Lê Thư
Sáng tác là cơ chế xuất sinh đặc biệt của tâm hồn, cảm xúc, cảm hứng sáng tạo và biên độ tưởng tượng. Nhưng muốn các con chữ đi đến tận cùng hành trình khám phá thế giới và xã hội, người viết vẫn cần chìa khóa để mở tung cánh cửa của văn chương.
Có cần đào tạo nhà văn?
“Năm 1989, tôi quyết định rời bỏ vị trí giảng viên chính thức khoa Sinh học, Trường Đại học Y Thái Bình để đi học Trường Viết văn Nguyễn Du. Đó là một quyết định gây sốc với cha mẹ và anh em họ hàng. Sau này, nhiều người vẫn hỏi tôi nghĩ thế nào mà lại đi học viết văn? Bởi vì có ai dạy được ai viết văn đâu…”, nhà văn Y Ban chia sẻ tại hội thảo “Đào tạo tài năng sáng tác văn học” sáng 12.12. Cô sinh viên khóa 4 khi ấy mới có dăm ba truyện ngắn, trong đó có hai truyện khá đình đám in dự thi tạp chí Văn nghệ quân đội. Các chương trình học bài bản trong nhà trường từ văn hóa dân gian, mỹ thuật, triết học, phân tích tác giả tác phẩm… đã trở thành hành trang không thể thiếu cho các sáng tác sau này của bà. Bầu không khí văn chương sôi động như cổ vũ cho tâm thế “viên đạn đã lên nòng, đợi bóp cò là bay”. Đến giờ, trở thành một trong những tên tuổi trên văn đàn Việt Nam, nghĩ về quyết định gần 30 năm trước, nhà văn Y Ban không hề đắn đo: Khi đã biết mình muốn gì thì sẽ biết phải làm như thế nào!
Thầy trò Khoa Viết văn – Báo chí, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội trong chuyến thực tế tại Khu Di tích Nguyễn Du (Hà Tĩnh)
Sáng tác là cơ chế xuất sinh đặc biệt của cảm xúc, cảm hứng sáng tác và biên độ tưởng tượng. Nếu xét ở khía cạnh này, không ai có thể đào tạo cảm xúc hay tài năng được. Thế nhưng, văn chương cũng là một nghề và người làm nghề cần trang bị cho mình kiến thức cơ bản về khoa học và xã hội, về văn và nghề văn, phương pháp tư duy, phân tích, biện giải. Học là để tìm hiểu và hệ thống các trường phái, xu thế vận động của văn học, không chỉ của Việt Nam. Học các kỹ năng sáng tác, sống trong đời sống văn học để thỏa mãn cá tính sáng tạo, sớm tìm được cái tôi của mình, giọng điệu và thi pháp của riêng mình. Như cách nói của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: “Phật nói “Mở miệng đã sai rồi” thế nhưng tại sao Phật vẫn cứ phải giảng đạo? Học viết văn cũng như học đạo vậy”.“Sống đã rồi hãy viết”. Quan niệm như vậy, hẳn cố nhà văn Nam Cao muốn nhấn mạnh vai trò trải nghiệm thực tế đời sống đối với những người cầm bút. Vì không có thực tế, đó chỉ là thứ vị nghệ thuật đơn thuần, dù rằng cảm xúc trong từng câu chữ có dạt dào đến mấy. Thế nhưng, cảm xúc ấy nếu để tự thân thì cũng có lúc chuệch choạc, lắm lúc lãng phí. Theo nhà thơ Trần Quang Quý: “Có người cả đời không tìm được mình, đến lúc chùn chân, mỏi gối mới nhận ra mình lẫn trong bao người khác thì quá muộn, như một bi kịch không có cơ giải. Vì vậy, cần một môi trường để bù lại những hụt hẫng, trống rỗng về kiến thức của nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn liên quan đến văn học. Cần một chiếc chìa khóa để khám phá thế giới, con người và xã hội”.
GS. TS. NGND Trần Đình Sử cho rằng, không giống các ngành khác, người viết ngoài tiềm năng sáng tác, cần nền tảng về văn hóa, tri thức xã hội, mỹ học, kỹ năng viết lách… Những yếu tố này có thể bồi đắp tự thân, song suy đến cùng vẫn là từ học mà thành. Vì muốn viết thật đơn giản, người ta phải hiểu thật sâu, muốn tạo ra cái gì thật mới, người ta phải biết cái cũ thật kỹ. “Mỗi tác phẩm xuất hiện phải khởi xướng cái mới, bỏ qua cái cũ là thế”.
Bồi đắp tinh hoa
“Nếu theo con đường sáng tác, không bao giờ em học đại học – Một học sinh từng nói với tôi như vậy. Trò chuyện lâu mới thấy nhiều bạn trẻ bây giờ có năng khiếu văn chương, cá tính mạnh mẽ, các em cần không gian để thỏa mãn cá tính sáng tạo. Môi trường đó, trước hết là cởi mở, bao dung, khiến người ta không cảm thấy bị lấn át cá tính hay chỉ tạo ra khuôn mẫu…”. Chia sẻ của dịch giả Trần Ngọc Hiếu, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thực chất là nhằm hướng đến câu hỏi: Thế nào là một mảnh đất tốt để gieo trồng, vun xới các hạt giống văn chương? Đây cũng là vấn đề được đặt ra lâu nay song không dễ trả lời.
Nhà thơ Đoàn Văn Mật, Tạp chí Văn nghệ Quân đội lý giải cái khó là hiện nay viết văn không còn là ngành hot. “Không ít người gạt bỏ đam mê văn chương để chuyển sang học một ngành khác những mong ổn định đời sống sau này. Không chỉ ở ngành học viết văn mà ngay cả ở các tờ báo, tạp chí văn nghệ uy tín, từng là ước mơ làm việc của nhiều người trước đây thì nay cũng không còn là lựa chọn cho họ. Điều này đang trở thành tiếng nói cấp thiết cho những người quan tâm đến nền văn học nước nhà”. Nhìn lại quá trình đào tạo gần 40 năm qua, Trường Viết văn Nguyễn Du thành lập năm 1979 nay chỉ còn là Khoa Viết văn – Báo chí, thuộc Trường ĐH Văn hóa Hà Nội. Những năm gần đây, khoa phải rút từ 1 năm/lần tuyển xuống còn 2 năm/lần tuyển, nhưng số lượng học viên vẫn ít ỏi.
Trước nhiều vấn đề trong đào tạo viết văn, “Dự án đào tạo tài năng văn trong lĩnh vực sáng tác văn học giai đoạn 2017 – 2030” được triển khai. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho Khoa Viết văn – Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cơ chế đặc biệt: Miễn học phí, ưu tiên chương trình, chế độ mời giảng, đi thực tế, thực tập, xuất bản, giao lưu… Theo PGS. TS Bùi Việt Thắng, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, đây là cơ hội cũng là thách thức rất lớn, thành công phụ thuộc vào cách thức chọn lựa, bồi đắp tinh hoa văn học. PGS. TS Bùi Việt Thắng ví von: “Có lẽ không thể ngồi một chỗ để chờ đợi tài năng văn chương rơi xuống áo người ngắm quả theo cách diễn đạt của nhà thơ Chế Lan Viên. Phải có con mắt xanh, biết nhìn quả sấu non trên cao như thi sĩ Xuân Diệu đã đau đáu: Ôi! Từ không đến có/ Xảy ra như thế nào?”.
Đại biểu nhân dân
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài