hiểu biết và cảm xúc của những người đọc không cùng ngôn ngữ. Tôi cho rằng, không thể tuyệt vời hơn, khi tác phẩm “Blue and Green” được dịch thành “Hai màu xanh” chứ không bám từng từ là “Xanh lam và xanh lục”. Đáng tiếc, hiện tại những sáng tạo như thế hình như quá ít.
Tiếp xúc với sách vở là tiếp xúc với những nền văn minh, văn hóa khác, thời đại khác. Thế giới phẳng nhờ sự giao thoa, tương tác văn minh, văn hóa. Theo nghĩa đó, người dịch không chỉ làm công việc dịch thuật, họ còn là cầu nối tri thức văn hóa nhân loại và thời đại. Những năm 80 của thế kỷ XX trở về trước, trước mỗi tác phẩm dịch, lời giới thiệu luôn là một công trình khảo cứu công phu của người dịch giành cho độc giả. Người dịch đồng thời cũng là nhà chuyên môn, một chuyên gia về lĩnh vực và tác giả cuốn sách mà họ chuyển ngữ và giới thiệu.
Cùng với tác giả, dịch giả cũng là những người thầy khi đem tác phẩm đến cho người đọc. Hiện nay thì không hẳn. Người dịch khó có thể gọi là dịch giả, khi họ chỉ giỏi ngoại ngữ mà chưa chắc đã giỏi tiếng Việt, công việc dịch thuật không đồng nghĩa với quá trình đồng sáng tạo, đồng thời họ cũng chưa chắc đã biết gì nhiều về tác giả và những trào lưu, khuynh hướng, thời đại, bối cảnh và tri trức chuyên môn được đề cập trong cuốn sách họ dịch.
Nếu thật sự người dịch có trách nhiệm hơn, say nghề hơn, tôi tin khắc phục ba nhược điểm trên, dù khó cũng không phải là chuyện khó đến mức không thể làm được. Và chỉ khi đó, người dịch mới xứng đáng được gọi là dịch giả.
Dịch giả Thiên Lương: “Nghề dịch có nhục có vinh”
Minh Hòa (thực hiện)
– Ba năm trước anh được biết đến vì sự kiện phê bình bản dịch “Lolita” và việc đạo chú thích của dịch giả Dương Tường. Sau đó anh đã bỏ gần hai năm ra dịch lại toàn bộ tác phẩm vĩ đại này của Nabokov, không biết hiện nay anh còn tham gia vào công việc dịch nữa không?
+ Tôi vẫn dịch các tác phẩm của Nabokov đấy chứ, đã dịch được vài chục truyện ngắn của ông ấy, và khá nhiều trong số chúng đã được đăng lên các tờ báo lớn của Việt Nam. Hầu hết các truyện ngắn tiếng Anh hay nhất của ông ấy như “Dấu hiệu và Biểu hiện”, “Chị em nhà Vane”,… đã được tôi dịch và cho đăng báo. Nabokov là một nhà văn bậc thầy của nhân loại, thật đáng tiếc là tác phẩm của ông hầu như chưa được dịch ra tiếng Việt.
– Anh nghĩ rằng độc giả Việt Nam may mắn hay không khi các tác phẩm văn chương có giá trị của nước ngoài được chuyển ngữ rất nhiều trong thời gian qua, dù rằng chất lượng các bản dịch lại là vấn đề…?
+ Tôi nghĩ không may mắn mà cũng chẳng xui xẻo gì, nói tóm lại là không ảnh hưởng gì nhiều đến xã hội, vì văn chương bây giờ có được mấy ai đọc đâu? Dịch sai hay dịch đúng thì cũng vậy. Một bản dịch thảm họa chỉ gây hại khi nó bán được vài chục ngàn bản trở lên, chứ còn bán một vài ngàn bản, và đa phần trong đó cũng không được ai đọc, thì nói chúng tốt hay xấu đều sai cả. Nói chung các bản dịch văn chương ở Việt Nam, theo tôi, hầu hết là… vô hại.
– Theo anh thì để các bản dịch sai xuất hiện tràn lan trên kệ sách mỗi nhà như vừa qua, lỗi tại ai? Dịch giả? Biên tập? Nhà sách? Hay chính là độc giả cũng dễ dãi quá?
+ Thực ra tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng hiện nay có quá nhiều bản dịch sai, vì khi nói thế thì ta mặc nhiên cho rằng ngày xưa có nhiều bản dịch đúng. Các bản dịch thời xưa còn tệ hơn bây giờ nhiều. Cũng dễ hiểu thôi, làm sao ta có thể dịch đúng được với các từ điển giấy rất kém cỏi và bất tiện, thiếu hoàn toàn sự hỗ trợ của Internet, của bạn bè nước ngoài, và thiếu cả trải nghiệm sống ở nước ngoài? Chẳng qua thời xưa rất ít người có khả năng đọc ngoại ngữ, lại càng ít người có được bản gốc trong tay, cho nên các dịch giả thời xưa muốn dịch sao cũng được, miễn xuôi tai.
Nói như một nhà văn Việt Nam, là nhiều dịch giả “đọc không thông mà dịch rất thạo”. Tuy nhiên, xuôi tai và dễ đọc hoàn toàn không phải là các tiêu chí để đánh giá chất lượng bản dịch, đặc biệt là các kiệt tác. Tôi cho rằng tình hình dịch thuật hiện nay tuy có xấu nhưng cũng vẫn tốt hơn xưa. Nếu có xấu hơn thì là do độc giả giỏi hơn thôi. Ngày nay dịch giả chịu áp lực rất lớn, gần như họ phải làm việc trong một cái lồng kính trong suốt dưới ánh đèn cao áp vậy.
– Anh nghĩ để thay đổi được hiện trạng trên, cần có những động thái gì từ xuất bản, từ biên tập và từ chính độc giả?
+ Dịch giả đóng vai trò quyết định và tối hậu trong chất lượng bản dịch. Chẳng ai biên tập được một bản dịch sai từ đầu đến cuối. Nhà sách thì thực ra phải lo lợi nhuận, nhập giấy vào, bán giấy ra. Đa số độc giả thì có chịu đọc và có đọc được bản gốc đâu mà biết bản dịch tốt hay tệ? Nói chung muốn có một nền dịch thuật tốt hơn thì phải có các dịch giả giỏi hơn, mà muốn có dịch giả giỏi hơn thì phải có tiền nhiều hơn. Người giỏi bao giờ cũng đổ vào các chỗ có thu nhập cao. Việt Nam không thiếu người giỏi, thừa sức dịch tốt cả Nabokov, Proust, Kant, Hegel hay James Joyce, nhưng vấn đề là hầu như chẳng ai giỏi mà lại đi làm khổ sai 2 năm để lấy 1.000 đô la cả. Đó là vấn đề của làng dịch Việt Nam hiện nay!
– Không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận lời chê. Các dịch giả nên có tâm thế như thế nào thì hợp lẽ khi tiếp nhận các luồng ý kiến khác nhau từ độc giả của mình và từ chính các đồng nghiệp.
+ Tôi nghĩ dịch cũng là một nghề như bao nghề khác, có nhục có vinh, tất nhiên cũng có những tác phẩm rất khó dịch, có những tác giả cực kỳ khó dịch, và cần sự tôn trọng nhất định với dịch giả nào dịch thành công những kiệt tác ấy, những văn hào vĩ ấy, nhưng tuyệt đại đa số bản dịch khác chỉ là các sản phẩm hết sức bình thường thôi. Tôi nghĩ các dịch giả nên có tâm thế chấp nhận phê bình. Dẫu sao chăng nữa, nếu ai phê bình được cuốn sách nào đó thì chí ít họ cũng đã đọc nó ít nhiều, vậy là quý lắm rồi. Chứ còn vô số người viết ngoài kia chỉ mong được đọc, và thậm chí phải bỏ cả tiền ra tự in sách đem tặng, mà không ai thèm đọc thì sao?
Dịch giả Việt Nam hay phản ứng thái quá với sự phê bình, chẳng qua do họ hơi ảo tưởng về mình. Nhưng, vài tỷ người mới có một Nabokov, một Tolstoi, hay một James Joyce, chứ đọc và dịch sách họ thì thiếu gì người làm được? Đương nhiên dịch được và dịch đạt, dịch hay, dịch nhã là những khái niệm khác nhau một trời một vực, nhưng đó lại là câu chuyện khác! Và tôi nghĩ trong tình hình văn hóa bè cánh làng xã hiện nay thì ở Việt Nam chúng ta chỉ có “dịch quen” và “dịch lạ” mà thôi.
– Xin chân thành cảm ơn anh.
Dịch giả Mạnh Kim:Cuốn “Bố già”, một mẫu mực đồng sáng tạo trong quá trình dịch thuật
Dịch thuật là câu chuyện muôn thuở không bao giờ ngưng tranh luận. Bản dịch quyển “Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam’s Madame Nhu” với nhiều tranh cãi mới đây, đặc biệt từ “Rồng cái” và “Bà rồng”, là một ví dụ. Nói chung, dịch thuật, từ tiểu thuyết đến hồi ký với các chi tiết rối rắm liên quan tới lịch sử, luôn dễ tạo ra những cuộc bút chiến tóe lửa. Dịch văn học càng phức tạp hơn.
