Nhà văn Sương Nguyệt Minh tên thật là Nguyễn Ngọc Sơn, quê ở Yên Mỹ, Yên Mô, Ninh Bình.
Ông làm việc tại Ban Sáng tác – Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Hội viên Hội Nhà văn VN
Đã xuất bản gần 20 tập truyện ngắn, tiểu thuyết và bút kí.
Đã nhận các giải thưởng truyện ngắn của Báo Văn Nghệ, Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Cây Bút Vàng của Tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Công an, NXB Giáo Dục, NXB Thanh Niên, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 cho tập truyện ngắn Dị hương… cùng nhiều giải thương văn chương và báo chí khác.
ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG
Chuyến bay Sài Gòn – Hà Nội chậm gần năm tiếng đồng hồ.
Ba thằng mệt mỏi, ủ ê ở nhà ga. Cái nhà ga là nơi đưa đón những số phận. Hẹn hò ngày gặp lại? Chia tay rồi mãi mãi xa nhau? Tôi đã đi qua những nhà ga thế này, có những lần hớn hở vui, có những khi u uất buồn, lòng trĩu nặng.
Cả ba thằng chúng tôi đều rỗng túi sau chuyến đi dài lăn lóc qua Cần Thơ, Đất Mũi, Rạch Giá, Phú Quốc,… Chặng đường phía trước thăm thẳm. Ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra khi con chim sắt chứa trong bụng nó mấy trăm người bỗng dưng trở chứng.
Máy bay đến khoảng Tây Nguyên thì mưa to và gió lớn. Lắc kinh khủng. Tròng trành. Hành khách náo loạn, hoảng sợ. Một bà già lẩm nhẩm, cầu trời khấn phật. Một anh chồng điện thoại cho vợ, sám hối, nhận lỗi về mối tình vụng trộm và xin nàng tha thứ. Một cô gái trẻ sợ quá ngất đi. Một cô vợ điện thoại cho chồng biết khoản vốn riêng phòng thân mấy cây vàng chôn giấu ở chân giường và khóc lóc xin chồng ở vậy nuôi con, đừng lấy vợ,… Hoang mang, hoảng sợ, không ai kiểm soát được ai. Tôi hoàn toàn không tự kỷ ám thị về sự nguy hiểm, mà thực sự trứng đang treo đầu đẳng. Thôi đành phó thác cho số phận.
Vậy mà, tai qua nạn khỏi. Cứ y như là giấc mơ khủng khiếp vừa trôi qua. Nhưng, cái chết vẫn theo đuổi ám ảnh tôi. Xuống sân bay, tôi mới biết mình còn sống.
Hà Nội không hề có mưa. Đúng tối Noel, trời rét, nhưng khô ráo. Ở nhà chờ, người ta dựng cây thông Noel có dễ cao đến bốn mét, điện màu nhấp nháy, lấp lánh giấy tráng kim. Đêm Giáng sinh đã thực sự đến với mọi người. Nhà ga, vẫn những cuộc đón đưa. Ai sẽ cười? Ai đang khóc? Cái dòng đời vô tận này ai sẽ hạnh phúc hơn ai?
Cuối cùng, tôi cũng về đến nhà sau chuyến đi nhọc nhằn, và một chuyến bay trục trặc, đầy hiểm nguy.
Vợ tôi mở cửa. Con bé giúp việc đang xới cơm. Con gái đang so đũa. Con trai bé ngồi vào mâm, vẫn dán mắt vào truyện tranh. Vợ tôi bảo:
“Anh vào ăn cơm. Các con đang đợi”.
Con gái bảo:
“Bố vào ăn cơm, con còn đi chơi Giáng sinh”.
Con trai bảo:
“Bố vào ăn cơm để con còn chơi game”.
Sao vợ tôi không hỏi: “Anh đi đường có mệt không?”. Sao con gái không bảo: “Con thấy bố bơ phờ, mất hồn, người gầy đi đến mấy cân”. Sao con trai tôi không hỏi: “Bố có mua gì cho con không?”. Hoặc ít ra, chúng nó giận dỗi, trách cứ bố điều gì đó, để tôi có cớ thanh minh, xin lỗi. Hoặc ít ra, vợ tôi cũng tỏ ra coi thường cái thằng chồng vô tích sự, hay kém hấp dẫn, để tôi phải cun cún khép nép trong nỗi mặc cảm, sợ hãi.
Tôi thả cái samsonai bên chân cầu thang. Tôi bước vào phòng vệ sinh. Tôi muốn khóc quá mà không khóc được. Cái mặt méo xệch trong gương.
Bữa cơm nhiều món ăn. Nhà tôi, ăn theo khẩu vị, không bắt buộc ai ăn giống ai để chiều lòng nhau. Vợ tôi thích xúc xích Đức, nàng vẫn thường mua vài cân để trong tủ lạnh, ăn dần. Con gái lớn bốn mùa ăn thịt thăn quay. Con trai bé quanh năm ăn thịt gà luộc. Tôi toàn thích món ăn nhà quê. Tối nay, vợ tôi bày ra món thịt lợn ba chỉ chấm mắm tép và canh cua cà pháo. Tôi bảo:
“Ngon quá. Lúc nào bố chết, cúng 100 ngày, các con nhớ cúng món này nhé”.
Chẳng có ai trả lời. Mọi người lầm lũi ăn. Tôi hỏi vợ:
“Em ở nhà thế nào?”.
