Người viết cuốn tiểu thuyết này là Watanabe Dzunichi, sinh năm 1933 trong một gia đình trí thức Nhật Bản. Bước vào đời, Watanabe Dzunichi theo học ngành y, tốt nghiệp đại học Y Khoa ở thành phố Sapporo quê hương ông. Ông được giữ lại trường làm giảng viên, đồng thời nghiên cứu về phẫu thuật tạo hình. Ông bảo vệ thành công bằng tiến sĩ chuyên ngành ghép mô xương.

Ngay từ khi còn là sinh viên, Watanabe  Dzunichi đã bắt đầu viết văn. Những sáng tác đầu tay của ông thường được đăng trên tờ tạp chí của sinh viên. Năm 1956, khi mới 23 tuổi, vở kịch “Hành lang trắng” của ông đã giành giải thưởng trong cuộc thi kịch truyền thanh. Nối tiếp là vở kịch “Sự hóa trang của cái chết” khiến cho tên ông được bạn đọc biết đến. Các tập truyện ngắn và truyện dài “Tuyết ẩm” (1967), “Cuộc viếng thăm” (1967), “Ghép tim” (1969) được một số nhà phê bình và công chúng ca ngợi. Năm 1970, tiểu thuyết lịch sử “Đèn và bóng” xuất bản gây tiếng vang và được giải thưởng văn học Naoki. Từ đó Watanabe  Dzunichi thôi làm nghề thầy thuốc, chuyển hẳn sang viết văn chuyên nghiệp. Cùng trong năm 1970 ấy, hai tiểu thuyết “Ôm hoa” và “Thành phố hoa tử đinh hương băng giá” của ông ra mắt. Sau đó ông bắt đầu tập trung sáng tác cuốn “Đèn không hắt bóng”, để rồi từ tháng 1 năm 1971, tờ tuần báo Sunday Mainichi đăng nhiều kì và gây một tiếng vang rộng lớn. Đây là tác phẩm văn chương lớn nhất trong di sản của Watanabe  Dzunichi. Nói đến văn chương hiện đại Nhật Bản người ta không thể bỏ qua tiểu thuyết này.

Trong lịch sử văn chương thế giới, đã từng có nhiều nhà văn xuất thân làm nghề bác sĩ. Chẳng hạn Rabelais (Pháp), Conan Doyle (Anh), Chekhov, Bulgakov (Nga), Kobo Abe (Nhật Bản)… Nhưng họ lại ít viết về ngành y. Có chăng ở một số truyện ngắn của Chekhov như “Con choi choi”“Phẫu thuật”“Phòng 6” và trong bộ truyện Sherlock Holmes của Conan Doyle có một nhân vật bác sĩ Watson mà thôi. Nhưng với Watanabe Dzunichi thì khác, hầu như toàn bộ các tác phẩm của ông đều liên quan đến ngành y. Nhất là tiểu thuyết “Đèn không hắt bóng”, có thể coi là tác phẩm thuần túy ngành y. Tác phẩm viết về một bệnh viện tư nhân ở thủ đô Tokyo có cái tên Phương Đông (Oriental) rất bình thường, mang hơi hướng thực dụng, như bao bệnh viện tư nhân vào những năm 1969-1970, khi mà Nhật Bản đang lên cơn khát công nghiệp và cơn sốt đô thị, với bao nhiêu tính tích cực và tiêu cực của một xã hội ít nhiều còn nhuốm màu hoang dại.

Tiểu thuyết “Đèn không hắt bóng” dường như không có cốt truyện, hay nói cách khác, cốt truyện rất đơn giản, nó chỉ như một đường dây mỏng mảnh kết nối các chương lại với nhau, nếu kể cho ai đó nghe sẽ chẳng có gì đáng gọi là hấp dẫn. Nó được kết cấu bằng những mảng hiện thực. Mỗi chương là một mảng hiện thực, và chương nào cũng thấy những vấn đề thuộc về y học: Chữa bệnh A thì phải thế nào, chữa bệnh B thì phải ra sao. Mổ xẻ, tiêm chích thế nào, bằng loại thuốc gì? Bệnh nào thì chữa đến cùng và bệnh nào thì bó tay, nên dừng lại? Lao động của người thầy thuốc được đền bù ra sao, viện phí bệnh nhân phải trả, bảo hiểm của bệnh nhân được trả thế nào? Vân vân và vân vân. Người đọc lười nhác, nông cạn dễ có cảm giác tác phẩm như nhằm phô diễn những vấn đề thuộc về chuyên môn ngành y. Để cảm thụ tác phẩm, người đọc cần phải theo sát diễn biến tâm lý từng nhân vật, những mối quan hệ dằng dịt giữa những bác sĩ, y tá, giữa những người thầy thuốc với bệnh nhân, giữa những người trong gia đình bác sĩ trưởng (chủ bệnh viện Phương Đông) với những người làm chuyên môn thuần túy. Những điều họ nói với nhau hàng ngày, những va chạm thường tình, nó cũng giống như bao nhiêu bệnh viện khác ở Tokyo thời ấy.

Bác sĩ trưởng Yutaro vốn là một nhà chuyên môn có tay nghề “thường thường bậc trung”. Nhờ cơ may (hoặc quyền thừa kế) nào đó mà vợ chồng ông ta có vốn liếng đủ mua một mảnh đất xây một bệnh viện cho riêng gia đình. Tuy chưa phải là một bệnh viện bề thế nhưng nó cũng đủ tầm vóc để thu hút mời gọi những người thầy thuốc đến làm việc cho ông. Trong số những thầy thuốc ấy có những bác sĩ thực tài như Naoe, nhiệt huyết như bác sĩ trẻ Kobashi, tận tâm như nữ y tá Noriko và một số người khác nữa. Hẳn vì thế mà bác sĩ trưởng không trực tiếp tham gia vào chữa bệnh cho bệnh nhân. Hàng ngày ông chỉ đến bệnh viện hỏi han qua loa những người thầy thuốc lấy lệ, mục đích chính của ông là xem cái khoản lợi nhuận hàng tháng ông thu được là bao nhiêu. Ông không hề để tâm đến bất kỳ một bệnh nhân nào, dù họ đang trong cơn hấp hối. Trong con mắt của nhà văn, tác giả tiểu thuyết thì “…đối với một nhà kinh doanh như Yutaro, lòng trắc ẩn là một xa xỉ phẩm không thể dung thứ được”. Bác sĩ trẻ Kobashi thì đã có lần nói thẳng ra với bạn bè: “Tôi ghê tởm cái tinh thần vụ lợi mà bác sĩ trưởng đã gieo rắc trong bệnh viện này”.

Đã mấy năm nay, phần lớn thì giờ và sức lực của Yutaro không được dành cho y học nữa, mà cho những buổi họp ở Hội đồng thị chính và cho công việc quản trị ở Hội đông y. Khi lưng vốn đã kha khá, có của ăn của để, Yutaro nảy ra một sự ham muốn: Cặp bồ! Ông cặp với Mayumi, một nhân viên ở quán giải khát, em gái của anh kỹ thuật viên Xquang của bệnh viện. Mayumi mới hai mươi ba tuổi, còn Yutaro thì đã quá ngũ tuần, nhưng túi tiền của Yutaro hoàn thoàn có thể bù lại cho Mayumi sự chênh lệch lớn về tuổi tác này. Thêm vào đấy “Mayumi với vẻ đẹp trang nhã, một thân hình rắn chắc, cái mũi hơi hếch, hoàn toàn hợp với khẩu vị của ông”. Nhược điểm duy nhất – nếu có thể coi là nhược điểm – là ở chỗ Mayumi vừa đúng bằng tuổi Mikiko, con gái Yutaro.

Vợ Yutaro – bà Ritsuko – vốn dĩ kém chồng tới bảy tuổi, khi trở thành bà chủ bệnh viện, cho dù dấu vết lam lũ hãy còn thấp thoáng đâu đây trên gương mặt, trong dáng đi điệu đứng, nhưng bà trẻ ra, có nét hơn, hấp dẫn hơn là điều ai cũng nhận thấy. Hai ông bà bắt đầu học những cách giải trí nhàn tản của giới thượng lưu, nhiều buổi tối thường tụ hội với những gia đình cùng địa vị chơi mạt chược. Nhìn bề ngoài, họ có vẻ rất hạnh phúc, nhưng thực ra đã có những rạn nứt ghê gớm. Ông có bồ nhí, tuy bà chưa biết, nhưng bà cũng âm thầm mang một nỗi khát khao “đổi gió” cho cuộc sống “có hương vị”, bớt tẻ nhạt. Vậy là bà ve vãn bác sĩ Naoe, trẻ hơn bà hàng chục tuổi. Vào cái đêm bệnh viện vắng người, chỉ có bác sĩ Naoe trực, bà đã tìm đến với ông. Nếu không có người gõ cửa vì công việc thì hẳn bà đã thất tiết với Naoe đêm đó.

Song le, nhân vật trung tâm của tiểu thuyết “Đèn không hắt bóng” không phải là vợ chồng ông bà chủ bệnh viện, mà chính là bác sĩ Naoe, người làm công ăn lương mà ta vừa nhắc đến.

Naoe là một bác sĩ tài năng. Ông vừa giảng dạy tại trường  đại học Y khoa, vừa tham gia chữa bệnh tại cái bệnh viện công của trường đó. Mới ngoài ba mươi tuổi ông đã được phong hàm phó giáo sư. Nhưng rồi bỗng một ngày Naoe đột ngột rời bỏ trường đại học, xin vào làm cho bệnh viện tư nhân Phương Đông của vợ chồng Yutaro – Ritsuko. Sự kiện ấy giống như một con cá kình rời bỏ biển lớn về với dòng sông nhỏ bé chật chội (Thực ra đến cuối tiểu thuyết, qua bức thư tuyệt mệnh của Naoe gửi cho cô ý tá Noriko, mọi người mới biết Naoe tự phát hiện ra ông đã mắc một căn bệnh hiểm vô phương cứu chữa. Ông rời bỏ trường đại học ra đi vì hiểu rằng mình không còn đủ sức làm việc tiếp được nữa, tốt hơn là nên nhường lối cho lớp trẻ).

Khi về làm việc ở bệnh viện tư Phương Đông, Naoe có phong cách sống và làm việc rất lập dị, có khi lập dị đến quái đản. Có những người coi ông như một con người vĩ đại, một thần tượng. Có những kẻ lại xem ông như một thứ sinh vật kỳ quái.

Ngay từ tuần đầu phụ mổ cho Naoe, cô y tá Noriko đã phải kinh ngạc trước vẻ đẹp tinh vi và chính xác trong cách làm việc của ông. Tài năng của Naoe không chỉ thể hiện ở đường chỉ khâu nhỏ, gọn gàng, cũng không phải ở chỗ toàn bộ cuộc phẫu thuật có khi chỉ hoàn thành trong vài phút, mà ở đây Naoe không có một động tác thừa, không bao giờ con dao mổ ấn xuống một cách ngập ngừng. Những ngón tay dài và thon của Naoe như có ma thuật, bao giờ cũng đặt đúng phóc vào nơi cần thiết. Noriko là một y tá chuyên phụ mổ, cô đã từng chứng kiến khá nhiều ca phẫu thuật của những bác sĩ trước đó, nhưng chưa bao giờ cô thấy một sự hoàn bích như trong những ca phẫu thuật của Naoe. Naoe ít nói, nhưng đã nói là chỉ đi vào những điều cốt lõi của những gì cần nói. Chính vì thế mà Noriko mang lòng yêu ông. Không ít khi ông có những biểu hiện lạnh lùng rất kì quặc với Noriko (thậm chí dưới sự dụ dỗ của Naoe, Noriko còn biết hút thuốc lá rồi nghiện nữa), nhưng cô vẫn yêu ông, phục tùng ông như một kẻ nô lệ. Chỉ có điều Noriko lấy làm lạ rằng Naoe không muốn công khai tình yêu này. Chính vì thế mà trong cùng một thời điểm, còn có những người phụ nữ khác tìm đến với ông.

Bác sĩ trẻ Kobashi cũng bị tài năng của Naoe cuốn hút. Khi chuẩn bị về làm việc ở bệnh viện tư nhân Phương Đông, Kobashi đã được bạn bè khuyến cáo: “Bác sĩ trưởng của bệnh viện này là một gã lang băm, nhưng ở đấy lại có Naoe. Cái ông bác sĩ Naoe từng làm việc ở trường đại học ấy. Cậu thật là may mắn cực kì, cậu sẽ có thể học ông ta. So với thân phận của một anh bác sĩ phải rơi vào một bệnh viện thành phố vớ vẩn nào thì đây thật là một diễm phúc”. Khi về làm việc dưới sự kèm cặp của Naoe, Kobashi thừa nhận lời khuyến cáo của bạn anh không sai. Nhưng do quan niệm sống theo kiểu lý tưởng viển vông, sặc mùi sách vở nên không ít lần Kobashi xung khắc với Naoe. Naoe có một quan niệm sống rất thực tiễn: Không phân biệt bệnh nhân thuộc tầng lớp nào, nếu bệnh nặng mà có thể chữa được, Naoe sẽ dốc hết tài năng và sức khỏe để cứu chữa. Còn như không thể chữa được thì Naoe tìm cách khiến cho người ta hài lòng, thanh thản khi về với cát bụi. Xung khắc, nhưng càng trưởng thành, Kobashi càng thấm thía những bài học Naoe thử thách anh, kèm cặp anh là rất hữu ích.

Một con người tài năng, lại có dáng cao, gương mặt nam tính trầm tư hài hòa với cặp kính trắng, có vẻ lạnh lùng, ít nói, nhưng nói điều gì cũng không tẻ nhạt như Naoe thì không chỉ một mình Noriko yêu ông. Chỉ trong vòng vài ba tháng gì đó mà có tới bốn, năm người đàn bà yêu ông, khi thầm lặng, khi mạnh mẽ như bão tố. Nào là bà Ritsuko, phu nhân của bác sĩ trưởng Yutaro. Nào là cô diễn viên lừng danh Junko Hanajio. Cô nàng này có cách sống phóng đãng, trót mang thai với một ai đó phải đến bệnh viện Phương Đông nhờ Naoe giải quyết hậu quả. Khâm phục tài năng của Naoe, khi sức khỏe trở lại, cô cũng bộc lộ tình yêu với ông bác sĩ đã giúp mình. Lại cả cái cô Mayumi, bồ nhí của bác sĩ trưởng Yutaro, nanh nọc là thế rồi cũng mang lòng yêu Naoe; không được Naoe đáp lại thì tìm cách đạp đổ. Thú vị hơn là cuối cùng Mikiko, con gái của vợ chồng bác sĩ trưởng cũng yêu Naoe. Một tình yêu thánh thiện. Nhưng khi Mayumi, bồ nhí của bố cô tiết lộ rằng Naoe không chỉ có mình cô thì Mikiko đã tìm đến nhà Naoe mà nói thẳng: “…Anh là một con quỷ, là một con quái vật! Anh sẽ bị thiêu trong địa ngục!”.

Nhưng tất cả những người ấy, kể cả bác sĩ trưởng Yutaro và bà y tá trưởng Tsukuyo (bà này có tính soi mói, tọc mạch như mật thám Gia-ve trong cuốn tiểu thuyết “Những người khốn khổ”) đâu có hiểu được rằng Naoe  không hề có thói trăng hoa. Mấy tháng gần đây, Naoe không biết từ chối những lời tỏ tình của phụ nữ, và khi họ đồng ý hiến dâng cho ông thì ông nhanh chóng đưa họ lên giường, yêu họ mãnh liệt. Mỗi khi lên cơn đau, ông lại ngấm ngầm dùng ma túy để tiêm cho dịu lại. Ông cần đàn bà để quên lãng. Chỉ có họ và ma túy là có thể giúp ông đừng nghĩ đến cái chết. Chỉ với họ, ông mới cảm thấy mình thuộc về mình, còn tất cả những lúc khác, ông đều là sở hữu của sự hư vô. Trên ngưỡng cửa cái chết, ông đã học được cách nhìn đúng thực chất của giống người, ông đã biết nhìn ra từng người bên trong những lớp sơn phù phiếm bên ngoài. Ông đã cố gắng nhìn qua cái vỏ ngoài màu mè của những con người để nhận biết cái cốt lõi, thiện và ác nguyên sơ của họ.

Cuối cùng khi không còn cưỡng nổi cái chết tất yếu, Naoe đã chọn cách tự sát. Bức thư tuyệt mệnh Naoe để lại cho Noriko khiến mọi người sững sờ, vỡ ra một điều gì đó, để mà suy ngẫm. Thông điệp của tiểu thuyết là ở đấy.

Dù tác phẩm phải dịch qua tiếng Nga, nhưng dịch giả lớn Cao Xuân Hạo vẫn giữ được sắc thái ngôn ngữ và hồn cốt tác phẩm, nó thấm đẫm văn hóa Nhật Bản.

Lê Hoài Nam (Nguồn Văn nghệ )

Exit mobile version