Di Li
Nếu hỏi thuở nhỏ ao ước và thèm khát món gì nhất, tôi có thể trả lời ngay trong một phần nghìn giây: Mì ăn liền, Coca Cola và kẹo caosu.
Cái thời ngớ ngẩn vụng dại ấy, cái thập niên 80 đói khát ấy, chỉ thèm nhỏ dãi mấy cái món mà giờ tôi cấm cửa chúng từ tận sảnh chung cư (nếu chúng có chân).
(Minh họa của Choai)
Những gói mì ăn liền nổi tiếng đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam là loại mì giấy đen mang thương hiệu Miliket lừng danh. Ối giời ôi, giờ thì các siêu thị xúng xính trang hoàng cho các giá mì bằng trăm nghìn thương hiệu với khẩu vị và bao bì đẹp đẽ.
Nào là mì gà, mì bò, mì thịt nướng, mì hải sản, mì kim chi, mì cay Hàn Quốc, mì lẩu Thái, mì ramen Nhật Bản…, khiến mì Miliket đính hình tôm nhìn thấy thế cười khẩy nhớ về thời hoàng kim, in như bà béo mập nhăn nheo nơi khóe mắt nhếch mép trước một siêu thị organic bán thịt sạch mà nhớ về thời đại kim tiền của các quầy thịt tem phiếu: “Có biết độc quyền là thế nào không hở?”.
Mãi đến cuối thập niên 90, Miliket giấy đen vẫn còn chỗ đứng vô cùng vinh dự trong các căng tin trường học với cách chế biến vô cùng nổi tiếng là úp nước sôi năm phút với hành hoa và tương ớt. Tên nào sang chảnh thì mua thêm gói thịt bò khô vài ngàn thả vào mì. Thịt bò cứng là thế gặp nước sôi sẽ mềm ra, ăn vội cũng nhác giống mì thịt bò.
Sau này, Miliket ngậm ngùi với thân phận của một ngôi sao hết thời khi mà nguồn cầu duy nhất là những quán cơm phở bình dân phục vụ món mỳ xào, xa xỉ hơn thì có mặt trong mấy quán lẩu, để nước cuối khi người ta đã chán thịt cá hải sản thì sẽ thả gói mỳ vào chiếc nồi đục ngầu cho có tí chất bột.
Mì ăn liền và Karaoke, món ăn vật chất và tinh thần được ưa chuộng nhất Châu Á hóa ra đều bắt nguồn từ nước Nhật. Xứ sở Phù Tang là một đất nước tập trung nhiều tỉ phú, trong đó có Vua mì.
Ông Ando Momofuku (1910-2007) người gốc Đài Loan, cha đẻ của loại mì ăn liền ngày nay, là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất Châu Á do tạp chí Time Asia bình chọn. Ông Ando là chủ tịch tập đoàn Thực phẩm Nissin, hạng mục kinh doanh chính là mì.
Năm 1962, gói mì ăn liền đầu tiên chính thức ra mắt nhân loại, để rồi từ đó chinh phục khẩu vị toàn thế giới khiến mỗi năm người ta tiêu thụ gần 100 tỉ gói mì. Cho đến giờ dân Nhật vẫn công nhận mì ăn liền là phát minh số 1 của Nhật Bản vì đã thay đổi được thói quen ẩm thực của cả thế giới, còn hơn cả karaoke và máy nghe nhạc Walkman.
Mặc dù khoa học đã kết luận ngốn nhiều mì ăn liền sẽ vô cùng có hại cho sức khỏe nhưng Vua mì cho biết bí quyết sống thọ đến 96 tuổi của ông là do ngày nào cũng… ăn mì. Ở Việt Nam cũng nhiều tỉ phú đi lên từ mì gói, rồi lần hồi từ mì mới chuyển sang bất động sản. Và tất nhiên các món thực phẩm rẻ tiền nhất lại luôn biến những người rao bán nó trở thành tỉ phú, đó là mì ăn liền và Coca Cola.
Trong những chuyến phượt vòng quanh thế giới của tôi, mì gói là thứ quý hơn vàng, vì chúng nhẹ, rẻ tiền, dễ thay thế các đồ ăn khó nuốt mà lại cơ động, chỉ một chút nước sôi là xong. Đặc biệt khi những bữa sáng bơ mứt ở Châu Âu bắt đầu trở nên kinh dị từ bình minh thứ hai trở đi.
