Tôi có một cái thú kỳ lạ vào những lần nghỉ xả hơi hằng năm. Đến nơi nào cũng nhắm hướng tìm tới cái ‘đặc sản’ của mỗi đất nước. Tôi thích rúc riả vào ngõ ngách hoặc chen chân vào những con hẻm chật chội, chật lối đi cũng như hàng quán, thích được ngắm cái sắp xếp, bày biện ngổn ngang của cửa hàng, cái lối ăn vận vụng về của chủ nhân, họ cố tình hay là thói quen; thế nhưng lại thích hợp với khách thường lui tới, vì họ ưa ‘đóng chốt’ một chỗ, ngồi ở góc khuất, thỏa thê cái hương vị quen thuộc, kể cả cái chén, cái tô, cái ly, cái tách rõ là khó tính, nhất thiết phải thích nghi dưới mắt của những vị khách ‘chướng’; nếu cho là chướng thì tội cho họ mà về sau chủ cũng chướng để đối đãi với khách. Nhớ lại; hơn mười năm trước, đến Paris không phải mong được thấy cái tháp cao chọc trời làm tượng trưng cho Pháp; cái ấp ủ của tôi là được ngồi và uống tách cà phê nơi những văn nhân, mặc khách đã từng ngồi ở đó. Tuyệt vọng! những chốn ấy đã thay ngôi, đổi chủ chỉ còn là dư âm, sở nguyện giờ đây như ‘dấu thánh’ chỉ để lại trong trí tưởng mà thôi. Đầu thập niên 2000 Sàigòn cũng có những thu hút tương tợ, con đường tình ‘tây đi’ hằng đêm ngồi lây lất, ăn uống thỏa thê, vung vãi khoẻ chả ai la rầy, vui hơn khi nghe trao đổi ngoại ngữ với nhau, tiếng trúng, tiếng trật của chị bán hàng vỉa hè, hầu hết khách ngoại nhập nhiều hơn khách nội nhập, tiếng lành đồn xa cho nên mỗi năm mỗi đông khách tứ phương về ở ‘xóm tây’ này. Ngoài ra còn được nghe nhũng tiếng nói ‘quốc tế’ xen vào những tiếng cười, tiếng hát, không khí đêm ở đây thổi xuống cái tình gần gũi của khách viễn phương thêm vui nhộn không làm cho một chuyến đi chơi xa tẻ nhạt và vô vị. Bởi những nơi chốn ô hợp nó gom vào một thứ đa văn hóa chớ không phải lấy kỳ quan mà thu hút được họ.Tôi ngồi cạnh một người Nhật Bản trung niên, nói tiếng Anh chủ yếu xử dụng ‘động từ tu quơ’ hoặc nói bằng mắt nhiều hơn bằng miệng lưỡi; lũy về quê ta cũng một hai ba bận, nhưng lần nào lũy cũng khoái ngồi quán vỉa hè. -Thích nhất ăn đêm và ‘đái đường’ thỏa mái. Người Nhật nói.Thật thế; cái thú ‘ăn vụng’ chỉ có ở Việt nam chớ ít có ở những nơi khác. Ngày nay những hàng quán đó không còn nữa, họ dồn vào những con hẻm hẹp lòng đường, quằn quèo cho xe chạy. Mười mấy quận đô thành ắt hẳn phải có những lối ăn nhậu như thế. Cà phê phải là cà phê vỉa hè mới là ‘thời thượng’, chớ cà phê máy lạnh coi như thứ giả-cầy, ít ai ham. Đã gọi là nhậu thì khắp nơi trên thế giới phải là ‘đầu đường xó chợ’ mới hợp ‘gu’. Không ai dại gì nhậu ở nhà hàng sang trọng; nơi dành cho khách ‘xa-lôn’, những kiểu cách đó vốn họ đã có, cái lạ đi xa là tìm cái nơi mình sống chưa có và không thể có một cái hồ lốn, thập cẩm ở những nước yêu chuộng phóng túng tự do, yêu chuộng cái không ai cấm. Những kẻ ăn nhậu tưởng là phá luật. Không! họ là những nghệ sĩ thứ thiệt; sòng phẳng và biết tự trọng. Tôi nhập cuộc để thấy được thực tế.
Bỗng nhiên một cô gái tuổi chừng ngoài hai lăm, vồn vã chào tôi, đưa tay ra bắt như đã quen nhau. Tôi không ngạc nhiên bởi sau cuộc chiến có những cái ‘tự nhiên như người Hànội’ cho nên nở nụ cười tự nhiên của hai đứa con ‘cùng cha khác mẹ’. Cả hai chúng tôi đi vào chuyện và đưa nhau đi ăn hột vịt lộn ở một quận khác, cũng đi vào con hẻm chật chội khác.Trong cái thú đi chơi xa thường bắt gặp cái bất ngờ…
Ở Thái Lan, Lào, Cam-Bốt cũng có tôm cá hải sản, có tôm heo bò nướng vỉ, có thể còn nhiều đặc sản hơn cả ta, tôi lần mò vỉa hè, xóm đạo, róc rách những con hẻm tối, nhưng cái nghệ sĩ tính không nhiều như ở ViệtNam hay vì một định kiến nào đó, hay vì khác ngôn ngữ, tập quán hay vì có một chút dị nghị trong nếp sống mà không tìm thấy cái đặc thù dân tộc? Chủ quan mà nhận định họ có chất mà không có phẩm, họ khoái nếm cái gia vị cay mặn ngọt cho nên quên đi cái sống thực cuộc đời. Nói cho ngay đâu cũng thế; cũng có ăn có nhậu có nhâm nhi, nhưng phải có hồn ‘nghệ sĩ’ thì thấy phong vị của thú vô hẻm, dẫu là gánh hàng rong; ở đôi gánh vẫn có một cái gì gợi nhớ. Đi chơi xa nhiều lần cho nên gặp khá đông anh hùng tứ chiến; họ đều cho rằng không phải ở đô thị huyên náo mới gây hào hứng, về miền quê qua các tỉnh hoặc vào vùng sâu, vùng xa cũng bắt gặp cái hài hòa nhân thế đó. – Cùng một ngôn ngữ sao mỗi nơi có cái giọng the thé khác nhau mà tụi bây hiểu dễ dàng? Khách Úc nói. – Ờ; tại con nước cho nên sanh con chữ là thế đó. Tôi nói. Đến Nhật Bổn và Hàn Quốc hai nước gần nhau, tập quán, phong tục gần nhau (Nhật thống trị Hàn hơn 50 năm nên Hàn chịu ảnh hưởng nặng) cũng ăn nhậu như ta nhưng không phải như ta, bởi cái cung cách lễ nghi, thưa trình làm tôi không thấy đó là bữa nhậu hay ăn, vào hẻm bắt gặp đám nhậu Hàn Quốc xơi thịt chó, nhưng không có mùi trầm hương lá mơ, chanh, sả, mùi rượu đế, ở ta vào là nực ngay; hay tại quá thận trọng vệ sinh sạch sẻ. Ba năm trước ở Nha Trang, một quán ăn bình dân, chúng tôi ngồi gần bàn với mấy tay Hàn Quốc ăn thịt bò nướng vỉ (Hàn cũng nổi danh món Korean BBQ). Nhìn tôi. -Tụi bây nướng ngon hơn bọn tao. Khách Hàn nói. Giữa hai quốc lân bang đó tôi lại thích cái hẻm Nhật, vào nơi; đã nghe sa-kê phản phất, đã thấy cái không khí samurai loanh quanh hay tại cái ‘huyền thoại’ đó xâm nhập vào hồn mà thi vị hóa vấn đề? Hẻm nước nào cũng có, hẻm Nhật sạch và tươm tất, dù là chật nhưng thấy gọn lạ, quán cóc, quán lá đều có những ngọn đèn vàng lập loè quyến rũ. Nói đến đèn nhớ Hội An, mùa đèn dưới trăng nhậu lấy làm thích, nhất là dưới những mái nhà trệt với mái ngói nâu phai. Ăn thì mỗi nơi có món ngon riêng. Ở Đà Nẳng cũng thú lắm. Hội An mới là tình, với tôi; nó có nét thơ hơn Huế, bởi cái gì của Huế là trầm bí, là huyền thoại, kể cả điệu hò, giọng hát. Lại có tính ‘hay đồn’ cho nên ít ai ưa vô hẻm sợ bị chưởi. Cái phong cách của Huế thuộc con nhà tông không giống lông cũng giống cánh: hẻm có, lề đường có, nhà tranh có, nhà ngói có nhưng vẫn mang mang một cái gì dầm dề chưa chịu dứt, mà tuồng như bức tức cái gì không chịu nói. Trở lại bên Nhật; vô hẻm, tôi ngồi trong quán rượu mang cái bảng hiệu nghe vui tai và gợi tình ‘Sayonara’ có ‘mồi’ đề huề, giá mềm đối với hẻm Nhật. Cạnh đó một bàn nhậu rặt hải sản sống coi như ‘hoành tráng’ bởi có mấy em hầu bàn váy ngắn hoặc kimono cho nên trông bắt mắt.Thiếu nữ Nhật ngồi ở góc xa đưa mắt chào tôi; bắt mạch đúng khách nước ngoài. Tôi gục đầu chào và nhìn vào phép tắc đó, dễ dãi đó tôi mò đến gây chuyện, cô tên Minako. Tôi tên Mùi. Tên gọi của tôi gần thổ âm Nhật. Cô nói. Minako thông thạo Anh ngữ. Cô thiết tôi một điã cá hồi sống thái mỏng uống với sakê. Ngon tuyệt! Không ngờ ở hẻm Nhật lại trộn vào đó hoa anh đào nở của ‘trà thất dưới trăng thu (the teahouse of the August Moon)? hay đây là chuyện hiếm. Ở Nhật mấy hôm nhưng không lẻ loi nhờ có Minako. Nàng ba mươi trông còn trẻ, có lẽ ăn nhiều ‘tuna’ với sake. Tầm vóc, nhân dáng mảnh, đa tình. Tôi nghĩ. Từ con hẻm mờ ảo, đi bên canh Minako cho tới khi đụng phải lòng phố, đèn đường, đèn cao ốc sáng choang, tiếng xe chạy êm. Tôi thấy ở Đông Kinh có một chút êm đềm, nhẹ nhàng, thanh thoát so với Bắc Kinh,Thượng Hải hay Hương Cảng; hình như họ muốn bung lên cao cũng như ở Việt Nam. Đụng tới cái khúc này giữa ‘bung’ và ‘bốc’ nhớ ở một lần nơi con hẻm nào đó, không rõ tục ngữ Tàu hay Việt; tay nhậu đọc lên như sau: ’lửa bốc lên cao đòi ánh sáng / nước âm thầm trôi giữa bến sông’. Thế mà lửa bao giờ cũng thua nước. Trong những chỗ ngồi chật hẹp của con hẻm hay bên viã hè bụi bặm đã cho tôi sống để thấy, để nghe những gì có thật của cuộc đời. Đi chơi xa, len lỏi vào ẩm thực đôi khi tìm thấy một chút nghệ thuật trong cuộc đời. Ở bàn nhậu cần nhiều thứ; chưởi bới, nỗ sảng thời rượu mới tươi, mồi mới thắm. Giữa lúc đó mà gặp phải một cơn mưa rào Sàigòn, mưa bay Hànội hay mưa dầm Huế thời trong con hẻm nghèo nàn đó xông lên một đạm khí phong phú biết ngần nào. Ở tuổi nào cũng thế đi chơi xa là cái thú ở giữa một đại học đời đầy ngoạn mục. Tôi nghĩ vậy.
Bay về quê nhà; con nắng tháng 3 của mùa xuân năm Ngọ còn vương vương khí thế nóng nảy, bực bội, lao xao, một cái gì bức xúc nằm ù lì không chịu thoái. HàNội trầm tư như kiểu ‘người Mỹ trầm lặng’ (The Quite American) hay tại ngọn gió biển Đông còn cuồng cuộn thổi để nhớ một đại tướng quân Trần Hưng Đạo, một Bình Ngô Đại Cáo, một thần thoại Đinh Bộ Lĩnh, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Bà Triệu và vô số đấng anh linh thừa kế sự nghiệp đã một thời đánh Bắc, chinh Nam. Chính cái đó mới là bung, bốc! Nhưng đến Hà thành đừng quên nhắp chén trà bên quán vỉa hè; thì may ra quên cảnh đời lố nhố, lăng nhăng. Nhâm nhi tách trà, ly rượu là để luận cuộc đời: Chúng ta có một nền văn minh lâu đời, văn minh trong cách hành xử, khoa học và trí tuệ của một văn minh đũa tre, mắm ruốt, giá sống, rau dưa, đôi triêng chiếc gióng với nồi niêu, bếp lửa… những thứ đó không thể mất được –that’s impossible! ở nước khác. Hạ Long đẹp; đẹp thanh cao diệu vợi, một toà thiên nhiên hiếm có sánh vai thế giới. Hànội ơi! những dấu chân xưa khó tìm lại để lãng mạn hóa thi văn, làm sống lại cuộc đời như đã có. Tất cả đã nhòa bởi ánh sáng đèn màu làm mất dáng xưa. Huế, Sàigòn cũng như vùng sâu, vùng xa đều thế cả. Nhưng tâm hồn họ là cả một tinh thần hướng tới. Đi chơi xa nhiều nơi. Có lẽ cái ăn, cái ở trên thế giới không nơi nào như ViệtNam. Nó độc đáo cách riêng không lệ thuộc ai, ngay cả chén nước mắm ớt tỏi dần dà sẽ cảm hóa và loài người tiến bộ sẽ thèm ăn nước mắm như ăn phở vậy. Có phải mắm, phở là khoa triết học sinh lý? Có phải là mặt trận tâm lý quần chúng? Có phải là chiến lược toàn cầu về ẩm thực chưa từng có ở kỷ nguyên này? Tôi nghĩ.
Dẫu có trở lại đất tạm dung lòng cứ nhớ hoài những con đường, con hẻm, vỉa hè, những con sông, bến nước, câu hò, giọng hát như bản hùng ca của một đất nước anh hùng đã sanh ra tôi và lớn lên ở đó.