Hoàng Lân

 Những ngày qua, dư luận xôn xao với nhiều ý kiến trái chiều với hình ảnh 12 bức tượng khoả thân tại khu du lịch quốc tế Hòn Dấu (Hải Phòng). Sự việc càng thêm đáng nói khi chủ đầu tư sau khi thấy dư luận phản ứng đã mặc thêm quần áo bơi vào các bức tượng khiến cho hình ảnh 12 bức tượng trở nên phản cảm hơn.

12 bức tượng tại khu du lịch Hòn Dấu (Hải Phòng) gây nhiều tranh cãi.
Khi hình ảnh 12 bức tượng thể hiện 12 con giáp có đầu thú mình người khoả thân xuất hiện trên các mạng xã hội, ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Dư luận phản ứng về việc những bức tượng để lộ phần nhạy cảm của con người khiến cho nhiều người xem xấu hổ, đặc biệt là những gia đình có trẻ em. Có người tâm sự, đã phải kéo con em mình ra chỗ khác để không nhìn những bức tượng “trần như nhộng”, phản cảm.

Ngay khi dư luận lên tiếng phản ứng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần quốc tế Hòn Dấu giải thích, các bức tượng này được trưng bày ở đây đã hơn chục năm. Năm 2007, công ty mở trại sáng tác, mời các nhà điêu khắc đến để sáng tác. Những bức tượng này đều đã được cơ quan chức năng phê duyệt, cấp phép. Sau đó, các bức tượng được trưng bày rải rác ở khu du lịch từ đó đến nay đã hơn 10 năm. Cách đây 4 năm, công ty gom các con giáp lại để trưng bày cạnh nhau, không thấy có điều tiếng gì. Tuy nhiên, khi có người đưa lên mạng lại gây ầm ĩ, bức xúc dư luận. “Quan điểm của tôi là chuyện này có gì mà phải ồn ào. Nước ngoài người ta trưng bày tượng khỏa thân khắp nơi đó thôi” – vị chủ tịch này bày tỏ.

Ngay khi nhiều ý kiến xung quanh việc 12 bức tượng khoả thân có thật là “bình thường” hay không, giới chuyên môn gồm các nhà điêu khắc, mỹ thuật, nhiếp ảnh cũng đồng loạt lên tiếng. Phần lớn cho rằng, việc trưng bày tượng khoả thân không phải là mới lạ. Ở phương Tây, văn hoá phồn thực từng được cả thế giới công nhận. Đó là cả một nên nghệ thuật đã được tôn vinh từ nhiều thế kỷ trước.

Ở Việt Nam, rất nhiều dân tộc cũng có văn hoá đậm nét tôn vinh các bộ phận cơ thể người, ví như văn hoá Chăm thờ hai biểu tượng linga và yoni; hay ở Tây Nguyên, các dân tộc còn đẽo các biểu tượng bằng gỗ gắn ở các khu nhà mồ, coi đó là một nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình.

12 bức tượng sau khi đã được mặc đồ bơi.
Trong nghệ thuật, đặc biệt là nhiếp ảnh, mỹ thuật, điêu khắc, việc thể hiện các tác phẩm nude vốn gây nhiều tranh cãi. Ranh giới mong manh giữa đẹp và dung tục khó phân định, bởi chỉ cần sai bố cục, ánh sáng, tư duy hình ảnh là có thể khiến tác phẩm nghệ thuật thành phản cảm.

Trở lại 12 bức tượng khoả thân tại khu du lịch quốc tế Hòn Dấu, Hải Phòng, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về cái gọi là nghệ thuật đã tồn tại 10 năm nay, giờ mới được để ý đến nhờ mạng xã hội. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các bức tượng trở nên phản cảm không phải vì văn hoá phồn thực phương Tây không phù hợp với văn hoá phương Đông, mà bởi tạo hình của các bức tượng không đẹp, tạo cho người xem cảm giác trần trụi chứ không phải là nghệ thuật. Một hoạ sĩ có tiếng trong giới mỹ thuật nhận định, các bức tượng được tạc chẳng giống với bất cứ văn hoá nào. Với việc thể hiện đầu thú, mình người khoả thân, các tác phẩm không cho thấy được dụng ý nghệ thuật, chưa kể chất lượng điêu khắc không tốt.

Hơn nữa, việc giải quyết theo kiểu “chữa cháy” của chủ đầu tư khi mặc đồ bơi cho các bức tượng để che phần nhạy cảm càng khiến bức tượng trở nên phản cảm, khó hiểu. Rất nhiều người bày tỏ, thà để bức tượng như cũ còn đỡ hài hước hơn là nhìn tượng mặc quần đùi xanh, đỏ.

Được biết, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch TP Hải Phòng đã làm việc với đơn vị đặt bức tượng này và yêu cầu phải khắc phục để tránh gây phản cảm cho du khách. Nếu đơn vị này thực hiện không đúng thủ tục, quy trình, có thể sẽ phải di dời các bức tượng ra khỏi khu du lịch.

Nguồn Báo Hà Nội mới
Dương Thanh đăng bài
Exit mobile version