Trước 1975 tại miền Nam, có nhiều cây bút dịch xuất sắc. Đó là một giai đoạn bùng nổ sách dịch, trong đó nổi bật những Nguyễn Hiến Lê, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Vũ Đình Lưu, Nguyễn Vĩ, Đào Hữu Nghĩa… ở mảng khảo cứu và triết học; những Hàn Giang Nhạn, Ngọc Thứ Lang… ở lĩnh vực tiểu thuyết… Với tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, Hàn Giang Nhạn là một tên tuổi bảo chứng. Với sách Hán văn, có cụ Nguyễn Hiến Lê hoặc Nguyễn Duy Cần. Với văn học Anh – Mỹ, có Bùi Giáng…
Khó có thể định ra tiêu chuẩn kỹ thuật như thế nào để đánh giá một bản dịch là hay. Cũng khó có thể nói bản dịch phải thế nào mới là chính xác. Tuy nhiên, bất luận thế nào cũng có thể nói rằng, muốn có một bản dịch đẹp, dịch giả nhất thiết phải giỏi tiếng Việt. Bản dịch hay là bản dịch được Việt hóa đến mức cao nhất có thể. Nó trở thành một tác phẩm tồn tại song song với bản gốc và có giá trị gần như ngang bằng với bản gốc.
Ví dụ điển hình cần được nêu là bản dịch “Bố già” của Ngọc Thứ Lang. Chỉ riêng chữ “Bố già” dùng để dịch “The Godfather”, Ngọc Thứ Lang đã xứng đáng là cao thủ. Trong bản dịch, Ngọc Thứ Lang còn “chế” ra nhiều từ mà sau này đã trở thành câu nói cửa miệng của thanh niên Sài Gòn một thời. Chữ “The Don” (trong tên “Don Vito Corleone”) được dịch thành “Ông trùm” nhưng cũng chữ đó, trong trường hợp dùng miêu tả các thành viên trong gia đình Don Vito Corleone nói chuyện với nhau thì nó lại được dịch là “Ông Già”.
Còn nữa, ai có thể dịch được “The Turk” thành “thằng Đường Thổ” để nghe cho đúng chất giang hồ? Và, “Mama Corleone”, với người khác chắc chỉ dịch là “bà Corleone”, thì với Ngọc Thứ Lang thì nó phải là “Bà trùm”. Cách sử dụng đại từ xưng hô của Ngọc Thứ Lang cũng rất tuyệt. Bản tiếng Anh chỉ là “I” với “you” nhưng khi Ông trùm nói với mấy ông già gốc Ý thì nó được dịch là “Tôi với bạn”. Cách dịch này dường như thể hiện được thâm ý Ông trùm: muốn cho thấy mình gần gũi thân thiện nhưng đồng thời khiến người đối diện luôn có cảm sợ hãi mơ hồ trong khi cùng lúc cảm nhận được vẻ đáng tôn kính của Ông trùm.
Và khi Ông trùm nói với đám đệ tử thì “I” với “you” được chuyển thành “Tao với mi”! Một cách chính xác, Ngọc Thứ Lang không dịch mà là phóng tác nhưng bản phóng tác của ông không đi quá xa nguyên tác.
Bằng cách sử dụng cách hành văn với ngôn ngữ đậm chất anh chị giang hồ phổ biến Sài Gòn thập niên 1970, Ngọc Thứ Lang đã Việt hóa siêu đẳng bản dịch “The Godfather”. Ông không bám từng chữ, từng câu mà lại đảo lộn, có khi cả đoạn, để diễn đạt theo tư duy độc giả Việt. So sánh bản dịch với nguyên tắc, có thể thấy bản dịch đọc sướng hơn bản gốc của Mario Puzo. Như thể Ngọc Thứ Lang viết lại theo một phiên bản Việt hóa của riêng ông.
Biên tập viên Nguyễn Trương Quý: “Dịch giả phải tự cam kết với chính mình”
Hà Đan Anh (thực hiện)
– Chào Nguyễn Trương Quý. Là biên tập viên một NXB lớn, anh chắc không còn nhiều thời gian để đọc riêng cho mình?
+ Vâng, khó để đọc thoải mái như một người đọc đơn thuần, vì thói quen của người biên tập dễ chi phối. Đọc không vì mục đích công việc thì cũng có tư duy đánh giá, thẩm định sẵn trong đầu.
– Anh có suy nghĩ gì về chuyện nhiều bản dịch bị tố “dịch sai, dịch ẩu” mấy năm gần đây mà trong số những người dịch lại có cả những tên tuổi lớn, với phông văn hoá rất đậm đầy?
+ Tôi chỉ có thể nói rằng làm công việc dịch thuật cũng như biên tập thường đem lại một cảm giác “chủ quan” cho người làm. Đôi khi vì nệ sự diêm dúa của văn bản gốc hoặc quá tương đắc với hệ thống ngữ nghĩa của tác giả mà không nhìn ra những chỗ sai lạc của mình. Điều lớn hơn nữa là tìm cho ra được một phong cách tiếng Việt nhuần nhuyễn để chuyển ngữ thật không dễ. Có nhiều dịch giả cũng là một tác giả văn xuôi tiếng Việt có cá tính, nhưng khi bắt tay vào dịch thì cá tính đó lại bị triệt tiêu hoặc suy giảm. Có lẽ dịch văn học phải là một thao tác riêng biệt thật.
– Vậy anh có cho rằng, những người phê phán các dịch giả đã “dịch sai” phần lớn vẫn chỉ là những người đọc có trình độ ngoại ngữ giỏi nhưng không thể hiểu nổi thế giới văn chương thực tế gian nan thế nào?
+ Tôi nghĩ là người đọc nào cũng có quyền đòi hỏi cả. Và người dịch, người biên tập nói chung cũng không thể lấy lý do nào để biện minh cho việc mình làm chưa tốt. Vấn đề vẫn là phải rất tự nghiêm khắc và tỉnh táo với chính mình. Có điều đây là công việc của con người, và đã là con người thì có đủ thứ giới hạn. Cái nhọc nhằn của nghề là chỗ ấy.
– Đúng là người đọc có quyền đòi hỏi người dịch, biên tập có trách nhiệm phải nghiêm khắc với chính mình. Nhưng cũng là con người nên sai sót chắc chắn không tránh khỏi. Vì thế, cũng nên có sự bao dung trước những sai sót chứ?
+ Vâng, tấn công cá nhân là điều đáng chán nhất. Con người dịch giả, con người biên tập viên là người của công việc, nên trao đổi ở phương diện đó. Và đây là lĩnh vực công sá rất thấp nên sẽ là bất công và ảo tưởng nữa nếu đòi người làm phải siêu việt không có chút sai sót nào.
– Nhưng với các “thảm hoạ dịch” thì không thể nào bao dung được đúng không ạ? Bởi dù sao đi nữa, với các độc giả không biết ngoại ngữ, bản dịch là văn bản đầu tiên và duy nhất của tác phẩm mà họ tiếp xúc, gặp phải thảm hoạ quá đáng thì sự giận dữ của họ lại là đáng khích lệ.
+ Theo tôi, việc không bằng lòng với các khuyết điểm thể hiện sự trưởng thành của không gian đọc trong xã hội. Nhưng việc phản ứng để dẫn tới một hướng giải quyết tích cực nào thì lại chưa thấy có. Là một người làm biên tập, tôi chỉ có thể cố gắng làm một người tỉnh táo bên cạnh dịch giả, và cố gắng đặt mình vào vai trò người đọc để yêu cầu dịch giả làm tốt. Tất nhiên, với tất cả sự thành thực của mình, tôi không thích thú gì với những bản dịch tệ hại. “Tại sao lúc ấy mình lại làm thế nhỉ?”, đó hẳn là câu thảng thốt của nhiều người dịch và biên tập viên mà một ngày đẹp/xấu trời mới nhận ra.
– Là một người làm công tác xuất bản, anh có nghĩ rằng có nhiều sai sót, thảm họa đến từ sự cẩu thả mà những dịch giả đang đổ tại áp lực thời hạn giao bản thảo?
+ Theo tôi biết thì chỉ một số không nhiều cuốn sách dịch cần đáp ứng một thời hạn nào đó (có tính chất cần dành cho một ngày kỷ niệm hay đợt sách có chủ đề chính trị-xã hội). Nói chung, thời gian cho các dịch giả khá xông xênh. Bao giờ chúng tôi cũng có ký hợp đồng và thỏa thuận với người dịch là thời gian đó có thể hoàn thành được không, sau đó đồng ý rồi mới bắt tay nhau để làm. Nói thật đấy chỉ là sự thiếu chuyên nghiệp và thiếu tôn trọng cam kết mà thôi.
– Cảm ơn anh.
Theo PV – Văn nghệ công an