ĐÊM TRĂNG
Truyện ngắn của Dương Hướng
Những cánh hoa bông bụt đỏ thắm dưới nắng. “Con bồ câu nhỏ” của ông đại uý giờ này vẫn chưa về, bà Cầm đứng bên giậu bông bụt ngong ngóng từ lâu mà vẫn chưa nghe tiếng cô gái hát. Con bé đến là xinh, hát hay lại hiền dịu như con bồ câu non. Bà Cầm ngấp nghến nhìn quanh giậu bông bụt tìm bóng dáng cô gái.
Hú o… a… oà… “con bồ câu” láu lỉnh nhón chân nhảy qua giậu len lén đến đứng bên bà Cầm.
Cô gái dang tay ôm ngang lưng bà cười rinh rích.
– Cháu biết thế nào bà cũng mong cháu về.
– Cha đẻ mày, làm bà giật cả mình
Nắng rực lên in bóng hai bà cháu lấp loá bên giậu bông bụt. Và tiếng “con bồ câu” lại ngâm nga: “Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi”…
– Chi! – Bà Cầm giật tay cô gái. Tiếng hát bỗng im bặt – Sáng mai mấy giờ thằng Bính lên đường… Mấy giờ hả?
– Hí hí – Cô gái lại cười rinh rích -cháu biết ngay là bà…
– Cha đẻ mày, bà hỏi nghiêm chỉnh.
– Cháu cũng nói nghiêm chỉnh. Tối nay bà cũng đến đằng anh Bính chứ?
– Còn mày – Bà Cầm lại kéo tay cô gái giọng xúc động – Mày…mày cũng yêu nó thật chứ?
– Cháu… cháu gét…
– Tao biết mà, ghét của nào trời trao của ấy. Mày đến đằng ấy có thấy mẹ nó nói chuyện liên hoan không?
– Có chứ, thế nào tối nay bà cũng phải đến đằng ấy nhé!
Bà Cầm lặng im đưa mắt nhìn sang nhà ông chủ tịch. Những tay dao thớt đi lại hối hả. Tiếng chặt thịt chan chát, tiếng soong chảo lanh canh; Ông chủ tịch mổ lợn từ gà gáy làm cỗ liên hoan cho thằng Hoàng, con út nhà ông ấy đi bộ đội. Vậy là ông chủ tịch cũng đã biết điều – Bà Cầm nghĩ. Hai thằng con lớn của ông đã đi Tây về, còn thằng Hoàng là út không đi lính thì ông chủ tịch còn dám nhìn mặt dân làng Quỳnh. Từ nửa năm nay, bà Cầm cứ phải e nể gia đình ông chủ tịch. Ông là ân nhân của bà. “Phải làm cho bà Cầm ngôi nhà nghĩa tình ngay trên đất vườn nhà tôi đây này. Chính sách hậu phương quân đội phải ưu tiên mẹ liệt sĩ sống độc thân. Ngân sách xã có bao nhiêu, thiếu gia đình tôi góp thêm”. Ông chủ tịch bảo thế. Vậy là từ đầu năm bà Cầm đã được về ở cái cơ ngơi quá sang trọng đối với bà ngay trong vườn nhà ông chủ tịch. Ba gian nhà lợp ngói đỏ chót, tường quét vôi trắng loá cả mắt. Tới bữa, bà chỉ nấu niêu cơm bằng nắm tay trong hai gian bếp rộng thênh thang. Mỗi lần cúi xuống múc nước trong cái bể ba khối xây nửa chìm nửa nổi bà thấy chóng cả mặt, vô phúc lộn cổ xuống đấy thì chỉ có chết đuối. Bên kia giậu bông bụt là gia đình ông đại uý. Từ ngày sang ở ngôi nhà nghĩa