Chốc chốc dì Lăng lại ngừng tay đan và kín đáo nhìn ra ngoài ngõ. Vẻ mặt dì thẫn thờ, xanh nhợt. Tôi ngả người vào băng ghế nệm, xéo góc với dì, lâu lâu lật một trang sách. Sự thực, tôi chẳng đọc được một chữ, hay đúng hơn có cố gắng đọc mà, không hiểu những dòng chữ dưới mắt. Tôi biết dì Lăng có ý trông đợi một người. Chính sự biết được này làm tôi khó chịu. Hai dì cháu ngồi như thế cũng cả nửa tiếng. Tôi không sợ cái im lặng nặng nề khó thở đó. Tôi muốn nó kéo dài để dì Lăng thấy rằng sự im lặng của tôi là dấu hiệu báo cho dì biết, tôi đã hiểu, đã đọc được những ý nghĩ của dì. Tôi muốn thử xem cuối cùng, rồi kẻ nào thua cuộc? Kẻ nào sẽ phải lên tiếng trước?
Buổi sáng muộn nhưng trời chưa có nắng. Thời tiết những năm gần đây thường trở lạnh vào cuối năm. Cái lạnh vừa đủ để da thịt cảm thấy gai gai, ớn ớn, trong cái quạnh hiu, xa vắng không tên của những ước mơ, những thất vọng, và những chán nản. Cái rét lạnh cuối năm thường bắt người ta bâng khuâng lập lại công việc khó tránh, cộng sổ đời mình. Tôi không muốn nghĩ gì hết. Có thể, vì nghĩ mấy thì đời mình cũng chẳng khá hơn. Nghĩ mấy thì cuối năm, hai dì cháu cũng ngồi với nhau trong cái im lặng của một bỏ quên tủi thân và chua xót. Tôi đã bước qua tuổi ba mươi và, dì Lăng, với mùa xuân này nữa, đã ba mươi bảy.
Tôi bỏ nhà để đến ở với dì Lăng, thoáng chốc thế đã năm năm. Tôi chọn dì để đến ở bởi lòng thương dì quá đỗi. Tôi luôn mắc phải lỗi lầm, hay cái bệnh là tình cảm ướt sũng. Tôi dễ xúc động một cách rất thiệt thà, trước tình cảnh éo le buồn thảm của một người nào đấy. Tất nhiên không chỉ có bấy nhiêu lý do khiến tôi bỏ nhà ra đi. Lý do gần của việc này là ông Doãn. Người mà mẹ tôi đã chọn để chắp nối cuộc đời bà, sau cái chết của cha tôi. Chẳng hiểu có phải vì bản chất ích kỷ hay không, mà tôi không thể nào chấp nhận được sự có mặt của ông Doãn trong ngôi nhà, trong khung cảnh mà, trên hai mươi năm, tôi đã quen, với ba tôi. Khi mẹ tôi loan báo ý định chắp nối với ông, tôi nói đại ý, con không thể chịu được sự có mặt của ai khác. Không ai thay thế được sự vắng mặt của người khác. Mẹ nên sống riêng với ông ta ở một nơi nào đó. Nếu mẹ đem ông ta về đây, trước sau gì rồi con cũng đi. Hơn nữa, mẹ già rồi! Còn hàng xóm láng giếng… “Làm sao con sống nổi!”
Mẹ tôi im lặng. Người không khóc, cũng không lộ một trạng thái tình cảm nào bên ngoài lớp phấn dầy và, màu son môi hung đỏ. Tôi hiểu, việc loan báo của mẹ, tôi chỉ như để điều chỉnh cho một tình trạng đã được quyết định. Đã xong xuôi hết từ lâu. Trước ngày mẹ tôi thông báo với tôi điều đó, ông Doãn đã về ở trong nhà. Có chăng, thỉnh thoảng ông mới ở lại ban đêm. Mẹ tôi nói:
– Mẹ hiểu những nỗi đau đớn của con. Nhưng mẹ không thể làm khác hơn, dù rất muốn. Hơn nữa, con thấy đó, ông Doãn rất tốt. Ông ấy không chỉ tốt với mẹ mà còn tốt với tất cả các con. Ông lo lắng cho gia đình mình từng ly từng tí…
Tôi ngắt lời bà bằng câu nói chua chát:
– Thôi! Con nghĩ mẹ chẳng cần phải biện minh làm gì. Mẹ còn quá trẻ. Mẹ mới ngoài bốn mươi. Mẹ còn những sáu mươi năm dài trước mặt. Mẹ lấy ông Doãn là đúng. Mẹ phải sống đời mẹ. Chỉ khổ cho lũ em con. Chúng còn quá nhỏ. Con thì dễ rồi…
Tôi không thể nói dứt câu vì nước mắt ứa chảy. Tôi đứng lên đi về phòng mình. Ý nghĩ bỏ nhà ra đi, nhen nhúm trong tôi từ đó.
Dì lăng là địa chỉ đầu tiên trong những địa chỉ mà tôi nghĩ tới. Cuối cùng, tôi chọn dì Lăng, bởi dù sao dì cũng là em ruột mẹ tôi. Ở với dì, ít ra còn có chút tình máu mủ. Có liên hệ, có ràng buộc hơn là đến nhà bạn. Vả lại dì Lăng, vốn một thân, một mình. Trước đây, dì sống với ngoại tôi. Nhưng khi ngoại tôi qua đời, dì một mình giữa căn nhà hai tầng mênh mông, cuối một con ngõ yên tĩnh, trung tâm thành phố.
Dì ở đó với cơn bệnh không giảm, không tăng. Cứ “nhì nhằng” (chữ của dì,) là bệnh lao. Chính căn bệnh này khiến dì không thể có một cuộc sống bình thường. Tôi vẫn mang trong lòng niềm thương mến dì rạt rào, tự những ngày tấm bé. Tình cảm kia, lớn dần theo ngày tháng. Đó là tình cảm ngậm ngùi của một phụ nữ, hiểu nỗi đau đớn, éo le của một phụ nữ khác.
Khi chưa xẩy ra chuyện ông Doãn, ba tôi chưa qua đời, dì Lăng từng nhiều lần ngỏ ý, xin cho tôi về ở với dì. Ba tôi không đồng ý. Người sợ tôi quấy rầy dì. Riêng với mẹ tôi, thì người bảo, sợ tôi bị lây bệnh của dì Lăng.
Tôi chẳng có một ý niệm gì về việc lây bệnh; cũng như chẳng thấy chuyện dì Lăng bị ho lao là điều gì ghê gớm. Ngày xưa, có thể, nếu bị bệnh đó, người ta sẽ xa lánh…Nhưng ngày nay thì khác. Thuốc men với những phương pháp trị liệu tiến bộ, bệnh đó đã trở thành bình thường. Tôi chỉ hơi thắc mắc, tại sao dì không chịu chữa cho tuyệt hẳn? Mà, cứ để lằng nhằng hoài!
Khi dì Lăng hay được ý định của tôi, dì mừng lắm. Chính dì đã đến nhà và cho mẹ tôi biết ý định ấy. Mẹ tôi cũng không khỏi mừng rỡ. Ở với ai, chứ ở với dì Lăng, chắc bà yên tâm. Ít ra, lương tâm bà, cũng nhờ thế mà yên ổn, đỡ ray rứt. Từ khi có quyết định cho tới lúc thực sự xách va li tới nhà dì Lăng, tôi cũng loay hoay mất một tháng.
Tôi được sống những ngày đầu tiên trong ngôi nhà thờ ngoại, thật êm ả, hạnh phúc.
Từ nhà dì Lăng, buổi sáng, tôi có thể dậy muộn, đi bộ thong thả tới sở làm. Trưa đến, tôi không còn phải ăn cơm trong sở. Tôi có thể về nhà, nghỉ lưng một lát, trước khi bắt đầu công việc buổi chiều. Buổi tối, cũng là những giờ khắc thú vị. Cơm nước xong, hai dì cháu ra phòng khách ngồi uống nước; trò chuyện. Tôi kể dì nghe những chuyện vặt vãnh xẩy ra trong sở, ngoài đường phố. Dì Lăng nói về những ngày xa xưa, bên ngoại, cùng họ hàng thân thích… Thích nhất là dì kể tôi nghe, những ngày đầu tiên ba tôi làm quen với gia đình bên vợ, ông đã bị dì chọc ghẹo, bắt nạt như thế nào. Những chuyện ấy, tôi nghe cả chục lần, vẫn không chán.
Nhưng rồi một năm, hai năm qua, làm như buổi tối đã bị thời gian kéo dài ra. Chúng tôi mệt mỏi dần. Những buổi tối đã không còn là thời gian cho lũ kỷ niệm cũ, mới sống lại. Chúng tôi vẫn giữ lệ buổi tối uống trà. Những ly trà đậm hơn. Nhưng trong im lặng. Trong ngậm ngùi. Trong im lặng xót thương mà, kẻ này dành cho người kia. Dì Lăng già héo thêm với những nếp nhăn xép lớp hai bên mép, và đuôi mắt. Tôi cũng thế! Phấn son như đã không còn muốn ăn vào cái da mặt ngày một thêm khô nẻ. Tôi bắt đầu phải tô lên mặt mình những lớp phấn dày hơn để che lấp phần nào cái làn da sần sùi, xác xơ với những vẩy da dòn bong, những ngày trở lạnh. Những chấm da mốc trắng đã thấy hiện nhiều hơn trên má. Thời gian quả thật đã làm chúng tôi mòn mỏi, chán chường.
Tôi lần lượt đi ăn cưới những đứa em gái, em trai của mình. Ngay đứa em gái út, tôi cũng mới đi ăn đám cưới nó tháng trước. Trong những dịp này, tôi thườngtránh né những chạm mặt ông Doãn và mẹ tôi. Mẹ tôi biết vậy nên bao giờ bà cũng đi tìm tôi, và cố ép tôi phải trả lời bà cho bằng được dăm ba câu hỏi vớ vẩn. Cũng ở trong đám cưới đứa em gái út đó, tôi gặp người đàn ông; sau này là nguyên nhân của sự bồn chồn, trông ngóng của cả hai dì cháu. Ông Nhạ.
Tối hôm đó, ông Nhạ xin phép đưa tôi về. Người bạn ngồi cạnh giới thiệu tôi với ông, một giáo sư tư thục, đứng tuổi. Tôi cảm tưởng ông trạc tuổi ông Doãn. Nếu có kém thì cũng chỉ chút ít. Trong suốt buổi tiệc, ông Nhạ lấy được cảm tình của tôi bằng lối nói chuyện duyên dáng, chững chạc và, điềm đạm. Cách ăn mặc, lối sống qua câu chuyện, tôi hiểu ông còn độc thân. Sáng hôm sau, tôi kể chuyện ông Nhạ cho dì Lăng nghe. Dì cho rằng, những người đã ngoài bốn mươi như ông, mà vẫn còn sống độc thân thì đó là những con…cáo già!
“Phải cẩn thận lắm mới được!” Tôi đã cười trước khuyến cáo của dì.
Một tuần lễ trôi qua sau buổi tiệc, thiệt tình tôi đã khuấy quên chuyện ông Nhạ. Nhưng, một hôm ông Nhạ đột ngột tìm tôi. Ông đem cho tôi một bó hoa, tấm thiếp với đôi lời thăm hỏi. Tôi đi vắng. Dì Lăng nhận hoa giùm. Dì thuật lại, có mời ông vào nhà, ngồi chơi một lát. Ông Nhạ hứa, sẽ trở lại vào buổi chiều hôm sau. Dì Lăng chỉ vắn tắt có thế. Tôi cũng chẳng hỏi thêm câu nào. Hai dì cháu vào bàn ăn. Buổi tối đó, không khí ngôi nhà vui lên được một chút vì có chuyện để nói. Dì Lăng khen ông Nhạ bặt thiệp, nhưng hơi…xạo. Tôi cho, ông là một tay ăn chơi sành sỏi quá, nên chẳng thể lấy vợ được. Dì Lăng nhìn tôi hồi lâu, mỉm cười, bảo, “Kể ra thì ông ta cũng còn đủ phong độ để lấy vợ và, làm cha, nếu gặp được một người đàn bà đàng hoàng..” Tôi nhìn lại dì Lăng. Chợt hiểu cái nhìn đăm đăm và nụ cười trên môi dì. Tôi hơi ngượng. Nghe lòng mình xao xuyến.
Tôi muốn hỏi dì, trường hợp ngày nào đó, nếu tôi đi lấy chồng, dì sẽ sống ra sao? Khi sự có mặt của tôi trong ngôi nhà, đã trở thành một phần đời sống khó thể thiếu vắng của dì. Nó đã thành nếp. Nhưng, rốt cuộc, tôi im lặng. Tôi thấy quá sớm để hỏi dì Lăng câu hỏi ấy. Tôi đứng dạy, giả bộ vươn vai, kêu mệt và lên gác. Đêm đó, tôi không ngủ được. Tôi lên xuống thang gác nhiều lần. Phòng dì Lăng vẫn để đèn. Tôi nghĩ, có thể tại mấy ly nước trà hồi tối quá đặc…
Đúng như lời hẹn, hôm sau, ông Nhạ trở lại. Ông ngỏ lời mời cả hai dì cháu đi ăn cơm ngoài phố. Tôi hỏi ý kiến dì Lăng? Dì nói, tôi nên đi. Một mình thôi. Tôi dứt khoát, có dì tôi mới đi. Cuối cùng, dì Lăng đồng ý. Dì đi thay quần áo.
Lên xe ông Nhạ, dì nói, không biết bao nhiêu năm, dì mới ra khỏi nhà để đi ăn vào buổi tối. Câu nói của dì, nghe như hơi thở hắt. Cũng từ câu nói đó, tôi nhận ra, mình chẳng khác gì hơn. Trừ những vụ quan hôn tang tế…
Buổi tối đó, ông Nhạ mời chúng tôi ăn cơm trên một tầng lầu lộ thiên, ngay giữa trung tâm thành phố.
Không hiểu nguyên do nào, tôi thấy dì Lăng nói nhiều hơn thường lệ. Dì nói suốt dọc đường, kéo qua hết bữa cơm. Tôi im lặng nghe. Đôi khi thấy khó chịu về những lời khendì dành cho tôi. Tôi bấm tay dì nhiều lần. Nhưng dì thản nhiên, làm như không biết tới.
Dì Lăng cũng nói với ông Nhạ về căn bệnh thâm niên của dì. Tôi không đồng ý cách bày tỏ, tâm sự vội vàng như thế. Cung cách của dì cho tôi ý nghĩ ấy. Sự lặng thinh của tôi, khiến ông Nhạ hiểu lầm. Ông hỏi tôi:
-Cô Nguyên không được khoẻ trong người?
-Ông nghĩ thế?
-Không. Tôi thấy cô im lặng quá lâu.
Tôi cười trước khi trả lời ông rằng, tại tôi không thấy có điều gì cần phải nói. Ông Nhạ cũng cười và thêm, ở trường hợp ngược lại, người ta cũng ít nói như vậy đó.Tôi hỏi tại sao? Ông bảo, tại khi ấy người ta có quá nhiều đều để muốn nói cùng một lúc. Người ta sẽ phân vân, không biết nên nói điều nào trước, điều nào sau.
Chúng tôi cùng cười vì câu nói vẻ khôi hài của ông Nhạ. Như dì Lăng chợt nhận ra một ám chỉ nào đó, trong câu nói kia, nên dì bảo:
-Nãy giờ chỉ có tôi là người nói nhiều nhất. Chắc tôi ở lơ lửng giữa hai trường hợp.
Tôi muốn bảo dì, nếu thế thì cách thích hợp nhất là nên im lặng. Nhưng ông Nhã đã nói:
-Cuộc đi chơi này sẽ tẻ nhạt vô cùng, nếu không có cô. Cô Lăng à.
Tôi hiểu câu nói của ông Nhạ chỉ có nghĩa lấp đầy cái khoảng trống vô duyên mà dì Lăng đã vứt ra sau câu nói của mình. Nhưng đồng thời, tôi cũng biết thêm một điều là ông Nhạ khéo quá. Ông có vẻ chu đáo tới độ không thể chu đáo hơn và, điều ấy khiến tôi e ngại.
Bữa ăn sẽ được kể như hoàn hảo, nếu không có sự nói nhiều và hơi vội của dì Lăng. Cùng với những ly rượu múc ra từ chiếc thố sành màu hung đỏ, với những khoanh táo, cam, lê, dứa…Thau rượu này là món đầu tiên mà ông Nhạ giới thiệu, như một mon đặc biệt nhất của nhà hàng. Tôi từ chối lời mời đầu tiên, dù rằng đó chỉ là rượu khai vị. Có uống nhiều cũng khó say, như lời ông Nhạ. Dì Lăng uống tất cả bốn ly. Men rượu đổi thay rất nhanh lớp da tái mét hai bên má dì, thành mầu hồng nhợt nhợt. Từ đó, dì Lăng mất bình tĩnh và, như không còn giữ gìn nữa. Tôi biết, từ bé tới lớn, dì chưa hề uống rượu. Tôi cho ông Nhạ hay và, yêu cầu ông đừng ép dì uống thêm. Ông Nhạ cả cười. Có thể ông cũng đã bị hơi men của thố rượu làm ông chếnh choáng. Ông nói lớn là không sao hết, và nếu chẳng may có say, thì cũng chưa hẳn đó là điều đáng để phàn nàn. Dì lăng nghe ra và, đoán được câu nói nhỏ của tôi. Dì tỏ ý trách mắng tôi, với hàm ý bảo tôi bày đặt, làm bộ…
Tôi im lặng, không thấy giận dì một chút nào. Chỉ thấy thương hại và tội nghiệp dì hơn. Ăn xong, ông Nhạ mời chúng tôi đi ciné. Tôi viện cớ quá mệt và, dì Lăng cũng không khá hơn, để xin về nhà ngay. Khi ông Nhạ hỏi ý kiến dì Lăng, dì cũng gật đầu. Và, dì cho biết dì cảm thấy nhức đầu, choáng váng, như thể, nếu ngồi lâu hơn, dì có thể sụm ngã. Ông Nhạ lái xe đưa hai dì cháu tôi về sau khi tính tiền. Ngồi trong xe, chỉ tôi biết dì đã khóc. Những giọt nước mắt tôi không rõ nguyên nhân đã trào ra khỏi khoé mắt, khi dì nghiêng đầu vào vai tôi. Hơi thở dì nóng hổi. Tôi quay hết kính xe. Đêm đó, dì Lăng lên cơn sốt. Dì nóng vùi mà tôi không hay! Tôi về phòng mình ngay sau khi dìu được dì vào giường của dì. Nửa đêm, khi giật mình tỉnh dậy, tôi nghe được tiếng gọi yếu ớt của dì. Tôi chạy xuống. Dì Lăng vẫn chưa ngủ. Dì kêu khát nước. Khát khô bỏng cả cổ. Tôi rót nước đỡ dì lên, cho dì uống, sờ tay lên trán dì, tôi mới biết dì sốt. Cơn sốt có thể lên tới bốn mươi mốt độ. Tôi ngồi một lát, nhìn dì dần dần mê man trở lại. Tuy thế, tôi không thể cứ ngồi vậy cho tới hết đêm. Hôm sau, tôi còn phải đi làm. Tôi đứng dậy, khép hờ cửa phòng, lên gác. Cơn mơ đến nhanh trong giấc ngủ của tôi, là một cơn mơ lạ lùng. Tôi mơ thấy dì Lăng chết. Đám tang dì chẳng có ai đi đưa ngoài tôi và ông Nhạ. Lúc hạ huyệt, ông Nhạ dành phần ném những viên đất đầu tiên xuống lòng mộ. Tôi nghe ông thú nhận ông đã yêu dì. Tôi nhớ, tôi không có một phản ứng nào hết. Tôi đứng thu người dưới môt tàng cây, nhìn người ta lấp đất, kín ngôi mộ. Chúng tôi chia tay nhau nơi cổng nghĩa trang. Ông Nhạ trước khi đi đã cầm tay tôi và nói, sẽ không có lần thứ hai, ông trở lại thành phố này. Chừng như hành động của ông khiến tôi ngạc nhiên quá đỗi. Tôi năn nỉ ông với lý luận, chết là hết, có chi đâu mà phải buồn bã quá vậy! Xong, tôi hỏi ông định đi đâu? Ông nói, chưa biết rõ, nhưng ông phải đi. Tôi muốn nói, nếu có thể, ông ghé lại tôi, uống ly nước trà. Nhân tiện, tôi trao lại cho ông, những di vật của dì Lăng. Nhưng tôi không nói được. Tôi đã bật khóc lúc nhìn theo chiếc bóng xiêu xiêu của ông chìm dần vào hàng cây bóng râm đen biếc những tàn cổ thụ. Tôi tỉnh dậy giữa lúc còn kịp thấy hai bàn tay mình bưng chính mặt mình.
Tôi nhớ, khi ấy, trời còn sớm. Ngoài cửa sổ, tôi còn thấy những đám sương như khói bông, bay là là chân tường. Tôi cố nhớ lại mọi việc và, chạy vội xuống phòng dì Lăng. Dì Lăng đang ngủ. Cơn sốt cũng dịu bớt. Tôi nghe lòng minh vơi nhẹ hẳn. Tôi vào bếp lui hui đặt ấm nước pha trà. Định bụng sẽ gọi dì Lăng dây, uống với tôi một ly trà, trước khi tôi đi làm. Sau đó, tôi trang điểm, thay quần áo, tôi đi làm lúc thấy dì Lặng vẫn còn ngủ say và, quên luôn ấm nuớc trên bếp.
Trưa hôm đó, tôi trở về sớm hơn thường lệ. Ông Nhạ đang ngồi trong phòng khách, lật xem một tờ báo cũ. Thấy tôi, ông không lộ một vẻ ngạc nhiên, mừng rỡ nào. Riêng tôi, tôi ngạc nhiên trước sự quay lại quá sớm của ông. Chừng nhưđọc được những điều đó, ở nơi tôi, ông nói, ông tới để xin lỗi chuyện đêm qua. Tôi cười giả lả đáp, không có chi. Tôi dấu không cho ông biết chuyện dì Lăng sốt. Tôi bảo, để tôi mời dì Lăng ra nói chuyện với ông. Dì Lăng vẫn ngủ vùi, tuy có trở dậy một lần trong khoảng thời gian tôi đi làm; vì tôi thấy trên bàn có ly nước trà chưa uống hết. Tôi trở ra, nói, dì Lăng không có nhà, chắc đi phố mua chi đó. Tôi để nguyên quần áo, tiếp chuyện ông một cách miễn cưỡng. Ông Nhạ coi đồng hồ luôn. Tôi nói dối, chắc dì cũng sắp về. Ông bảo. không. Ông cũng chẳng thấy cần phải gặp dì Lăng gấp lắm.
-Cô làm ơn chuyển lại lời xin lỗi của tôi là đủ. Giờ tôi có việc phải đi. Lần khác, tôi xin ở lại lâu hơn.
Ông Nhạ cầm mũ bước ra, nói thêm:
-Nếu câu nói vừa rồi của cô chỉ là một câu xã giao thì tôi vẫn coi đó như là một lời mời thành thực.
Tôi cười, không đáp, nhưng trong lòng có gì vui vui.
Thêm một tuần nữa đi qua. Ông Nhạ không trở lại. Ông cho một đứa nhỏ mang hoa đến cho chúng tôi. Và, nếu tôi không nghĩ sai, nghĩ xấu cho dì Lăng thì, chừng như dì Lăng có vẻ nôn nóng, sốt ruột hơn cả tôi.
Dì Lăng ngừng tay đan, nhìn ra ngoài ngõ. Lần này cái nhìn của dì cho thấy không còn muốn che đậy nữa. Tôi lắng nghe tiếng động cơ nổ. Âm thanh cho cảm tưởng quen thuộc. Tôi xếp cuốn sách lại. Đi thẳng lên gác. Tiếng xe đuổi theo những bước chân vội quýnh của tôi trên từng bậc thang. Tôi nghe tim đập mạnh. Lần đầu tiên tôi thấy chiếc cầu thang cao và độc ác. Tôi tưởng như nó muốn hất ngược tôi trở lại. Phải cố gắng lắm, tôi mới leo tới bậc trên cùng; vừa lúc có tiếng gọi khẽ, lạc giọng của dì Lăng. Tôi chạy nhanh vào phòng, thẳng tay đóng cửa. Úp xấp mặt xuống gối.
Buổi trưa vẫn chưa có một tia nắng nhỏ nào, ngoài cửa sổ.
Du Tử Lê – Tập truyện ngắn “Mùa hoa móng tay”


Exit mobile version