Chợ tình Khau Vai còn gọi là “Chợ phong lưu”, phiên chợ tình nổi tiếng có một không hai này họp mỗi năm một lần vào ngày 27-3 âm lịch, trên một quả đồi tại thôn Khau Vai, xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.


Chợ tình Khau Vai có từ cách đây gần trăm năm, bắt nguồn từ câu chuyện tình của một đôi trai gái. Chuyện kể lại rằng, vào thời bấy giờ, đất Khau Vai chỉ có người Nùng và Giáy sinh sống. Họ sống riêng thành từng làng và mọi chuyện bắt đầu khi có một chàng trai người Nùng đem lòng yêu tha thiết một cô gái người Giáy ở làng bên. Chuyện tình của họ đang đẹp như bông hoa, như đôi chim lửa của núi rừng Khau Vai thì cha mẹ, họ hàng hai bên biết chuyện. Họ ra sức ngăn cản bởi theo lệ thời đó, dân tộc nào chỉ lấy người dân tộc ấy, hơn nữa việc dựng vợ gả chồng là việc của cha mẹ nên việc đôi trai gái tự tìm đến nhau là trái với lệ làng…

Sự cấm đoán của hai gia đình đã khiến cho đôi trai gái quyết định cùng nhau trốn lên núi. Nhưng không ngờ cuộc chạy trốn của họ lại càng làm cho mâu thuẫn giữa hai gia đình ngày một trầm trọng. Từ chỗ chỉ có xích mích giữa hai gia đình, dòng họ dần dần đã dẫn đến xích mích giữa hai làng người Nùng và người Giáy. Từ trên núi cao nhìn xuống thấy cảnh tượng xô xát giữa hai làng, đôi trai gái rất đau lòng, họ đành phải gạt nước mắt chia tay nhau. Hai người hẹn ước cho dù không thành vợ thành chồng nhưng mỗi năm sẽ gặp lại nhau vào ngày này (tức là ngày 27 tháng 3 âm lịch).

Thế là mỗi năm cứ đến ngày hẹn, chàng trai và cô gái lại lên ngọn núi đó gặp gỡ, giãi bày tâm sự… Cứ như vậy cho đến một ngày kia khi dân làng biết chuyện, cảm phục tình yêu của đôi trai gái, người ta quyết định mở chợ tại ngọn núi – nơi đôi trai gái đã hẹn hò nhau. Chợ được mở ra, mỗi năm một lần làm nơi gặp gỡ cho những đôi trai gái vì nhiều nguyên nhân không lấy được nhau. Đúng ngày này, họ hẹn nhau về đây để tâm sự, thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người, ôn lại những tình cảm, sự nhớ nhung do xa cách. Có rất nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đến chợ; đến nơi, vợ đi tìm bạn của vợ, chồng đi tìm bạn của chồng, họ không ghen tuông, không bực bội, mà tôn trọng nhau, tôn trọng bạn của vợ, của chồng mình; họ coi đó là sự linh thiêng, là bổn phận và trách nhiệm trước cuộc sống tinh thần của người bạn đời (thực tế tại chợ tình Khau Vai, các đôi bạn tình có thể ngồi tâm sự với nhau suốt đêm 26, cả ngày 27-3, chợ tình bắt đầu từ đêm 26 và kết thúc vào chiều tối ngày 27).

Câu chuyện xưa có cái gì đó hư hư thực thực, đã góp phần tạo nên sức lôi cuốn kỳ lạ về mảnh đất này, và thu hút biết bao du khách gần xa về thăm. Khau Vai bây giờ không chỉ có người Nùng và người Giáy nữa mà còn có người Mông, người Dao cùng sinh sống đoàn kết bên nhau. Các chàng trai, cô gái được tự do tìm hiểu và quyết định hôn nhân mà không gặp phải sự cản trở của các bậc làm cha làm mẹ. Chợ tình Khau Vai không chỉ là nơi hò hẹn của những đôi trai gái lỡ duyên nhau mà còn là nơi gặp gỡ làm quen của nam nữ thanh niên và đã có biết bao đôi trai gái nên vợ thành chồng từ chợ tình Khau Vai.

Đến Hà Giang trong những ngày tháng 3 âm lịch không thể không nhắc đến chợ tình Khau Vai. Với những giá trị tự thân của nó, chợ tình Khau Vai cũng đã trở thành điểm đến mỗi năm của nhiều du khách trong những ngày đầu xuân. Trong dịp này, du khách sẽ được thưởng thức những làn điệu dân ca, những câu hát đối, hát phướn của các chàng trai, cô gái người Tày, người Nùng, nghe tiếng sáo tỏ tình của các chàng trai người Dao, thưởng thức tiếng khèn thiết tha của các chàng trai người Mông gọi bạn, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những thiếu nữ vùng cao đang trong độ tuổi trăng rằm, xúng xính với những bộ váy áo thổ cẩm sặc sỡ sắc màu. Chợ tình Khau Vai cho đến hôm nay tuy đã có gì đó thay đổi, nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc, độc đáo riêng, mang đậm các giá trị văn hóa nhân văn. Trong cái nhộn nhịp của sự mua bán, trao đổi hàng hoá, ta vẫn bắt gặp đâu đó ánh mắt kiếm tìm mải miết, vẫn nghe đâu đó văng vẳng lời kèn lá nỉ non hòa trong tiếng gió vi vu như kể lại cho du khách câu chuyện tình ngày xửa, ngày xưa…

 

Nguồn: Tuổi trẻ