tình này; nếu không có con gái ông đại uý thường nhảy tót qua giậu sang ríu rít bên bà thì thật buồn tẻ. Đang ở ngôi nhà chật hẹp quen, giờ ở đây bà thấy nó mệnh mông chống chếnh thế nào. Lúc vắng “Con bồ câu” bà lại ngồi lặng trên giường nhìn qua ô cửa sổ chứng kiến cảnh gia đình ông chủ tịch khách ra vào nườm nượp. Khách của ông từ trên huyện, trên xã, khách đi đền chùa của bà. Khách của hai cậu con trai đi Tây về lao xe máy rầm rầm vào tận sân như người tập trận. “Phú quý sinh lễ nghĩa” các cụ nói cấm có sai. Dịp tết vừa rồi bà cứ giật mình thon thót. Mỗi lần khách đến nhà ông chủ tịch, y rằng pháo nổ vang từ ngoài ngõ vào. Khói pháo mù mịt xộc qua ô cửa sổ vào nhà bà cay xè. Từ đầu năm ông chủ tịch đã mở tiệc sinh nhật cậu con cả, tiệc chúc thọ cụ ông, cụ bà, tiệc mừng đứa cháu trai đầy tháng tuổi. Hồi này thằng Hoàng con út ông chủ tịch còn nghĩ ra sáng kiến kinh doanh bán vé chương trình phim truyện trên tivi. Cả làng Quỳnh mỗi gia đình ông chủ tịch có ti vi nên thanh niên háo hức đến xem như trong rạp. Năm trăm có ghế ngồi, ba trăm thì đứng. Đợt phim “Nô tỳ Isaura” vừa qua thằng Hoàng thu khối tiền. Bà rất muốn sang xem nhưng lại ngại. Bà bảo “con bồ câu” khiêng cho bà cái giường kê sát bên cửa sổ nằm nghe đến đoạn cô nô tỳ gặp bố…
– Mày đã nói gì với thằng Bính tối nay bà đến chưa?
– Cháu chưa nói – “Con bồ câu” tủm tỉm cười kéo tay tay bà Cầm vào nhà. Vừa đến cửa bà đã ngước nhìn lên tấm ảnh người con trai trên bàn thờ. Từ sáng, mỗi lần vào nhà, bà lại nhìn lên tấm ảnh. Nó vẫn cười tươi như ngày nào. Tiếng cười của nó cứ âm vang mãi trong lòng bà. Từ bữa nghe tin thằng Bính sắp nhập ngũ, tinh thần bà suy sụp. Bà nhận ra mình đã phạm một tội lớn không tài nào sám hối được với chính người con trai bà đã hy sinh – Liệt sĩ Trần Văn Tâm. Tâm ơi hay tha tội cho mẹ…Cũng chỉ tại mẹ dốt nát…
– Bà ơi, tối nay thế nào bà cũng phải đến đằng anh Bính nhé. “Con bồ câu” kéo bà ngồi xuống giường – Sáng mai anh ấy đi rồi.
Đã không biết bao nhiêu lần cô gái con ông đại uý năn nỉ bà đến với thằng Bính. Nó là cháu bà – cháu đích tôn của bà – Con trai liệt sĩ Trần Văn Tâm.
Cũng chỉ tại bà nên mười chín năm nay thằng Bính vẫn là đứa con không bố. Thấm thoắt đã mười chín năm, ngày mai nó đã là anh bộ đội như bố nó ngày nào.
– Chi ơi, tối nay bà sẽ đến – Bà xúc động nói.
– Có thế chứ. Hoan hô bà – “Con bồ câu” sung sướng reo lên rồi chạy vụt ra cửa.
Bà cầm nhìn hút theo bóng nó chảy tót qua giậu bông bụt.
Đã xấp xỉ tuổi bảy mươi, bà Cầm tưởng sẽ một mình sống yên phận cho đến lúc chết. Bà goá bụa ngay từ ngày thằng Tâm mới sáu tuổi. Ông Liêm chồng bà chết vì chẳng may bị hóc xương gà. Cái chết oái oăm của chồng cứ ám ảnh bà mãi. Bà chỉ sợ thằng Tâm lại hóc như bố nó thì thật là khủng khiếp. Bà lặng lẽ nuôi dạy thằng Tâm đến năm nó đi bộ dội bà mới thấy yên lòng. Một đêm giữa lúc bà đang nằm nhẩm tính thằng Tâm đã đi được một tháng mười ngày thì cái Luyến nhà ông Thịnh chợt đến quỳ suỵ xuống chân bà khóc lóc van xin: “Cháu đã trót lỡ với anh Tâm…chúng cháu yêu nhau…Bác ơi, bác thương cháu, bác cứu cháu…” . Bà Cầm từ ngỡ ngàng đến lo sợ rồi chuyển sang uất giận. “Cút! Cút ngay! Mày định vác bụng đến ăn vạ tao, bôi gio trát trấu vào danh dự nhà tao ấy à. Mày đi ngủ lang với thằng nào rồi lợi dụng con tao đi xa để đến đổ oan cho nó hả. Mày xúc phạm tới danh dự của nó…”. Bà Cầm đùng đùng nổi giận mắng xơi xơi vào mặt cô gái. Cô ta dạo ấy cũng bằng tuổi “Con bồ câu” nhà ông đại uý bây giờ. Lúc này nghĩ đến ánh mắt cô gái bà lại khiếp sợ. Cũng chỉ tại bà, con Luyên phải bỏ làng đi biệt tăm. Thằng Tâm con trai bà hy sinh trong chiến trường B chẳng bao giờ về nữa. Bà đã tưởng câu chuyện bí mật giữa cô gái với bà đã chôn sâu vào dĩ vãng. Ai ngờ chục năm sau, chị Luyến dẫn đứa con trai cũng chừng ấy tuổi về làng xin đất hợp tác dựng nhà riêng. Bà Cầm cứ len lén nhìn trộmg cậu con trai nhà chị Luyên. Bà giật mình thấy nó giống thằng Tâm nhà bà. Đúng là con thằng Tâm thật rồi. Tên nó là thằng Bình. Bà đau khổ nơm nớp nhìn thằng Bình lớn lên dưới sự chăm lo của mẹ nó. Bà thấy cô quạnh đau đớn mà không dám hé răng nói với ai nửa lời về cái bí mật mà chỉ có bà và mẹ thằng Bình biết. Sự thật này hàng xóm mà biết thì bà ra mặt mo. Mọi người sẽ nguyền rủa bà. Với lại bà cũng hoang mang không biết nhà chị Luyến kia có tha thứ cho bà hay không? Lâu nay không biết bao lần bà tìm mọi lý do lượn qua nhà chị Luyến, hễ thấy có mình thằng Bình ở nhà là bà lập cập bước vào để tận mắt nhìn kỹ thằng bé.
Trong đầu bà đã sắp sẵn những câu đại loại như: “Mày có khế chua cho bà vài quả” hay “Mẹ mày có bồ kết cho bà xin. Đầu bà mấy ngày nay lắm gầu quá”. Miệng bà nói vậy mà mắt và tâm trí bà chỉ để ý so sánh gương mặt thằng Bình với người con trai đã hy sinh của bà. Đến bữa nay thì bà không thể chần chừ được nữa. Thằng Bình ngày mai đã là anh bộ đội. Vừa lúc “Con bồ câu” đi khỏi, bà loạng choạng đứng dậy đến đứng trước tấm ảnh người con trai. Tay bà run run thắp ba nén hương miệng lầm nhẩm:
– Mẹ có tội với con, với nhà chị Luyến, với thằng Bính. Con có khôn thiêng hãy giúp mẹ tối nay có đủ sức để đến thú tội trước mẹ nó.
– Bà Cầm ơi, bố mẹ cháu mời bà sang uống rượu- Thằng Hoàng con út ông chủ tịch vừa nói vừa bước vào cửa. Nó ngỡ ngàng nhìn bà Cầm khấn vái. Bất chợt thằng Hoàng cười phá lên – Bà thắp hương khấn thánh thần phù hộ cho cháu ra đi khỏi ngoẻo đấy hả? Bà ơi, số của cháu là sống dai, không dễ mà chết ngay được đâu.
Thằng Hoàng nói tưng tửng làm bà Cầm rợm cả người.
– Ôi lạy thánh mớ bái, các ngài đừng chấp kẻ khờ dại -Bà Cầm chắp tay lạy ba vái rồi quay ra nói với thằng Hoàng – Cháu đừng nói dại miệng mà phải tội. Bà cầu Trời khấn Phật phù hộ cho cháu ngày mai lên đường mạnh khoẻ. Thôi cháu về đi kẻo bạn bè họ hàng đợi. Thông cảm cho bà nay có chút việc quan trọng nên bà không sang cháu được. Mong cháu đi mạnh khoẻ, bà..bà chả có gì cho cháu, chỉ có ít tiền…
Bà Cầm lóng ngóng móc túi lấy ra tờ giấy hai mươi ngàn đồng dúi vào tay thằng Hoàng.
Thằng Hoàng không ngờ bà Cầm lại thương yêu nó đến vậy. Nó thoáng bối rối ngần ngại không dám nhận tiền của bà.
– Đây là tiền của bà cho cháu – Bà Cầm nói – Bà biết cháu không thiếu thứ gì – Hoàng xúc động vì lời chân tình của bà Cầm. Nó kéo tay bà khẽ thì thầm – Bà thương cháu thì cháu cũng chẳng giấu bà. Cháu không phải đi bộ đội đâu.
Bà Cầm ngỡ ngàng nhìn thằng Hoàng. Nó vừa mới mời bà sang ăn liên hoan để mai nó lên đường đấy thôi.
– Ôi! Bà đáng thương của cháu ơi! – Thằng Hoàng cười nhìn bà bằng hai khoé mắt sáng lên – Thời buổi này mà bà vẫn thật thà như đếm. Bố cháu cũng phải bày ra thế để mọi người khỏi thắc mắc. Nghĩa là cháu cũng phải ra vẻ hăng hái tình nguyện nhập ngũ đợt này. Để mọi người tin, bố cháu phải làm liên hoan cho ra trò. Cháu cũng phải nhận cả quà chi đoàn tăng, nhận tặng phẩm của bạn bè, sáng mai ung dung khăn gói lên huyện tập trung. Và cuối cùng cháu sẽ lại “phải” quay về với bà thôi. Bà biết tại sao không? Tại vì cháu sẽ “thuộc diện con số thừa” đợt này. Bà khỏi phải lo cho cháu. Thôi cháu về đây. Bà không sang cháu sẽ phần cho bà…
***
Bà Cầm phấp phỏng bước theo “Con bồ câu”. Ánh trăng vàng loang trên lối ngõ nhà thằng Bính .
– Có thật là mày yêu thằng Bính chứ? – Bà Cầm hỏi “Con bồ câu” để biết tâm trạng nó lúc này.
– Bà hứa không được nói với bố cháu và mẹ anh ấy nhé!
– Bà hứa!
– Cháu thương anh ấy, Nhưng cứ nghĩ đến chuyện lấy chồng cháu tháy nó buồn cười bà nhỉ?
– Cha đẻ nhà chị, mười tám rồi mà như con nít.
– Cháu ngại hoàn cảnh nhà cháu. Từ ngày mẹ cháu mất, bốcháu phải nghỉ hưu, cháu thấy bố cháu lẩn thẩn thế nào ấy. Tối đến bố cháu cứ ngồi lặng hàng giờ liền nhìn khách nhà ông chủ tịch ra vào nườm nượp. Bố cháu chỉ giỏi đi đánh trận, giờ về làm ruộng ngú ngớ lắm.
Hai bà cháu tới cổng nhà thằng Bính, bà Cầm đã nhận ra cây đèn đất mọi tối thằng Bính thường di soi cá, lúc này được đặt giữa cửa toả sáng xanh ngắt cả trong nhà ngoài sân. Bóng thằng Bính lướt qua những gương mặt tươi rói của bạn trai, bạn gái làng Quỳnh. Cánh con Loan, con Thuỷ, con Hằng tý tách cắn hạt bí cười rích rích, mắt liếc ngang liếc dọc. Tụi con trai phì phèo thuốc lá, uông chè. “Con bồ câu” buông tay bà Cầm nhào vào đám con gái. Bà Cầm ngập ngừng bước vào trong nhà.
– Ôi! Bà Cầm! Mời bà xơi trầu uống nước – Bà Mây, bà Thảo đang ngồi trên giường với mẹ thằng Bính, đon đả kéo bà Cầm ngồi xuống chiếu. Cổ bà khô cháy, không dám nhìn thẳng vào mặt mẹ thằng Bính. Cô gái hai mươi năm trước đến van xin bà cứu giúp lại là chị Luyến lúc này ngồi trước mặt bà đây. Ánh mắt chị Luyến vằn đỏ lên, bà không hiểu chị đang căm giận hay thương hại bà. “Cháu thương anh ấy. Hãy tha thứ cho cháu…”. Lời kêu cứu của cô gái ngày nào cứ vẳng bên tai bà. Ngọn đèn đất chấp chới. Ngoài sân bóng thằng Bính thấp thoáng đi lại mời nước bạn bè. “Con bồ câu” luôn miệng cười, thỉnh thoảng lại nheo mắt liếc nhìn bà. Cảnh tối nay giống hệt buổi tối năm nào bà cũng liên hoan tiẽn thằng Tâm đi bộ đội, Anh Tâm nhà bà ngày ấy cũng y như thằng Bính, chị Luyến cũng y như con bồ câu kia. Chỉ có điều ngày xưa bà đâu biết hai đứa nó yêu nhau. Hai thế hệ cách nhau gần hai chục năm mà cảnh tình lại lặp lại giống nhau đến vậy?
– Bà đã sang ông chủ tịch chưa? – Bà Mấy hỏi bà Thảo – Eo ơi, tiệc nhà ông chủ tịch những mười tám mâm. Toàn những giò, chả.
Bà Cầm lại thấy nghẹn trong cổ. Bà ngước nhìn trộm mẹ thằng Bính. Cái hố lỗi lầm của bà nó sâu thăm thẳm không tài nào san lấp được. Con dao con săc lẹm trên tay chị Luyến thoăn thoắt lột vỏ cau bổ ra từng miếng đều tăm tắp đặt lên đĩa. Đêm trăng làng Quỳnh dậy lên tiếng cười của bọn trẻ mà lòng bà cứ lặng đi. Giây phút đó cả hai người đều nôn nao đợi chờ nhau trong im lặng. Bà Cầm mạnh dạn nhìn thẳng vào chị Luyến. Hình ảnh người con gái tội nghiệp xửa bỗng sống động trước mắt bà. Gương mặt điềm đạm của chị Luyến vẫn giấu kín nỗi khắc khoải.
– Cháu Bính đi rồi, năm nay chị phải đi hội chùa Hương với cánh già này – Bà Mây vừa nói vừa đưa tay quệt nước trầu đỏ thắm trên miệng – Đời người, có đến chốn thanh cao mới biết con người ta sống cần giữ lấy đức tin và lòng từ thiện các bà ạ -Bà Mây mỉm cười nhìn bà Thảo – Tôi hiểu theo ý nghĩa nông cạn của đàn bà thì cái thiện trước tiên phải có ở người đàn bà….
Bà Cầm ngỡ ngàng nghe bà Mây nói. Bà không hiểu cái triết lý kỳ lạ bà Mây học được ở chốn chùa chiền hay bà ta tự rút ra từ chính cuộc đời từng trải của mình.
Làng Quỳnh chợt lặng đi. Bà Mây, bà Thảo ra về, tụi trẻ kéo nhau sang nhà ông chủ tịch hết.
– Con cám ơn bà đã đến chơi với cháu – Chị Luyến phá tan sự im lặng.
– Luyến ơi! Con đừng lạnh lùng khách khí với bà thế. Bà đã có tội với con, với thằng Tâm và nhất là với cháu Bính. Cũng chỉ tại bà dốt nát. Bây giờ bà chẳng dám đòi hỏi con điều gì đâu, chỉ mong con cho phép bà nhận cháu. Ôi thằng Bính rõ ràng là nó giống bố Tâm nó.
Bà Cầm nói loanh quanh luẩn quẩn mãi như người trong mơ. Bà chỉ sợ chị Luyến không hiểu rõ lòng bà. Khi sực tỉnh, bà thấy nước mắt bà trào ra từ bao giờ. Bà ngẩng đầu lên nhìn chị Luyến. Hai khoé mắt chị Luyến vằn đỏ lên rỉ ra những giọt nước bà cứ ngỡ là máu.
– Mẹ! – Chị Luyến khẽ thốt lên, nắm chặt lấy hai bàn tay run rẩy của bà. Bà bỗng bàng hoàng. Đã lâu lắm bà không nghe thấy ai gọi bà là mẹ. Bà nghe tiếng chị Luyến lạc đi – Mẹ chẳng hiểu gì con cả. Nhiều lúc con muốn đến chỗ mẹ nhưng lại sợi mẹ không hiểu con. Chính con đã nhờ cậy cái Chi, con gái ông đại uý Hưng bên cạnh sang chăm sóc bà đấy…
Bà Cầm bàng hoàng. “Ôi, con Chi, cái “Con bồ câu” nhỏ của bà.
***
Bà cầm ra về dưới trăng, lòng rộn lên bao dự định lớn lao về thằng Bính. Bây giờ bà đã nhận thằng Bính là cháu đích tôn của bà rồi. Cầu Trời khấn Phật cho thằng Bính ra đi được bình an, hết nghĩa vụ sẽ về cưới “con bồ câu” nhà ông đại uý Hưng. Bản lý lí lịch thằng Bính sẽ được khi tên bố nó là liệt sỹ Trần Văn Tâm. Nó sẽ được sống hạnh phúc trong “ngôi nhà tình nghĩa” bà đang sống. Lòng bà xốn xang bước vào ngõ nhà ông chủ tịch đã vãn khách.
Ngọn đèn điện ắc quy vẫn hắt ánh sáng xanh cả mảnh vườn trước cửa. Bất chợt bà nhìn thấy bên giậu bông bụt nhà bà có đôi trai gái đang quấn lấy nhau. Màu áo trắng lấp loá dưới trăng. Bà nghĩ ngay đó là thằng Bính với “Con bồ câu”. Bà mừng thầm thấy hai đứa đã gắn kết với nhau. Bà rón rén vòng về phía hồi nhà khẽ đẩy nhẹ cánh cửa. Bà hiểu thời gian đối với chúng nó bây giờ là vàng ngọc. Bà ngả lưng xuống giường, mắt vẫn nhìn qua ô cửa sổ. Ánh trăng lóng lánh như giát bạc trên dậu bông bụt đẫm sương. Bậy thật, hai đứa lại còn dẫn nhau vào ngồi ngay hàng hiên nhà bà. Có lẽ chúng sợ ánh trăng sáng quá đấy mà. Chúng vẫn chưa biết bà dã về. Bà chợt bàng hoàng nhận ra tiếng thằng con trai thì thầm ngoài hiên không phải tiếng thằng Bính và “Con bồ câu”. Lại một cô gái dại dột nào đó đang nghe thằng Hoàng con ông chủ tịch tỏ tình. Thằng Hoàng đang rót mật vào tai cô gái:
– Tặng anh cái hôn đi nào – Thằng Hoàng gạ gẫm – Từ giờ này anh đã là lính rồi nhé. Chẳng ai nỡ từ chối tình yêu của người lính trong giờ phút sắp chia tay – Lời thằng Hoàng khiến bà Cầm nóng ran cả mặt. Cái thằng xạo đến thế là cùng. Tiếng cô gái cười rinh rích và tiếp sau đó lại là lời tán tỉnh của thằng Hoàng:
– Bây giờ anh không giấu em điều gì. Nếu chúng ta thành vợ chồng, em sẽ là bà chủ trong ngôi nhà này – Tiếng thằng Hoàng bỗng như vang lên bên tai bà Cầm – Trước khi xây dựng ngôi nhà này, bố anh đã tính đâu vào đấy. Đất này là đất vườn nhà anh, bố anh đã phải đứng ra lo mua sắm vật liệu, lo thiết kế lấy. Vậy thì sau này ngôi nhà tình nghĩa này không phần anh thì ai còn nhảy vào đây được. Bà Cầm gần bảy sọi rồi chẳng sống được bao lâu nữa là “ngoẻo”.
Bà Cầm nín thở nghe lời bộc bạch của thằng Hoàng với người yêu. Thì ra nửa năm nay bà chỉ là người ở trông nhà cho ông chủ tịch chờ ngày con ông ta cưới vợ. Giữa thời buổi đất cát khó khăn, ông ta đã nhận phần đất cho thằng Hoàng rõ khéo. Bà sợ hãi nghĩ người ta chỉ chờ ngày bà chết để hưởng trọn vẹn ngôi nhà này. Hình ảnh người con trai đã hy sinh vụt hiện lên trong tâm tưởng bà. Bà bật dậy tìm diêm thắp đèn. Đôi trai gái ngoài hiên đã biến từ khi nào. Bà Cầm lập cập mở tung hai cánh cửa. Bóng trăng theo gió ùa vào. Bà bừng tỉnh nhận ra căn nhà này không phải chỗ để bà sống yên ổn cho tuổi già. Bà run run hạ tấm ảnh con trai trên bàn thờ cuộn lại thận trọng cho vào túi quần áo rồi lén bước ra khỏi nhà. Chỉ có mỗi ông trăng trên trời cao kia là hiểu rõ lòng bà lúc này. Ánh trăng như rực lên soi đường cho bà đi.
***
Lần đầu tiên trong đời hai người đàn bà cô đơn nằm chung một giường. Giây phút này có lẽ cả hai người đều hiểu rằng họ đến với nhau quá muộn. Tất cả vì tương lai của thằng Bính. Thằng Bính lúc này là chỗ dựa và là niềm tin duy nhất của hai người đàn bà. Bà Cầm thấy hình như cả làng Quỳnh đêm nay cũng thức với nỗi niềm riêng của bà. Bà đợi thằng Bính về.
– Bà ngủ đi, khi nào cháu về con gọi.
Mẹ thằng Bính cũng không ngủ được, chị trằn trọc mãi rồi lại dậy ra cửa ngóng thằng Bính. Bà Cầm không ngờ đầu óc bà hôm nay lại tỉnh táo đến vậy. Bà có thể thức đến sáng.
– Hình như nó đang ngồi với đứa nào ngoài gốc bưởi – Chị Luyến quay vào thì thầm bên tai bà – Con không ngờ nó đã biết yêu.
Nó cũng giống như bố nó ngày xưa. Bà Cầm nghĩ vậy mà không dám nói ra với mẹ nó. Bà nghe rõ hơi thở không đều của mẹ thằng Bính. Bà thấy chị Luyến nằm xuống cạnh bà nhưng thỉnh thoảng lại nhỏm dậy ngó ra cửa. Thằng Bính vẫn chưa về. Bà nghe tiếng bước chân chị Luyến nhón nhẹ trên nền nhà. Bóng chị cứ chập chờn trước cửa. Bà Cầm nằm yên và hiểu rằng chị không dám gọi thằng Bính về. Đêm như ngưng đọng trong gian nhà nhỏ. Chiếc đồng hồ trên bàn chia thời gian ra từng giây tích…tắc…tích…tắc. Không biết bà tưởng tượng ra hay chính bà nghe mang máng tiếng “Con bồ câu”: và tiếng thằng Bính cười rúc rích lẫn tiếng lá lao xao ngoài vườn.
Mẹ thằng Bính vẫn lặng lẽ như chiếc bóng di động từ sân vào cửa, rồi từ từ cửa ra sân. Bóng trăng đang liếm dần vào hàng hiên. Bỗng bà nghe rõ tiếng bước chân từ ngõ. Thằng Bính đã về. Không, không phải thằng Bính. Dưới ánh trăng, bà nhận ngay ra ông đại uý Hưng. Bà nghĩ ngay là ông đi tìm “Con bồ câu”.
– Em vẫn chưa đi ngủ sao? – Tiếng ông đại uý khẽ thốt lên. Ông ta lao nhanh về phía cửa dang tay định ôm chầm lấy mẹ thằng Bính.
– Xuỵt – Chị Luyến sững lại giơ tay ra hiệu cho ông đại uý.
– Chuyện gì vậy? – Ông đại uý hỏi khẽ.
– Anh chẳng hiểu gì cả. Cả em nữa, chúng ta chẳng hiểu gì cả – Mẹ thằng Bính chợt hạ giọng ghé sát vào tai ông đại uý – Thằng Bính nhà em nó yêu con gái anh. Chúng mình hãy vì tương lai của các con, anh ạ. Và còn một chuyện nữa em muốn nói với anh, chuyện hệ trọng là bây giờ em đã có mẹ Cầm- mẹ chồng em. Thằng Bính đi rồi. Mẹ em sẽ về ở hẳn đây.
Bà Cầm sửng sốt nghe rõ tiếng mẹ thằng Bính vang lên, trong đêm. Ông đại uý tần ngần ra về. Bóng ông như lớn dần lên dưới trăng. Mẹ thằng Bính chạy vào nằm sát bên bà Cầm úp mặt xuống gối. Chiêc giường đôi như khẽ rung lên, bà nghe rõ tiếng nấc của chị Luyến.
NVTPHCM