Nàng bảo:
“Bình thường, anh ạ”.
Tôi lại hỏi:
“Thi hết học kỳ một thế nào con gái?”.
“Bình thường, bố ạ”.
Tôi lại hỏi con trai:
“Còn con?”.
“Bình thường, bố ạ”.
Bình thường! Cuộc sống bây giờ “gạo châu củi quế”, bó rau muống mùa đông héo quắt: 6000 đồng, cân thịt bò: 100.000 đồng, lạng thịt lợn ba chỉ: 5.000 đồng,… vớ được hai chữ bình thường đã là hạnh phúc lắm.
Bình thường! Thời buổi này đầy bất trắc, bất ổn, ra đường sợ tầu xe đâm, đến cơ quan nhìn cái bản mặt nào cũng thấy tối tăm, đầy toan tính, về nhà thấy nước da con cái không bợt bạt, tóc tai không bù xù, mồm miệng không ngáp vặt, chảy nước dãi,… là mừng. Mong ước giản dị được hai chữ bình thường coi như cuộc sống hạnh phúc, yên ổn.
Nhưng, hai chữ bình thường từ miệng vợ con tôi có bình thường không? Hững hờ, vô tình hay vô cảm?
Tôi hỏi con bé giúp việc:
“Cháu thấy nhà chú thế nào?”
“Cháu chịu thôi. Nhà chú chẳng ai nói với ai. À quên, có nói có hỏi nhưng ít lắm; có ngày không quá ba câu”.
“Cháu có nói vống lên không?”.
“Thật đấy. Hôm nào mà nói đến câu thứ tư thì không chết người cũng cháy nhà hoặc động đất núi lửa. Chỉ có chú là hay chuyện thôi”.
Tôi buồn lặng. Con bé này nói đến thế, mà vợ con tôi cũng không phản ứng. Như nhà khác thì con ô sin này đã bị đuổi ra đường. Ba mẹ con vẫn lẳng lặng ăn. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ xa xôi ở chân trời góc bể nào đó.
Tôi gác đũa nhìn vợ. Xa lạ quá. Nàng như không còn là vợ tôi nữa. Ngày trước, Noel tôi đã từng đưa nàng lang thang trên những con phố đêm đến nhà thờ xứ đạo Hà Đông, nhà thờ Nam Đồng, nhà thờ Cửa Bắc, nhà thờ Lớn Hà Nội,… cũng vài lần về quê đi xuống tận nhà thờ đá Phát Diệm. Lãng mạn, chân thành và nỗi niềm tâm sự muộn phiền sâu lắng nhất là đêm Giáng sinh ở Sa Pa mù sương. Những ngọn đèn đường màu vàng ệch và nến thắp sáng lung linh trong nhà thờ đã giảm bớt cái lạnh lẽo của phố khuya. Những ngọn núi hình răng cưa và thửa ruộng bậc thang chìm vào đêm đông lạnh lẽo. Sương mù như tấm voan mỏng nhẹ trắng đục trùm lên nhà thờ đá cổ Sa Pa rêu phong, tôi vẫn nhận ra màu xám bạc và vẻ trầm tư đến cô độc. Nàng dịu dàng khoác tay tôi, khe khẽ hát Bài Thánh ca buồn:
…Rồi những đêm thánh đường đón Noel/ Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu/ Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối/ Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn…
Thảng thốt, tôi giật mình. Nàng đang hát cho nàng? Hay nàng hát cho tôi và Therese (The-re-sa) ngày xưa? Lòng chợt se lại. Bất chợt tôi bắt gặp những bước chân trần của người dân tộc Mông, Giáy,… ở các bản Tả Phìn, Lao Chải, Cát Cát, Mường Hoa cũng vừa từ nhà Chánh xứ bước ra, bắt đầu tản dần trên đường phố nhỏ ngoằn ngoèo heo hút. Tôi và nàng dùng bữa reveillon ngay trên con dốc phố núi có những bậc đá lát cũ màu xanh. Bếp than hồng ấm sực, rượu thóc San Lùng thơm lừng, thịt lợn cắp nách nướng và ngô bắp cũng nướng. Bỗng dưng, nhớ món bánh bột lọc và cá chép nấu cháo đêm Giáng sinh năm xưa, miệng tôi chợt đắng ngắt. “Em không ăn được nữa” – nàng bảo. “Sao vậy em?”. Tôi cảm thấy như mình có lỗi, ái ngại hỏi. Nàng ngần ngừ một lát rồi bảo: “Anh nhìn kìa. Những đứa bé người Mông mặc quần áo đen hơn màn đêm, bước chân trần trên đường nhựa buốt giá”. Tôi lặng im. Nàng thương bọn trẻ người Mông đến giờ này còn phải đi bán khăn thổ cẩm và sợi chỉ màu buộc tay kiếm từng đồng bạc lẻ? Hay nàng buồn vì đọc được nỗi lòng trĩu nặng của tôi đang trào dâng ký ức xưa cũ? Tôi nhận ra, nàng và tôi ấm áp, gần gũi, tin cậy biết bao nhiêu,…
Vậy mà, bây giờ, cái gì đã làm cho vợ tôi lột xác, đổi thay? Nàng không còn nhớ hay không muốn hát Bài Thánh ca buồn nữa. Đến nỗi buồn còn không có chỗ cư trú thì con người nàng đang rỗng ra rồi. Tôi hỏi:
“Em làm sao thế? Hay anh có lỗi gì à?”.