Nhiều lần chúng tôi phải thức giấc vào 3 giờ sáng cho kịp chuyến bay đầu tiên trong ngày thì mì gói thả thịt bò khô cũng là một tiện ích. Tuy nhiên đến ngày thứ 10 thì những bạn đồng hành lười vác nặng đã hết sạch kho dự trữ vì họ chỉ mang có 10 gói trong khi quãng đường còn dài.
Sang ngày thứ 11 thì tôi ngồi ăn còn những người xung quanh ngồi nhìn. Tôi bảo có thể cho họ vay mì, với điều kiện đã vay thì phải có trả, họ phải mua mì để trả lại cho tôi ngay khi bắt gặp siêu thị đầu tiên. Tất cả hoan hỉ đồng ý và lập tức kiếm nước sôi mở tiệc mì ngay giữa thành Rome.
Chiều hôm sau chúng tôi tìm thấy một siêu thị hạng bét trong nhà ga, và tất nhiên thấy mì. Tôi nhắc nhở về nợ nần. Ai nấy đều vui vẻ trả nợ, tuy nhiên dường như có chuyện gì đó xảy ra vì sắc mặt họ càng lúc càng biến đổi khi tiến lại gần giá bày hàng.
Tôi nhún vai, tất nhiên rồi, ở nhà 10 ngàn một gói mì, còn ở đây là 3 Euro/gói (90.000 đồng – theo tỉ giá lúc bấy giờ). Đáng kiếp thay cho những kẻ lười biếng, vinh quang luôn thuộc về người chăm chỉ và biết nhìn xa trông rộng. Những con nợ bắt đầu đàm phán:
– Hay là lúc nào mình đi ăn spaghetti thì tụi em sẽ trả tiền ăn cho chị. Tội gì nhỉ, mì ở đây đắt vô lý.
– Ấy không được, vay mì phải trả bằng mì. Tôi cho vay mì tôm sẽ nhận lại mì tôm, chứ không thèm nhận mì spaghetti.
Các con nợ buộc phải đồng ý, cắn răng mua ba gói mì trả nợ bằng ánh mắt vừa nhẫn nhục vừa căm tức đối với một tay buôn Do Thái cho vay nặng lãi. Tuy nhiên họ vẫn kiên quyết không chịu mua mì cho những bữa tới (chắc nghĩ thà ăn spaghetti còn rẻ hơn).
Vậy là buổi sáng tiếp theo lại điệp khúc một người ngồi ăn mấy kẻ đắm đuối ngồi nhìn bát mì bốc khói. Mà thứ mì Ramen 3 Euro này hình như không thể được gọi là mì. Chúng không thơm ngon, không béo ngậy, không có vị tôm (tất nhiên) và lại chỉ được kèm một gói gia vị nhạt hoét. Siêu thị có độc loại mì ấy thôi, lấy đâu ra mì Lẩu Thái, Kim Chi, bò hầm.
Tôi đoán là người Ý biết mì ăn liền sẽ gây ra bệnh tim mạch, cao huyết áp, suy thận… nên cố tình làm cho mì giống như không phải món ăn để ngăn cản dân Rome ăn mì, trong khi những người Việt dại dột (trong đó có tôi), mỗi năm tiêu thụ đến 5 tỉ gói mì. Tôi có đói đến mấy cũng không thể cố nổi gói mì thứ năm tỉ linh một này, đành bỏ lại nguyên bát, và… mời các bạn đồng hành cùng thưởng thức. Bạn đồng hành mắt sáng lên bảo:
– Đây là mời đấy nhé, chứ không phải cho vay, thế có phải trả lại bằng mì không?
– Không không, cứ tự nhiên, đây là tớ đãi.
Tất nhiên ai cũng hiểu “lòng tốt” của tôi, cũng như hiểu hương vị của mì Ramen khi ăn tại thành Rome. Lúc ấy lại nuốt nước miếng mà nhớ về cái thời hoàng kim của Miliket giấy đen.
Lao động cuối tuần
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài