Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu truyện ngắn ĐÊM VỀ SÁNG của nhà thơ Trịnh Sơn

Nhà thơ TRỊNH SƠN

Sinh năm 1982 tại Côn Đảo

Đã xuất bản: Trịnh Sơn thơ Nxb Hội Nhà văn, 2010

Đứa bé trở lại (Thơ) Nxb Hội Nhà văn, 2010

Tùy luận – Văn không chương 2012

Quan niệm về thơ:

Với thơ đôi khi, tôi tìm thấy sự vô lý. Thường xuyên, tôi không tìm thấy sự có lý. Trong các quan niệm ấy, phải chăng, tôi chưa từng bị/ được ràng buộc vào bất kỳ một hệ quy ước nào để gọi tên nghệ thuật kỳ diệu này. Chỉ biết rằng, làm được một khoảnh-khắc-thơ thì cõi lòng mênh mông lạ lẫm vô cùng. Chúng ta chỉ có thể đi lạc trong chính chúng ta. Khi lạc loài hãi hùng nhất, không thể nào phân biệt nổi “người làm thơ” hay “thơ làm người”? Hãy cứ đi và làm đẹp bất cứ thứ gì có thể.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà:

Trịnh Sơn là nhà thơ. Nhưng thi thoảng viết truyện. Truyện của Trịnh Sơn xù xì góc cạnh, đầy tính ẩn dụ, hiện thực thì thô nháp mà đẹp đến đau lòng.

Hiện Trịnh Sơn sống lưu lạc phương trời nào tôi không còn liên lạc được. Hình như ở Mỹ. Hình như ở đâu đó. Nhưng tôi mãi nhớ những vần thơ kỳ lạ, những ý nghĩ ngông cuồng tuổi trẻ đáng yêu và đáng trọng của Trịnh Sơn trong các tác phẩm văn xuôi.

Trịnh Sơn thi thoảng gửi cho tôi một vài tác phẩm để đọc chơi.

Chợt nhớ, “những con chim tha rơm về não tôi”, hình như vậy, là câu thơ trong bài thơ Sơn viết tặng tôi ngày xưa.

Xin đọc bài thơ YÊN HỒ của Trịnh Sơn:

YÊN HỒ

Có một nơi giữ nước mắt cho em
Mảnh khảnh buồn những khi mềm thất vọng
Chiu chắt vui bấu niềm tin mà sống
Áo xanh pha biêng biếc Yên Hồ

Yên Hồ, Yên Hồ đôi bờ
Thương bàn chân gạch nối thời gian không gian và số phận
Bao nhiêu ngôi sao đã chìm xuống
Trong cơn lốc thế kỷ ba mươi năm
Em văn vắt thắp vầng sao trong mắt
Nuôi hồng sen thanh lọc Yên Hồ

Yên Hồ, Yên Hồ vô bờ

– Quay đầu là Bờ

Nửa ký ức núi thẳm rừng hoang
Nửa có em ngọt lành hi vọng
Cố bước thêm mấy bước nữa tôi ơi
Cố bước thêm mấy bước nữa em ơi
Mặt trời còn có khi mọc muộn.

Bà Rịa, ngày 05-08-2009

———

* Yên Hồ: nằm ở thượng nguồn Sông Bé (Phú Giáo – Bình Dương),

nơi đóng quân của một đơn vị Thanh niên xung phong.

Mời quý vị lắng nghe truyện ngắn ĐÊM VỀ SÁNG của Trịnh Sơn qua sự thể hiện của nhà văn Võ Thị Xuân Hà

ĐÊM VỀ SÁNG

Trịnh Sơn

Cuộc chiến không thể nào dừng lại. Nó đã không tự bắt đầu, nên cũng chẳng cớ gì phải tự kết thúc.

            Nó len lén cứ nửa đêm trườn vào thành phố. Như con rắn quẩn quanh bên trái cấm. Cám dỗ những ánh mắt Eva. Có ai không bị cám dỗ? Quân tử đại trượng phu chăng? Có ai không muốn được cám dỗ? Thánh hiền chăng? Để được gọi là quân tử với thánh hiền, lẽ nào họ không trải qua trùng trùng cám dỗ mà chứng tỏ được cái bản lĩnh hơn người của mình?

            Nó nghĩ, họ mới là số ít người có cái cám dỗ hơn hẳn thế gian. Bằng của cả loài người gộp lại.

            Nó đã trườn vào phòng riêng của vị chỉ huy tối cao, một đêm nào đó. Ngay khi ông mở cửa sổ nhìn ra bầu trời đầy sao. Trên ngực ông, đầy sao. Trong mắt ông, đầy sao. Hai cậu lính cận vệ thấy sếp suy tư thì không dám cục cựa, đứng nghiêm ngó thẳng như phỗng. Nó nhè nhẹ trườn vào. Căn phòng bài trí đơn giản. Một bàn gỗ lớn với chiếc ghế bành đen bóng lưng cao có thể xoay tròn ngã ngang dễ dàng. Đối diện, trên bức tường cố ý để lộ vết gạch nham nhở dấu đạn, treo bức tranh Rơm Vàng nổi tiếng của Tô Đông, một họa sĩ tài ba nhưng nghèo túng và nghiện ngập. Đối diện Rơm Vàng, sau lưng ghế bành, cũng là một bức tranh lớn hơn một chút – Chân dung Lãnh Chúa – cũng của tay họa sĩ tài hoa kia.

            Nó nhớ lại, nó đã trườn vào cái gallery đổ nát chuẩn bị nộp cho chủ nợ của Tô Đông vài lần. Đã vào rồi lại ra vì không chịu nổi sự nhu nhược mà cuồng bạo của gã nghệ sĩ lắm tài nhiều tật này. Khi gã đang say đắm quét màu lên thân thể trần truồng của một thiếu nữ, nó cũng bắt chước, ngụp hẳn vào xô màu. Lạ kỳ và dị dạng, gã họa sĩ có cách sáng tác có lẽ có một trên đời. Tất cả sắc màu cho tất vào một cái xô, nhúng cây cọ to như cây chổi vào, dũng mãnh vung vút lên rồi bất ngờ giáng thẳng vào người mẫu đẹp đẽ nghiêm ngắn ngồi cứng đờ trước mặt. Có nhát bết cả đầu. Có nhát tát thẳng mặt. Có nhát vục vào chỗ kín chạy ngược lên. Thiếu nữ run rẩy như tội nhân trong nhà ngục bí mật… Cứ phải cứng đờ chịu trận. Cứ phải cứng đờ chờ đợi. Cứ phải cứng đờ suy đoán xem nhát kế tiếp kẻ quyền uy này sẽ quất vào đâu trên thân thể mình. Không, thân thể này đã không còn là của mình. Của ông chủ Tô Đông mua đứt rồi. Ông nói, của Nghệ thuật. Nghệ thuật là gì, thiếu nữ chưa hình dung ra được. Chỉ biết rằng, để được đến căn phòng phồng rộp nhàu nát này, nàng đã phải vượt qua hàng trăm người đẹp khác, chiến thắng hàng loạt các cuộc sát hạch gay go. Thậm chí, đã từ chối lời cầu hôn của một vị tướng. Nàng chẳng ngại gì, kể cả việc tự nguyện lột trần như nhộng, uốn éo các tư thế hứng tình. Nàng chẳng ngại gì với phập phồng dự đoán hình thức bị lạm dụng cao nhất là phải ăn nằm với ông chủ. Nhưng, ông chủ của nàng không lạm dụng thân xác nàng theo kiểu cách thông thường mà bất cứ đàn ông nào cũng muốn. Ông đang sáng tạo nàng. Ông đang đập vỡ hình hài thanh xuân nưng nức của nàng để tạo thành một tác phẩm nghệ thuật bất hủ. Chứ còn gì nữa, danh tiếng của ông chỉ có kẻ ngu đần mới không biết. Nhắc đến Tô Đông, kể cả tướng lĩnh hay trí thức, quan chức hay thường dân, đều một phép kính cẩn. Tranh của ông treo khắp nơi, ở viện bảo tàng, trong nhà thờ, trên chánh điện tòa nhà triều chính. Màu của ông có mắt, quan sát người ta, theo dõi người ta, chứng kiến người ta, phán xét người ta. Ai lại không sợ. Nhưng, không ai biết, ông chẳng có xu nào ngoài gia tài kếch xù là tiếng tăm và bí mật trong phòng vẽ.

            Nó nhảy phốc ra khỏi xô màu. Tô Đông như mụ lên đồng, hai tròng mắt trắng dã mất hồn. Thiếu nữ đã nhắm nghiền vì màu chảy thành dòng từ đầu xuống. Tóc nàng thôi đen. Như chân rạ cuối mùa gặt. Nó thoải mái bò lên thân thể thiếu nữ mà không sợ bị phát hiện. Như con kỳ nhông đã thiệp màu ngụy trang. Nó lên đến đâu, nàng rún người đến đó. Một thứ cảm giác đến từ bên trong. Từ trong ra ngoài. Ôi, họa sĩ trứ danh cuối cùng cũng bộc lộ bí mật sáng tạo của ông rồi ư? Nàng nấc lên khi nó cọ cái đầu nham nháp vào bắp vế non. Nó muốn đi vào sâu hơn. Nơi ẩn dật huyền bí của người đàn bà. Nơi sản sinh ra nòi giống con người đã tạo ra nó. Rồi, bỏ mặc nó.

            Tô Đông đột ngột quăng cọ, xông tới bế xốc thiếu nữ lên và ném mạnh xuống tấm voan trắng trải sẵn gần đó. Á. Họa sĩ tóm tấm voan lại, gói kín thiếu nữ trong đó, lật qua lật lại. Có lúc lăn tròn mấy vòng thân thể như xác ướp đầy màu ấy trên nền nhà. Thình thịch. Cuồng bạo. Nàng rên ư ử. Đến bây giờ, nó mới biết tại sao người ta lại tìm thấy khoái lạc nhất trong đau đớn. Khi Tô Đông mệt phờ ngồi bệt xuống sàn, hai tay lấm lem nặng nề mở tấm voan ra, thiếu nữ mắt nhắm nghiền. Màu đang cười trên gương mặt kiều diễm nàng. Màu đang cười trong giấc mơ ngắn ngủi thoáng qua nhưng đầy chất ngất nàng. Và, màu cười sằng sặc kiêu hãnh trên tấm voan nhúm nhó Tô Đông đang gắng căng đều bốn góc lên khung vẽ. Nó chui ra khỏi gallery. Sáng hôm sau, rầm rập trên các phương tiện thông tin truyền thông và nhất là mạng xã hội – “Rơm Vàng: Họa phẩm tuyệt vời mới của danh họa Tô Đông”.

            Trong buổi ra mắt, khi có người hỏi về thiếu nữ, Tô Đông im lặng chỉ vào bức tranh Rơm Vàng được đóng khung bằng gỗ quý treo giữa phòng trưng bày. Nàng đấy! Có giỏi thì tự mà hỏi nàng. Lúc ấy, nó ở trong bó hoa hồng vừa được ai đó tặng nhà họa sĩ trứ danh đang cầm trên tay. Cả thân thể rợm hồng, nó thấy một người mặc quân phục bệ vệ, dáng vẻ quyền uy, phong cách trưởng giả có tùy tùng theo sau đang tiến đến trước Rơm Vàng. Sau cái bắt tay và mấy câu xã giao nhão nhoẹt sôcôla, vị tướng quân bắt đầu tỏ rõ sự sành sỏi của mình với thế giới nghệ thuật của nhà họa sĩ:

–         Nàng ở trong đó ư?

–         Chỉ có ngài mới biết. Cả đám đông nhốn nháo kia chẳng kẻ nào am hiểu nghệ thuật dù chỉ bằng nửa con mắt trái của ngài – Tô Đông hơi tái mặt. Có vẻ do suốt thời gian vừa qua đã sáng tạo quá sức.

–         Nàng sẽ thích ở đây hay ở phủ Tướng quân? – vị tướng không biết mắc cỡ.