Nàng lắc đầu:
“Không. Em có phàn nàn gì đâu”.
Tôi lại hỏi:
“Các con này, hay bố có lỗi gì với các con?”.
Con gái bảo:
“Việc bố làm, con không quan tâm”.
Con trai bảo:
“Con chẳng để ý gì”.
Tôi lắc đầu ngao ngán.
Bữa ăn vẫn diễn ra đều đều, có phần tẻ nhạt. Không hào hứng. Không ồn ào. Không suýt xoa khen ngon. Không phàn nàn mặn nhạt. Không kêu ca cay đắng. Tôi kể:
“Máy bay bố đi đến vùng trời Tây Nguyên thì gặp thời tiết xấu. Giật. Lắc. Rung. Bố bị ù tai, hoa mắt, chóng mặt. Có lúc máy bay qua chỗ không khí loãng, rơi tụt xuống cả trăm mét…”.
Đứa con gái không nói gì. Thằng con trai im lặng. Vợ tôi bảo:
“Khiếp! Anh kể nghe rợn tóc gáy. Ghê chết đi được”.
“Ừ. Sợ lắm! Anh cứ tưởng không về được với mẹ con em”.
Con gái lên tiếng:
“Máy bay mình không hiện đại bằng máy bay Tây, bố ạ”.
Con trai vẫn vừa ăn vừa dán mắt vào truyện tranh Đôrêmon, thủng thẳng nói:
“Hôm nào, bố cho con đi để con thử cảm giác mạnh”.
Vợ tôi bảo:
“Em nghe nói. Máy bay rơi, mỗi người chết được đền bù 60.000 đô la. Nhà nào túng bấn cũng đỡ một phần, anh nhỉ?”
Họng tôi nghẹn cứng. Không nuốt được. Tôi bỏ đũa, đứng dậy. Con gái hỏi:
“Bố thôi ạ?”.
Vợ tôi bảo:
“Chắc đi đường mệt. Bố ăn ít”.
Tôi bước vào phòng ngủ. Đóng ập cửa lại. Tôi ngó quanh. Súng không có. Dao, kiếm cũng không. Tôi nằm vật xuống giường. Sao cái nhà này chẳng có ai hiểu tôi? Giá có khẩu súng, chưa biết số phận tôi đã ra sao.
Tôi biết mình khốn nạn trong nhà từ lâu, nhưng chưa bao giờ hình dung ra nông nỗi này. Lúc ngồi vạ vật ở sân bay, thằng A thằng Z, đứa nào cũng mong ngóng về nhà nhanh. Con người có cái nhà cũng như con chim có cái tổ trú ngụ lúc gió mưa, giá rét. Cái nhà y hệt cái hầm trú ẩn cuối cùng. Khi xênh xang mũ áo, lúc sa cơ lỡ bước, thất thế ngoài đời không còn đường thoát cũng phải quay về nhà tránh nạn.
Về nhà, lúc ấy mỗi thằng một tâm trạng…
Thằng A ngồi xao xuyến nhớ ba đứa con trai còn ở tít tận Tây Nguyên chưa tha ra Hà Nội được. Ôi trời! Một năm hai lần nhảy ô tô cỏ về đất đỏ bazan thăm nhà. Vợ chồng chưa kịp ôm hôn, quấn quýt đã giận nhau. Giận bóng. Giận gió. Giận hờn. Giận rỗi. Giận vì những chuyện chẳng đâu vào đâu. Để rồi xa nhau lại ò e í e điện thoại nước mắt ngắn nước mắt dài. Thương thương. Nhớ nhớ… Vợ nó sai thằng lớn điện thoại: “Bố ơi! Về nhà đi. Chúng con nhớ bố lắm”. Con nhớ bố hay vợ nhớ chồng? Hắn nghĩ: Giá mà bây giờ được về nhà ôm thằng cu bé nhất, vục mặt vào háng nó, ngậm miệng vào chim nó. Bốn bố con đùa nghịch cười như nắc nẻ thì sung sướng biết bao. Thằng này, bất giác bật lên một câu thơ: Vợ dại con thơ l… một cái/ Nhà tranh vách đất dái tám hòn. Rồi cười như… mếu.
Thằng Z lại nghĩ, về đến nhà có cách gì để làm đẹp lòng vợ. Cả tuần đi công tác, gã ăn uống kiêng khem, món ăn nào ảnh hưởng đến tình dục là chừa ra, chỉ sợ về nhà mất sức chiến đấu, vợ nó chì chiết cho thì khổ. Thằng này nghĩ: ào vào phòng khách thế nào cũng thấy chị giúp việc đang ẵm con bé. Thằng này chằm bặp ôm đứa con bé bỏng vào lòng. Cũng định vục mặt vào háng đứa bé hôn hít, nhưng chợt giật mình nhớ ra đứa con thân yêu của mình là… gái. Đã là bé gái thì không thể úp mặt vào háng hôn hít như thằng A ngậm chim con được. Thằng này hôn chùn chùn vào má con bé khiến nó sợ khóc thét lên. Cô vợ trẻ đưa mắt lườm chị giúp việc. Biết ý chủ nhà, chị vội vàng ẵm lấy đứa bé: “Thôi, thôi để chị bế sang “hàng xóm” chơi, chú đi đường bụi bặm, tắm táp, nghỉ ngơi đi”. Chị ô sin tay phải ẵm đứa bé, tay trái lôi xềnh xệch đứa lớn đang nhai kẹo dừa Bến Tre cùng đi, rồi khuất hẳn. Thằng này mừng rơn. Bất chợt, gã bắt gặp cái nhìn thèm khát của cô vợ trẻ lùn một mét bốn chín, to tròn ủng, béo trắng như lợn cạo đã tắm rửa sạch sẽ, sức nước hoa đang sốt ruột chờ. Má rừng rực đỏ, cháy bỏng, khát thèm, muốn. Không còn biết trời đâu đất đâu. Thằng này rúc vào nách vợ. Nắng lâu, dưa ngấu. Lần này, thì cô vợ mặt nở hoa, mãn nguyện. Hạnh phúc quá trời! Tối đêm, gã ghi vào sổ: Vợ đẹp con khôn l… ba cái/ Nhà cao cửa rộng dái hai hòn.
Thằng A, thằng Z, mỗi đứa một hoàn cảnh, nhưng đứa nào cũng ngời ngời hạnh phúc. Ấm áp. Da diết. Xao xuyến. Run rẩy. Cứ y như thời đang yêu đằm thắm say mê. Cứ y như tuần trăng mật. Cứ y như tháng trăng mật. Cứ y như trái đất này chỉ có hai ta và những đứa con bé bỏng.
Còn thằng tôi, tôi đã hình dung ra một cái ao tù đọng ngay trong nhà mình. Máy bay có chậm giờ đổi chuyến. Máy bay có dừng bay hôm nay, ngày mai, mãi mãi cũng chẳng làm tôi sốt ruột, mong ngóng. Nếu có chút lo lắng, chỉ là nỗi sợ mất việc làm. Ước mong một cái nhìn đằm thắm của vợ, một cử chỉ suồng sã hay quấn quýt đầm ấm của con vẫn xa vời. Có khi sợ về nhà. Lâu ngày, ngụp lặn trong lạnh lùng, vô cảm, sống cũng quen dần.
Một lúc sau.
Tôi ngóc đầu dậy. Con gái vừa đánh răng xong, đang mặc thêm áo ấm.
“Con đi ô tô hay mẹ?”.
“Mẹ đi”.
“Con không đi cùng mẹ?”.
“Không! Con muốn đi một mình”.
Một mình. Sao các người lúc nào cũng muốn một mình? Con gái tôi lặng lẽ ra khỏi cửa. Cái lưng nó như còng xuống. Sao già sớm thế hả con? Con gái đẩy chiếc xe Dylan mới mua hơn trăm triệu đồng ra sân. Khổ thân, nhà có túng thiếu gì đâu mà con bé gầy mảnh; cái xe thì to nặng.
Vợ tôi đang trang điểm. Nàng tô thêm son lên làn môi đỏ chót. Nàng thay cái nhẫn vàng mặt lá cỏ bằng cái nhẫn mặt đá hồng ngọc. Nàng khoác áo choàng lông thú màu đỏ cổ viền trắng. Nàng quay lưng lại mặt gương, hỏi:
“Anh có đi nhà thờ với em không?”.
Tôi lắc đầu, đột nhiên lỡ lời:
“Anh muốn ở nhà một mình”.
Nàng dường như chẳng nghe, hoặc nghe nhưng không phàn nàn trách móc, thản nhiên, bảo:
“À quên. Lúc tối, có anh bạn gì làm nghề đánh cá, cùng học phổ thông với anh, điện thoại ra bảo không liên lạc được với anh”.
“Chắc lúc đó anh đang trên máy bay. Tắt di động. Anh ấy bảo sao?”.
“Bảo anh về dự khánh thành nhà thờ đạo mới xây, tiện thể dự lễ Giáng sinh luôn. À, em bảo này: Nếu về quê, anh cứ khóa cửa ngoài, lúc nào về em tự mở”.
Nàng đi xuống cầu thang. Cái áo choàng lông thú màu đỏ mất hút vào đêm mùa đông. Tiếng xe ô tô Camry 3.5 rì rì nhỏ dần rồi im bặt. Nàng đi, khoảng trống sau lưng nàng và tôi cứ rộng hoác ra.
Đêm Giáng sinh. Tôi bơ vơ, cô độc như con sói lạc đàn. Thà rằng bị giận hờn, trách móc như thằng A! Thà rằng thấp thỏm âu lo “đóng thuế” cho vợ và tràn trề thỏa mãn như thằng Z! Chúng nó có khuyết thiếu chỗ này, có vênh váo cập kênh chỗ kia, nhưng vẫn sẵn nơi để nhớ để mong, vẫn sẵn người chờ đợi, vẫn sẵn kẻ khát thèm. Còn tôi, tôi không có chốn dung thân ngay trong nhà của mình.
Căn biệt thự nhiều phòng rộng. Vắng vẻ. Quạnh hiu. Tôi muốn đập phá quá. Bom bay hoặc tên lửa tomahawk của Mỹ phóng đến cái nơi ở u uất này cũng được; nó sẽ vỡ tung ra, biến mất.
Bỗng dưng tôi nhớ đến con trai đang ở nhà. Vẫn còn hai thằng đàn ông trong cái không gian chật hẹp, tù đọng, bức bối này. Mọi muộn phiền, đơn độc, uất ức dịu hẳn.
Tôi vào phòng con trai. Thằng bé chơi game xong đã nằm lăn ra ngủ. Đầu nó nghẹo sang một bên. Thương quá! Thằng bé lạnh lùng ngay từ trong bụng mẹ. Suốt chín tháng mười ngày không hề quẫy đạp. Lì lợm không thèm đếm xỉa gì đến chiến tranh, giá cả leo thang, thời tiết nóng lạnh ở bên ngoài. Tôi vành tai úp vào bụng mẹ nó, nghe tim thai. Im ỉm. Lặng phắc. Lúc đẻ nó ra, vợ tôi thiếu sữa, phải nuôi bộ. Mười hai giờ đêm, mắt vẫn thao láo thức. Nóng sốt. Sài đẹn. Tôi ôm ấp, ẵm bế, chăm chút như người mẹ. Con vàng con bạc, con hồng ngọc, con kim cương của tôi.
Tôi nhấc đầu thằng bé, tuồn cái gối bông gạo xuống gáy. Rồi nhẹ nhàng nằm xuống bên ôm lấy con trai. Lòng rưng rưng, da diết. Có nỗi niềm máu mủ ruột thịt nào hơn. Tôi thức đêm thức hôm kẻ vẽ viết, làm dự án kiếm tiền cho vợ con. Tôi đi công tác chắt chiu từng đồng tiền thanh toán, chỉ tiêu đồng lẻ cũng vì vợ con.
Mái tóc thằng bé nhuộm hoe hoe vàng, xịt keo thẳng đứng. Áo thổ cẩm xám xịt. Mồ hôi thằng bé chua chua. Tôi nhận ra mùi mồ hôi mình. Cha nào con nấy. Tình thương yêu ruột thịt trỗi lên thật mãnh liệt. Tôi kéo đầu thằng bé vào lòng mình.
“Bố!”.
Thằng bé gạt tay tôi ra khỏi bụng nó. Tôi nhẹ nhàng, âu yếm:
“Ừ. Bố đây. Cho bố ngủ với con một lúc với”.
Thằng bé đẩy tôi ra:
“Bố về phòng bố đi để con ngủ”.
“Con đuổi bố đấy à?”.
Thằng bé càu nhàu:
“Không! Con chỉ muốn một mình”.
Lại “một mình”, nhà này ai cũng một mình! Lâu lắm rồi, tôi chưa được ôm thằng bé vào lòng. Tôi năn nỉ:
“Bố muốn ngủ với con”.
“Bố ngủ ở đây thì con đi phòng khác”.
Thằng bé nhỏm dậy, cau có, quơ cái gối rồi bỏ sang phòng bên cạnh. Tiếng cánh cửa đóng sầm, và tiếng lách cách gài chốt. Chốt cửa, một thế giới riêng biệt khép lại. Thằng bé “một mình” rồi. Tôi không thể bước vào cõi ấy được nữa. Tôi cảm nhận mình đang bất lực. Và tôi nhận ra mình đang nằm trơ trọi trên giường, cô độc ngay trong nhà của mình. Tôi bất lực và hoang mang thật sự!
Tôi hình dung cô vợ thằng A lại xui con điện thoại từ Tây Nguyên ra năn nỉ bố: “Bố ơi! Về nhà đi, chúng con nhớ bố lắm!”. Và nàng ta đang tủi thân, tức tưởi: Đàn bà xuân sắc có thì/ Năm một lần phép còn gì là xuân. Tôi tưởng tượng đến cái mông cô vợ thằng Z đang ưỡn lên, cái ngực đang chường ra. Và nàng bảo: “Nhanh lên anh! còn ăn cơm rồi đi lễ Giáng sinh”…
Chẳng lẽ lại khóc. Đàn ông đã khóc là xảy ra một cái gì đổ vỡ, nát tan lắm. Vợ tôi không có tội. Con tôi không có lỗi. Tôi sống ngay ngắn, tử tế trong nhà ngoài đường. Hà cớ gì, nguồn cơn nào vợ chồng, bố con không gần gũi được nhau? Tôi muốn vạch trời xanh kêu và hỏi cho ngọn ngành. Tôi cố kìm tiếng lòng tấm tức khỏi bật ra. Chẳng lẽ chốn này không có chỗ tôi dung thân?
*
Về quê!
Về quê ngay!
Ý nghĩ hồi hương chợt lóe lên đầu. Tôi gọi taxi, đi về quê ngay trong đêm. Vẫn còn kịp gặp bạn bè thời chăn trâu cắt cỏ, thời đi học phổ thông trong đêm Giáng sinh. Tôi đang điên? Tôi đang chạy chốn khỏi căn nhà của mình?
Tôi là người xa quê đã lâu. Sống ở thành phố nhiều năm nhưng chưa bao giờ tôi là người phố phường. Bạn bè bảo tôi là người khó đổi thay. Dân dã. Chân mộc. Nhưng, lãng mạn. Và nặng tình.
Quê tôi rất nhiều nhà thờ đạo. Nhà tôi lại đi lương. Một xóm đi lương lọt thỏm giữa làng mười một xóm đi đạo. Ký ức xao xuyến trầm buồn của tôi là những mái nhà thờ hình chóp chọc lên trời xanh, cây thánh giá trên đỉnh gác chuông dầm trong dãi dầu mưa nắng. Và những cô gái mắt bồ câu, tròn, to lúc nào cũng mơ màng như mắt Đức Mẹ Maria.
