Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu một cây bút trẻ của tỉnh Hòa Bình, tác giả Kiều Xuân Quỳnh, với chùm truyện ngắn sau:
1. Cơn mưa trên đỉnh Phù Vân
2. Hồi sinh giữa dòng Pác Ban
3. Nước mắt của dòng sông
4. Miền tam giác mạch
5. Đêm trăng xứ Mường
Tác giả Kiều Xuân Quỳnh
Sinh năm 1988
Hiện là hội viên Hội Văn Học Nghệ Thuật tỉnh Hòa Bình
Đã có truyện ngắn, tản văn đăng trên các báo, tạp chí của trung ương và địa phương.
Giải thưởng:
Giải nhất cuộc thi viết: “Valentin đầu tiên” của Ban Thanh thiếu niên, kênh VTV6, đài Truyền hình Việt Nam năm 2012, với bài viết “Có khi nào ta gặp lại nhau”.
Giải ba cuộc thi “Nói lời tri ân” lần 2 do Diễn đàn “Phật Học Vườn Tâm” thuộc Giáo hội Phật giáo tỉnh Đắc Nông tổ chức năm 2014, với bài viết “Chiếc xe mang biển 81”.
Giải ba cuộc thi thơ và truyện ngắn Những làn gió Tây Bắc 2017-2018 với truyện ngắn “Nước mắt của dòng sông”.
Quan điểm sáng tác: Với tôi viết là sự sẻ chia từ những điều gần gũi trong cuộc sống.
Đêm trăng xứ Mường
Truyện ngắn của Kiều Xuân Quỳnh
Hàng trăm bó đuốc rực cháy soi thứ ánh sáng mờ đục lên gương mặt bừng bừng sát khí của đám gia nhân nhà lang Bùi Công. Những gã đàn ông thủa nào chỉ quen cuốc cày, cung nỏ, săn bắn… bây giờ tay gươm tay giáo mê muội đâm chém đốt phá.
Trên lưng con ngựa màu đen người đàn ông khua mũi giáo lùa đàn chó săn đánh hơi sục sạo kiếm tìm nơi bờ bụi bằng những chiếc nanh nhọn hoắt. Mũi giáo trên tay ông như mảnh trăng lưỡi liềm sắc lẹm chém ngả rạp những thân cây.
Tôi nhai đám lá rừng đắp lên mặt Quách Ngọc Dung, cầm máu vết thương cho nàng. Giọt huyết lệ từ khóe mắt nàng chảy xuống bàn tay tôi. Bàn tay đang ôm ấp chở che nàng cũng là bàn tay gieo rắc những tai họa giáng xuống gia đình nàng.
*
Ánh trăng trung tuần tròn vằng vặc. Tôi nén đau từ vết thương nơi bàn chân bò lên phiến đá khắc hình con phượng hoàng cạnh giếng nước gần nhà lang Quách Ngọc. Đêm thanh vắng, cơn gió đêm bứt chiếc lá vàng khẽ chao rơi xuống giếng thiêng. Nằm trên phiến đá tôi nghe như gợn nước dưới giếng sâu nhắc lại lời cha nuôi vọng về từ Mường Động. Giếng nước này ví như rốn rồng hấp thụ linh khí trời đất thu về nguồn tài lộc thịnh vượng cho gia đình nhà lang Quách Ngọc. Trong một lần say ông từng nói với tôi, đôi mắt như có lửa “là người nhà lang Bùi Công thì không để ai được phép hơn mình và phải lấy lại những thứ quý giá bị người khác cướp mất”.
Năm ấy, vó ngựa hai người con trai nhà lang Mường Rụng và lang Mường Động cùng dừng lại trước cuộc thi bắn nỏ kén rể nhà lang Mường Vang.
Gần trưa, mặt trời lên cao hơn đỉnh núi thiêng Đá Bạch. Nắng gay gắt nhưng trai bản gẩn bản xa vẫn đến thi tài ngày càng đông. Đám đông xô đẩy, chen lấn, tranh giành khi biết lệ thi tài không phân biệt thường dân hay dòng dõi quan lang. Trai bản gần bản xa đã bao người thử sức gài tên, kéo dây, bật lẫy, nhưng mũi tên nhà thường dân chẳng đủ danh giá để chạm hồng tâm trên tấm bia đặt phía bìa rừng.
Trên lưng ngựa, hai chàng trai trộm thấy nhan sắc xinh đẹp của con gái nhà lang Mường Vang cũng nhập cuộc so tài. Ba mũi tên của con trai nhà lang Mường Rụng đã bắn trúng hồng tâm trên tấm bia treo phía bìa rừng. Hai mũi tên của cha nuôi cũng trúng hồng tâm chẳng kém tài. Lần bắn cuối cùng, cha nuôi vừa bật lẫy nỏ thì có một cơn gió thổi đến lái mũi tên chệch hồng tâm găm vào thân cây. Năm ấy, ông buồn bã trở về Mường Động mang theo mối hồ nghi rằng con trai nhà lang Mường Rụng đã nhờ thầy mo yểm phép đổi hướng gió. Ông bẻ mũi tên thề độc sẽ trả thù.
Tròn 18 tuổi cha nuôi đưa tôi đến đây, ông giương nỏ bắn mũi tên vào bàn chân tôi. Ông bảo:
“Ta đã cho người thăm dò, tối nay con gái lớn nhà lang Quách Ngọc sẽ ra đây múc nước. Chắc chắn Ngọc Dung sẽ có cách chữa khỏi bàn chân cho con. Chỉ có máu mới lay động trái tim một đứa con gái có trái tim nhân hậu. Con hãy dùng tất cả tài năng pháp thuật chiếm lấy trái tim của nó”.
Ông ném chiếc túi khót về phía tôi rồi kéo cương ngựa vút đi. Tôi đau đớn nhoài người nhặt chiếc túi khót ông đã cướp từ người thầy cuối cùng của tôi bằng địa vị và quyền lực.
Trong cơn đau từ vết thương nơi bàn chân, tôi như vẫn nghe thấy tiếng thầy mo dạy tôi bùa yêu, lời lão gào hun hút trong gió đêm khoét sâu vào trí óc tôi: “Hãy lấy ba sợi tóc của Ngọc Dung làm chỉ khâu, đọc bùa chú rồi xâu qua chiếc kim, thêu tên tôi và nàng lên tấm khăn đội đầu màu trắng của nàng”. Khi ấy trái tim nàng sẽ mãi mãi thuộc về tôi bằng thứ tình yêu đầy ma mị.
Cơn gió đêm vừa thổi thêm những chiếc lá vàng rụng xuống phủ lên người tôi. Có tiếng lá khô xao xác vỡ vào bước chân cùng câu hát khe khẽ vang:
“Gáo với giếng nước trong múc ánh trăng vàng…”. Nhìn thấy máu từ bàn chân tôi chiếc gáo dừa trên tay Ngọc Dung rơi khô khốc. Nàng chạy đến nâng tôi rồi hái đám lá mọc bên thành giếng cầm máu cho tôi. Nàng gọi người dìu tôi vào nhà, đặt tôi nằm lên tấm phản lim gần bếp lửa.
*
Những đêm nằm trên tấm phản lim nghe ngọn lửa sưởi ấm lòng. Tôi dối lòng nói với Ngọc Dung rằng cha tôi là một thầy mo nổi tiếng được cả xứ Mường Động trọng vọng. Trong một lần cùng cha đến thăm người bà con xa xứ Mường Bi, tôi và cha bị cướp đuổi chạy vào rừng. Tôi trúng mũi tên còn chẳng biết cha tôi có chạy thoát không.
Vết thương nơi bàn chân đã bắt đầu lên da non sau những ngày tôi uống bát thuốc do Ngọc Dung sắc từ mạch nước giếng thiêng. Ba sợi tóc của nàng và chiếc khăn đã nằm trong tay nải của tôi. Mấy lần tôi định làm bùa chú thêu tên tôi và nàng lên chiếc khăn. Nhưng nhìn ánh lửa soi lên khuôn mặt thanh tú của nàng, mũi kim trên tay tôi chệch hướng đâm vào đầu ngón tay như mũi tên của cha nuôi năm xưa. Tôi không muốn nàng sẽ hóa điên nếu như tôi tử biệt, sau lần tôi và nàng đi rừng tìm lá thuốc.
Hôm ấy, nàng vừa bứt đám lá thuốc bỗng hét lên vì vết cắn nhói buốt ở cánh tay. Trong bụi cây con rắn lục trườn đi. Tôi vội đặt nàng nằm dưới gốc cây hút những giọt máu độc rồi đắp loại lá lên cánh tay theo lời nàng. Lần đâu tiên trong đời tôi chạm vào thịt da của một người con gái. Từ hôm ấy tôi dành cả tình yêu đầu đời cho Ngọc Dung. Tôi cảm nhận trái tim Ngọc Dung cũng dành tình cảm cho tôi khi nàng tặng tôi chiếc khăn thêu đôi chim uyên ương chỉ hồng từ chiếc khăn đội đầu trắng tinh của nàng.
*
Năm nay mùa bội thu, cha Ngọc Dung đưa tôi đi xem phong cảnh khắp bản làng trù phú bên những dãy núi đá vôi. Xa xa, theo gió vọng về câu đồng dao của đám trẻ trâu: “Khát nước xuống suối, đói lòng đến nhà lang”.
Ông cười khi nghe câu đồng dao ca ngợi mình rồi chỉ tay về phía nguồn nước đang đùn lên trong vắt bảo rằng sự trù phú nơi đây chính nhờ con mương chảy về từ Đồng Thảm. Nếu cả xứ Mường có khô hạn thì con mương vẫn ăm ắp nước tưới tiêu cho cả thung lũng xứ này. Bao đời giặc ngoại xâm và những kẻ có mưu đồ tạo phản muốn cướp Mường Rụng của ông đều thất bại vì sự no ấm đoàn kết của người dân nơi đây.
Tôi lại gần vục nước uống. Mùi nước thơm là lạ và những dãy núi bao quanh khiến tôi nhận ra địa thế rồng bay của con mương uốn khúc. Trên gò đất rộng nơi ấy là mộ tổ nhà lang. Có lẽ ông không biết về phong thủy, địa lý nên đã nói cho tôi biết bí mật về long mạch của dòng họ. Tôi cười thầm vì có thể báo tin cho cha nuôi biết rằng đã tìm ra lý do mang về sự cường thịnh cho Mường Rụng.
Con chim bồ câu mang lá thư hồi âm của cha nuôi đã trở về. Cha nuôi bảo tôi hãy cưới Ngọc Dung để tạo dựng niềm tin rồi tìm cách phá thế rồng bay của con mương nơi Đồng Thảm.
Tôi và Ngọc Dung lên duyên chồng vợ. Ngày trọng đại ấy, nhà lang Quách Ngọc trong sự mừng vui của men rượu cần đã không còn nhận ra kẻ tình địch khi xưa bằng sự che đậy của chòm râu bạc. Cha nuôi rượu nâng tay bắt với nhà thông gia nhưng tham vọng trong đáy mắt vẫn hun hút như vực sâu. Tôi chính thức ở rể theo phong tục người Mường.
*
Một đêm, Ngọc Dung bảo tôi rằng nàng mang thai, tôi áp tai vào bụng nàng lắng nghe tiếng mầm sống khẽ cựa. Sáng hôm sau, tôi thông báo tin vui cho cả nhà nhưng thoáng chốc mừng vui của lão lang Quách Ngọc bị niềm lo âu lấn át. Ông bảo rằng phía tây Mường Rụng năm nay hạn hán. Nhiều người dân đói khát đã bỏ nhà đi ăn xin. Tôi định bảo ông đào một con mương từ Đổng Thảm dẫn nước về phía tây cứu dân. Nhưng…
Nhịp đập khe khẽ trong bụng Ngọc Dung làm tôi rùng mình nghĩ về cảnh nghèo khó của tôi và Mế. Chắc Mế đã rất vất vả khi đơn độc mang thai tôi nơi bìa rừng.
Tôi và Mế sống ở một căn lều dột nát phía chân núi. Hằng ngày, Mế đến nhà lang làm thuê đắp đổi bát gạo, chiều về đi mò ốc dưới con suối cạnh rừng. Năm tôi bảy tuổi, một đoàn người đến tìm. Gã tóc bạc đeo chiếc túi khót chỉ vào tôi nói với một người ngồi trên lưng con ngựa màu đen, “Chính nó là người có căn làm thầy mo”.
Người trên lưng ngựa ném cho Mế một túi bạc rồi sai gia nhân lôi tôi về nhà. Mế chạy theo giằng tay kéo tôi lại nhưng sức vóc của một người đàn bà quanh năm lam lũ không chống chọi nổi với sức vóc đám gia nhân trai tráng nhà lang.
Từ một đứa trẻ nhà nghèo khó bỗng chốc tôi được làm con nuôi nhà lang ăn cơm no mặc áo ấm. Cái tên Lặt quê mùa của tôi được ông đổi thành Lẫy để kỳ vọng cho tôi một sự lẫy lừng.
Cha nuôi vung tiền bạc mời những thầy mo giỏi nhất vùng đến dạy tôi học làm bùa phép, chài ém. Để không phá vỡ quy tắc nhà mo không truyền dạy cho người ngoài, mỗi thầy mo chỉ truyền dạy cho tôi một phép bùa. Tôi học gọi gió hô mưa, đuổi ánh trăng, tắt tia nắng mặt trời…
Lớn lên lẽ đời dạy tôi hiểu vì sao Mế là người đàn bà bị cả bản Mường hắt hủi đuổi ra sống một mình nơi bìa rừng. Bao lần tôi trở về chốn cũ tìm Mế nhưng con suối đã đổi dòng, vách nhà nứa tan hoang.
Ngày xưa, mỗi lần nhìn tôi học phép bùa, cha nuôi lại gieo giắc ý nghĩ phải phá đi sự cường thịnh của người Mường Rụng trong suy nghĩ non nớt của tôi. Tôi hỏi: “Tại sao phải hại người ta khi con và họ không thù oán với nhau?”. Ông lia ánh mắt về phía Mường Rụng. Trong đáy mắt đong đầy tham vọng cao hơn ngọn núi, sâu hơn cả dòng sông. Ông bảo “là người nhà lang Bùi Công thì không để ai được hơn mình”.
Bây giờ, nếu tôi không thể phá được long mạch của nhà lang Quách Ngọc thì cha nuôi sẽ không tha cho Mế. Dịp trước về thăm nhà, tôi thấy một người đàn bà bị nhốt trong kho nhà cha nuôi. Người đàn bà ôm nắm rơm bện hình đứa trẻ con hát ru. Tôi nghe giọng nói và câu hát quen thuộc như âm điệu ngày xưa Mế vẫn hát ru tôi. Tôi lại gần khung cửa sổ. Người đàn bà giật mình ngoảnh lại nhìn khi thấy bóng tôi in trên tường. Người đàn bà lóng ngóng rút một cọng rơm bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Tôi bàng hoàng nhận ra khuôn mặt của Mế dù bây giờ đôi mắt đã mang phần hoang dại. Tôi đạp tung cánh cửa chạy vào ôm mế. Mế hất tôi ra bằng đôi bàn tay vẫn thường vuốt mái tóc tôi thủa bé rồi quay mặt vào tường nựng nịu bó rơm. Tôi đặt tay lên vai nhìn sâu vào đôi mắt Mế hy vọng tình mẫu tử sẽ khiến Mế nhận ra tôi. Mế xiết chặt bó rơm hét lên sợ hãi.
Tôi giằng bó rơm từ tay Mế ném ra thềm sân rồi kéo mế vào lòng gục đầu lên vai Mế khóc. Mế hất tay tôi rồi chạy ra ngoài thềm sân nhặt lại bó rơm. Tôi lay Mế hét “con là con của mế đây”. Nhưng Mế vẫn nhìn tôi bằng đôi mắt hoang dại. Mế quỳ xuống dập đầu lạy tôi: “xin đừng làm hại con tôi”. Tai tôi ù đi. Nghe tiếng động cha nuôi từ ngoài sân chạy vào đẩy tôi và Mế tách rời nhau. Ông rút con dao găm kề lên cổ Mế. Ông gằn giọng:
– Nếu mày không thể phá đi rốn rồng và long mạch của Mường Rụng thì sẽ không bao giờ hai mế con mày gặp lại nhau.
Tôi quỳ xuống van xin, nhưng lưỡi dao trên tay ông càng cứa sâu lên cổ Mế, những giọt máu loang ra thấm vào lưỡi dao sắc lạnh. Tôi chua chát nhận ra mình chỉ là chiếc lẫy trên thân nỏ.
*
Ngày nào cũng có những nhóm người từ phía tây Mường Rụng đến vùng này xin ăn. Những con người đói khát giơ bàn tay gầy guộc đón nhận những nắm gạo từ thiện của nhà lang Quách Ngọc.
Một hôm, ông bảo tôi cùng ông về phía tây Mường Rụng tìm xem có cách nào cứu dân. Con ngựa của tôi và ông khát nước dạt bước chân nặng nhọc vào bóng cây. Trong rừng một con sóc chạy về phía con suối cạn lần tìm giọt nước cuối cùng. Tôi cài mũi tên nâng nỏ ngắm bắn nhưng bị bàn tay ông gạt xuống. Ông bảo:
– Muông thú cũng có linh hồn. Từ lâu ta đã cấm săn bắn ở Mường Rụng. Thịt thú rừng đều được trao đổi mua bán bằng nông sản do người dân Mường Rụng trồng trọt, cấy hái.
Tôi buông tay nỏ nhìn ông. Ánh mắt của ông khiến tôi hiểu vì sao người chiến thắng trong cuộc thi bắn nỏ kén rể năm xưa là ông. Chắc hẳn ông ngoại của Ngọc Dung đã nhận ra ánh mắt nhân từ khi ông ngắm bắn hồng tâm trái nghich với ánh mắt đong đầy sự hiếu thắng của lão lang Bùi Công. Ánh mắt ông thôi thúc tôi muốn giúp ông, giúp dân bản Mường Rụng để trả ơn nghĩa cưu mang.
Tôi bảo ông bí mật lập một đàn tế trời. Phép cúng thần Pống Pêu cầu mưa tôi đã học nhưng đây là lần đầu tiên tôi áp dụng dưới án hương. Đàn tế trời lập xong, tôi đội mũ chầu, mặc chiếc áo dài xanh ngồi tế ba ngày ba đêm. Bài tế vừa kết thúc mây đen vần vũ kéo đến. Trời chưa kịp ban mưa thì có những trận gió ào ạt thổi mây bay về phía Mường Động. Bên ấy, mưa xuống như trút. Tôi nhìn ông lắc đầu thất vọng. Tôi không dám nói cho ông biết rằng đã có một thầy mo cao tay hơn tôi chặn gió bắt mưa của tôi. Ông lặng lẽ lau đi vệt nước mắt.
Giờ thì tôi đang cùng bố vợ và dân bản bổ những nhát cuốc khơi dòng con mương Đồng Thảm dẫn nước về phía tây Mường Rụng, dù trước đó trong cuộc họp bàn vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dòng họ Quách.
Hôm sau, có người từ Mường Động đến tìm tôi. Gã mang đến thịt con trâu trắng được nhồi trong thân cây đại thụ hội tụ sự ma quái của rừng sâu. Gã nhắn rằng lão lang Bùi Công yêu cầu tôi thả khúc gỗ xuống giếng thiêng yểm bùa chú phá hủy rốn rồng.
Tôi nhặt con dao quắm định chém gã làm đôi nhưng gã kịp giở cho tôi xem bọc vải đựng ngón tay của Mế. Gã nhắn lời lão Lang Bùi Công nếu muốn gặp lại Mế thì không được từ chối. Bao lần nhấc lên đặt xuống, cuối cùng tôi nhắm mắt buông xuôi thả khúc gỗ xuống giếng thiêng rồi lặng lẽ trở về Mường Động.
*
Xẩm tối, tôi chạm sân căn nhà sàn bề thế nhà lang Bùi Công. Trong ánh đuốc mờ ảo, đám người nhà lang đang vây quanh một người đàn bà bị treo trên thân cây. Tôi nhận ra Mế, muốn chạy đến gỡ sợi dây, nhưng chùng bước khi thấy lão Lang Bùi Công đang mặc long bào tay lăm lăm ngọn giáo. Lão cười lớn bảo đây là bài học cho những người dám cản bước mưu đồ của lão. Lão ra lệnh cho đám gia nhân sẵn sàng vũ khí đánh chiếm Mường Rụng.
Tôi từng nghe lão bàn bạc với gã thuộc hạ thân tín là thầy mo và quân sư của lão bên tấm bản đồ. Có thể lấy được đất Mường Rụng về tay lão sẽ củng cố thêm lực lượng, căn cứ vững chắc cho mưu đồ đế vương của mình.
Lão và đám quân mã đi khỏi tôi chạy đến gỡ sợi dây nhưng Mế đã tắt thở. Tôi lạy mế ba lạy tạ tội bất hiếu vì chưa thể chôn cất Mế. Tôi chạy ngược lại con đường tắt bàn chân đạp gai vượt suối trèo non trong đầu nặng trĩu sự lo lắng. Mế đã không còn tôi không muốn mất thêm Ngọc Dung và đứa con nàng đang mang trong bụng.
Nửa đêm. Xứ Mường Rụng tan hoang sau cuộc thảm sát của nhà lang Bùi Công. Những người dân nơi đây qua bao năm yên bình, bàn tay quen cấy cày vun xới, đã quên cách cầm cung nỏ gươm giáo nên ngả rạp như những thân mía bị lưỡi dao phạt vào. Tôi chạy đi tìm Ngọc Dung trong ngập ngụa máu và ánh lửa gian nhà sàn rực cháy. Nàng đang gục đầu khóc bên thi thể của lão lang Quách Ngọc cạnh giếng nước. Tôi chạy đến kéo tay trước khi nàng định gieo mình xuống giếng. Tôi nắm tay nàng chạy vào cánh rừng tìm chút hy vọng mỏng manh trong giây phút sinh tử. Tôi vẫn luôn tin màu diệp lục ngàn năm nương náu đã bao bọc bao thế hệ người Mường sẽ chở che cho gia đình tôi.
Đàn chó săn của lão lang Bùi Công đã đánh hơi thấy mùi của tôi và Ngọc Dung. Chúng vây quanh bụi gai sủa lên thảm thiết. Lão lang Bùi Công và đám gia nhân nghe tiếng chó sủa khép kín vòng vây. Lão giơ cao mũi giáo cười ha hả bảo rằng sẽ để lời nguyền giếng độc chôn vùi mãi mãi cùng thân xác tôi. Ngọc Dung vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt bình thản. Nàng xé chiếc khăn đội đầu băng vết thương của tôi và nàng. Nàng bảo tôi nắm bàn tay nàng để sau khi chết cả gia đình sẽ được sống bình yên, hạnh phúc bên nhau không phải lo sợ trong mưu đồ quyền lực, toan tính, hận thù…
Tôi ôm Ngọc Dung đợi mũi giáo kết liễu từ người tôi từng mang ơn nuôi dưỡng, kẻ đã cướp của tôi mạng sống đấng sinh thành.
Bỗng tôi nghe tiếng leng keng binh khí rơi xuống đất cùng tiếng đám gia nhân hò nhau bỏ chạy. Tôi mở mắt, một luồng khói từ giếng thiêng trào lên. Một con trâu trắng lao về phía lão lang Bùi Công. Lão giơ mũi giáo chống đỡ. Cây giáo rèn từ mảnh đồng thau pha vàng và thân gỗ quý trên núi thiêng Đá Bạch tạo thành thứ linh khí chém gãy một sừng con trâu. Lưỡi giáo trên tay Lão cũng vỡ vụn. Linh hồn con trâu trắng điên cuồng khua chiếc sừng còn lại hất văng lão lên không trung, chiếc sừng nhọn hoắt găm thấu tim lão, máu nhuộm đỏ long bào. Thì ra những giọt máu quyện hoà của tình yêu nhỏ xuống giếng thiêng từ cơ thể tôi và Ngọc Dung là thứ phép hồi sinh giải lời nguyền giếng độc. Linh hồn con trâu trắng ngậm một chiếc lá đặt lên bụng Ngọc Dung rồi đạp luồng khói bay vào rừng.
Ánh trăng thượng tuần lấp lánh thoa lên chiếc lá những tia sáng dìu dịu. Mai sau, con tôi ra đời tâm hồn sẽ trong sáng hiền hòa như ánh trăng đang treo trên đỉnh rừng. Gia đình tôi sẽ gieo trên miền đất này những mảnh lá hồi sinh.
K.X.Q