Dù muốn hay không, việc đã/ đang tồn tại dòng riêng văn xuôi quân đội trong nguồn chung văn học Việt Nam là “luật bất thành văn” trong nhận thức luận văn học của người nghiên cứu, nhà phê bình. Qua các giai đoạn khác nhau của vận động lịch sử tư tưởng, cũng như lịch sử văn học trong nước, dòng riêng ấy tạo nên ảnh hưởng nhất định đến tiến trình văn học Việt Nam. Trong tiểu luận này, tôi tập trung khai thác mảng chủ đạo của văn học quân đội[1] là văn xuôi, bước đầu đánh giá các dòng chảy văn học cơ bản trong mười năm đầu thế kỷ hai mốt. Vì vậy, bài viết không mang tính tổng kết giai đoạn văn học, mà, từ những thành tựu đã đạt được của văn xuôi quân đội, chúng tôi xác lập các tiêu chí nhằm đi đến khẳng định tính chất vừa độc lập vừa biện chứng giữa văn xuôi quân đội (cái riêng) và văn xuôi Việt Nam (cái chung). Từ đó, bài viết góp phần gợi những điểm nhìn tham chiếu để các nhà nghiên cứu tiếp tục khai thác các đặc trưng bản chất của văn xuôi quân đội trong giai đoạn, thời kỳ mới của văn học.

Trong thập niên đầu thế kỷ XXI, với biến động chung của lịch sử dân tộc cũng như xu hướng toàn cần hoá về thông tin, văn xuôi quân đội đã có những thay đổi phù hợp để thích nghi với điều kiện (conditions) mới. Hệ quả của những đổi mới ấy đã đưa đến sự hình thành các dòng chảy văn học, mang đặc trưng phong cách riêng của văn xuôi quân đội.

Việc đã/ đang tồn tại dòng chảy văn học trong dòng chảy văn hoá xuất hiện ở văn xuôi quân đội cho thấy hai vấn đề: một là, tính chất độc lập của văn học trong mối quan hệ với văn hoá, hai là, tính biện chứng giữa văn hoá và văn học. Văn học là một bộ phận của văn hoá, vì vậy, nó chịu tác động của quá trình giao thoa văn hoá tới cách cảm, cách nghĩ của nhà văn, đồng thời, chính nhà văn và tác phẩm của họ cũng tác động ngược trở lại với văn hoá. Trong thập niên đầu thế kỷ, khi công nghệ số hoá dần thay thế các phương tiện thông tin truyền thống, thì vấn đề đặt ra với văn hoá dân tộc là thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: vừa hội nhập quốc tế, vừa gìn giữ bản sắc truyền thống được các nhà văn đặc biệt quan tâm. Trong điều kiện đó, các nhà văn đã vào cuộc với những tác phẩm có ảnh hưởng không nhỏ tới việc tuyên truyền gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống, đồng thời dự báo và đánh động tâm thức độc giả về tính chất hai mặt của toàn cầu hoá thông tin, phi biên giới. Đỗ Tiến Thuỵ với Vết thương thành thị đã chú trọng khai thác mặt trái của lối sống thị thành bằng việc, hướng nhân vật tìm về ký ức đẹp quá khứ của vùng quê đồng bằng Bắc bộ, với vẻ đẹp tâm hồn con người, nghị lực sống, nghị lực lao động, quan hệ vị tha, giàu tình cảm. Đỗ Bích Thuý với Bóng của cây sồi (2005), Tôi đã trở về trên núi cao, Sau những mùa trăng và đặc biệt là tập truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá (2005) đã khai thác đặc trưng bản sắc văn hoá của đồng bào miền cao, gợi lại giá trị tinh thần làm nên khối đại doàn kết văn hoá dân tộc Việt Nam. Thông qua những chi tiết, hình ảnh, nếp sống cụ thể của đời sống đồng bào vùng cao, Đỗ Bích Thuý đã khái quát nhiều vấn đề xã hội có sức ám ảnh với người đọc khi họ đang đứng trước ranh giới giữa văn hoá hội nhập và văn hoá bản xứ. Cũng khai thác đời sống văn hoá trong mối quan hệ văn học, Phạm Duy Nghĩa với Tiếng gọi lưng chừng dốc (truyện ngắn, 2002), Cơn mưa hoa mận trắng (truyện ngắn, 2007), Đường về xa lắm (truyện ngắn, 2007)…đã chọn lối kể chuyện nhẹ nhàng, đôi khi giản dị không thể giản dị hơn, như thể phản ứng với lối sống gấp, thiên về sức ì vật chất của đời sống văn hoá đương thời. Con người trong truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa có khuynh hướng ngược hoá với thực tại, anh hướng sự tự do trong ngòi bút của mình tới những hình ảnh thân quen của vùng quê nghèo, của tiếng chim hót, của con dốc quê…như là sự phản ứng đối với những “giới hạn” của đời sống văn hoá hiện đại ở thành thị.

Bên cạnh dòng chảy văn học nằm trong dòng chảy văn hoá, văn xuôi đương đại quân đội đã hình thành nên một dòng chảy văn hoá nằm trong dòng chảy văn học. Các tác giả đã hướng ngòi bút của mình vào mặt trái của văn hoá xã hội, cùng những giới hạn trong đạo đức ứng xử của con người, để khai thác, phản ánh và sáng tạo thế giới riêng dưới nhãn quan mỹ học, tạo nên ám ảnh lớn đối với người đọc. Nguyễn Xuân Thuỷ với Sát thủ online là hướng khai thác mới về đề tài. Tác phẩm hướng tới những vấn đề nhức nhối đương thời của đời sống ảo, nhằm thông điệp tới độc giả về nguy cơ băng hoại của đạo đức xã hội khi thông tin phi biên giới của đời sống công nghệ đang chiếm lĩnh các giá trị sống đích thực của con người. Uông Triều qua Hoang Tàn[2] đã phản ánh mặt trái của lối sống văn hoá thị trường, của phong tục ảo do con người lập trình nhằm đeo đuổi khát vọng cá nhân, biến mình thành vật hoá và chết trong ảo tưởng của cái tôi cá biệt. Tác phẩm của Uông Triều gợi đến tương lai gần của cái chết văn hoá, của sa đoạ nhân tính, với những ám ảnh kéo dài.

Văn xuôi đương đại quân đội đang có xu hướng hình thành một dòng chảy văn học truyền thống nằm trong dòng chảy văn học hiện đại và, có một dòng chảy văn học hiện đại trong dòng chảy văn học truyền thống. Tính biện chứng của yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại trong văn xuôi đương đại quân đội thể hiện rõ nét trong việc khai thác mối quan hệ giữa đề tài và nghệ thuật xây dựng tác phẩm văn học; giữa việc khai thác đạo đức xã hội trong khía cạnh đời tư với đặc trưng tha hóa của đời sống nhân bản hiện đại, giữa lối viết truyền thống (thiên về tự sự khép kín, đặt trọng tâm vào khai thác tình tiết, hành động nhân vật) với lối viết hậu hiện đại (phá bỏ cốt truyện, giải trung tâm, giải hành động nhân vật, giải- tính cách nhân vật)… Có thể kể đến Nguyễn Bình Phương với Thoạt Kỳ Thuỷ, Bả Giời, Trí nhớ suy tàn, Ngồi…Nguyễn Đình Tú với Nháp, Kín…Đặc biệt là Phùng Văn Khai với tiểu thuyết “Hư thực”, “Hồ Đồ” đã dựng lại bức tranh ký ức về chiến tranh của nhân vật chính, với ám ảnh xâm hại của con người thông qua lối tự sự nhiều điểm nhìn, lối kết cấu dòng ý thức, đan xen giữ thực tại và quá khứ, giữa hoài niệm và ý thức, giữa phán quyết và vị tha, giữa ý chí và phủ quyết…, góp phần đánh thức lương tri con người, lên án chiến tranh phi nghĩa.

Một trong những vấn đề nổi lên ở văn xuôi quân đội những năm gần đây được đưa ra bàn luận là chủ đề: văn học viết về đề tài chiến tranh với nghi vấn đặt ra: liệu văn xuôi quân đội viết về đề tài chiến tranh có còn khơi dậy trong người viết đam mê và cống hiến? Theo tôi, văn xuôi quân đội viết về đề tài chiến tranh vẫn được các tác giả chú trọng, khai thác. Tuy nhiên, hiện thực chiến tranh bây giờ, đã có sự chuyển di theo hai hướng, một là, chuyển di bản chất: từ chống ngoại xâm sang bình diện bảo vệ hệ tư tưởng; hai là, khuynh hướng chuyển di về lực lượng tham gia trên mặt trận tư tưởng, văn hóa – nghệ thuật: dùng ngòi bút chống lại thói hư tật xấu, chống lại những xung đột “thầm kín” trên các bình diện xã hội, theo đó, lực lượng sáng tác cũng được mở rộng: từ các tác giả xuất thân trong môi trường quân ngũ tới các tác giả ngoài- quân ngũ. Từ đó hình thành trong văn xuôi đương đại quân đội một dòng chảy văn học quân ngũ trong dòng chảy văn học ngoài- quân ngũ, đồng thời, có một dòng chảy văn học văn học ngoài- quân ngũ trong dòng chảy văn học quân ngũ. Những vấn đề “nóng bỏng” của đất nước đã được các nhà văn- chiến sĩ phản ánh và khai thác triệt để trên nhiều bình diện, đánh thức lòng tự hào dân tộc, tinh thần trách nhiệm của công dân với đất nước. Trong số những nhà văn và tác phẩm xuất sắc ấy có thể kể đến Nguyễn Xuân Thuỷ vớiBiển xanh màu lá, Lê Mạnh Thường với Tiếng Đảo

Là người lính trực tiếp chiến đấu ở Trường Sa, thấm nhuần hương vị mặn chát của muối biển, với những vất vả, thiếu thốn trong đời sống người lính đảo, Nguyễn Xuân Thuỷ đã “lặn” sâu vào đời sống tâm lí của họ, khai thác những trăn trở về cuộc sống  bằng giọng văn giản dị, rắn rỏi đem đến cho bạn đọc nhiều xúc cảm đa dạng. Với Sát thủ online, Nguyễn Xuân Thuỷ khai thác khía cạnh khác từ cuộc chiến không mệt mỏi của người lính chống lại sự tha hoá, xuống cấp của đạo đức xã hội trong một bộ phận thanh thiếu niên. Tác phẩm là bản văn, luận chiến lại những mặt trái của internet, của tác hại mà “thế giới ảo” gây ra cho con người. Sát thủ Oline phản ánh mặt khác của cuộc chiến chống lại cái xấu, cái ác. Cuộc chiến đó âm thầm nhưng không kém phần khốc liệt. VớiTiếng Đảo[3], Lê Mạnh Thường đã khái quát lên thực tiễn chiến đấu của người lính đảo trên mảnh đất hình chữ S, với những xúc cảm lạc lõng của người lính về lối sống buông thả của lớp thanh niên trong xã hội, của những băng đảng và phe nhóm…  Ngoài Nguyễn Xuân Thuỷ, Lê Mạnh Thường, chúng ta có thể kể đến một số nhà văn xuất thân từ đời lính với trải nghiệm thực tiễn như Nguyễn Phú, Hồ Kiên Giang, Trần Đức Tĩnh.. Bên cạnh các nhà văn đi ra từ môi trường quân ngũ, còn có các nhà văn xuất thân ngoài- quân ngũ, phần lớn, họ là những nhà văn trưởng thành từ các tác phẩm đăng trên Tạp chí văn nghệ quân đội hoặc được giải thưởng văn học do tạp chí văn nghệ quân đội tổ chức. Sau quá trình chiêm nghiệm, sống và làm việc với ngòi bút, họ ra nhập môi trường quân ngũ tại các cơ quan xuất bản, cơ quan ngôn luận của Tổng cục chính trị. Có thể kể đến Uông Triều, Nguyễn Đình Tú, Phùng Văn Khai, Đỗ Bích Thuý, Phạm Duy Nghĩa…, tác phẩm của họ dù viết hay không viết về đề tài chiến tranh, nhưng chất lính vẫn là điểm khó lẫn vào đâu trong các văn bản của họ. Điểu ấy phản ánh tính đa dạng trong sự nhất quán của đội ngũ viết văn xuôi quân đội hôm nay.

Những nhà văn quân đội, một mặt đảm đương nhiệm vụ của người lính trên mặt trận tư tưởng – văn hoá – văn nghệ, mặt khác, họ cũng là những nghệ sĩ mẫn cảm trước hiện thực, trước vấn nạn đang diễn ra trong đời sống. Điều ấy đã hình thành trong họ tính kép của nhà văn – chiến sĩ, vừa hoàn thành nhiệm vụ của người lính, vừa đảm đương trách nhiệm của người định hướng thẩm mỹ cho xã hội trong vai trò nhà văn. Do đó, tác phẩm của họ bên cạnh việc phản ánh bản chất của đời sống con người, còn hướng tới các giá trị thẩm mỹ của thời đại; họ đã hướng nhãn quan nghệ sĩ của mình tới những cách tân về phương pháp sáng tạo, về phong cách viết, lối cấu trúc văn bản theo tinh thần văn học thế giới. Chính điều ấy đã nảy sinh trong đời sống văn xuôi đương đại quân đội mộtdòng chảy văn học hiện đại trong dòng chảy văn học hậu- hiện đại và, một dòng chảy văn học hậu- hiện đại trong dòng chảy văn học hiện đại. Với ý thức cách tân có chọn lọc, các tác giả văn xuôi quân đội đã tự hoàn cảnh- hoá mình, vượt qua những giới hạn của thực tiễn, tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo đời sống văn học riêng mang hơi thở của tâm thức hậu- hiện đại. Qua trang viết, họ đã khắc hoạ những khắc khoải, buồn chán của nhân vật trong phương thế sống ì ạch thiên về bản năng, bỏ rơi các giá trị nhân tính, lùi xa dần các giá trị nhân văn truyền thống. Đó là, Nguyễn Bình Phương với Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thuỷ; Nguyễn Đình Tú với Nháp, Kín, Uông Triều với Hoang Tàn… Bên cạnh sự tồn tại của dòng chảy văn học hiện đại trong dòng chảy văn học hậu- hiện đại, văn xuôi quân đội đã hình thành một dòng chảy văn học hậu- hiện đại bên trong dòng chảy văn học hiện đại. Nhận định này của tôi không phải là ngược hoá vấn đề, mà là quá trình tư duy ngược về bản chất văn xuôi đương đại quân đội. Các tác giả của dòng chảy này chọn lối viết hiện đại thiên về tự sự truyền thống, miêu tả sự kiện theo trật tự thời gian tuyến tính, hướng cốt truyện đi sâu vào hành động nhân vật, giải quyết vấn đề có tính nhân- quả. Với lối viết hiện đại bên trong hình thức hậu- hiện đại, các nhà văn quân đội đã đi sâu giải quyết vấn đề trung tâm từ tâm thức hậu- hiện đại, giải thiêng các sự kiện được xem là hoàn mỹ, tốt đẹp, cao cả như: cách nhìn nhận về chiến tranh chính nghĩa- phi nghĩa, về bản chất của sự dũng cảm, về đặc trưng thẩm mỹ được xem như là bi tráng của người lính…Bằng sự phán xét công bằng của lịch sử, các nhà văn đã nhìn nhận vấn đề trên theo phương thế tư duy “giễu nhại” (pastiche) đối với các yếu tố được xem là bất biến, có thể kể tới Hư thực, Hồ Đồ của Phùng Văn Khai, Ngồi của Nguyễn Bình Phương, Kín của Nguyễn Đình Tú,Hoang Tàn của Uông Triều, Báo ứng của Trần Đức Tĩnh[4]

Nhìn chung, với những cách tân táo bạo dựa trên nền tảng văn xuôi truyền thống, các nhà văn quân đội đã tạo được một dòng riêng giữa nguồn chung trong sáng tạo văn học. Tác phẩm của họ phản ánh cuộc sống đa dạng, muôn màu, đa giọng điệu trong cách kể, cách khai thác đề tài mang đến sự phong phú của lối viết cũng như phản ánh chân thực đời sống khách quan. Điều ấy, chứng tỏ sức bứt phá, sự trưởng thành trong tư duy văn xuôi đương đại của các nhà văn quân đội.

———————-

[1] Văn học quân đội là thuật ngữ chúng tôi sử dụng nhằm chỉ các nhà văn lao động viết văn hiện đang sống và làm việc trong môi trường quân ngũ, để phân biệt một cách rạch ròi với các nhà văn phi-quân ngũ nhưng viết về đề tài quân ngũ.

[2] Tiều thuyết của Uông Triều, mặc dù tác phẩm chưa xuất bản nhưng chúng tôi đọc bản thảo của anh

[3] Tiếng Đảo, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2011.

[4] Xin xem tại link http://blog.yume.vn/xem-bai-viet/tranductinh

 

Ngô Hương Giang

Nguồn: VNQĐ