Tập thơ “Đi qua thương nhớ” của Nguyễn Phong Việt vừa ra mắt độc giả đã nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của công chúng. Thử nhìn hành trình trước và sau sự hình thành tập thơ gợi ra vài điều về văn học trẻ.

Internet tạo nên cơn sốt thơ

Xuất hiện tại hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8, Nguyễn Phong Việt là một cái tên không quá xa lạ với độc giả trên mạng, nhưng nếu bước qua khỏi ranh giới internet thì dường như tài sản văn chương của tác giả chưa có gì thật đáng kể.

Sau đó, tác giả đã dự định xuất bản tập thơ mang tên “Đi qua thương nhớ” nhưng lần lượt bốn nơi đều từ chối. Lý do mà Phương Đông quyết định in, như trả lời của bà Phó Giám đốc, là vì: “Thứ nhất là tác giả thuyết phục rất khéo, nói rằng sẽ lấy nhuận bút bằng sách. Nhưng điều thứ hai dẫn tôi đến quyết định in là khi vào Facebook của Nguyễn Phong Việt, thấy rất nhiều comment của độc giả dưới mỗi bài thơ. Tôi bất ngờ”.. Mặc dù “Khi nhận được bản thảo này lúc đầu tôi không thích lắm” dưới cái nhìn một người làm sách và tất nhiên còn là của một độc giả. Và kết quả – dù chưa phải cuối cùng, nhưng với số lượng bản in, tính đến thời điểm này là 13000 bản, đã vượt xa trí tưởng tượng của cả người trong cuộc lẫn ngoài cuộc.

Lâu nay, việc in thơ được phân ra làm hai loại khá rõ rệt giữa để bán và không bán được. Những tập thơ bán được phần lớn là tuyển tập của các nhà thơ nổi tiếng đã thành danh. Còn thơ không bán được lúc nào cũng chiếm phần nhiều và không loại trừ với cả người cầm bút đã được gọi là nhà thơ. Vậy tại sao, một tác giả trẻ ra tập thơ đầu tay lại có được số lượng phát hành lớn như vậy? Có thực sự thơ đã thay đổi và không phải in ra chỉ để tặng như một mặc định tồn tại nhiều năm nay?

Hành trình từ thơ đến độc giả của Nguyễn Phong Việt khá đơn giản. Khi tác giả viết xong một bài thơ thì đưa lên facebook cá nhân và chỉ khoảng nửa tiếng sau đã có phản hồi của độc giả. Những chia sẻ, đồng cảm và cả không đồng tình với bất cứ câu chữ nào đã phần nào làm tác phẩm hoàn thiện hơn trong biên độ ngoài cái tôi tác giả. Sau đó tác phẩm được các trang mạng khác lấy lại, lại được đến với nhóm độc giả mới. Và cứ như vậy tốc độ lan truyền của tác phẩm rất nhanh. Đây cũng chính là lý do vì sao ngay cả tác giả cũng không biết chính xác lượng độc giả của mình đông đảo thế nào. Nếu độc giả trên mạng là một con số ảo thì tác phẩm được in thành sách là thước đo số lượng độc giả thực dành cho cuốn sách.

Trào lưu về văn học mạng đã từng bùng nổ cách đây vài năm và giờ đang có xu hướng chững lại. Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ chững lại là vì văn học đang về với giá trị thật. Một vài tác giả đã từng sáng tác trên mạng, rồi tạo dựng độc giả trên mạng gây được sự chú ý như Di Li, Trang Hạ… cuối cùng cũng kéo tác phẩm của mình từ mạng tới nhà in như cách làm truyền thống.

Cũng tại Hội nghị viết văn trẻ lần thứ 8, có không ít tác giả trẻ như Trương Hồng Tú, Quân Tấn… khẳng định mạng xã hội là bà đỡ cho tác phẩm của mình.

Tuy nhiên, tác phẩm từ mạng tới sách được chào đón phần nhiều là văn xuôi. Còn trường hợp như Đi qua thương nhớ của Nguyễn Phong Việt là rất hiếm gặp. Phải chăng, văn học dù tồn tại ở thể thức nào, trên mạng hay trên sách in thì nó vẫn tồn tại theo cách riêng của nó hay chỉ là một may mắn dành cho số ít tác giả?

Đặt giả thiết, nếu như toàn bộ Đi qua thương nhớ chưa từng xuất hiện trên internet thì chắc chắn khi tập thơ vuông vắn đặt trên kệ sách cũng dễ bị chung số phận với các tập thơ đương thời.

Đi qua thương nhớ từ khi ra mắt đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng thơ ngay đầu năm 2013 về số lượng xuất bản, văn học trẻ như được tiếp đà hi vọng. Những câu hỏi còn bỏ ngỏ về thơ ca trong vài năm trở lại đây phần nào loé lên sự lạc quan. Rồi dự đoán về một sức sống tươi mới, hân hoan dành cho thơ ca. Tất nhiên, để có được câu trả lời còn tuỳ thuộc vào sự lạc quan của mỗi người.

Ngẫm ngợi từ cơn sốt thơ

Thơ Nguyễn Phong Việt xuất hiện trên mạng khoảng năm 2007. Trước khi hình thành một tập thơ có tên gọi, tác phẩm đã sống đời sống riêng của nó, đúng như cái gọi là “văn học mạng”. Những chuyển động mạnh mẽ của “độc giả mạng” chưa đủ độ nóng để tạo nên sự “đáng chú ý” ở các nguồn chính thống. Một số nhà thơ thế hệ trước thì tỏ ra không mấy quan tâm vì họ cho rằng thơ Nguyễn Phong Việt “sến”, dài dòng, không mới – đây là điều khác so với các tác trẻ cùng thời với tác giả.

Vậy “cơn sốt thơ” có phải do độc giả tạo nên không?

Chúng ta vẫn quan niệm: Văn Bắc, báo Nam. Tác giả Đi qua thương nhớ hiện đang sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng trong cả hai lần giao lưu giới thiệu sách ở hai đầu đất nước thì lượng độc giả hâm mộ rất đông đảo. Như vậy, tập thơ chí ít đã bỏ qua tính vùng miền.

Đọc thơ của Nguyễn Phong Việt, (theo chủ quan của người viết bài này) có cảm giác đây là văn học “dành cho tuổi mới lớn” với những nhắn gửi của “quà tặng cuộc sống”. Thường mỗi bài thơ là một câu chuyện nhỏ xinh đã qua. Tác giả kể lại bằng cảm xúc với những thương nhớ, tiếc nuối… pha chút danh ngôn như: Khi ai đó không lựa chọn ta nghĩa là ta thuộc về một lựa chọn khác”, “Yêu thương vẫn còn nhiều trên những bước chạy trên cuộc đời mình”, “Có những tháng năm ta chỉ yêu bản thân mình với sự cô đơn”… Điều đáng nói ở đây là trong mỗi câu chuyện của tác giả không đưa ra cái kết quá viên mãn nhưng cũng không bi luỵ. Thơ nhẹ nhàng, dễ hiểu. Nó dễ làm độc giả xúc động để rồi tự tin đi tiếp, tìm cho mình một con đường khác một cách nhẹ nhàng. Cái đã qua là bất biến, là tất yếu, hãy chấp nhận, bởi vì tương lai phía trước luôn rộng mở.

Nhìn vào các buổi giao lưu trên, một điều dễ dàng nhận ra thành phần độc giả đa phần là giới trẻ – cũng tầm tầm tuổi với tác giả. Phải chăng, văn học, mà ở đây là thơ ca đã và đang tồn tại một thực trạng “đói thơ” của một bộ phận độc giả có chung quan niệm thẩm mỹ, nghệ thuật, mà bộ phận độc giả ấy lại không hề nhỏ.

Ở lứa tuổi thiếu nhi là sự trong trẻo, hồn nhiên, chưa từng trải. Khi đã trở thành người lớn thì mọi thứ đã không còn màu hồng. Người ta đủ tỉnh táo để đón nhận, để chấp nhận những đắng cay, nghiệt ngã của cuộc đời. Cái khoảng chuyển giao thành người trưởng thành, ít nhiều đã có va vấp, trải nghiệm và dễ mất phương hướng rất cần được chia sẻ. Và chính đối tượng này đã tìm thấy được tiếng nói chung ở thơ Nguyễn Phong Việt. Dù có thể với người này người khác chưa thật hay, chưa đạt đến nghệ thuật cao của thơ ca, nhưng đó là sự đồng cảm hiếm hoi mà thơ là sợi dây kết nối họ với nhau. Tập thơ ra đời được đón nhận nồng nhiệt là một tất yếu.

Chúng ta đang có quá ít thơ dành cho đối tượng này – đối tượng đại chúng. Vậy có nên khuyến khích để dòng thơ “Đi qua thương nhớ” phát triển không? Theo tôi là cũng nên. Bởi vì những vần thơ này phần nào là “điểm tựa tâm hồn” một thời cho mỗi chúng ta. Cũng giống như tất cả các loại hình nghệ thuật và giải trí luôn tồn tại sự đa dạng, phong phú để đáp ứng nhu cầu của tất cả chúng ta. Hơn nữa, nhu cầu của đại chúng luôn có đặc điểm chung mà phần lớn ít dung chứa tính hàn lâm.

Dự đoán từ sau hiện tượng Nguyễn Phong Việt sẽ có nhiều tác giả chuyển thơ từ mạng xuống nhà in chắc chắn sẽ thành hiện thực. Tuy nhiên, để tạo nên “hiện tượng” như Đi qua thương nhớ không phải là dễ, nếu như không nói cần có cả sự may mắn của người đi trước. Nhưng tôi cũng e ngại rằng, để trở thành văn chương thực sự nó còn thiếu một vài yếu tố khác nữa. Tâm điểm của loại thơ này là cảm xúc. Mà cả xúc thì mang tính nhất thời. Văn chương cũng như bản tính con người cần một sự ổn định, lâu dài…

Như một lẽ tự nhiên, cái gì chưa có sẽ có, cái gì thiếu sẽ được đáp ứng (dù không đáp ứng hết) và cái gì còn lại sẽ còn. Mọi lạc quan về thơ ca cứ để nó tuần tự theo dòng chảy để cuối con đường mỗi chúng ta sẽ gọi tên, định nghĩa được giá trị đích thực.

Hà Anh

Nguồn: Tổ quốc