Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Phan Ngọc Chính, gồm các truyện ngắn sau:

– Hẹn ngày trở lại

– Nhân tài về quê

– Di nguyện

– Mầm xưa

– Người bán than ở Chí Linh

Nhà văn Phan Ngọc Chính sinh năm 1973

Quê quán: Xã Đông Phương Yên, Chương Mỹ, Hà Nội

Phan Ngọc Chính là một nhà báo, hiện làm việc trong lĩnh vực xuất bản.

Học vị: Thạc sĩ.

Hiện anh đang đảm nhiệm vai trò Giám đốc Nhà xuất bản Tài chính

Phan Ngọc Chính đến với văn chương khá sớm, từ năm 1991 đã có tác phẩm đăng rải rác trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, anh cũng dừng viết khá sớm, vào năm 1997, sau khi có một số tác phẩm in chung cùng các cây bút trẻ đang lên thời đó.

Từ tháng 8 năm 2020 đến nay, Phan Ngọc Chính trở lại với nghiệp viết, theo anh như một sự tìm tòi bản ngã, cũng có lẽ là một sự thôi thúc bên trong tâm thức. Anh liên tục công bố các sáng tác mới trên Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội và các tờ báo, tạp chí văn nghệ địa phương.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận xét:

“Truyện của Phan Ngọc Chính là một sự trải nghiệm sâu sắc. Thời gian anh dừng lại không viết có lẽ là thời gian để sống và trải nghiệm. Và cho đến một lúc nào đó Phan Ngọc Chính thấy mình cần phải thể hiện những sự trải nghiệm đó ra trang viết.

Những câu chữ của Phan Ngọc Chính sâu sắc. Những ý từ của Phan Ngọc Chính trong truyện luôn khiến người đọc có những suy nghĩ nhiều chiều”

DI NGUYỆN

                      Truyện ngắn của Phan Ngọc Chính

“Chú Lý vào đây rót rượu cho bọn anh”. Ất, trưởng bộ môn thống kê huơ huơ chiếc ly không khi thấy bóng người ló thó bước qua cửa. Giọng Ất nhừa nhựa. Đám đàn ông trung niên cười ồ. Cô Thìn triết học buông thanh chả xiên gỡ dở, cau có. “Một vừa hai phải thôi. Giời đánh còn tránh miếng ăn. Chẳng gì người ta cũng là bậc cao niên nhất ở đây. Kính lão đắc thọ”. Người đàn ông đưa bàn tay xương xẩu quệt mồ hôi bết dính vạt tóc nhuốm bạc, khuôn mặt hóp hép cười nhệch như mếu rồi thuỗn ra ngượng ngùng.

Như mọi lần, đến cữ gay gắt bao giờ trưởng khoa Bình cũng có cách hóa giải. “Kìa, thầy Lý ngồi xuống chỗ trống dành riêng chờ thầy đây. Tất cả đợi thầy chửa cả dám nâng cốc. Nào, chúng ta chạm ly mừng vụ tuyển sinh đại thắng lợi. Nhắc mọi người cháy hết mình, nhưng phải có kiểm soát. Đừng làm gì quá, mất vui”. Chủ đề được lái. Ông cam chịu ngồi. Cười gượng. Uống gượng. Ăn gượng…

Không như ngày xưa, trong những bữa liên hoan, chỉ cần ai đó “tỷ đểu” hoặc châm chích kiểu vậy là ông Lý đùng đùng bỏ về.

 ****

Lần đầu tiên bỏ về từ một bữa liên hoan kiểu này, ông thập thõm thả những bước chân uất ức trên con đường về trường. Chợt một bàn tay thân quen khiến ông Lý khựng lại. “Thầy lại quan trọng hóa vấn đề rồi”. Giọng nói như thấu tỏ tim gan ông. Lời nhắc mềm mại, du dương như xả van quả bóng bực bội chực bung vỡ trong lòng ông. Bàn tay của phó khoa Biên kéo ông Lý vào một quán cà phê ven đường.  

Ở đời có những mối quan hệ mà sự gắn kết chẳng thể lý giải nổi. Như ông Lý với Biên, hai cá thể ngỡ tương phản, đối lập lại hợp nhau lạ lùng. Nhìn qua cũng nhận ra về tuổi tác, hai người thuộc hẳn hai thế hệ riêng biệt. Kẻ của thời khốn khó đói ăn, trường chỉ là ba dãy nhà cấp bốn mái lợp giấy dầu, chuyên đào tạo cán bộ hệ sơ trung. Kẻ của thời nâng đời đại học, sinh viên nườm nượp, rổn rảng khai giảng, bế giảng, ê hề mũ áo thạc sĩ, tiến sĩ. Người là lính bảy chín xuất ngũ dáng thô mộc, gầy guộc, đã thế một bên má lại có vết sẹo bỏng khiến khuôn mặt thêm méo mó, dị dạng. Kẻ bạch diện thư sinh từ trong trứng, mới thấc lớn đã lĩnh suất sang Đông Âu du học, dáng thấp đậm, trắng trẻo mang đầy đủ những tố chất của đám trí thức thời mới. Người nổi tiếng ngay thẳng, bộc trực bị nhiều đời lãnh đạo ghi vào “sổ thù vặt”. Kẻ nổi bật bởi sự mềm mại uyển chuyển, chiều lòng cấp trên kỳ tài, vỗ về đồng nghiệp siêu đẳng. Vậy mà họ lại vượt qua cái ngưỡng đồng nghiệp thông thường, vươn lên tầm tri kỷ, tâm giao. Đến lạ.

Thì chỉ cùng câu nói đơn giản kia thôi, ngoài Biên, nó luôn khiến ông Lý sửng cồ khi thốt ra từ miệng của bất cứ ai khác. 

Người đầu tiên nói cái câu khiến ông Lý nổi cơn tam bành là trưởng phòng đào tạo Lộc. Đận đó, trường vừa rũ bỏ gốc gác trung cấp để khoác lên mình tấm áo cao đẳng sáng rỡ. Buổi trông thi lớp đại học tại chức mới mở, gần chục khuôn mặt non choẹt lấm lét tứ phía. Những khuôn mặt lần đầu tiên đến với ngôi trường này. “Cậu là ai, ở đâu lạc vào đây?”. Gã trai trẻ mặt xám ngoét nhìn thầy giáo vụ đi ngang, bất chợt rẽ vào lớp. “Dạ thưa, em tưởng chú, chú… đã làm việc với các thầy”. Vừa lúc đó, Lộc bậm bạch bươn tới thở híp hóp rồi cất giọng lắp bắp: “Bình… bình tĩnh anh Lý ơi. Các cháu nó chỉ giúp mấy sếp một tẹo”. “Giúp? Có việc này thật à?”. Ông Lý chết sững. Lộc hổn hển. “Anh quan trọng hóa vấn đề rồi. Đám sinh viên già bận họp đã có cậy nhờ đàng hoàng, gửi hậu tạ phòng và cả anh nữa. Với lại, chỉ… chỉ là thi hết môn…”. “Quan trọng hóa vấn đề”. Ông Lý như bị chạm nọc. Thế là đấu khẩu dữ dội. Người gân guốc khẳng định bằng đại học tại chức không phải là mớ dưa khú. Kẻ viện quy chế: “Đây đâu có là phiên trông thi của anh”. Tay giáo vụ già sôi máu, mặt đỏ tía: “Nghĩa là anh bảo tôi làm sai thẩm quyền chứ gì”. “Đúng thế!”. Gã trưởng phòng vênh váo khẳng định, tật nói lắp bay biến. “Sự liêm sỉ và đạo đức người thầy là không có ranh giới nào, anh Lộc ạ”. 

Chẳng rõ cuộc cãi vã sẽ còn ồn ã tới đâu nếu Biên không xuất hiện đúng lúc. “Thôi, em xin anh”. Lại cái khoác vai thân tình. Lời chia sẻ rủ rỉ. Có cần thiết phải “quan trọng hóa vấn đề” vậy không. Để khối máu nóng trong ông Lý giảm nhiệt, Biên nói như thầm thì. “Việc đó sai, rõ ràng. Anh biết, em biết và sẽ nhiều người biết…”. Ánh nhìn của ông Lý như muốn đốt cháy khuôn mặt gã đồng nghiệp. “Biết mà chú vẫn lặng im?”. Biên toét cười. Trông gã lúc này hồn hậu và dễ mến đến lạ. “Này nhé, nếu không tạo điều kiện cho cán bộ địa phương hoàn thiện bằng cấp, trường ta có mà ế sưng. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ còn đồn xa hơn. Đám sinh viên tại chức các khóa sau tẩy chay chúng ta, anh em mình làm gì có lương hai hỡi thầy?”.

Vết sẹo trên khuôn mặt đen sạm của người đàn ông rúm lại như một nét vẽ vụng. 

Lý, thằng lính bảy chín duy nhất trở về khi làng có tám thằng đi cùng đợt. Bốn thằng nằm lại, ba thằng trong trại thương binh. Trở về mà còn đủ chân, đủ tay, đầu không đơ đơ là phúc mấy đời rồi. Duy có một bên má bị súng phun lửa đốt bỏng, vẫn là chuyện quá nhỏ. May chỉ bị bỏng mặt chứ thằng lính Khựa mà hạ thấp chút, đốt cháy cây súng thịt với hai hòn đạn thì đời gần như bỏ đi. Đang tính ngắm nghía đám gái làng nào cho vừa miếng thì chiều nọ một lá thư bất ngờ gửi đến cho Lý. Hồi hộp. Xúc động. Sung sướng. Ngay hôm sau, anh khoác ba lô lên đường.

Bữa cơm trưa của vị hiệu trưởng vốn là D trưởng hồi ở chốt với cậu nhân viên tương lai chỉ có bát canh cua đồng và đĩa thịt rang xém. “Chắc mày thắc mắc lý do tao gọi về đây đúng không?”. “Vâng, con vẫn chưa hiểu…”. Bố Mùi gắp thức ăn cho Lý. “Thì chính việc mày trốn trở lại chốt khi đơn vị đã rút, tìm bằng được ba lô kỷ vật của mấy thằng hy sinh khiến tao và tất cả tá hỏa…”. Lý gãi đầu lập cập: “Năm đó, bố không bao dung thì con dính kỷ luật nặng…”. Thế là Lý trở thành người của trường.

Mấy chục năm gắn bó, ông tận hiến hết tâm sức, ngôi trường từ sơ khai đã chuyển mình vươn lên. Nhưng ông không thể ngờ nó lại vươn lên theo cách này.

Nghe những lời tỉ tê của Biên, bầu máu nóng trong ông Lý có dịu xuống. Nhưng nửa giờ sau, mọi thứ trong ông lại sục sôi, dâng trào. Không thể chấp nhận cách dạy dỗ, thi cử như vậy. Ông gửi đơn tố cáo. Nhưng khi lá đơn gửi đi cũng là lúc những biểu hiện của mấy đồng nghiệp thân thiết khiến ông không lý giải nổi. Đầu tiên là bước chân lướt qua ông rất nhanh của Hoài, nữ giảng viên luôn ríu rít thân mật. Tiếp đó, khi đứng chờ Khung trên con đường dẫn lên khu hiệu bộ, bất ngờ cậu đồng nghiệp về trường cùng đợt chỉ khẽ chào từ xa rồi vội vã rảo bước. Không còn cái ôm nồng nàn hay màn hàn huyên vô tư. Ông Lý ngơ ngác. Lần này thì Biên ra chiều trầm ngâm. “Anh biết không, thông tin anh định đập vỡ nồi cơm của trường khiến ai cũng ngán ngẩm. Họ tránh anh vì không muốn bị lãnh đạo nghĩ có sự dính líu. Công lý chiến thắng mà đói kém, nhem nhếch thì nghĩa gì hả anh”. Ông Lý đờ đẫn. Lời Biên chắc như những nhát búa. “Anh hãy nhớ câu sờ-lô-gừn của trường mình giai đoạn này. “Tại chức là cứu cánh”.

Cuộc nói chuyện với Biên lần đó đẩy ông Lý vào một chuỗi ngày dằn vặt, khổ hạnh. Không ít lần, ông ao ước giá như thời gian quay ngược để được trở lại ngày xưa. 

Đó là cái thời anh giáo vụ trẻ cuối tuần hăm hở đạp xe dăm chục cây số theo lớp hàm thụ đại học. Chân cán sự bậc thấp, tháng mười lăm cân gạo mậu dịch, thi thoảng quy ngô, hạt bo bo, vậy mà đầu óc cứ trong veo vô tư. 

Trường đào tạo cán bộ, học viên xét tuyển từ thương bệnh binh, cán bộ các ngành gửi bồi dưỡng, cập nhật kiến thức. Vị hiệu trưởng vốn cựu binh chống Mỹ rồi tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc, trưa hè thỉnh thoảng lại vén cái bụng đầy sẹo. Lửa na-pan cháy như đốt thịt. Tớ nhảy ùm xuống cái hố bom có cả những thi thể người. Mấy học viên cũng kéo quần, vạch áo khoe vết thương. Thầy trò nghèo, chia nhau từng miếng bột mì hấp.

Nhưng cái nếp nghiêm của lính được bố Mùi áp dụng khá triệt để. “Các anh chị học hành nghiêm túc để làm việc thay cho bao đồng đội nằm lại”. Học viên răm rắp, miệt mài. Ngoài giờ học, thầy trò trần lưng trên mấy mẫu đất. Chỉ năm thứ hai, sắn khoai ngô lúa đã xếp chật góc nhà bếp. Rồi thì tết nhất mổ lợn chia phần. Tươi và vui.

Hiểu rõ tâm sự thầm kín của cậu lính cũ, cữ tăng gia năm đó, bố Mùi giao phắt cho Lý cùng Xuân kẻ kéo người đẩy chiếc xe chở mía giống. Khi vườn mía phủ kín cũng là lúc tình yêu bình dị kịp nhen giữa chàng cựu binh và cô cấp dưỡng khỏe khoắn. Và đám cưới của kẹo lạc, trà mạn, thuốc lá sông Cầu, chậu nhôm, khăn bông diễn ra ngày vườn mía thu hoạch. Vợ chồng trẻ được chia căn buồng lợp giấy dầu ở cuối dãy tập thể. Chưa tròn năm, tổ ấm đã có thêm cô công chúa nhỏ. Vợ chồng Lý – Xuân hài lòng với cuộc sống tuy nghèo mà ấm áp.

 Nhưng bố Mùi về hưu đồng nghĩa với một thời kỳ lịch sử vĩnh viễn khép lại.

“Chết. Chết cả nút nếu trường không tìm ra hướng đột phá mới”. Tiến sĩ Thụ, người thế chân bố Mùi gầm gào. Sau khi ngược xuôi một hồi, ông Thụ bươn về bộ. Từ trung cấp, trường tức tốc “thay lốt” lên đời. Ngành mới được mở. Khoa mới được lập. Chỉ tiêu tuyển sinh tăng. “Giờ cứ bảo ban nhau làm, gì mà không trúng lớn, thắng đậm”. Hiệu trưởng hào hứng. Nhưng mặt đội ngũ cán bộ, giảng viên chỉ tươi hơn năm đầu. Nâng đời mà số lượng thí sinh dự thi chưa tăng mạnh. Ông Thụ được một cữ chưng hửng. Thì ra trường mình nâng đời đâu phải là duy nhất. Mấy chục trường trung cấp lên cao đẳng nhất loạt. Bằng cao đẳng là gì? Thầy chưa tới mà thợ đã vượt ngưỡng. Dấn thêm năm nữa là kỹ sư, cử nhân, tội gì. Hiệu trưởng Thụ lại nhao về bộ, lên xuống dăm lần rồi một buổi triệu tập hội đồng, rút phắt tờ giấy A4 có triện đỏ choét huơ lên như trúng số. “Chính thức nhé. Bảo bối đây rồi. Trường ta được liên kết mở đại học tại chức. Khối trường xếp hàng kêu khóc trên kia mà vẫn chưa được phê”.

“Tại chức là cứu cánh” quả rất chuẩn khi đi đâu trường cũng được các địa phương chằm bặp mời gọi. Thì cán bộ khối tỉnh, huyện phần lớn đều thiếu mảnh bằng cử nhân. Nhu cầu phổ cập tại chức lớn lắm. Gãi đúng chỗ ngứa nhá. Vậy là việc chiêu sinh, mở lớp rầm rập. Kinh phí chảy về ầm ầm. Tiền lương hai của cán bộ, giảng viên cũng có thêm từ đó. 

Trường phát triển nhưng ông Lý không vui. Như hiểu những suy tư, dằn vặt của người bạn già, không ít lần Biên dốc ruột gan chia sẻ, góp ý. “Anh hãy gác ngay cái thời xưa cũ lại cho em. Nó đẹp và chỉ đẹp trong thể loại hồi ký. Tới đây, trường mở cuộc thi viết nhân kỷ niệm bốn mươi năm, anh hãy phóng bút vô tư. Càng dạt dào và lâm ly càng hay. Giải A anh không lĩnh, em cứ đi bằng đầu. Nhận giải, ôm hoa, chụp hình, bóc lõi phong bì mua rượu uống, xong phim. Ngày hôm sau đi coi thi, phải là một thầy Lý khác. Rất khác. Đó là vị Quan Công khi cần nhưng cũng có thể là tay giám thị mắc tật thiểu năng, ngẩn ngơ bẩm sinh. Trước văn võ bá quan biết đọc quy chế thi không sai nửa từ nhưng khi vào buổi thi phải biết buồn ngủ đúng lúc, đau bụng đúng giờ và thậm chí sẵn sàng ngồi lì nửa ngày trong nhà vệ sinh”. 

Thôi đành lựa theo thế thời như lời khuyên của Biên. Trường ăn nên làm ra, cán bộ giảng viên thi nhau xây nhà, mua xe kia thôi. Dãy tập thể giấy dầu đã là của thời quá vãng. Thu nhập tăng, ai cũng cười nói rổn rảng. Thây kệ đời. Ông tặc lưỡi.

Thành công của trường khiến chân dung hiệu trưởng Thụ được tô vẽ như đấng cứu thế. Chẳng ai còn bàn tán xuất thân của chàng trai trẻ miền Trung ra Thủ đô học, chọn kết hôn với một nữ đồng môn hơn năm tuổi dạng gái ế để trụ lại. Chẳng ai còn xì xầm chuyện Thụ nhờ ông bố vợ vụ trưởng mà được đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh, sang đến nơi là thời việc học rã đám, học viên chủ yếu đánh quả, chạy chợ. Người ta ca tụng tài đóng hàng bàn là, tủ lạnh, gom đô lẻ kiếm chênh lệch thời Liên Xô tan rã được hiệu trưởng vận dụng siêu hạng, tài tình giúp tập thể hưởng lợi.

 Sự tụng ca ngút trời chỉ đảo chiều ở một số người khi “chất riêng” của hiệu trưởng lộ diện. Trước khi chuyển về Thủ đô, ông Thụ làm cú tuyển dụng cả trăm chỉ tiêu, nhét chật ứ các khoa, phòng. Trước ngày bàn giao, ông còn phóng bút ký luân chuyển, bổ nhiệm mấy chục chức danh, quyết định bay rào rào như mưa. Đám trà đá vỉa hè phong ông là vị “thợ mộc đóng ghế” đại tài kiêm tay nghề “đảo ngói” siêu hạng. Người đang trưởng khoa lõi, thoắt cái về thư viện ngồi ghế ngang cấp nhưng kỳ thực là nhàn thối với đống sách cũ mọt nghiến. Kẻ chuyên điện nước, cống rãnh, nhoằng phát chễm chệ vị trí quản lý nhân sự vì được khen có tư duy, tầm nhìn. Bao tiếng thở dài chửi đổng xen sự sung sướng chỉ thiếu nước hú hét. Mỗi lần tiếng xấu vẳng về bộ, ông Thụ lúc này đã ở hàm thứ trưởng trợn mắt “quyết định nâng đời lên đại học là gia tài vô giá tao để lại. Tiên sư bố lũ vô ơn!”.

Phải, quyết định nâng đời đại học cho trường là bước chuyển quá lớn. Làm quản lý thì tiếng chì tiếng bấc khó tránh, công lao sếp Thụ vẫn vào hàng đáng đúc tượng, tô chuông. Đó là lời chiêu tuyết cho vị lãnh đạo đã ký quyết định đưa Biên lên trưởng một khoa lõi trong đợt bổ nhiệm chót vụ. 

“Này chú, trường ta thành công xưởng lớn gia công bằng cấp tự khi nào?”.

Câu hỏi xóc óc, đầy nét gây sự đó có lần ông Lý chọc Biên vào một cữ hai người ngồi đối ẩm. Thì ra sự mũ ni che tai đâu phải lúc nào cũng ngự trị vững bền trong lòng người đồng nghiệp ương ngạnh. Việc đó xảy ra sau ngày hiệu phó Mục đảm nhiệm chức vụ cao nhất. Chẳng nói ra nhưng ai cũng mong đời hiệu trưởng mới phải tung một sờ-lô-gừn là kim chỉ nam. Nếu ông Thụ, “tại chức là cứu cánh” thì ông Mục, “chưởng” nào sẽ được tung ra đây? Mấy trăm giảng viên nín thở chờ đợi. 

Và họ không phải thất vọng. Quả đúng thế. Sờ-lô-gừn của tân hiệu trưởng Mục ngắn gọn: “Hãy đưa con bạn cho tôi”. Đa nghĩa mà hàm súc. Trí tuệ mà ân cần. Để làm gì, để chúng tôi sẽ đồng hành cùng cháu đến vinh quang rạng ngời. Thì đây, trải qua thời gian và nỗ lực đèn sách, đứa trẻ lớp chín sẽ thành ông nghè chuẩn không cần chỉnh. Tại sao? Thì tại ngôi trường này, từ hệ bổ túc cấp ba kiêm trung cấp nghề đến cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ đã là một chuỗi liên thông vòng tròn. Vòng tròn vi diệu. Con bạn thi trượt cấp ba, không sao. Gửi con vào đây, ba năm sau cháu ẵm cú đúp bằng trung học phổ thông bổ túc và trung cấp nghề dù chắc chắn không nghề nào thạo. Thêm hai năm nữa, dĩ nhiên con bạn xênh xang mũ áo cử nhân. Theo tốc độ tịnh tiến thì hai năm sau, con bạn sẽ là thạc sĩ chĩnh chiện. Dấn thêm ba năm, vị thạc sĩ sẽ kịch khung khoa bảng, là đốc tờ – tiến sĩ đỏ chói. Tha hồ mà vinh quy bái tổ. Tha hồ mà đắp tượng tô tên vĩnh hằng ở đền thờ tổ, nhà thờ họ.

“Hàng rởm hại một, trí thức rởm hại trăm hại ngàn, chú hiểu chứ?”. Ông Lý chua chát. Biên tợp hết chén rượu vẻ nhăn nhó, khó chịu. “Bối cảnh chung nó vậy. Giờ là thời nào rồi anh…”.

Để chút ấm ức nơi người đồng nghiệp già lắng dịu, Biên khề khà. Anh đang “bắt nhịp”, “vào guồng” ổn dần nhưng thi thoảng vẫn tự làm khổ mình. Em đã nói nhiều lần, đừng để hồi ký nhảy ra ngoài trang sách. Lấy ví dụ nhé, như vụ thằng Kha – thằng Khá làm nên thương hiệu ông Mùi và anh một thời, giờ xử lý vậy là hỏng. Hỏng hẳn.

Rượu lại được rót. Ông Lý ngồi lặng như phỗng.

Năm đó, theo hồ sơ, Khá là thương binh, được vào trường theo diện xét tuyển. Nhập học, Khá nhanh nhẹn, giảo hoạt, là cán sự lớp, luôn đi đầu trong nền nếp kỷ luật. Tháng nào ở quê lên Khá cũng có chút quà nhỏ khi cân đậu, bơ lạc, túi gạo nếp chu đáo biếu các thầy. Một chiều, bố Mùi gọi riêng Lý lên phòng, chuyển anh tờ giấy giới thiệu về quê Khá xác minh. Ông im lặng, trầm ngâm nhìn anh, ánh mắt kỳ lạ khó hiểu. Chuyến về miền trung du gây ấn tượng với Lý về sự nhiệt tình, nhanh gọn của vị chủ tịch xã hiếu khách. Sau bữa cơm gà cá gỡ, rượu nếp ngọt thỉu, chủ tịch xã còn cho người chở ra bến xe hai bao gạo nếp gọi là quà quê gửi các thầy. Nhưng rồi khi xe chạy được mấy cây số, Lý quyết định xin xuống, một mình cuốc bộ trở lại…

“Cậu giải thích thế nào trước tôi về sự thật này?”. Mặt Khá xám như đổ chì: “Thưa thầy, em có sai nhưng…”. “Là sao?”. “Thằng em trai em lẽ ra… nhưng gần đến ngày thì vết thương cũ tái phát”. “Vậy là cậu anh trai tên Kha tráo hồ sơ với em và được chính quyền xã xác nhận?”. “Thật ra, em cũng từng tham gia chiến tranh…”. “Gian dối đến như vậy mà cậu vẫn biện hộ được”. “Hoàn cảnh gia đình em khó khăn. Các thầy thương tình bỏ qua sẽ chẳng ai biết việc này mà em đội ơn mãi mãi”.

Biên tự rót rồi dốc cạn chén rượu.

“Em nhắc lại vụ đó không phải để phủ nhận sự thật. Nhưng anh nghĩ kỹ đi, việc đuổi học cậu Kha năm xưa có làm gia đình họ tốt hơn không. Làm vậy cái lý thì đúng nhưng cái tình có vẹn”.

Phải, để đổi trắng thay đen người ta đưa ra chữ “tình”. Chẳng nói ra nhưng ai cũng hiểu “giá” của mỗi chữ “tình” ấy. Ông Lý vẫn ngồi lặng như phỗng. Vị rượu đắng đót như mật vỡ khắp miệng.

***

“Zô, chúc mừng khoa ta bội thu”. Rượu tây sóng sánh chảy.

 Ở một góc bàn nhậu, đang xảy ra cuộc tranh luận gay gắt. Ất, mặt tím lịm, chỉ tay vào mặt trưởng bộ môn Khiêm: “Này, luận án tiến sĩ của tay chủ tịch huyện X., đề tài tạo thức ăn cho bò từ rơm sao lại lạc vào vài chục trang về dân số với kế hoạch hóa?”. “Làm gì có chuyện đó”. Giọng Khiêm the thé nữ tính. “Thì nó sờ sờ ra đấy, đổ oan cho thầy trò ông chắc?”. Ất hạ ly, cái trán hói bóng nhẫy gồ lên như đầu con châu chấu voi. Khiêm nhăn nhó. “Khổ quá, thằng này bận đi nước ngoài. Nó nỉ non, kỳ thực là khoán cho tôi “tay dao tay thớt”. Ông ỉm tôi vụ này, đợt tới thằng nghiên cứu sinh của ông, cửa tôi coi như xong”.

“Thôi được”. Ất buông thõng. Chợt giọng gã nhễu nhại dài ra một cách bất thường. “Nói thế không phải tôi cố tình quan trọng hóa vấn đề đâu”. Ánh mắt gã liếc xéo về phía ông Lý, vành môi trễ buông một điệu cười mai mỉa, châm chích. 

Ở góc bên trái, ban lãnh đạo khoa đang chụm đầu bàn mua quà sinh nhật con hiệu trưởng Mục. Góc bên phải, cánh chị em váy cụp, đầm xòe nghiêng ngả, bắt cậu giảng viên trẻ hết xoài lại cúi ngật ngửa lấy nét, chỉnh sáng. Tiếng cười ré lên khi những bức ảnh được “lai” rầm rầm trên “phây”. 

“Quan trọng hóa vấn đề”. Một cơn giận tự nhiên trào lên trong lòng ông Lý. Thoát chốc, ông thấy mình lạc lõng với tất cả. Lặng lẽ rời bàn tiệc, ông bước ra con đường đang ngùn ngụt hơi nóng. Ánh nắng xô cái bóng đổ dài trên hè đường. Nắng nhuốm khuôn mặt khắc khổ chuyển từ đỏ lựng sang tím nhợt. Mồ hôi túa ra trên cổ, trên mặt người đàn ông. Chẳng còn cái khoác vai của Biên như ngày nào. Các dòng chữ trong những lá thư của thủ trưởng Mùi gửi từ quê lên cứ chập chờn, hiển hiện:

  Lý ơi, những kỷ vật của chúng nó như đang cụng cựa hôi hổi trong tao. Miêng ơi, cái chăn này mày mua ở cửa hàng mậu dịch Phố Lu, tao giữ hộ, giờ là thứ duy nhất. Thêm ơi, chiếc khăn mùi xoa có thêu đôi chim câu, giờ tao sẽ gửi cho ai?.

…..

Thực ra, sau vụ thằng Kha – thằng Khá, tao càng thấy việc lựa chọn mày về trường không sai. Bao nhiêu anh em nằm lại không phải để chúng nó được thay đen, đổi trắng.

…..

Này, tao về quê dưỡng già, ít có cơ hội trở lại thành phố. Mày sẽ là đại diện ban liên lạc tiểu đoàn. Hãy là đầu mối trung tâm kết nối với chúng nó. Bên nhau lúc vui. Sẻ chia khi hoạn nạn. Tao tuyệt đối tin tưởng ….

Tiếng phanh xe nghiến ken két riết róng. Bánh xe miết một vệt đen loằng ngoằng trước khi dừng. Mùi cao su khét lẹt. Cậu lái xe công nghệ mặt như quả cà chua chín bực dọc. “Bác đi đứng thế nào vậy?”. Lời trách gay gắt. Nhưng rồi cậu ta lột mũ, luống cuống: “Kìa thầy”. Ông Lý bừng tỉnh. Hóa ra là Lâm, cậu nghiên cứu sinh con nhà nghèo mà ông rất đỗi quý mến. Lâm vào trường hệ trung cấp, học xong cử nhân, thạc sĩ, đang trong hành trình của một nghiên cứu sinh. “Chẳng giấu gì các thầy, nhà em bốn đời là dân đánh xe bò. Bởi vậy, họ nhà em luôn bị các họ khác chế nhạo. Nhục quá. Em quyết đầu tư cho cháu nó thành tiến sĩ để lấy lại vị thế với thiên hạ”. Giọng người đàn ông thô tháp hằn lên trong đầu ông Lý buổi dẫn cậu con trai lên nhập trường năm xưa.

Lâm hiền lành, kiến thức mất gốc, sức học rất có hạn. Lâm là sản phẩm điển hình của vòng tròn đào tạo khép kín vi diệu. Trường từng kỳ vọng Lâm sẽ là hình ảnh đại diện để phục vụ cho kế hoạch quảng cáo rầm rộ trước mỗi mùa tuyển sinh. Ngặt nỗi, bằng cấp khắp người mà ở môi trường làm việc nào Lâm cũng chỉ trụ được không quá ba tháng. Tuy nhiên, sự nghiệp khoa bảng để cả họ ngẩng mặt với làng Lâm không thể bỏ cuộc. Cặp bò ra đi chẳng thấm tháp, bố Lâm phải nghiến răng bán mảnh đất quê lấy tiền cho con trọn đường khoa bảng tột bậc. Tiền học, tiền thầy ngốn như con nghiện đói thuốc. Để có tiền sinh kế, chàng nghiên cứu sinh phải nhập đội ngũ xe ôm hòa cùng hàng vạn thạc sĩ, cử nhân bước ra từ các ngôi trường được quảng cáo lừng lẫy. Đã có lần ông Lý nói với Biên: “Chú có nghĩ anh em mình vì miếng ăn mà đem nỗi bất hạnh cho bao gia đình không? Họ gửi con em cho chúng ta, để rồi nhận lấy những sản phẩm lỗi, hỏng”. 

Khuôn mặt vành vạnh của Biên như giãn thêm bề ngang. “Thì “quan trọng hóa vấn đề” làm gì hả anh. Giáo dục cũng là sản phẩm hàng hóa. Cung – cầu gặp nhau. Ta đào tạo, xã hội cần. Không có đám mê bằng hơn mến chữ, anh em mình có mà đói rã họng”.

Cái nhìn của Biên với người đồng nghiệp già lần đầu tiên thoáng chút khó chịu, khinh khỉnh. Cũng lần đầu tiên ông Lý thấy cụm từ “quan trọng hóa vấn đề” từ Biên sao mà thực khó nghe. Ngay lúc này đây, tự nhiên từ tận cùng trong ông, một nỗi oán thán gã đồng nghiệp vong niên dội lên. Không, ông oán cả chính ông. Từ lúc nào, bả danh lợi tầm thường đã ngấm vào ông như cơm ăn, áo mặc. 

“Có cái này, anh phải bí mật tuyệt đối…”. Trời tối nhập nhoạng, bóng Biên như chui ra từ đêm. Lời Biên như lời của quỷ, của ma thầm thào. Kinh nghiệm, trí tuệ của anh như vậy rất xứng đáng. Danh sách hạn chế tối đa và tuyệt mật. Sếp Thụ duyệt từng người, muốn bù đắp cho những ai thiệt thòi… Chỉ là một nét bút rất nhẹ. Thêm hai năm làm việc, lương hai lĩnh đều. Em tin nhờ vậy, anh sẽ đạt danh hiệu người thầy tiêu biểu… thêm thâm niên “số má” cho thằng út thế chân bố khi về hưu..”. 

Liệu đằng sau đó có phải là một âm mưu? Ông Lý cảnh giác. Phải, sau vụ tố hụt đám thi hộ năm xưa, tay Thụ, từng rất uất mình vụ đâm đơn lão lòng thòng với cô Thúy khoa nhà nước – pháp luật. Đận đó, cũng lại là Biên gấp rút gặp riêng. “Anh rút đơn đi”. “Tại sao?”. Ừ, anh đi thể dục vô tình bắt gặp hai người vào nhà nghỉ. Nhưng biết đâu họ vào đó bàn chuyện công việc. Đã ai nhìn họ trai trên gái dưới rành rành”. “Anh không phải thằng ngô ngọng chú nhé”. “Ừ, thì cứ cho là thế, nó vẫn ở phạm trù tình dục tự nguyện. Chồng cô Thúy đi làm tiến sĩ, chắc gì bên kia không cơi nới tí chút”. “Vậy còn vợ ông Thụ?”. “Em hỏi anh, phụ nữ hơn chồng dăm tuổi, ngực tóp, mông lép, chịu nín nhịn để yên cửa ấm nhà, chồng tiến thân là không hiếm đâu. Em chẳng bênh gì nhưng uy tín ông Thụ giờ gắn với uy tín của trường. Mà trường đang làm ăn vào phom. Vụ việc bung bét chắc chắn sẽ khiến lượng thí sinh đâm đơn sụt giảm”. “Anh không nên quan trọng hóa vấn đề. Phải nghĩ đến đại cục”. Ừ, cái lý vì đại cục đã đánh gục sự kiên ngạnh của ông. Biên ghé tai ông. Sếp Thụ đưa anh vào danh sách là trả ơn anh vụ rút đơn đấy. Ông cười, khuôn miệng méo xệch.

Nhưng sự thật không phải thế. Mãi sau này, ông Lý mới biết sự bổ sung danh sách chẳng phải lòng tốt của Thụ như lời Biên. Đó là “sáng kiến” của Cử, trưởng phòng tổ chức. “Chỉ có đưa lão Lý vào nhóm được bí mật sửa tuổi mới chắc chắn bịt được miệng gã “mặt sẹo”. Cử đề xuất với hiệu trưởng. Kết quả là lão Thụ trẻ ba tuổi để về bộ, Biên trẻ thêm hai tuổi để chuyển đến hiệu phó một trường đại học khác. Còn ông, ông đã cả tin khi Biên nói chỉ sửa hai tuổi, “chả quan trọng gì”. Nhưng con số 0 cuối cùng trong năm sinh của ông được ngoành một nét hào phóng thành con số 8, mở đầu cho một tấn bi hài kịch.

Lão Lý trẻ ra tám tuổi, kinh chưa. Lão ấy hẳn có ô dù lớn lắm mới dám làm quả cải lão hoàn đồng này. Hồ sơ từ trên xuống dưới khít khịt. Rồi lão đó sẽ chuyển về Thủ đô làm cán bộ tầm cỡ cho mà xem. Ai cũng bảo lão ấy thẳng băng, nguyên tắc và khốt-ta-bít, bây giờ mới trật ra bộ mặt thật. Làm một quả “khẳm” hơn bao thằng khôn vặt nhặt nhạnh. Mọi việc sau đó cũng nhàm dần. Xã hội đầy rẫy các vụ việc không tưởng, chỗ này nơi kia cán bộ khai rút tuổi, khống thành tích chẳng đáng để tính đếm. Duy chỉ có Ất thi thoảng vẫn đem chuyện tuổi của ông Lý làm “món khai vị” đầy châm chích giễu cợt. Vì tính theo tuổi cũ, Ất kém ông Lý năm tuổi. Tính theo tuổi mới, ông Lý kém Ất ba năm…

***

Ông Lý lảo đảo giữa đường, đầu ong ong nhức nhối.

“Kìa thầy, trời nắng nóng thế này, em mời thầy ngồi lên đây”. Lâm, chống chân con xe Wave cũ, nắm tay ông Lý khẩn khoản. Nhưng ông Lý khẽ gỡ tay cậu học trò. “Thầy đi được. Cảm ơn em”. Một nỗi hổ thẹn xen lẫn tội lỗi nhen lên trong lòng ông. Ông muốn chạy trốn Lâm. Ông muốn chạy trốn mình.

Hình như ông đã rẽ vào con đường dẫn về khu tập thể. Con đường có hàng phi lao xanh rì ngày xưa giờ mang tên phố Tri Thức. Nhớ năm đổi tên, hiệu trưởng Mục khẳng định, “Tất cả những cũ kỹ, lạc hậu phải xếp xó triệt để. Các thầy cô phải thanh lý sự khiêm nhường, lúi xùi ra khỏi đầu. Ai đời, trung tâm đào tạo uy tín mà địa danh cứ bãi sỏi, đồi sim. Đọc lên tối om, quê mùa, tôi nghe còn thấy ngượng. Làm sao các chi tiết nhỏ cũng phải bắt mắt, sướng tai mới lôi được nhiều thí sinh đâm đơn. Theo tôi từ mai, đoạn vào khu tập thể giảng viên, ta gắn cái biển phố Tri Thức. Đoạn dẫn vào ký túc xá đổi tên là đường Tân Khoa. Cứ vậy đã nhỉ!”.

Có tiếng nẹt pô rầm rầm. Một thằng chọi tóc xanh ghì chiếc xe tựa con bọ khủng bó vỉa tạo đường lượn. Phát hiện ra ông, nó hốt hoảng nhấn phanh. Tiếng lốp miết mặt đường chói tai cùng tiếng va đập uỵch ự. Mắt ông hoa lên. Những tàn lửa. Ánh chớp của đạn. Ngọn lửa của thằng lính Tàu phụt vào cái khe đá có người lính trẻ khoác ba lô kỷ vật của đồng đội ẩn nấp. Lửa cháy bùng bùng trên mặt. Người lính ôm vào lòng chiếc ba lô lăn xuống đồi. Những luồng đạn rạch vệt lửa trong đêm sượt qua đầu, qua tai. Thoắt chốc, ông Lý thấy mình bay lên rồi rơi xuống một vùng lửa bỏng rát. Ông không hề nhận ra Lâm, chàng tiến sĩ tương lai trên chiếc xe máy công nghệ đang hớt hải lao đến.

***

“Dạ, cháu xin gặp chú đề đạt một nguyện vọng”. Cô con gái mặc đồ đen, mắt đỏ mọng thập thò ở cửa phòng hiệu trưởng Mục. Hiệu trưởng kéo cặp kính trắng trễ nải. “Danh hiệu người thầy tiêu biểu cho bố cháu phải không?”. “Dạ không”. “Hay việc cậu út thế chỗ bố?”. “Dạ, thưa chú cũng không ạ”. Hiệu trưởng gỡ kính, phẩy tay vẻ khó chịu. “Thôi thôi, chú biết rồi. Cỗ áo quan tốt nhất. Đối chiếu với quy chế chi tiêu nội bộ, bố cháu không được, vì không phải cán bộ quản lý. Tuy nhiên, xét về thâm niên, chú với ban giám hiệu có thể sẽ linh động…”.

Cô gái lúc này đã tiến vào đứng trước mặt hiệu trưởng. Cố gạt sự lúng túng, cô nhìn thẳng, nói thật rõ và chậm: “Dạ, bố cháu chỉ có một di nguyện. Di nguyện xin với chú cho sửa từ thông báo tin buồn đến điếu văn năm sinh của bố cháu chuẩn xác. Bởi sẽ có nhiều đồng đội cũ về tiễn biệt ông. Và xin chú cho phép gia đình cùng đồng đội cũ tổ chức nghi thức tang lễ cho bố cháu như một cựu binh qua đời”.