Hơn mười giờ. Xe ô tô về đến đầu làng. Làng đạo đang mùa vọng, rộn dịp đêm Giáng sinh. Người chen vai người trong ánh điện sáng choang. Cái rét mướt đêm đông dường như ấm lại. Nhà thờ đạo mới xây còn thơm mùi ve vữa. Uy nghi. Và trầm mặc. Nhà thờ như một hình ảnh thu nhỏ của nước Chúa.
Tôi vẫn nhớ, cái nhà thờ xưa bị bom Mỹ đánh sập thành đống gạch vỡ, chỉ còn tháp chuông cao vòi vọi vươn lên tận trời xanh. Lâu ngày, um tùm cỏ, dây tóc tiên leo, và cây xấu hổ mọc trên gạch vỡ, hồ nát. Gần đây, người ta xây nhà thờ mới, nhưng vẫn giữ lại cái tháp chuông xưa.
Tôi như người chết sống lại. Bồi hồi, kỷ niệm xưa cũ dào dạt hiện về. Cứ như vừa mới hôm qua. Cứ như tôi đang sống những năm tháng tuổi thơ ở làng.
…Tôi học cấp ba trường huyện, cùng lớp có người bạn gái Hoàng Thị Mùi ở xóm đạo. Mùi mang tên thánh là Therese. Con gái xóm đạo ít khi được học lên cao như Mùi, thường chỉ hết tiểu học là nghỉ ở nhà dệt chiếu cói, hoặc dệt vải xô gai rồi lấy chồng. Therese – bạn tôi mắt to, tròn như mắt bồ câu, lông mi dầy cong vắt, màu mắt đen xanh mơ màng như mắt đức Mẹ Maria. Làn da trắng nõn chuối. Therese bằng tuổi tôi, đã là thiếu nữ dịu dàng với những đường cong mềm mại gợi cảm. Nàng học khá, và khôn ngoan, hiểu biết hơn cánh con trai cùng lớp vụng dại như gà tồ. Cả lớp tôi đều gọi nàng là Therese Mùi.
Đêm Noel, Therese mời cả lớp đi dự lễ Giáng sinh. Tôi và thằng bạn con nhà chài lưới cuốc bộ sang bên kia sông đến nhà thờ Quảng Phúc thì người đã đông nghịt. Thằng bạn con nhà chài lưới bảo: “Đêm nay gặp Therese Mùi, mày nhường cho tao nói chuyện một lát nhé”. Tôi thủng thẳng bảo: “Ai cấm mày?!”. “Đừng giận! Là tao thấy Therese Mùi có vẻ mến mày. Lúc nào có mặt Therese là mày độc chiếm, nói như điên không ai chen ngang được. Tao con nhà chài lưới, Therese có để ý đến tao đâu”. “Tao nhường cho mày nói chuyệt hết đêm, được chưa?”.
Nói để mà nói, chứ tôi nhường sao được. Lòng tôi rạo rực, trái tim xốn xang mỗi lần gặp Therese Mùi. Cái cổ cao ba ngấn của nàng trắng quá. Cái khuôn ngực vồng căng và mùi da thịt nàng ám ảnh theo tôi vào giấc mơ trẻ trung, háo hức. Tôi ao ước, mơ tưởng sau này có đứa con gái, mắt to xanh đen mơ màng như mắt nàng. Con gái tôi cũng sẽ đứng cùng các trinh nữ trong ca đoàn nhà thờ…
Đèn nến thắp sáng lung linh, màu hồng ấm áp tràn ngập. Cố len vào trong cùng nhà thờ, chúng tôi tìm Therese. Tôi ngạc nhiên, thích thú ngẩn ngơ ngắm nhìn tượng chúa Hài đồng, đức Mẹ Maria, Thánh Giuse, những con cừu nhỏ, máng cỏ và hang đá nhân tạo,… lấp lánh trong ánh sáng màu hồng rực rỡ. Vị linh mục đang giảng đạo. Tôi nhìn người bằng con mắt ngưỡng mộ và thành kính: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời/ Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương…”. Cha giảng Thánh kinh, cha nói đến bổn phận con chiên phải kính Chúa, yêu nước; đến nghĩa vụ người dân chăm chỉ lao động sản xuất; sám hối và chăm cầu nguyện,…
Therese chưa ra đón chúng tôi được, nàng đang đứng trong ca đoàn. Ca đoàn là các cô gái đồng trinh mặc áo choàng trắng, đội mũ trắng, quàng khăn trắng. Một màu trắng ngời ngời, xao xuyến.
Thánh lễ Tạ ơn Chúa, Therese Mùi lĩnh xướng bài ca Đêm thánh vô cùng:
“Ðêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng/ Ðất với trời se chữ Ðồng/ Ðêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ/ Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa/ Ơn châu báu không bờ bến…/ Ôi Chúa Thiên đàng, cam mến cơ hàn/ Nhấp chén phiền vương phong trần…/ Sai con hiến thân để cứu nhân loại/ Hang chiên máng rêu tạm trú/ Bốn bề tuyết sương mịt mù…”.
Thánh lễ linh thiêng, trang trọng và thành kính. Giọng hát chậm dìu dặt, da diết ngợi ca Đức Chúa Giesu hiến thân cứu thế. Hình ảnh này, giọng hát này dội vào cái đầu và trái tim non nớt của thằng con trai đang tuổi lớn, cứ mãi mãi đi theo tôi suốt cuộc đời, để rồi thổn thức và nuối tiếc hoài…
Nửa đêm, chúng tôi về nhà Therese Mùi. Bữa ăn reveillon được dọn ra. Sau này, tôi mới biết Bữa ăn nửa đêm Giáng sinh ở phương Tây gồm ba thứ đồng hành là: Thủy (cá chép, con hàu); Không khí (gà tây, ngỗng); mộc (thịt lợn). Còn Bữa ăn nửa đêm Giáng sinh của người dân xóm đạo nghèo dạo ấy chỉ có bánh bột lọc làm bằng bột giong riềng và cá chép nấu cháo. Mẹ Therese Mùi là một con chiên ngoan đạo, nhân hậu, hiền lành, nhìn lũ trẻ háu đói ăn uống ồn ào, bà mỉm cười âu yếm.
Nấn ná, dùng dằng quá nửa đêm mà chẳng đứa nào muốn về…
Vợ tôi gọi điện, nàng bảo:
“Giáng sinh ở quê thế nào, anh?”.
Tôi bảo:
“Vui. Đầm ấm”.
“Còn em, cái nơi em đi ấy?”.
“Như Giáng sinh những năm trước. Không náo nức. Không vui. Không buồn”.
Có nghĩa là nàng cảm thấy suông, bình bình. Nàng không hỏi tôi, bao giờ về. Và cũng không nói lúc nào về với tôi. Nàng thờ ơ. Nàng không hề biết tôi đang vui hay buồn, đang đắng cay hay ngọt ngào. Con tôi không biết tôi có nhu cầu chia sẻ, và chúng cũng chẳng cần chia sẻ với ai.
Nhà tôi, bấn bíu vì ai. Ví dụ: Sáng ăn uống tùy nghi di tản, vợ phát cho mỗi người 20 ngàn đồng. Buổi ăn trưa công nghiệp 50 ngàn đồng ăn vội vàng ở tiệm, ở quán theo sở thích từng người. Bữa cơm tối gia đình mới tập trung. Tập trung nhưng mà không sum họp. Ăn uống lầm lỳ, im lặng, ít khi nói chuyện. Tôi nghĩ, cứ thế này thì trầm uất cả nhà. Tôi gợi chuyện, hỏi vợ:
“Em đang nghĩ gì?”.
“Em đang nghĩ, nước mình mỗi ngày tai nạn giao thông chết 33 người. Có phải quân số bằng một trung đội không anh?”.
“Trung đội đủ thì thiếu, trung đội thiếu thì thừa. Còn con gái nghĩ gì?”.
Con gái tôi ậm ừ:
“Con bạn cùng lớp con chiều qua dọn ra ở riêng. Nó ở một mình, không muốn sống chung với bố mẹ. Nó có cái súng xịt hơi cay của Mỹ, bố ạ”.
“Con trai nghĩ gì?”.
“Hôm nay, bố bảo: lúc bố chết cúng 100 ngày bằng thịt ba chỉ mắm tép, canh cua cà pháo. Hôm trước, bố bảo cúng lòng lợn tiết canh. Hôm trước nữa, bố bảo cúng thịt chó mắm tôm lá mơ. Hôm trước nữa, bố bảo cúng ốc nhồi hấp lá chanh. Hôm trước nữa… Cái bàn thờ to như sân vận động Mỹ Đình mới đặt hết đồ ăn. Giá người chết mà biết ăn sạch trơn thì chẳng ai dám cúng, bố nhỉ”.
Giá người chết mà biết ăn sạch trơn… Tôi nổi gai ốc. Vợ chồng, bố con, chị em đang ở rất gần, đang ngồi cùng mâm cơm mà mỗi người một mảnh. Toàn là ý nghĩ xa vời. Chúng tôi đang ở bên nhau mà chẳng nghĩ gì đến nhau; cùng một gia đình mà cứ rời ra.
Hiện thực cay nghiệt quá, mà tôi không trốn chạy được.
Giá như trốn chạy được về dĩ vãng. Giá như được sống lại những ngày xưa ấy…
Ngày xưa ấy là… mùa vọng năm sau.
Chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ tràn ngập miền Bắc. Mùa đông 1972 lạnh lẽo mà đỏ lửa. Bom đạn tung tóe khắp làng quê. Tôi và hơn chục trai làng học cùng lớp khám sức khỏe đi bộ đội.
Ngày nhập ngũ cũng là ngày định mệnh của Therese. Ô tải chở chúng tôi đi khỏi làng mấy cây số thì máy bay Mỹ đến, bom rơi trúng nhà thờ. Những thằng trai làng vỗ vào ca bin bộp bộp, bắt ô tô quay trở lại.
Hoang tàn. Đổ nát. Ngổn ngang. Nhà thờ chỉ còn mỗi tháp chuông sứt mẻ nham nhở bên đống gạch vụn. Chúa đã không che chở được những con chiên của người. Therese Mùi như cây non bị phạt ngang gốc. Mảnh bom tiện đứt hai đầu gối nàng. Người ta đang ga rô cầm máu cho nàng. Một vệt máu nhỏ tươi hồng ứa ra từ vồng ngực căng đầy chảy xuống cổ ba ngấn trắng ngần. Đôi mắt bồ câu tròn cứ mở to nhìn trời xanh tức tưởi…
Sau này, ra quân, tôi về quê. Tôi đi tìm Therese Mùi. Mẹ tôi bảo, nàng vẫn còn sống. Sức sống con người thật diệu kỳ. Tôi chẳng hiểu vì sao Therese lại vượt qua cái chết mười mươi. Mẹ tôi bảo: u đi chợ qua xóm nhà thờ gặp Mùi; nó hỏi: “Anh ấy viết thư về cho bác, có nói gì về cháu không?”. Sự vô tình nhiều khi cũng có tội. Tôi không vô tình. Nhưng tôi đã lảng tránh. Lảng tránh có phải là tội lỗi với một người tàn phế như nàng? Vài ba lá thư gửi cho Therese Mùi, tôi hỏi thăm sức khỏe, sản xuất chung chung, lời lẽ bình thường, không thân mật, chẳng vồ vập, tình cảm hững hờ, xã giao.
Tôi về xứ đạo, ván đóng thuyền rồi, nàng đã lấy chồng. Chồng là thằng bạn cùng lớp tôi – cái thằng năn nỉ tôi nhường để được nói chuyện với Mùi đêm Giáng sinh năm ấy. Ngày ngày, chồng tung lưới đánh cá trên sông Cái, đầm Vạc. Vợ ngồi nhẩn nha dệt chiếu cói cùng đứa con gái mắt cũng tròn to như mắt mẹ. Bình yên. Giản dị. Ấm áp. Tôi chẳng có lý do gì lưu luyến, nán lại bên Therese nữa. Dù đôi mắt tròn to của nàng mọng nỗi buồn…
Những ngày xưa cũ chưa thật xa lắm. Therese bây giờ vẫn vẹn nguyên là Therese ngày xưa. Nhưng, vợ tôi đã không còn là vợ tôi nữa. Tôi nhận ra cái nửa kia không phải của mình từ lần vợ chồng nằm bên nhau, trần truồng trong chăn. Tôi rúc vào nách nàng. Tay ve vuốt mông tròn và vòng eo thon. Tôi chìm vào đam mê, thăng đồng trần thế. Bất chợt, nàng bảo: “Anh ạ. Mả mẹ cái con hàng tôm. Bán cho em 5 lạng về nhà cân lại chỉ còn 4 lạng chín”. Tôi thụt chim lại. Lửa lòng tắt ngấm. Lạnh ngắt như đồng. Tôm với cá thì có họ hàng hang hốc, có liên quan đếch gì đến chốn giường chiếu? Nàng đang ôm ấp cùng tôi mà đầu nghĩ đến cá tôm. Nàng tha nhân ngay cả lúc tôi đang quằn quại trên bụng nàng.
“Mùi! Therese Mùi?”
Tôi ngỡ ngàng quá. Cũng đôi mắt bồ câu tròn to mơ màng ấy, cũng dáng hình thanh thoát, dịu dàng ấy, cũng vồng ngực căng đầy ấy.
“Bác ạ! Cháu là Mai mà”.
“Xin lỗi! Bác nhầm thật. Có phải cháu là… Therese Mai?”.
“Vâng! Cháu con mẹ Mùi”.
“Bác nhận ra rồi. Cái con bé mắt to cứ ngồi bên go quấn sợi cói vào đầu lao cho mẹ dệt chiếu phải không?”.
“Vâng ạ! Bác có khỏe không ạ?”.
“Bác khỏe. Cháu thế nào?”.
“Cháu học năm thứ nhất Ngoại thương. Nghỉ Giáng sinh, cháu rủ mấy đứa bạn trai gái cùng lớp về chơi. Ca đoàn dạo này thiếu người lắm bác ạ, cháu phải đứng vào hát”.
“Ừ. Lớn lên là chúng bay rủ nhau xa xứ hết. Cháu hát Đêm thánh vô cùng chứ?”
“Vâng ạ! Silent night. Chốc nữa bác nghe cháu hát nhé”.
“Ừ. Đêm nay bác bồi hồi lắm”.
“Bố mẹ cháu cứ mong bác về suốt. Bữa ăn đêm Giáng sinh năm nào mẹ cháu cũng nhắc đến bác. Mẹ bắt cháu làm bánh bột giong riềng và nấu cháo cá chép. Mẹ cháu bảo, nhất định Giáng sinh năm nay bác sẽ về”.
Ấm lòng. Gần gũi. Thân thuộc quá.
Tôi có cảm giác mình vừa đi qua hoang mạc vô cảm, lạnh lùng miền băng giá đến cánh đồng cỏ mênh mông tươi xanh đầy nắng gió nhiệt đới. Tôi bắt gặp cái thuần hậu, da diết, vô tận đêm Giáng sinh. Tôi nghĩ đến túp lều đánh cá của người bạn chài lưới. Con thuyền nan có mui. Tiếng gõ ván xua cá lốc cốc. Tiếng go và lao cói dệt chiếu lách cách. Therese Mùi, Therese Mai có đôi mắt đức Mẹ… Tôi nghĩ đến căn biệt thự của tôi…
Tôi bước vào trong nhà thờ.
Máng cỏ. Hang đá. Chúa Hài đồng. Những con cừu nhỏ… Ấm nồng. Đêm đông khuya khoắt rét mướt chỉ còn ở bên ngoài.
Therese Mai đứng kia, trong ca đoàn trinh nữ. Một màu trắng bình yên, xao xuyến. Giọng hát trong ngân. Da diết.
“Silent night/ Holy night/ All is calm all is bright/ ‘Round yon virgin Mother and Child/ Holy infant so tender and mild/ Sleep in heavenly peace..”.
Bao ký ức ngày xưa lại trở về trong Đêm thánh vô cùng.
Mùa vọng 2008
S.N.M