Họ không chỉ là những người đàn bà đẹp, nặng trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành cơ quan báo nơi mình làm việc, lại luôn duy trì được niềm đam mê sáng tác văn chương; là ngọn lửa sưởi ấm gia đình, biết làm cuộc sống của bản thân trở nên hạnh phúc, thú vị từ những điều giản dị.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ
Hiện nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đang là Phó trưởng ban Thư ký biên tập – Đài Truyền hình Việt Nam. Trước đó, chị làm Giám đốc của Kênh truyền hình VTC9 Let’s Việt, sau quãng thời gian dài gắn bó với các kịch bản phim của Hãng Phim Truyền hình Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.
Nói đến nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, những ai từng đọc tác phẩm của chị, liên tưởng ngay về một người phụ nữ tài sắc, vẹn toàn cả đường công danh lẫn gia đình. Hai con trai đã trưởng thành. Cậu cả là đạo diễn, mới lập gia đình riêng. Còn cậu thứ hai thì yêu thương mẹ không rời. Nụ cười vỡ oà trong hân hoan những lúc mẹ con quây quần cùng nhau sau những giờ học, giờ làm việc. Hạnh phúc của hai cậu, luôn có sự song hành của mẹ.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã dành trọn tuổi thanh xuân chăm sóc mẹ – nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú và hai cậu con trai. Sự hi sinh của chị đã tạo dựng cho con công trình tương lai đầy phúc đức. Dẫu biết phải trải qua nhiều gian khó nhọc nhằn, những cô đơn, trăn trở để có được quả ngọt hôm nay, thì nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ vẫn là tấm gương cổ vũ tinh thần cho những nữ sĩ trẻ nặng lòng với nghiệp viết.
Dù kiêm nhiệm chức vụ Giám đốc Trung tâm bản quyền của Hội nhà văn Việt Nam, hay đạt Giải thưởng Văn học từ Hội nhà văn Việt Nam trao tặng cho tuyển tập truyện ngắn “Thành phố đi vắng”, thì với nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, sự quan tâm tới bạn bè, người thân, đồng nghiệp vẫn luôn tràn đầy ăm ắp. Luôn thấy chị bận rộn với công việc, nhưng chị cũng không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để ngồi uống chung chén trà nóng hay ly rượu thơm cùng bạn của mình.
Ra mắt sách, ra mắt phim, việc hiếu hỉ người thân, hoặc khi ốm đau khốn khó, nghĩ tới nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, là chị có mặt ngay ở bên, kể cả phải trải qua những chuyến bay dài. Rất nhiều khi, không thể nghĩ ra nổi, làm thế nào mà trong chị có nhiều nhiệt năng đến thế.
Ở bên nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, sẽ luôn thấy sự thư thái nhẹ nhàng từ nụ cười, lời nói chia sẻ chân tình, cùng sự quan tâm chu đáo. Sự thấu hiểu cùng tình yêu thương đến với mọi người, làm chị vẫn giữ được vẻ đẹp tươi trẻ mặn mà, dù giờ đã trở thành bà nội.
Giờ chị đi đi về về giữa Hà Nội và Sài Gòn, để chăm nom công việc cũng như gia đình. Niềm nhớ nhung dành rất nhiều cho cháu gái đẹp như thiên thần và cũng yêu bà nội vô chừng.
Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu
Là tác giả của nhiều bài thơ rất tình, đôi khi tự cho mình chìm trong phiêu lãng sau những giờ làm việc nhọc mệt với cương vị Phó Tổng biên tập của Vietnamplus, nhà thơ Đoàn Ngọc Thu tìm thú vui trong việc chăm sóc gia đình có “bầy gấu con”, giữa đam mê bóng đá bất tận, cùng những hành trình khám phá những mảnh đất thần tiên trên toàn thế giới. Cuộc sống của nhà thơ Đoàn Ngọc Thu là sự sôi động, cuồng nhiệt, bên những thẳng thắn sắc bén mỗi khi nhìn nhận vấn đề, đồng thời lại vô cùng kỹ lưỡng chu đáo khi quan tâm đến người khác.
Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu.
Người đàn bà mê màu tím, tím từ tóc đến áo quần, giỏ xách, giày dép, phụ kiện thời trang, đến loài hoa yêu thích hay đồ đạc trong nhà, màu sơn tường và tấm thảm trải sàn… Chị sống hồn nhiên, yêu ghét hồn nhiên cùng những trải nghiệm hồn nhiên đầy hương vị.
Đoàn Ngọc Thu rất nhiều bạn, từ thân đến sơ, được phân định khá rõ ràng. Là người luôn biết kính trên, nhường dưới, dành mọi thời gian để quan tâm chăm sóc người khác, chị tự mang tới cho mình cùng gia đình những niềm vui hân hoan mà hiếm ai có thể đồng cảm nhận được.
Thơ của Đoàn Ngọc Thu tha thiết, buồn bã, nổi sóng, sâu sắc, lãng mạn với các tập thơ đã xuất bản “Thì thầm sông trăng”, “Khúc hoang tưởng chiều mưa”, “Muộn”, “Quá giang”, “Vé một lượt”… đến bao nhiêu, thì khi đóng trang viết lại chị hoà nhập với đời thường mạnh mẽ bấy nhiêu. Đoàn Ngọc Thu mang trong mình niềm yêu bất tận với cuộc sống, và chị luôn biết cách làm hài hoà mọi thứ xung quanh.
Vừa thành công trong vị trí lãnh đạo tờ báo điện tử nhận được nhiều giải thưởng công nghệ thông tin và báo chí trong nước lẫn quốc tế, vừa là người mẹ hiền, vợ đảm, vẫn không thể tìm thấy từ nhà thơ Đoàn Ngọc Thu hình ảnh tất bật của người phải lo toan nhiều việc cùng một lúc. Thường thấy chị điệu đà trong những bộ đồ tinh tế, tự chụp nhiều tấm hình xinh xinh post facebook, chăm sóc vườn cây trên ban công, mùa nào hoa nấy cắm tràn phòng làm việc lẫn quanh nhà, nhận những món đồ lưu niệm liên quan tới bóng đá cùng những chuyến nghỉ dưỡng dài ngày.
Thay vì bị thơ ca, văn chương ám ảnh, tạo nên những cơn buồn không nguyên cớ bởi quá mẫn cảm, Đoàn Ngọc Thu biết cách đi qua chúng bằng sự nhiệt thành vô ưu để rồi sử dụng lý trí để điều khiển các cảm xúc của mình.
Với trái tim ấm áp và năng lượng sống đầy tích cực, nhà thơ Đoàn Ngọc Thu đã tặng cho đời mình bài trường ca đẹp về tình yêu thương với sự sống, con người.
Nhà văn Như Bình
Gắn bó với nhiều bài viết chân dung văn nghệ sĩ, trí thức trên báo Công an nhân dân, và hiện đang tổ chức tờ báo Công an Nhân dân Cuối tuần cùng phụ trách một số ấn phẩm khác, không hiểu sao, nhà văn Như Bình vẫn có thời gian để sáng tác văn chương.
Nhà văn Như Bình.
Chưa đến ba mươi tuổi, nhà văn Như Bình đã trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam, từng đạt giải B Giải thưởng Văn học Nguyễn Du, giải C của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, giải thưởng của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, và là tác giả của “Bùa yêu”, “Sự ẩn khuất của số phận”, “Người mang lại ái tình”, bộ sách “Truyện khó tin nhưng có thật” gồm sáu cuốn: “Những bí mật đau lòng”, “Vòng kim cô của số phận”, “Ẩn ức không thể chia sẻ”, “ Những sự thật xấu xa”, “Thiên tình sử cuộc đời”, “Chiếc mặt nạ cuộc đời”.
Chị luôn mang trong mình niềm tha thiết với việc viết. Ký ức đẹp nhất trong nhà văn Như Bình, là hình ảnh một cô bé – viết, ngây thơ, với mái tóc dài, đôi mắt mở to tròn, mặc chiếc áo dài trắng, trên tay cầm bó hoa của những ngày đầu tiên đặt chân đến thế giới văn chương… đến ngày hôm nay, dù là mẹ của bầy con luôn quấn quýt bên cạnh, thì sự ngây thơ nặng lòng với sống, vẫn vướng trong ánh mắt của nhà văn Như Bình.
Đến với từng thân phận người với sự đồng cảm sâu xa, Như Bình luôn muốn tìm sự công bằng giữa những bộn bề vốn chất chứa nhiều bất công. Đi tìm cho mình câu hỏi về yêu thương, chị không quản khó nhọc, con nhỏ, để mang hơi ấm tới cho trẻ em và người nghèo những nơi rừng núi xa xôi.
Càng gặp nhiều những mảnh đời bất hạnh, nhà văn Như Bình càng ý thức sâu sắc về may mắn mà mình đang có. Nếu không tính tới nỗi buồn khi vướng trong nghiệp viết, Như Bình đã sống trọn vẹn trách nhiệm với nghề báo cũng như gia đình. Như nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, nhà thơ Đoàn Ngọc Thu, nhà văn Như Bình đã xây đắp nên một gia đình hạnh phúc êm đềm bên hạnh phúc ấm áp từ những điều giản dị từ các con hay sau khi những trang báo văn hoá văn nghệ được in ấn, đến tay bạn đọc.
Mỗi người mỗi nghề, mỗi số phận, nhưng ba nhà văn nhà thơ của văn chương Việt Nam – Nguyễn Thị Thu Huệ, Đoàn Ngọc Thu, Như Bình, – đã đi qua được sự thôi miên của văn học, không để cho văn chương tạo thành một bản nháp phiên bản ngoài đời, bằng trái tim mở rộng yêu thương cùng ý chí nở hoa từ trí tuệ để xây đắp cho mình con đường báo chí thành danh.
Mỗi người mỗi nghề, mỗi số phận, nhưng ba nhà văn nhà thơ của văn chương Việt Nam – Nguyễn Thị Thu Huệ, Đoàn Ngọc Thu, Như Bình – đã đi qua được sự thôi miên của văn học, không để cho văn chương tạo thành một bản nháp phiên bản ngoài đời, bằng trái tim mở rộng yêu thương cùng ý chí nở hoa từ trí tuệ để xây đắp cho mình con đường báo chí thành danh.
Theo Việt Quỳnh – Đại đoàn kết