Di Li
Trên đường đến núi Phú Sĩ, có một điểm không thể không dừng lại ở thành phố Hakone: Thung lũng Sục sôi. Trước kia, thung lũng này được gọi là “Oojigoku” (Địa ngục lớn) hay “Jigokudani” (Thung lũng địa ngục).
Mãi đến năm 1873 nó mới được Thiên Hoàng Minh Trị đổi tên thành Owakudani. Lúc đến lưng chừng thung lũng, tôi đã thấy một mùi rất lạ, như một hoạt chất sinh học đang tỏa ra từ phòng thí nghiệm.
Mùi lưu huỳnh. Chính xác hơn là Sulfur Hidro. Lưu huỳnh đơn chất thì không mùi không vị, khi đốt nóng với nước thì nó sinh ra cái mùi trứng ung khủng khiếp. Đứng từ dưới đã thấy những cột khói trắng bốc hơi từ nhiều địa điểm trên sườn núi. Đó là những vũng nước nóng từ mạch suối ngầm trong khu vực núi lửa.
Thung lũng này được hình thành từ lần phun trào cuối cùng của núi lửa Hakone cách đây 3.000 năm, và cũng nhờ những vết đứt gãy của núi lửa mà Hakone có rất nhiều suối nước nóng lưu huỳnh. Nước suối luôn sôi lục bục ở nhiệt độ 900oC và có màu xanh ngọc trong vắt, từ đó lưu huỳnh bốc lên thành những cột khói trắng kỳ ảo cả ngày lẫn đêm.
Lưu huỳnh nếu sử dụng hợp lý thì có lợi cho sức khỏe. Vì vậy cả vùng Hakone đinh ninh rằng ăn một quả trứng luộc tại suối nước nóng này sẽ tăng thêm 7 năm tuổi thọ. Chẳng ai đến Owakudani mà lại không ăn trứng luộc. Vì thế trứng luộc sẵn nóng hổi được đem bán với giá 20USD/chục quả. Lên gần đỉnh núi thì còn được tận mắt chứng kiến người ta luộc trứng.
Hàng trăm quả trứng được đưa vào những rọ sắt vuông rồi đem nhúng sâu xuống suối nước đang sôi sùng sục, vài phút sau nhấc lên, những quả trứng trắng phau đã chuyển thành màu đen sì. Đó là phản ứng của lưu huỳnh. Ở ngay dưới lối vào người ta cũng dựng một quả trứng đen khổng lồ đang mỉm cười, biểu tượng của Owakudani.
Tôi những muốn ăn cả chục trứng cho sống thêm 70 tuổi. Trứng luộc nước lưu huỳnh tuyệt ngon, thơm và ngậy. Hay đang đói mà tôi tưởng tượng thế. Trứng được đựng trong những túi giấy. Bóc từng quả trứng nóng hổi chấm với chút muối gói sẵn, những muốn mua nước lưu huỳnh về nhà để dành luộc trứng. Quãng đường từ bấy đến núi Phú Sĩ, những quả trứng đã trở thành cứu tinh cho dạ dày tôi.
Dọc xa lộ, chúng tôi hầu như ăn uống rất ít, vì các loại bánh trái ở những trạm dừng không được ngon. Lại toàn là bánh nhân cà ri. Trước đó hai tháng tôi đã ở Ấn Độ một tuần lễ nên hình thành phản xạ sợ cà ri. Nói về ăn uống thì người Nhật nổi tiếng với hai món là cá hồi và bò Kobe. Khi chế biến xong thì hoặc là lẩu bò hầm nấm, hoặc là sushi cá hồi, đấy là món ăn ở các nhà hàng sang trọng, còn bữa cơm bình dân thì khá đạm bạc và khó ăn.
Bữa sáng, chúng tôi được phát một bát cơm nguội (nghĩa là cơm không nóng), một con cá khô nhỏ nguội, một quả trứng luộc nguội và một ít rong biển. Tất cả đều lạnh ngắt. Ăn quả trứng luộc như vừa lấy ra từ tủ lạnh lại nhớ hùi hụi trứng luộc trường sinh ngọt bùi của ngày hôm qua. Sáng dậy còn ngái ngủ, khó ăn, vậy mà chẳng có thứ gì nóng sốt, toàn đồ nguội tanh nguội ngắt, chẳng ai nuốt nổi.
Tôi ăn mì gói tất cả các bữa sáng trên đất Nhật Bản. Dẫu sao thì tôi cũng có thể kết luận, bữa sáng trên toàn thế giới không đâu bằng Việt Nam. Trứng nguội và rong biển ở Nhật; bánh bao chay và ca la thầu ở Trung Quốc; cà ri rau và bánh bột mì ở Ấn Độ; bánh mì nướng và mứt dâu ở Châu Âu. Cứ trường kỳ như thế, không bao giờ thay đổi thực đơn. Mỗi lần nghĩ đến những bữa sáng trong các chuyến đi dài, tôi lại như ngây ngấy sốt.
