Nguyễn Đình Minh Khuê

Có lần, trong một sớm chớm xuân, xe chúng tôi vượt đèo Hải Vân, rời Huế về Đà Nẵng. Sau một hồi vật vã băng mình qua những cung đường vòng vèo, dằn xóc, bị bao phủ bởi sương giá và mây mù, anh tài xế tấp lại một quán nước nằm liêu xiêu giữa đèo, cho xe nghỉ máy, sẵn tiện cho những lữ khách đồng bằng, lâu nay nào có quen với núi dốc như chúng tôi xuống tham quan. Bước qua “thiên cổ đệ nhất hùng quan” trên đỉnh Hải Vân giờ chỉ còn là một di chỉ phế hoang, tôi đứng giữa lưng trời, vén mây mà phóng tầm mắt về phía bãi biển Lăng Cô và những núi đèo nằm lẩn khuất, bảng lảng trong sương khói, đoá phù vân vắt vẻo trên những chạc cây cô tịch bị bình minh đun đến cháy hồng. Lúc ấy, không biết từ đâu, khúc Dẫn tử trong đoạn mở đầu bộ phim Hồng lâu mộng bản 1987 vang lên, ban đầu chầm chậm, khoan thai với tiếng ngân nga bổng trầm của cô ca sĩ khiến người nghe có cảm giác như đang bay trên những đỉnh đèo xa mù. Lúc sau, dàn nhạc lại nổi rộ một âm khúc da diết, dồn dập, với sự phối hoà của những cầm sáo đa điệu, rồi dần dịu nhẹ lại để kết thúc bằng dư ba được tạo nên bởi độ rung rất mảnh của một sợi đàn. Cái dáng tọa niệm ngàn đời của Hải Vân, vì thế, dường như càng thêm dài ra, trải ra, mênh mang, bồng bềnh một dáng Thiền khinh thoát.

Sau này, nhiều lần có dịp từ Sài Gòn về thăm những tỉnh thành miền Trung hay Tây Nguyên, tôi vẫn cố tình đặt vé thế nào để khi xe chậm rãi bươn mình lên những vòng đèo thì trời vừa hửng sớm hay chập tối, chỉ đơn giản để nhìn ngắm những dải khói sương bay bay trên dãy đồi trầm mặc và thâm u.

Đi vào những thời khắc ấy, quả tình, mới hiểu vì sao nhiều bậc kiệt hiệt thuở xưa lại chọn chốn lâm tuyền làm nơi tu tập và đi về. Những đoạn đường đèo vòng vèo ngả lưng vào vách núi, làm một giấc say nồng khoáng đạt không mộng mị. Xung quanh đèo, cái lạnh trong vắt của sương khuya ủ mình trong những búp lá non. Có mấy giọt chảy tràn, rơi thành những ngạch nước đầu nguồn chuyên chở khí thiêng trời đất, nối kết thánh linh và trần tục, đem mây trắng chạm mặt bụi hồng. Những cội thông già nua, lớp vỏ sần sùi, ngả bóng xuống tụng niệm cùng khe sâu. Những cánh chim chao nghiêng, không phải giật mình sa xuống vì nhìn thấy dung mạo của loài người mà đối với chúng, thật đáng sợ và thô kệch, dù đó có là Bao Tự hay Tây Thi – những mĩ nhân của vĩnh cửu.

Trong không gian ấy, tâm muốn xao mà lòng khó động, người muốn ồn ã, náo nhiệt cũng phải lặng thinh vì sợ làm kinh động cái u tịch của núi rừng. Nhưng cũng vì thế mà người dễ xa rời khỏi mọi dục tâm, dễ trầm tư mà mặc tưởng cái như tính tối hậu lâu nay nằm phủ bụi bên dưới những ham muốn chất đống. Và có lẽ cũng vì thế mà những minh triết uyên áo của Thiền học phương Đông đã chảy tràn ra từ rừng, từ đèo: Thích Ca truy tầm chánh đạo, trai giới rồi nhập Niết bàn dưới một cội bồ đề của rừng sâu; Bồ Đề Đạt Ma chín năm quán bích trong một ngôi chùa trên núi Trung Nhạc; Đạo Nguyên thiền sư đến tu học và tọa thiền ở khắp các núi non, từ Bỉ Duệ sơn ở phía bắc Kyoto đến Thiên Đồng sơn ở Chiết Giang, từ đó quán ngộ và có công xiển dương thiền phái Tào Động ở Nhật Bản,…

Song những rặng đèo Thiền không chỉ sản sinh ra những tư tưởng gia, mà còn gửi lại cho hậu thế nhiều bậc thi thánh với những áng thơ đầy ngộ tính. Lý Bạch, Vương Duy, Basho, Đại Ngu thiền sư, Trần Nhân Tông, Nguyễn Du,… có lẽ cũng đã đi qua hết những cung đường ngàn dặm dốc đèo như thế, đã lấy mây gió gột rửa tâm tính của mình như thế. Và văn chương của họ, có lẽ, cũng đã được sinh thành và bất tử từ chính những hành trình như thế.

 

Hãy hình dung rằng, hơn ngàn năm trước, vào một xế chiều dừng chân ở lưng chừng vách núi cheo leo, Lý Bạch xa ngắm thác núi Lư ầm ào kéo ba nghìn thước thiên hà xuống giữa đại ngàn mà làm thơ, còn Vương Duy nhắm mắt thiền định mà nhận ra tiếng trăng mọc giữa hư tĩnh làm kinh động loài chim núi. Hoặc như Basho, trên lối đèo heo hút về miền Oku sâu thẳm, đã nhìn thấy giấc ngủ của các du nữ miền sơn cước thể nhập cùng vũ trụ muôn loài: “Quán bên đường/ Các du nữ ngủ/ Trăng và đinh hương” (Nhật Chiêu dịch). Hay ở một trường hợp khác, thân thuộc với chúng ta hơn, hãy mường tượng cảnh “lương phong xuy đệ nhập tùng âm”# nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông đã hân hưởng một giấc Thiền đẹp trong nhàn hạ.

Dễ thấy, núi đèo thu vén lồng lộng khói sương, truyền hứng cảm cho người ta nhập thiền, nhưng vì thế mà núi đèo cũng thiền, cũng tĩnh tại một dáng nằm giữa đất trời như đang đùa chơi cùng hư ảo.

Lời ấy dường như hơi hoa mĩ, song nói như thế có lẽ cũng không phải quá đáng và vô căn cứ, bởi đèo núi trong mĩ cảm trung đại, nhất là trong các bức tranh thủy mặc, thường là những hình tượng được người ta gửi gắm vào đấy nhiều suy nghiệm đặc trưng của Thiền học phương Đông.

Như một công thức cố hữu, núi non trong hội họa cổ xưa của Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam,… thường là những cảnh vật nằm ở phía xa đóng vai trò tạo chiều sâu, được trình hiện lên trang giấy bằng những nét cọ nhạt bình đạm chứ không rõ nét và chi tiết như ở tranh phương Tây cổ điển. Thậm chí, những núi đèo trùng điệp nằm dọc ngang phía sau cá chình tượng trung tâm của bức vẽ còn được các họa sư Đông Á khắc họa bằng những khoảng trống chứa đầy ẩn ngữ Thiền. Những khoảng trống không hình tướng. Những khoảng trống vô ngôn. Và cao nhất, những khoảng trống của cái không – cái uyên nguyên tự thân sinh thành và tiêu trừ vạn vật.

Với Thiền, núi đèo dù cao rộng, trập trùng, dù giăng giăng sương giá như chực thâu tóm mọi không gian thì cũng chỉ tồn hiện trong một satna sinh tử của vũ trụ, cũng đi và về từ một chữ “vô”, cũng thường biến như một ngọn khói mỏng bay qua rồi nghiêng mình hòa điệu vào thinh lặng. Gánh vác nỗi suy niệm nặng hơn cả đất trời ấy, hỏi sao đèo núi không cạo trọc đầu mà quy y cửa Phật, ngày ngày quán tưởng chân tâm mà tu tập, mà tụng niệm? Rừng đèo, vì thế, cũng tọa thiền mải miết đấy thôi. Và vì thế, so với những bậc trí huệ vui thú sơn khê, rừng đèo cũng không có gì là khác biệt cho lắm! Hoặc giả nếu có khác, thì cũng chỉ khác ở chỗ, trong dáng vẻ tu tập của mình, núi đèo gợi cho người ta mường tượng về con đường Thiền lắm điều tàng ẩn và quanh co.

Nói đến đây, tôi chợt nhớ cái cảm giác mỗi lần ngồi xe vượt qua một đoạn đèo cao, dài mà chỉ có những từ như li kì, hồi hộp mới có thể diễn tả được phần nào xúc cảm khi ấy. Chuyến xe dài hơn chục mét vừa phải chuyển bánh, trở mình liên tục để chạy dọc, ôm sát theo những khúc quanh vòng vèo, vừa phải rồ máy thật mạnh để leo chầm chậm lên những con dốc khoác quanh mình tấm áo diệu kì dệt bằng mây bay và gió lộng. Trên những cung đường đèo dốc ấy, trước khi lên đến đỉnh cao nhất, chuyến xe phải luồn lách giữa những đoạn hiểm trở, dằn xóc, còn người ta phải tập đương đầu, vượt qua khỏi mọi nhọc nhằn thường trực và nguy nan. Hệt như, để đến chạm tay vào giác ngộ, người ta phải tập buông xả, thải bỏ mọi sân hận, vô minh, rũ bỏ chính mình, dù biết đó là những việc hết sức khó nhằn, để nhẹ nhàng bước sang bờ bên kia của Niết bàn và giải thoát.

Tuy nhiên, lên đến đỉnh đèo không có nghĩa người ta đã vượt qua hết mọi quanh co, vòng vèo của núi dốc. Quãng đường phía trước còn dài, còn thăm thẳm những hiểm nguy, cũng như quán thấu muôn sự ở giữa chốn núi rừng heo hút chưa phải đã đạt đến kiệt cùng của giác ngộ. Lên đến đỉnh đèo, đơn giản, chỉ là lúc người ta đã tương đối bước ra khỏi cái trần tục khả ố để dấn thân vào một hành trình mới – hành trình rời bỏ chốn tuyệt cốc thâm u mà trở lại nhân gian, rời bỏ cảnh tiên mà trở lại hồng trần để đạt đến cảnh giới cuối cùng: thong dong đạt ngộ giữa đời sống thế tục lắm sân si, vô minh và phiền muộn. Hành trình ấy tưởng chừng êm dịu, mênh mang, nhưng cũng giống như chuyến xe vượt đèo phải phanh gấp liên tục khi lao xuống, người ta phải kìm nén và tự hủy những tàn tro của ngã thể còn tồn đọng trong mình, cố lòng tránh bỏ những hấp lực đáng sợ trên con đường sâu thẳm dẫn về ngộ tính tối hậu…

Khi chuyến xe vượt Hải Vân năm nào lao vun vút xuống chân đèo, tôi đã cố ngoái nhìn lại đằng sau. Trước mắt tôi, những trần ai quá nửa rơi rớt lại trong một vùng sương mây tịch tĩnh. Lúc ấy, rõ ràng trong tâm trí tôi, những dốc đèo dường như đã chẳng còn là những dốc đèo, khói mù cũng chẳng còn là khói mù nữa… Nhưng lạ lùng thay, giờ đây, khi viết đến những dòng cuối cùng của bài viết này, tôi chợt giật mình, ngẫm lại lời của Duy Tín thiền sư đời Tống, tự thán: bao giờ mới có thể mỉm cười mà bảo, chẳng phải dốc đèo vẫn cứ là dốc đèo, khói mù vẫn cứ là khói mù đấy sao?

N.Đ.M.K
___
1. Tạm dịch: Gió mát thổi đến dưới bóng cây thông (Câu kệ trích từ Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Trần Nhân Tông).

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version