            Ông chủ bức tranh chưa biết đối đáp sao, thì trong bó hồng trên tay ông, nó cựa quậy sao đó, bị gai đâm một phát đau điếng. Gai hoa hồng ngụy trang giỏi hơn nó. Nó vùng dậy, khiến bó bông tung lên, tuột ra khỏi tay nhà họa sĩ, bay thẳng vào mặt vị tướng. Truyền hình đang quay trực tiếp.

–         Ôi… – Tô Đông không thể thốt ra tiếng nào hơn, lảo đảo suýt ngã nếu không có cậu lính cận vệ của vị tướng kèm phía sau. Cả thân thể của người nghệ sĩ như miếng thịt khô trong gọng kềm lạnh lẽo mà rất ư lịch sự kia.

–         Ông tặng tuyệt phẩm Rơm Vàng cho tôi à? Và tặng cả hoa nữa? – vị tướng tỉnh rụi – Nào, báo chí, truyền hình và quý vị có mặt ở đây làm chứng nhé. Danh họa Tô Đông đồng ý cống hiến tuyệt tác Rơm Vàng cho phủ Tướng quân. Phủ Tướng quân là Triều Đại. Triều Đại là đất nước. Đất nước là nhân dân…

            Cứ mỗi câu, vị tướng lại ngắt quãng để đón một tràng vỗ tay rôm rả đám đông xung quanh. Nó lặc lừ, lè lưỡi trong bó hoa – bấy giờ một cậu lính đã cầm thay cho chủ nhân. Cậu lính tưởng cái đầu của nó là một đóa hoa, lấy tay di di vào, nghĩ, hoa gì mà màu là lạ nhỉ. Sau cùng, vị tướng phát biểu rõ ràng:

–         Để ghi nhớ sự cống hiến của danh họa Tô Đông, ngay từ bây giờ, tôi thay mặt Triều Đại ban Huân chương Ngôi sao hạng Nhất cho ông. Từ nay, mọi hoạt động sáng tạo nghệ thuật của ông đều được ghi rõ là “Tác phẩm Vì dân”. Mọi người mẫu ông cần, đều được đáp ứng. Nhiệm vụ cao quý tiếp theo của ông, tôi đã nghĩ ra rồi đây. Hãy vẽ bức tranh Chân dung Lãnh Chúa.

            Dù lòng đau như cắt, Tô Đông đã lấy lại bình tĩnh. Chỉ cần còn sống, ta còn vẽ được. À, chúng mày muốn Chân dung Lãnh Chúa thì chúng mày sẽ có. Chúng mày sẽ chẳng bao giờ biết người mẫu là ai đâu.

–         Vâng. Tôi trân trọng cảm ơn ân huệ của Tướng quân vàTriều Đại. Tôi xin hứa sẽ sớm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

            Báo đài rần rần hoan hô và phỏng vấn. Nghe đâu, phòng vẽ đổ nát của Tô Đông sẽ mau chóng được đầu tư sửa chữa để trở thành Viện bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia. Chẳng ai nhắc đến thiếu nữ nữa. Nó theo cậu lính tùy tùng lên chiếc xe bóng lộn cùng vị tướng và Rơm Vàng. Trên xe, vị tướng mân mân mê mê từng nét màu trên bức tranh. Lão nghĩ – Nàng ở trong đây ư? Không có gì thoát khỏi tầm tay ta được. Gã họa sĩ ngu đần – Nó choáng với hơi máy lạnh và khói xì gà, lặng lẽ len tránh gai hoa hồng, bò ra nấp sau Rơm Vàng. Chỉ có nó biết thiếu nữ đang ở đâu.

            Năm ấy, Cuộc chiến vừa tròn một ngàn hai trăm năm mươi bảy tuổi. Mỗi ngày, quần áo của nó hiện đại hơn. Kể từ thời người đời nay gọi là lạc hậu, nó mặc khố cởi trần với cung nỏ gậy gộc, cho đến nay thì trang bị đầy đủ giáp khiên và vũ khí tối tân bậc nhất. Càng ngày, dụng cụ giết người càng tinh vi ảo diệu hơn. Chỉ một cái chớp mắt. Nhưng, nó nhận ra, như con người thay đổi thời trang xoành xoạch vậy, từ quần ống loe – ống đứng – ống suông – ống túm rồi trở lại ống loe. Từ cổ điển – phục hưng – hiện đại – hiện sinh lại quay về cổ điển. Thức ăn của nó vẫn chỉ là xác người. Thức uống của nó vẫn chỉ là máu người. Bài ca của nó vẫn chỉ là tiếng rên kêu bi phẫn tuyệt vọng của kẻ hấp hối. Trái đất vẫn tròn với năm châu bốn bể. Bao nhiêu đại dương cùng lãnh thổ cứ ở nguyên đấy. Chẳng có cái gì từ thế giới này biến đổi mà vĩnh viễn không để lại chút gì dù hình thức này hay hình dạng khác. Dường như duy nhất có một thứ mà nó không bao giờ hiểu được, là khúc Missa Solemnis của Beethoven người ta một lần gởi vào vũ trụ và mất hút. Có lần, nó bạo dạn viết một status trên Facebook: “Sonata của Beethoven là gì?” hòng tìm được câu trả lời thì chỉ nhận được những tràng cười chê bai và khinh bỉ.

            Năm ấy, vị tướng đã đủ sức mạnh để chiếm đoạt không chỉ Rơm Vàng, Chân dung Lãnh Chúa mà là bất cứ thứ gì ông ta muốn. Cuộc chiến có nhiều việc làm hơn. Nó ở khắp nơi. Trên bàn ký kết hợp đồng kinh tế. Trên bàn đàm phán an ninh. Trên bàn nhậu. Trên đường xá nghèn nghẹt người ơi người. Con người nhìn thấy nó đã quen thật quen, đến nỗi họ chẳng e ngại thứ màu da biến đổi kì diệu hơn bất cứ con vật giỏi hóa trang nào, với gam màu gốc thường xuyên là đen tối, bí ẩn và ám ảnh. Họ đem nó ra chợ. Họ đem nó về nhà. Họ đem nó lên cả giường ngủ. Chỉ có hai chốn nó chẳng thể đến được, là Tình yêu và Mơ mộng.

            Và, căn phòng của vị tướng. Ông không chính thức công nhận nó. Mọi thứ là của ông, từ ông mà có chứ ông không muốn nói với mọi người là của nó, từ nó – mặc dù thỉnh thoảng ông cũng nghĩ thế. Đêm nay đây, ông đang lên kế hoạch hủy diệt kẻ thù cuối cùng – Cuộc chiến.

            Bao nhiêu đối thủ đã ngã quỵ trước ông, thì bấy nhiêu lần ông nghe Cuộc chiến cười hềnh hệch bên tai mình. Nó muôn hình vạn trạng. Nó có nó không. Vũ khí nào mới giết được nó? Vị tướng lại châm thuốc. Ông để nguyên cửa sổ mở, quay vào ngồi lên chiếc ghế bành đen. Ngồi không yên, ông lại đứng lên, đi tới đi lui rồi đứng trước Rơm Vàng lúc nào không hay.

–         Có thật nàng ở trong bức tranh này như gã họa sĩ điên khùng đã nói? – Lần đầu tiên trong đời, vị tướng lão luyện vò đầu bức tóc – Ta già rồi ư? Ta không thể chiến thắng thêm một lần nữa sao?

            Ông lại trở về với chiếc ghế bành đen. Xoay nửa vòng, đối diện với Chân dung Lãnh Chúa.

–         Ai ở trong Chân dung Lãnh Chúa? Chẳng phải ta đang hiện diện ở đây sao? – Bất chợt vị tướng đứng phắt dậy, hét lên một tiếng rồi rớt phịch xuống ghế – Là gã họa sĩ nham hiểm Tô Đông ở trong đó chứ còn ai vào đây nữa? Hèn gì từ ngày người ta dâng bức tranh này lên, không ai còn thấy mặt gã…

            Cuộc chiến lặng lẽ trở ra. Đêm về sáng. Cũng một đêm về sáng cách đây không lâu, nó lặng lẽ rời khỏi phòng vẽ của họa sĩ Tô Đông…

Núi Dinh, 31/1/2013

Exit mobile version