Di Li

Hồi trung học, tôi thường xuyên bị viêm màng túi. Lũ học sinh lớp 10 chúng tôi luôn ra khỏi nhà với chiếc túi rỗng tuếch trong khi có vô số thứ phải cần đến tiền.

 
(Minh họa của Choai)

Trong những giấc gà gật trên lớp, tôi hay nhìn thấy những tờ 2.000 nhịn quà sáng của mình nhân bản lên thành cả chồng dày cộm, rồi cái lũ nhân bản ấy tự bay vào căng tin biến hình thành đám cóc – ổi – xoài dầm.

Người ta vẫn nói tuổi 56 là tuổi khôn ngoan nhất, 46 là tuổi thành đạt nhất, tuổi 36 rõ ràng quyến rũ nhất, 26 chất đầy nhiệt tình và hoài bão. Còn tuổi 16 thì sao nhỉ?

16 là tuổi “khao khát ẩm thực” nhất. Ý tôi là… cái từ rất văn hoa ấy có nghĩa là… khi người ta ở tuổi 16, những giấc mơ sẽ không còn mang hình ảnh tòa lâu đài, chàng hiệp sĩ và cô công chúa nhỏ mà có dáng dấp hiện thực của một khu chợ chất đầy nem tai, bánh bột lọc, bánh gối, bún riêu, bánh đa cua bò, chè thập cẩm, sữa chua đánh đá, táo dầm, me xào…

Đấy là hình ảnh lý tưởng và hoàn hảo nhất luôn khiến chúng tôi ứa nước miếng bất cứ lúc nào nghĩ đến cho dù đôi khi nó cũng lấp loáng thêm vài khu cống rãnh bẩn thỉu và nền đất ken đầy rau quả nẫu chất chồng từ vài thập kỷ.

Khi người ta khao khát mà lại không có phương tiện để biến giấc mơ thành hiện thực thì nỗi niềm khao khát ấy còn nhân lên gấp mươi lần. Nhưng dù sao thì trong đám bạn, tôi cũng là kẻ giàu có nhất vì những đứa khác không có khả năng nhịn ăn sáng kiên trì như tôi.

Một tối mùa đông, tôi và ba kẻ khác gồm Thủy bà già, Tuấn bê, Thành din tình cờ đạp xe qua phố Phan Bội Châu. Tức thì từ đầu phố, một mùi thơm lừng, béo ngậy vô cùng quen thuộc dậy lên khiến những công dân tuổi 16 bàng hoàng, ngơ ngẩn. Ngay cả người có khứu giác tồi tệ nhất cũng nhận ra đó là mùi vị tuyệt ngon của món quẩy nóng.

Phố Phan Bội Châu khi ấy chưa trở thành “phố giày” như bây giờ, nó vẫn còn là “phố quẩy” với rất nhiều hàng quẩy rán nóng giòn ngoài vỉa hè. Người bán hàng có một chảo mỡ to đùng luôn sôi sùng sục. Những thẻo bột trắng tinh nhỏ xíu sau khi được thả vào chảo nở bung ra thành chiếc quẩy vàng ươm, thơm lựng.

Quẩy Phan Bội Châu không to tướng như quẩy Cầu Gỗ hay quẩy ngõ chợ Thành Công. Nó chỉ xíu xiu bằng ngón tay người lớn, màu của nó vàng nhạt thay vì vàng ngả nâu như mấy hàng quẩy bây giờ, vì thế cũng thơm ngon và mềm hơn.

Người ta ăn quẩy với món nước chấm truyền thống trộn đu đủ, cà rốt thái vuông, thả thêm vài cọng rau mùi thái nhỏ và chút tương ớt cay xè. Tương ớt cũng phải là loại tương tự làm chứ không phải ớt sốt Chinsu ngoài siêu thị, thì mùi ớt tương đặc trưng mới dậy lên mà quyện với chua chua ngọt ngọt.

Quẩy ăn mùa nào cũng thèm, nhưng hễ cứ heo heo rét về là chén quẩy thấy vào nhất. Lúc ấy vị béo ngậy của quẩy mà ngào với chua cay ngọt mặn và giòn giòn của dưa góp, thơm thơm của chút rau mùi, hai cẳng chân co ro tránh gió lùa qua những khe bàn rỗng, ắt sẽ nghĩ Donald Trumps hay Bill Gates cũng chả sướng bằng mình.

Bấy giờ là một tối hoàn toàn giá lạnh. Lửa thì vẫn bập bùng từ lò than rán quẩy và mùi hương ấm áp rõ ràng khiến chúng tôi đạp xe chậm hơn. Thủy bà già buột miệng:

– Bây giờ mà có tiền ăn quẩy nhỉ.

Thủy bà già có dáng người nhỏ thó nhưng là đứa kém kiểm soát nhất trong vấn đề ăn uống. Mỗi lần ngồi ở một hàng nộm bò trong chợ, nó thường lúng búng nhai bò khô trong miệng trong khi một mắt đắm đuối liếc nhìn hàng chè, một mắt dịu dàng ngước qua hàng ốc luộc.

Chưa biết chừng tai phải nó nghe lanh canh tiếng kéo cắt thịt bò khô, tai trái đuổi theo tiếng lèo xèo mỡ rán từ quầy nem chua, cùng lúc hai cánh mũi phập phồng hít hà mùi thơm đang bốc khói từ nồi riêu cua váng gạch.

– Tao có – tôi cũng buột miệng.

Trong bóng tối mờ ảo dưới ánh đèn đường, thấy rõ sáu con mắt còn lại sáng lên như đám than hồng trong bếp lò rán quẩy.

– Có bao nhiêu – ba cái miệng đồng thanh.

Tôi móc túi rút ra đám tiền lẻ rồi vừa đếm vừa nâng niu vuốt cho thật phẳng.

– Hai ngàn tám, đủ hai tám chiếc.

– Thế là được rồi. Vào nhé? – những đôi mắt còn lại nhìn tôi chờ đợi.

– Ừ, vào ăn đi.

Chúng tôi hồ hởi dựng xe. Đường hoàng kéo ghế chọn chỗ ngồi. Trịnh trọng gọi “Cho một đĩa quẩy nóng”.

Những hàng quẩy thông thường bán giá 200 đồng một chiếc. Riêng “phố quẩy” Phan Bội Châu sáng tạo “hàng độc” với kiểu dáng quẩy tí hon nên bán giá 100 đồng một chiếc. Không cần quy ước nhưng chúng tôi đều ngầm hiểu rằng mỗi đứa chỉ được một suất bảy chiếc.

Người bán hàng bê ra một đĩa quẩy khổng lồ. Đó là cách bán hàng của họ, thường mang ra hẳn 40 chiếc hoặc 50 chiếc cho chẵn, còn thừa bao nhiêu sẽ trừ tiền đi bấy nhiêu. Chúng tôi múc tương ớt vào bát nước chấm, trộn đều lên, nếm thử một cách cầu kỳ rồi sau rốt nhón một chiếc quẩy, nhúng vào bát. Từ lúc đó chẳng ai nói với nhau câu gì.

Tất cả thả toàn bộ tâm hồn và cảm xúc vào đĩa quẩy. Có lẽ gió từ hồ Tây thổi luồn qua Lăng Bác, qua đường Điện Biên Phủ rồi rẽ vòng vào tận Phan Bội Châu hay sao mà hơi lạnh tái tê. Tuy nhiên trong khung cách rét buốt ấy, đĩa quẩy nóng là cả một nỗi niềm thi vị.

Bình thường chiếc quẩy này chỉ chia thành hai miếng là hết, nhưng chúng tôi ăn dè, cắn tận làm ba. Vừa ăn vừa đếm nhẩm, vậy mà hai mươi tám chiếc đã hết xoẳn một cách nhanh chóng. Song Thành din dường như đếm nhầm, hoặc hào hứng quá mà quên mất không đếm ở chiếc quẩy thứ bảy.

Chúng tôi tròn mắt kinh ngạc nhìn cậu ta từ từ đưa chiếc quẩy thứ tám lên miệng. Lập tức ba cái miệng còn lại cùng đồng thanh bằng những tiếng thì thào, mà nếu có thể được thì chúng tôi đã hét lên thất thanh rồi.

– Hết tiền rồi.

Chiếc quẩy đang hùng dũng tiến được nửa đường vào hàm răng còn tàn dư vài chiếc sún vội giật nảy mình lùi ra xa như thể trong ấy có gián điệp. Thành din thất kinh nhìn chiếc quẩy rồi bỏ tọt xuống đĩa như vừa phát hiện ra nó bị tẩm độc dược. Cậu ta nhún vai lắc đầu với đĩa quẩy một cách chán ngán.

– Quẩy này chỉ ăn vài chiếc là ngấy.

– Công nhận, nhất là hôm nay lại ăn tối no rồi – Thủy bà già cố gắng nói to lên cho cả người bán hàng cũng nghe thấy.

– Ngay cả đói cũng không thể ăn nhiều được, ngấy lắm – Tuấn bê phụ họa, giọng cũng to một cách khác thường.

– Ừ, ăn chơi thế thôi chứ ăn thêm nữa chắc sợ quẩy đến tận năm sau – tôi kết luận rồi kêu tính tiền.

Người bán hàng đang chuẩn bị tinh thần bê ra cho chúng tôi thêm một đĩa to nữa đành tiến ra bàn để đếm những chiếc quẩy thừa còn lại. Trong lúc ông ta đếm, tôi lo lắng đến thót tim chỉ sợ nhỡ đâu ông ta quên mất đã bỏ thiếu một chiếc vào từ đầu. Bấy giờ thì chúng tôi rõ lòi cái đuôi là chỉ có chút tiền còm mà cũng đòi trịnh trọng vào hàng quẩy nóng.

– Hai ngàn tám – người bán quẩy giơ hai ngón tay.

Tôi vờ đếm tiền cho thật kỹ rồi mới đưa hết cho ông ta.

Hơn 20 năm qua rồi. Quẩy giờ hai ngàn đồng một chiếc chứ không còn giá một trăm con nữa. Quẩy nóng Tạ Quang Bửu, Hàng Điếu, Hàng Bông, Trích Sài, Lò Đúc giờ vẫn tấp nập khách vào ra. Chủ quán còn chế thêm cả khoai lắc, bánh tiêu, bánh bao chiên, bánh gối, bánh xèo… sợ khách chê chỉ có mỗi quẩy.

Nhưng giờ ăn quẩy ấy không thấy ngon. Chả phải do bây giờ “ê hề” còn ngày xưa “đói kém” đâu, mà quẩy bây giờ không còn được “chất” như vỉa hè Phan Bội Châu xưa kia nữa. Mỡ rán ấy thường là thứ mỡ lợn phế phẩm, còn bột quẩy chiên lên cũng chẳng thơm, ăn dai hơn và bứ hơn.

Thôi thì “Ngày xưa ơi…”!

Lao động cuối tuần

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

 

Exit mobile version