“Sảy nhà ra thất nghiệp”, lấy đâu ra bún riêu, bún ốc, bún thang, bánh đa cá, miến cua, miến lươn, phở bò, mì vằn thắn, bánh cuốn, bánh chưng rán, xôi xéo, xôi lạp xường, bánh mì kẹp, trứng vịt lộn và thậm chí cả bún chả, bún đậu mắm tôm cho bữa sáng. Hàng trăm món trong thực đơn sáng trên những vỉa hè chật chội ở Hà Nội.
Nhưng ẩm thực Nhật thì hấp dẫn ở món sushi cá hồi. Không hiểu sao ăn đồ Nhật ở các xứ khác như Trung Quốc, Thái Lan… thì giá cả vẫn vào hàng bình dân nhưng khi về đến Việt Nam nó lại được nâng lên thành đặc sản cao cấp. Hàng hóa cũng vậy, đồ Nhật cực rẻ, từ mỹ phẩm, quần áo, đồ làm bếp cho đến đồ điện tử đều rất hợp lý về giá cả, nhưng sang đến Việt Nam nó lại thành xa xỉ phẩm. Có lẽ vì sự tôn sùng thương hiệu Nhật chăng?
Là một vương quốc mì, Nhật Bản sở hữu đến bốn loại mì là Udon, Soba, Somen, Ramen với các kiểu nấu nướng kỳ quặc khác nhau. Nhật và Hàn còn phổ biến món mì lạnh. Đã mì và trứng và cá là phải nóng hổi, nhưng người Nhật sẵn sàng ăn tất cả đồ nguội và lạnh.
Đã vậy, mì lạnh còn hiếm khi có thịt, chỉ loanh quanh nhân nhị là rong biển, củ cải trắng, cà rốt, dưa chuột, giá, cải ngọt, hành lá, gừng, vừng…
Khi về đến Việt Nam, mì lạnh trở thành mốt của tuổi teen, dù tôi thấy nó chẳng ngon lành gì. Ngoài mì thì trên các đường phố Yokohama, có rất nhiều quán cơm bình dân bày bán ở vỉa hè những khay nhựa nhiều ngăn bọc nilon, trong có sẵn những món ăn xanh đỏ mỗi thứ một tí.
Đó là “cơm bụi” kiểu Nhật, giá không đắt lắm, chỉ vài chục ngàn tiền Việt là mua được một suất, có thể mang đi và ngồi ăn trên xe. Người Nhật ưa đồ nguội nên thức ăn luôn được đóng gói sẵn như vậy mà không cần hâm nóng.
Tôi không hiểu thói quen thích ăn đồ nguội của người Nhật có nguyên nhân từ đâu. Mỗi truyền thống đều phải bắt nguồn từ một lịch sử nào đó. Vậy mì lạnh và bữa sáng nguội có xuất xứ từ sự khan hiếm chất đốt chăng?
Món điển hình mang tính nghệ thuật nhất của ẩm thực Nhật là Sushi. Sushi dễ làm, thực hiện ở nhà cũng xong. Ta nặn viên sushi từ cơm gạo sushi (một loại gạo Nhật vừa giống gạo nếp vừa nhác gạo tẻ), rồi đặt các lát cá sống lên và bày ra đĩa thế là xong. Hải sản sống dành cho món này có thể kể đến cá ngừ, cá hồi, tôm, mực, bạch tuộc, trứng cá đỏ, đen, xanh các loại… tạo nên một vườn hoa sushi.
Món ăn này sặc sỡ và đẹp đến nỗi người ta tận dụng nó thành một tác phẩm nghệ thuật để làm tiệc sushi khỏa thân (Nyotaimori). Người mẫu Nyotaimori không mặc gì mà nằm dài trên bàn để làm một khay đựng sushi. Tất nhiên chỉ món nguội mới bày biện được thế, còn cà ri, spaghetti, Tom Yum và phở bò thì bó tay đi nhé.
Tiệc ấy đắt phải biết. Giới thượng lưu Nhật Bản mới được thưởng thức, bằng không thì ra siêu thị Aeon, ở đó người ta trưng sẵn vài chục loại sushi. Chục ngàn một viên giá bình dân, ăn viên nào chỉ viên nấy rồi bọc đĩa xốp mang về. Nhưng dù có là món nguội, sushi để phơi mặt từ sáng chí tối thì cũng mất ngon đi rồi, miếng gạo sẽ bở ra còn hải sản thì chẳng còn vị thơm ngon nữa.
Ẩm thực Nhật nặng về hình thức nên ngay cả bữa cơm bento của trẻ mẫu giáo cũng được trang trí như vườn địa đàng. Con gái tôi mê truyện tranh Nhật Bản, mê tiếng Nhật, phim Nhật, cả mấy gã trai cà lơ trong phim nữa, nên cứ đòi du học Nhật. Nhiều bữa sáng lười biếng, tôi bày ra bàn mấy quả trứng luộc lạnh ngắt, miếng cá khô, bát cơm nguội, thêm vài lát dưa chuột, cà rốt trước khuôn mặt bí xị của cô nàng. Tôi biện bạch:
Không phải mẹ lười, đây là bữa sáng điển hình của người Nhật, chừng nào con ăn quen món này đến thành nghiện đi thì rồi mẹ cho sang du học nhé.
Lao động cuối tuần
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài