Khuất Bình Nguyên
Thi ca không phải là hình vuông, dù hình vuông đó có nằm trong bàn cờ người vô cùng thâm hậu. Bởi vì thi ca không phải là nơi được xây cất để chứa đựng sự khôn ngoan của con người. Năm ấy, quãng đâu từ 20 đến 23 tháng 5 – 1945, mấy chàng văn sĩ bốn phương tụ họp lại ở đất Thăng Long.
Họ là thành viên đã tham gia Hội Văn hóa cứu quốc, bí mật bơi thuyền qua Hồ Tây ra đảo để bàn việc văn nghệ sĩ sẽ làm gì khi tổng khởi nghĩa được trên phát lệnh. Nạn đói lúc ấy đang hoành hành dữ dội ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng bảo có cảm giác như họ lạc vào Lương Sơn Bạc. Còn Nguyên Hồng trong hồi ký Những nhân vật ấy đã sống trong tôi thì khoe được bốn ngày toàn cơm không độn và rau muống Hồ Tây ăn thật lực. Họ là Nam Cao, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Huyền Trân. Sau đấy ít hôm, cuộc họp của nhiều anh em văn nghệ cứu quốc diễn ra ở La Khê, Hà Đông vào đầu tháng 7-1945 do Khuất Duy Tiến chủ trì, đã làm được nhiều việc quan trọng, trong đó có quyết nghị ra tờ tạp chí Tiên phong phục vụ cho tổng khởi nghĩa. Bắt đầu từ giữa tháng 7, có việc chuẩn bị bài vở cho tờ tạp chí đó. Nguyễn Đình Thi nhớ lại. Hồi ấy đã đến căn gác nhà Nguyễn Huy Tưởng thuê ở đằng sau chợ Hôm – Đức Viên để làm tờ Tiên Phong số 1. Những tên tuổi và địa chỉ đặt nền tảng cho một nền văn nghệ đã có mặt tại tờ số 1 ấy: Đề cương văn hóa văn nghệ – 1943; Mười chính sách của Việt Minh; Định nghĩa hai chữ văn hóa của Đặng Thai Mai và Nguyễn Hữu Đang; Dưới ánh sáng cứu quốc xét qua văn hóa Việt Nam sáu năm chiến tranh 1939-1945 của Nguyễn Đình Thi; Lớp người chưa chết – thơ của Trần Huyền Trân. Bài thơ miêu tả sự tang thương và khốc liệt của nạn đói và kết thúc bằng một vần lục bát rạng ngời hi vọng:
Máu bốc lên! Hỡi anh em
Chân trời đã rạng một nền tự do.
Nguyễn Đình Thi tự nhận lúc ấy là cây bút mới vào nghề, được giới thiệu với Trần Huyền Trân thì không khỏi sợ sệt thầm về người thơ đi trước. Những ngày đầu sôi sục của kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đình Thi lại được đọc trên tờ Cứu Quốc bài thơ Hải Phòng 19-11-1946 của Trần Huyền Trân, dài suốt dọc tờ báo. Hơi thơ bộc trực, dồn dập vang lên tiếng kèn trận. Vâng, thật không có lời nào xác đáng đến như vậy về bài thơ ấy của Trần Huyền Trân. Một sự đổi thay kỳ diệu của tâm hồn, cảm xúc thi nhân.
Còn nhớ chỉ cách đấy mấy năm về trước, có một Trần Huyền Trân đã khiêm tốn xuất hiện trên thi đàn Việt Nam. Vào tháng 11-1941, khi Hoài Thanh đã định khép cửa lại, dẫu có thiên tài đến gõ cũng không mở. Thế mà phải mở để đón Trần Huyền Trân. Mặc dù rào trước đón sau kỹ càng như thế, nhưng anh em ông Hoài Thanh, Hoài Chân không khỏi chắc lép khi chỉ trích dẫn một vài câu thơ mà không tuyển được bài thơ nào trọn vẹn. Cách bình của hai anh em ông có thể được hiểu theo nhiều nghĩa. Một người mới đến không mới lắm trong phong trào thơ Mới? Một người đang muốn có cái gì đó khác lạ để bước ra khỏi thơ Mới từ thơ Mới? Một người thơ thanh bần giống như các nhà nho nhàn tản của thế kỷ trước? Chỉ có Trần Huyền Trân và TTKH trong số 44 nhà thơ có mặt ở Thi Nhân Việt Nam là không được tuyển bài. Phần đánh giá thơ Trần Huyền Trân cũng không được đậm đà cho lắm. Nói là thơ ông không xuất sắc lắm, sau khi đọc hoài những câu rặt những anh anh em em đã tìm thấy cái thú của người đi đổi gió. Công bằng mà nói, bài Thu (sau này, vào hồi 1986 khi in tập thơ đầu tiên trong đời, lấy tên tập là Rau tần là ý trong bài thơ Thu), Trần Huyền Trân viết ở đầm Liên Hoa năm 1939 có thể đưa vào Thi Nhân Việt Nam được lắm chứ. Mang đậm phong cách cổ thi. Từa tựa như trích ra một đoạn ở đâu đó trong truyện thơ nôm thế kỷ 18:
Mưa bay trắng lá rau tần
Thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa
Có người về khép song thưa
Để rêu ngõ trúc tương tư lá vàng.
Lúc đầu tôi nghĩ rau tần chỉ là một thứ rau của văn chương, ngỡ như là mây tần ở bên Tàu vậy. Hóa ra nó là thứ rau kết thành bè xanh bạt ngàn trên mặt các ao hồ thuở trước, đằng sau dãy phố cô đào nhạt nhòa mưa nắng Khâm Thiên. Cái thứ rau Nguyên Hồng đã khoe được ăn cật lực cùng Trần Huyền Trân và anh em văn nghệ hồi tiền khởi nghĩa ở đảo Hồ Tây.
Phân tích ý tứ của Hoài Thanh, có nhà nghiên cứu lại cho rằng Trần Huyền Trân là nhà thơ kết thúc phong trào thơ Mới 1930-1945 không phải vì lẽ đến muộn với vận hội đã được nhiều người viết trước thành công mà vì thơ Trần Huyền Trân đánh dấu mọi tham số chủ yếu mà phong trào đó đã giành được cần khẳng định. Về mặt nội dung là sự kết cục của tiếng thơ trải rộng từ lòng người đến biến động chính trị, đụng tới vấn đề của chính trị. Về hình thức đã có cách đặt chữ táo bạo, đưa xa thêm trong hướng ngang tàng đời thường và thể lục bát vốn tự sự và dịu nhẹ được đẩy xa vào dữ dội… Thực là cách đặt vấn đề khác biệt so với sự dè dặt của Thi Nhân Việt Nam trong trường hợp Trần Huyền Trân.
Ở một góc nhìn khác, sau gần một thế kỷ, đầu năm 2018, nhà văn Thụy Khuê trong cuốn Phê bình văn học thế kỷ 20 đã có những đánh giá khá nặng nề về Hoài Thanh. Cho rằng Hoài Thanh không tinh bằng Vũ Ngọc Phan vì Thi Nhân Việt Nam đã thu thập không ít tác giả ngày nay không còn để lại dấu vết gì. Rằng Hoài Thanh quá chủ quan trong việc nhận định và đánh giá, đem tình cảm riêng để gán cho mọi người, tán thơ hơn là bình thơ. Tôi không muốn nhân đây để bình luận về Trần Huyền Trân. Điều lưu ý là Thi Nhân Việt Nam hoàn thành vào tháng 11/1941 là lúc phong trào thơ Mới đang diễn ra. Lịch sử thi ca gần 100 năm nay, cho thấy ý nghĩa và giá trị của Thi Nhân Việt Nam đối với phong trào thơ Mới và thơ ca Việt Nam hiện đại. Hoài Thanh làm quyển Thi Nhân Việt Namkhông phải đem tình cảm riêng gán cho mọi người, dù chỉ là trong khi bình một bài thơ.
Với Trần Huyền Trân cũng vậy. Thi Nhân Việt Nam đã ghi nhận kịp thời tên tuổi của ông như một thi sĩ đã tham gia vào cuộc cách mạng thi ca lớn nhất thế kỷ 20 như một tên tuổi không thể bỏ ra ngoài phong trào ấy được. Phải chăng điều đáng ghi nhận ở Hoài Thanh là đã phát hiện ra được một Trần Huyền Trân trong phong trào thơ Mới đang đi tìm con đường đổi gió cách tân thơ giữa lúc tầm vóc và ảnh hưởng của phong trào ấy đang còn rầm rộ và xung mãn? Nó đã tạo ra một diện mạo mới khác hẳn với chín thế kỷ trước đó khi thơ được viết bằng chữ nho và chữ nôm. Những cảm hứng và hình tượng thơ lãng mạn đã lôi kéo được số đông công chúng độc giả, đặc biệt là tầng lớp thị dân ở các thành phố và đô thị, đồng thanh tương ứng với cuộc cách tân thơ ấy.
Động lực nào đã thúc đẩy thi ca Việt Nam không chỉ dừng lại kể tiếp câu chuyện cổ tích về một phong trào thơ chỉ diễn ra hơn mười năm thôi đã sản sinh ra ít nhất có tới 44 thi sĩ mà còn bước tiếp vào một cuộc cách tân mới. Điều kỳ diệu của thi ca Việt Nam thế kỷ 20 là như thế. Cách mạng tháng 8-1945 – một chấn động lịch sử vô cùng trọng đại, chấm dứt những gì tưởng như chẳng bao giờ thay đổi được để nước Việt Nam được độc lập, tự do Rũ bùn đứng dậy sáng loà và tiến hành cuộc chiến đấu sinh tử để bảo vệ nền độc lập ấy. Tầm vóc và những biến động dữ dội của lịch sử đòi hỏi thi ca đổi mới để theo kịp và viết tiếp những gì cuộc sống đang kêu gọi. Và Trần Huyền Trân là một trong số ít của 44 thi sĩ phong trào thơ Mới có khả năng bứt phá, vượt ra khỏi những khuôn mẫu hoàn thiện của thơ Mới 1930-1945 để bước vào cuộc cách tân thơ với tất cả sự dóng dả của tiếng gọi ban đầu.
Phải nói rằng Xuân Diệu, nhà thơ mới nhất trong phong trào thơ Mới, sau 1945 đã bước vào cuộc đổi thay sớm nhất. Ông không ngần ngại chê trường ca Từ đêm mười chín viết từ 1947-1948 của Khương Hữu Dụng sử dụng thể thơ cổ phong, nên không khác gì bài phú. Xuân Diệu đã có những sáng tác sớm nhất trong năm 1945 như Ngọn Quốc kỳ, Hội nghị non sông, … nhưng không được dư luận đánh giá cao. Có lẽ ông vẫn viết theo thi pháp cũ. Tạp chí Tiên Phong số 8-1946 Xuân Diệu có bài Nguồn Thơ Mới mà đọc lên nghe hơi hướng nhịp điệu của Lời kỹ nữ. Kiểu như là Suối thơ đây mang mê tối lòng người, nên bốn biển dạt dào trong đáy ngọc. Có lẽ Hoài Thanh đã đúng khi nhìn nhận Trần Huyền Trân là thi sĩ đi tìm đổi gió. Có thể nói toàn bộ cuộc đời của Trần Huyền Trân những năm từ 1944 đến 1947 là những trang đời đẹp nhất. Ông đến với cách mạng và bắt nhịp một cách hồ hởi và mãnh liệt bước đi của đời sống bằng cây bút của người thi sỹ. Bài thơ Hải Phòng 19-11-1946 của Trần Huyền Trân ra đời vào tháng 11-1946, trước cả Tình sông núi của Trần Mai Ninh, Nhớ của Hồng Nguyên, Tây Tiến của Quang Dũng, Đèo Cả của Hữu Loan, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm… Những bài thơ mở đầu cho thơ ca kháng chiến chống Pháp, mở đầu cho sự đổi thay của một nền thơ, sau phong trào thơ Mới. Hải Phòng 19-11-1946 chẳng những như một điểm sáng của đời thơ Trần Huyền Trân mà còn của thi ca Việt Nam nửa sau thế kỷ 20.
Trần Huyền Trân thành công hơn cả ở thể thơ lục bát như các bài Uống rượu với Tản Đà 1938, Nhớ nhau 1938, Khi đã về chiều 1938, Viếng nhau 1939,… Nhiều lắm ta cũng chỉ thấy cái mang mác Thề non nước của Tản Đà. Hải Phòng 19-11-1946 viết theo thể thơ tự do bao gồm 109 câu thơ với những dòng thơ dài, ngắn linh động miêu tả hào khí cuộc chiến đấu chống Pháp xâm lược tại Hải Phòng. Đây là tiếng súng nổ lần đầu tiên trong thi ca hiện đại.
Nổ súng rồi!
Nổ súng rồi!
Hải Phòng cuồn cuộn dâng
như biển
Nước mặn đồng chua thêm
máu người.
Cùng với tiếng súng nổ, hai hình tượng lửa reo lửa thét và dòng sông Thái Bình dậy sóng mang đến cho bài thơ giọng điệu sử thi mạnh mẽ. Hình tượng thơ không phải bắt nguồn từ tâm trạng của thi nhân. Ở đây nó như từ cuộc sống ào vào thơ, làm nên diện mạo của thơ.
Hải Phòng khu 7 tay ôm lửa
Một mái nhà thiêu một đạo binh.
Nếu như tất cả những âm thanh của cuộc sống đều vọng lên từ tâm trạng buồn và cô đơn của thi nhân trong phong trào thơ Mới, tiếng của dòng sông là tiếng buồn điệp điệp thì dòng sông Thái Bình của Trần Huyền Trân như từ cuộc sống oằn oại chảy trong thơ.
Dòng Thái Bình xuyên rừng leo núi
Oằn oại với chân người
Dòng Thái Bình xô ra biển rộng
Dòng Thái Bình vọt sóng …
Cùng những cảm xúc về ngọn lửa và dòng sông chiến trận mang âm hưởng lãng mạn, là những nhân vật phu phen, thợ thuyền, bấu xấu, “voi xanh”, dao bầu, gậy bẫy đi băm nát thời nô lệ được thi sĩ tả thực thật sinh động và bừa bộn xen lẫn những câu thơ lắng lại tâm tình và hi vọng như “bếp lửa đợi chờ thoi thóp” đến:
Cánh tay thợ thuyền rèn đêm tối
Chí đúc hôm sau đỏ mặt trời.
– Hải Phòng 19-11-1946 chưa hẳn là bài thơ toàn bích, ngôn ngữ và hình tượng thơ không phải không có chỗ chưa được lựa chọn và trau chuốt kỹ càng. Nhưng điều đó không làm giảm đi ý nghĩa mở đường hướng cho một thi pháp mới trong sáng tạo thi ca mà phong trào thơ Mới chưa hề có. Có người nói bài thơ này đóng cọc mốc đầu tiên trong thơ chống Pháp. Nhưng còn hơn cả điều đó, Hải Phòng 19-11-1946 như một khởi đầu cho cuộc cách tân thơ từ 1948 đến 1949 trở nên cần thiết và rõ rệt hơn bao giờ hết.
Nhưng, thật như là một nghịch lý và một điều đáng tiếc. Hải Phòng 19-11-1946, người ta cho rằng, đã khép lại sự nghiệp thơ của Trần Huyền Trân. Và nếu sau này ông có viết thơ cũng chỉ là sự động bút nhớ nghề, thơ Trần Huyền Trân lại giống ca từ của chèo, tự sự lớp lang và ước lệ cổ kính. Quả là một nhận xét nghiêm khắc và cay nghiệt hơn cả những điều dè dặt mà Hoài Thanh đã giành cho ông buổi đầu khi mới bước vào làng thơ, khiến tôi chạnh lòng không dám chắc.
Nhưng, đó lại là một sự thực của lịch sử thi ca. Vào chiều ngày 28-9-1949, cái người đã sợ sệt thầm khi được giới thiệu với Trần Huyền Trân, người tự nhận là mới vào nghề làm thơ – Nguyễn Đình Thi mà không phải Trần Huyền Trân – đã trở thành tâm điểm của cuộc tranh luận cách tân thơ, chỉ sau 4, 5 năm phong trào thơ Mới kết thúc. Không phải ngẫu nhiên mà các vị chủ soái của phong trào thơ Mới (1930-1945) là Xuân Diệu và Thế Lữ đã kịch liệt phê phán và phủ định sự đổi mới của thơ Nguyễn Đình Thi. Họ cho là lệch lạc, đầu Ngô mình Sở, dáng điệu kiêu căng, không nói tiếng nói quần chúng, thơ anh Thi nguy hiểm và còn là một cái nguy cơ, có thể làm loạn thơ, một người trong văn nghệ dân chủ mà tại sao lại làm thơ người ta không hiểu, v..v… Đó là quan điểm không chỉ của Xuân Diệu, Thế Lữ mà còn của nhiều người khác như Ngô Tât Tố, Xuân Trường, Xuân Thủy, Thanh Tịnh,v…v… Ngay cả Tố Hữu, một người luôn nhắc nhở mọi người nhớ là ông không phải là nhà thơ làm Cách mạng mà là nhà Cách mạng làm thơ, khi kết luận cũng nói: Có những lúc tôi yêu thơ anh Thi, có nhiều lúc tôi thù ghét nó. Chỉ có Nguyên Hồng, Văn Cao bênh vực thơ Nguyễn Đình Thi. Văn Cao đã hai lần lưu ý lối thơ của Nguyễn Đình Thi, ông đã theo đuổi và nhiều người đã làm trước đó. Tôi nghĩ trong số ấy có Hải Phòng 19-11-1946 của Trần Huyền Trân. Tuyển tập Thơ Trần Huyền Trân do Nxb Văn Học in năm 2001 có 99 bài. Chín mươi chín bài thơ tuyển tập lại, có tới 45 bài viết theo thể lục bát truyền thống mà ông ưa dùng và tôi thấy câu thơ Trần Huyền Trân trong cái khuôn khổ 6/8 thật thà đến mức mộc mạc, đôi lúc xen vào vài nét lãng tử cổ xưa. Trông trăng Hà Nội viết 1947 ở Phú Thọ. Đốt làng 1948. Đi dưới trời mưa xuân 1954. Bác với thủ đô 1970. Trên mấy tầng mây 1973 v.v..
Một vị giáo sư già không biết có phải vì quá yêu Trần Huyền Trân hay không mà ông đã trao cho bài thơ Cái thai hoang một dấu ấn lịch sử? Khi làm bài Cái thai hoang, Trần Huyền Trân chủ yếu chỉ xuất phát từ lòng nhân ái và thương cảm người con gái họ Trần bất hạnh mà đem lòng cưu mang và sau đó giãi bày bằng thơ. Chừng ấy thôi cũng đã vô cùng đáng quý về phẩm giá và lương tâm của người thi sĩ. Hơn thế nữa, ông còn lấy tên của cái thai hoang đó là bút danh của cả cuộc đời nghệ thuật của mình. Còn gì đáng trân trọng hơn! Vậy mà vị giáo sư già đáng kính của chúng ta lại trao cho bài thơ và người con gái ấy cái chức năng hơi xa vời quá chăng khi cho rằng người đàn bà có cái thai hoang ấy là tượng trưng cho đất nước Việt Nam hết bị thực dân Pháp chiếm đoạt lại bị phát xít Nhật giành giật. Hai bọn xâm lược này sẽ đày đọa Tổ quốc ta đến chết, nhưng còn cái thai hoang. Kết quả của cuộc chung đụng bắt buộc với Pháp và Nhật sẽ ra sao?… Tôi đành phải nói rằng liên tưởng như thế thì xa quá và cũng không làm cho tác giả bài thơ lớn hơn thêm; Cho dù trong bài thơ ấy có một số từ: thuế sống, viết mướn, may thuê, khói lửa trong cơn thế sự … thì cũng chỉ quá hơn một mức so với cái tiêu dao Thề non nước của ông Tản Đà.
Liên tưởng về Cái thai hoang dừng lại ở mức như Tô Hoài trong hồi ký Chiều Chiều thì phù hợp hơn chăng?
Tôi đọc hồi ký Chiều Chiều đoạn nói về Trần Huyền Trân xiết bao xúc động. Mở đầu bằng liên tưởng bài Cái thai hoang ấy khiến không ai không thương cảm cuộc đời của người nghệ sĩ bình dị, giàu yêu thương mà trắc trở bao nỗi gian truân. Chỉ vì đi diễn vắng mất ba kỳ sinh hoạt trong điều kiện chiến tranh như vậy mà chi bộ Đảng đã khai trừ Đảng nhà thơ. Vào thời kỳ đó là một án phạt rất nặng nề. Trần Huyền Trân – một chiến sĩ của văn hóa cứu quốc tham gia cách mạng từ thời kỳ khó khăn nhất nay chỉ vì cái lỗi hai, ba kỳ không sinh hoạt chi bộ mà không được trở lại Đảng vậy sao? Rồi bệnh tật. Bi kịch gia đình. Tô Hoài viết: Mấy ai thấu được cuộc đời Trân trầm luân đến thế. Nhưng chỉ có là như thế hay còn những điều đắng cay hơn thế nữa ở cuộc đời này, Trần Huyền Trân vẫn làm thơ với tất cả trân trọng và nâng niu những giá trị tinh thần của đời sống mà cả một đời người thi sĩ theo đuổi. Tôi chưa bao giờ nhận thấy một điều buồn nản hay oán trách. Chỉ có sự khích lệ tình yêu thương cuộc sống, dù thật là mộc mạc đơn sơ như hạt mưa xuân bình dị của hòa bình. Đất nước quê hương hiện về bao sắc gợi trong thơ ông. Như ngọt ngào đồng xanh biển xanh Minh Hải. Như hạt gạo Cửu Long. Như đất Minh Phương có ngã ba sông của mọi miền xứ sở đất đỏ phù sa.
Ngã ba sông một nhịp cầu
Phương trời sáng mãi một màu
đất son.
Đó là nhân cách cao quý của một nhà văn, một thi sĩ đã bước lên thi đàn Việt Nam hiện đại không phải bằng bộ áo cánh lạ mốt tân thời mà ngay từ đầu đã từ những gì giản dị tưởng như xưa cũ rau tần, ngõ trúc, song thưa để đi khắp thế gian bao bọc lấy thân phận con người.
Nửa sau cuộc đời, nhà thơ Trần Huyền Trân dồn hết tâm huyết cho việc xây dựng văn hóa chèo truyền thống – một phương thức huyền diệu phản ánh và tôn vinh cái tinh khôi đáng quý của tâm hồn Việt Nam từ ngàn đời vẫn sống với đồng ruộng, làng quê. Ở đó cái thiện nhất định phải chiến thắng cái ác. Những lỗi lầm của con người được trang trải bao dung để nguôi ngoai, dù có lúc phải trả giá bằng cả mạng sống và sự xót xa vô hạn. Lương tâm và lẽ phải của con người đã và sẽ ngàn đời âm ỉ lửa khói nhân gian với Quan âm Thị Kính, với Xúy Vân giả dại… Trần Huyền Trân đã góp phần khôi phục lại những tích chèo kinh điển Việt Nam. Tôi không hiểu khi bỏ một đời say sưa với sân khấu chèo, với Thị Kính – Thị Màu, Kim Nham – Xúy Vân… điều gì là thiết yếu nhất mang đến cho Trần Huyền Trân những cảm hứng sáng tạo, lĩnh vực mà ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Có lẽ một trong những điều đó là sức mạnh tinh thần của con người Việt Nam vượt qua thử thách, trớ trêu của số phận, dù có phải trải qua muôn đắng nghìn cay. Và phải chăng ông đã tìm thấy niềm an ủi chân thành qua những cung bậc cuộc đời của Thị Kính, Xúy Vân?
Thi ca không phải là hình vuông, dù hình vuông đó có nằm trong bàn cờ người vô cùng thâm hậu. Bởi vì nó không phải là nơi được xây cất để chứa đựng sự khôn ngoan của con người. Chả thế mà, từ thời xa xưa, khi quan tư huân lang trung Mạnh Khải viết cuốn Bản sự thi bàn về các nhà thơ đời Đường, trong bảy điều căn cốt nhất của sự làm thơ như Tình cảm, Sự cảm, Cao dật, Oán phẫn, Trưng dị, Trưng cữu, Trào hí… đã không hề nhắc đến trí khôn con người. Thi ca – thế giới tinh thần của loài người giống như là hình quả địa cầu mà kinh tuyến số 0 của quả địa cầu ấy là thi ca dân gian của các dân tộc. Đó là khởi nguyên của mọi nền thơ. Thế giới thơ ca của toàn nhân loại hay một quốc gia như những đường kinh tuyến tiếp nối nhau, kế thừa và bổ sung, soi sáng cho nhau trong ánh sáng huyền diệu của chân thiện mỹ, bởi lý tưởng từ con người, vì con người và do con người. Các nhà thơ trong một nền thơ như những đường kinh tuyến nối tiếp nhau vừa rất thực mà rất đỗi siêu hình, bởi trong khi giữ nguyên vẻ đẹp riêng có của từng người lại liên kết thành quả địa cầu thơ đa sắc.
Không phải vô cớ mà Trần Huyền Trân gần gũi với Tản Đà cả rượu lẫn thơ vào một buổi chiều định mệnh khi họ gặp nhau. Cũng là khi Trần Huyền Trân làm thơ khóc Tản Đà năm 1939.
Chiều nao tám chín phương trời
Muôn ngàn người có một người
đi qua.
Có người bảo: Do thơ của Trần Huyền Trân ảnh hưởng bởi hai người bạn thân Thâm Tâm và Nguyễn Bính trong nhóm áo bào gốc liễu nên mang hơi hướng tráng sĩ không gặp thời. Ba chàng thi sĩ ấy đều được Hoài Thanh đưa vào Thi Nhân Việt Nam. Thâm Tâm (1917-1950) nổi tiếng với Tống biệt hành và Chiều mưa đường số 5, cả đời thơ ngắn ngủi chỉ có chừng 18 bài, in hồi năm 1988 tức sau 38 năm ông mất, đã kịp có thơ đề tựa cho bạn mình là Trần Huyền Trân với sự hào hoa và kiêu hãnh lạ thường.
Ngâm thôi, quăng bút cười ha hả
Đây một loài hoa khác hải đường.
Nhưng không hiểu vì sao tôi bị ông Tản Đà đồng hương ấy ám hay sao mà cứ nghĩ có một phong thái Tản Đà thấp thoáng đâu đây trong thơ Trần Huyền Trân, không phải bởi do Trần Huyền Trân viết những ba bài thơ riêng cho ông ấy. Thậm chí hồi tháng 7-1940, sau một năm Tản Đà mất, trong một khúc liên ngâm vừa uống rượu vừa làm thơ có tiêu đề Ngô Sơn Vọng Nguyệt của bốn chàng say là Trúc Khê, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, chỉ có bốn người thôi mà tôi nhìn thấy có thêm một người nữa là ông Tản Đà thấp thoáng ở đằng sau. Tản Đà đã nhập vào Trần Huyền Trân để đọc những câu thơ mang ý vị Tản Đà.
Nghìn năm trăng sáng còn lên
Đời ly biệt mới biết duyên
tương phùng.
Thậm chí, đến năm 1983, tôi vẫn thấy Tản Đà còn đâu đó trong bài thơ Mừng thọ bạn của Trần Huyền Trân. Vì sao? Vì sao? Thì tôi không biết được. Cũng như mấy năm đầu tôi rời xa chốn quan trường, có đôi lúc đã rơm rớm buồn tàn thu khi đọc tử vi hà lạc như ông Tản Đà ở cái phố nghèo xơ xác ngoại ô Ngã tư Sở sau khi đã vứt bỏ những Giấc mộng lớn, Giấc mộng con. Hóa ra đến được nơi ở của nàng thơ chỉ có trời xanh mây trắng để thanh lọc tâm hồn tưởng gạt hết được những nỗi buồn nhân thế mà có kẻ thi nhân vẫn còn chưa dứt món nợ làm người. Và cái thấp thoáng ấy trong thơ Trần Huyền Trân như là một ví dụ mơ hồ của việc thơ không phải là nơi chứa đựng trí khôn của con người. Nghề viết văn từ thời thượng cổ đến nay là nghề bạc nhất trần đời. Ấy vậy mà chỉ vì sự thấp thoáng ấy thôi nhiều người đã sống chết vì nó.
Cái người đi qua cuộc đời Trần Huyền Trân kể từ khi ông mở cửa để Hoài Thanh đón vào phong trào thơ Mới lưu giữ đến những năm tháng sau này có lẽ là bóng dáng của Tản Đà. Bóng dáng ấy làm thơ ông toát lên vẻ đẹp kiêu sa của một người tráng sĩ phong trần mà giản dị – nét độc đáo làm thành phong cách riêng, một đường kinh tuyến riêng của thi ca thế kỷ 20, bất chấp cả những vụng về còn để lại trên những dòng thơ. Con người ngược ngược xuôi xuôi ấy suốt đời chỉ mang tình người trên khắp thế gian rót vào lòng mình để trang trải một kiếp nhân sinh, đúng như bài thơ Khi đã về chiều viết ở Ngã tư Sở sau lần thăm Tản Đà năm 1938. Khi ấy chàng thanh niên Trần Đình Kim mới bước vào tuổi 25. Con người ấy đâu có gì xa lạ với thế gian này. Đâu cần gì một thứ tiếng vang vô vọng mà chỉ bình dị là một thứ người sống với một chút hoài bão riêng ở đời như có lần Nguyễn Tuân đã viết.
Nguồn Văn nghệ số 10/2018
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài