TÔN VINH VĂN HÓA ĐỌC
Cuộc chiến chống lại covit-19 vẫn còn âm ỉ trong nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, mỗi một người dân đang gồng mình để chống lại đại dịch, cùng đoàn kết giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Trong cuộc chiến ấy, có những nỗi đau mất mát; có những câu chuyện khiến ta phải suy ngẫm, những câu chuyện cảm động giúp ta thầm cảm ơn những người đang cố gắng từng ngày để chống lại dịch bệnh. Nhìn thấy những vấn đề này xảy ra, nhà thơ Vũ Trọng Thái đã không khỏi đau lòng, cảm động mà viết lên tập thơ Đêm trắng.
Đọc Đêm Trắng chúng ta sẽ nhìn thấy những vần thơ chất chứa tấm lòng đầy xúc cảm: mong ước có, đau lòng có, xót xa có, cảm thông có, chia sẻ có, cùng với sự cổ vũ những hành động tích cực đã và đang diễn ra trong xã hội hiện tại – xã hội mà cả nước, ai ai cũng đang gồng mình sống chung với dịch.
Đêm Trắng phản ánh thực tại xã hội từ khi covit-19 xuất hiện. Nước ta như bước vào trận chiến. Trận chiến vô cùng quan trọng giống như những trận chiến chống quân xâm lược trước đó. Điều này được tác giả khẳng định trong bài thơ (Hà Nội đêm 19 và Đồng bào tôi) rằng ngày 19/12/1946, Hà Nội vào trận chiến chống kẻ thù xâm lược. Bảy mươi lăm năm sau, Hà Nội chung tay chống covid, mọi con đường trở nên yên ắng lạ thường. Rồi năm 1975, đồng bào chung tay đuổi quân xâm lược miền Nam. Năm 2021, các dòng người lặng lẽ hồi hương từ Sài Gòn về quê, vất vả mưu sinh, gian nan chống lại đại dịch.
Mọi nẻo đường, góc phố bắt đầu vắng ngắt, những Chuyến tàu đêm lao vút trong đêm tối, hành khách thưa thớt, ai lấy đều đeo khẩu trang kín mặt, thu mình đề phòng chống dịch. Cả nước đoàn kết cùng nhau chống dịch, một đất nước mà mọi người, mọi nhà, mọi cơ quan, ban ngành, đoàn thể cùng chung tay chống dịch. Cuộc sống thay đổi, những tà áo dài học sinh đã chuyển thành màu xanh tình nguyện, màu xanh bộ đội, màu xanh cựu chiến binh đầy hy vọng, yêu thương, nhiệt huyết. Những bản tin trên truyền hình, đài báo, rồi ngay cả loa truyền thanh hướng dẫn mọi người chống dịch. Cả đất nước trong khó khăn dậy lên tình người, tình yêu thương và sự chia sẻ: Hải Phòng mùa đại dịch. Rồi cả những hình ảnh âm thầm, khi mọi người đều hạn chế mọi hoạt động, ở nhà thực hiện 5k, thì chị lao công vẫn chăm chỉ, cần mẫn làm việc, hàng ngày dọn sạch thành phố: Gặp chị lao công giữa mùa đại dịch; Rồi Những ngọn đèn, ngọn đèn xưa “đứng gác” soi cho ta đánh trận trường kỳ. Nay, lại có những ngọn đèn thao thức, trên từng chốt, trận chiến chống covy. Những ngọn đèn soi trên mái đầu bạc của những cựu chiến binh đang làm việc thâu đêm lạnh giá.
Trong trận chiến chưa có hồi kết này, có những câu chuyện đời thường đầy xúc động, và đáng trân trọng. Những câu chuyện làm cho người ta phải suy ngẫm. Câu chuyện người mẹ đi làm việc, bước vào vùng dịch để lại con nhỏ ở nhà mà Thương. Thương con nhỏ khóc nức nở đòi mẹ, nựng con mà đau trong lòng.
“Lặng nghe câu chuyện tái tê
Tthương con thương cả bốn bề nước non”
(Thương)
Đó cũng là câu chuyện cách ly khi mẹ phải xa con cách ly khi con vừa chào đời; câu chuyện Đám cưới online – cũng chuẩn bị hoa, rượu, bánh, khách,… nhưng chú rể và cô dâu lại ở hai đầu đất nước: “Cô dâu Sài Gòn, chú rể thủ đô”, trao nhẫn cưới online. Những điều này xảy ra bởi cô dâu là điều dưỡng viên. Cô phải xa Hà Nội vào Sài Gòn chống dịch “vì miền Nam” không về được; câu chuyện em bé ba tuổi phải đi cách ly, không ai chăm sóc; câu chuyện những người dân mất việc, về quê tránh dịch, có thêm những đứa trẻ mồ côi, những người vô gia cư, những người chết vì covid,… Đó là những ngày đại dịch, những ngày không bình yên.
Đêm Trắng hay đêm mà những “chiến binh áo trắng” làm việc xuyên đêm mệt lả:
“Trắng áo blu nằm vật dưới sàn
Những bác sỹ, điều dưỡng viên mệt lả”
(Đêm trắng)
Đêm trắng hay trắng đầy những túi nilon lạnh băng những người mất vì covid đang chờ tới đài hóa thân. Đêm trắng hay những
“Con đường vắng không bóng người”
“Sài Gòn thức trắng
Bao người thức đêm nay
Cho ngày mai
Bình yên
Nắng lên
(Đêm trắng)
Dù trong trận chiến không nhìn thấy kẻ thù, nhưng tác giả Vũ Trọng Thái vẫn hy vọng một tương lai tốt đẹp, vẫn chờ đợi sau những mất mát, đau thương, sau những Đêm trắng là một ngày mai tươi sáng, “Bình yên – Nắng vàng”.
Đọc Đêm Trắng của tác giả Vũ Trọng Thái, độc giả không khỏi xúc động. Xúc động vì những câu chuyện rất đời thường nhưng lại đáng trân trọng. Xúc động vì những tác động mà dịch bệnh đã để lại những di chứng, tang thương, mất mát. Đặc biệt, trong mỗi vần thơ mỗi câu chữ, độc giả đều có thể cảm nhận và cùng đồng cảm tấm lòng thổn thức của một trái tim da diết yêu thương trước đại dịch hoang tàn.