Dù đa chiều nhưng các dòng chảy của Thông tin đa chiều, đều khởi thủy từ chữ người rồi hợp lưu cũng ở chữ “người”, một chữ xuất hiện trong tên gọi của cả 3 chương của tập tiểu thuyết dày hơn 400 trang này: Chương I – Người với việc; chương II – Việc với người; chương III – Người với người.
Nhấn mạnh như thế vào chữ người bởi lẽ, đây là một tiểu thuyết luận đề, viết để tìm một định nghĩa thuyết phục nhất cho công việc thông tin, cho nghề báo, định nghĩa ấy cần nhiều chuyện người để trở nên sinh động, để dù đưa ra luận đề, tiểu thuyết vẫn có những hỉ nộ ái ố của trò đời để hấp dẫn số đông người đọc, những người cầm tiểu thuyết lên là để được nghe kể chuyện.
Với từng trải hàng chục năm ở một tờ báo lớn của đất báo TP. Hồ Chí Minh, vùng đất năng động nhất nước, tác giả Trần Văn Tuấn có nhiều chuyện để kể. Chuyện một tờ báo lỡ tay làm thiệt mạng cô gái nhà lành kia chỉ bằng một “nhát” phóng sự cà phê đèn mờ. Chuyện một phóng viên viết bài bốc thơm hãng nước hoa kia như một điển hình kinh tế giỏi, để rồi cái hãng đểu ấy dựa vào bài quảng cáo trá hình mà giăng bẫy huy động vốn, khiến hàng ngàn người dân cả tin, móc đồng tiền lương thiện trong túi mình, tự nguyên nộp cho kẻ bất lương, khiến công an phải vào tòa soạn tìm người liên đới trách nhiệm và ông tổng biên tập thì ngậm ngùi “…không phải sai lầm do nghiệp vụ kém, thiếu tầm nhìn xa. Đây là biểu hiện rõ nhất của lòng tham”.
Cứ thế chuyện nghề xen chuyện đời, từ văn phòng tòa soạn báo S người đọc được theo chân phóng viên đi khắp thành phố Hồ Chí Minh, được xuyên Việt cả ba miền Bắc Trung Nam, rồi vượt biên đi xa hơn, để biết, thì ra các nhà báo còn giỏi làm kiều hối, giỏi cung ứng vật tư dệt may, giỏi tán gái, giỏi đạp xích lô, giỏi thổi kèn đám ma… để sống mà viết báo.
Bằng những “tấn trò đời” ấy tác giả để nhân vật đưa ra nhiều định nghĩa về truyền thông, về nghề báo. Từ rất kinh điển, và đã là truyền thống “làm báo cũng là làm chính trị” (tr.26) là “viết báo cáo” (tr.60) tới rất đời thường “…làm báo cũng giống như gãi ngứa, gãi đúng chỗ người ta khen. Gãi không đúng chỗ người ta đánh bỏ mẹ!” (tr.151). Từ làm báo như làm bếp “Tờ báo cũng giống như bàn tiệc, an toàn là trên hết […] nhưng phải ngon, phải có đặc sản để hấp dẫn thiên hạ, để cạnh tranh với các báo khác…” đến làm báo như…làm chuyện chăn gối “…như tính dục, phải nuôi dưỡng niềm đam mê” (tr 213). Đúng là đa chiều, những chiều kích của sự chuyển dịch nhân thức của người làm báo từ cơ chế bao cấp (kể cả bao cấp thông tin) sang cơ chế thị trường, từ báo chí như một vũ khí tuyên truyền thời chiến tranh, tới báo chí như một công cụ dò tìm sự thật, “nhanh nhất, chính xác, trung thực, khách quan và hấp dẫn nhất” trong thời kì đổi mới, hội nhập, xây dựng và bảo vệ đất nước, nhằm “đáp ứng tốt nhất quyền thông tin của các tầng lớp nhân dân”, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Xưa nay tiểu thuyết luận đề thường khó đọc! Để hóa giải cái khó này, tác giả Trần Văn Tuấn đã không lý sự trong giọng điệu mà hoạt kê, như là cách chèo cổ đưa anh hề vào các bi kịch của mình. Chất hoạt kê chính là đóng góp của Thông tin đa chiều vào mặt bằng tiều thuyết hiện đại Việt Nam đang thiếu vắng nụ cười. Nhân vật anh chàng ốm đói Vũ Trụ, từ vị trí người thổi kèn đám mà rồi thành tổng biên tập một tờ báo là bức hí hóa thành công. Với người viết bài này, anh ta là một Xuân Tóc Đỏ trong làng báo Việt Nam hiện đại. Ngoài hoạt kê, tình dục được trình bày với những lí giải khoa học là chất kết dính để tiểu thuyết luận đề đa tuyến này dễ đọc hơn nhờ liền lạc. Sự liền lạc, nhất khí của những móc nối phồn thực ta từng gặp trong văn học dân gian. Xin trích dẫn móc nối tạo bởi hai nhà báo ở trang 66: “Đèn sáng. Mọi thứ mọi việc đều trần trụi rõ ràng […] Tất cả những gì trên cơ thể người đàn bà đều tươi đẹp và bổ dưỡng. Đấy là thức ăn, là nước uống là văn chương, nghệ thuật”.
Hãy đa chiều cùng Trần Văn Tuấn, cùng tìm cách “đáp ứng tốt nhất quyền thông tin của các tầng lớp nhân dân”.
– Trần Quốc Toàn – vanvn.net