Phía sau vẻ hào sảng, mạnh mẽ, xông xáo và bình tĩnh trước mọi biến cố trong quá trình đi làm báo; là những trái tim chứa đựng nước mắt và nụ cười của thế nhân. Những trái tim nhà báo đúng nghĩa, luôn là những người cùng song hành, đồng cảm với những mảnh đời khuất lấp; những rung động, run rẩy, và tự mình làm tri âm với cái đẹp.
Nhân vật nhà báo thô tháp vẻ ngoài, nhưng là một tâm hồn đẹp.
Nhân vật cô gái ở hồ Hỏa Tước chỉ còn vài tháng nữa là chết (không nói căn bệnh gì). Nhưng không hề có sự đau đớn tuyệt vọng…
Còn bàn bạc cùng nhà báo lo cho người bạn có thể bị chồng bỏ vì không sinh được con cho nhà chồng…

Nhân Ngày báo chí 21 tháng 6, tôi xin được gửi lời chúc tốt đẹp và bình an may mắn đến tất cả các NHÀ BÁO đúng nghĩa của hai từ đó. Một nghề đặc biệt, đã giúp chúng tôi vững vàng đi những tháng năm dài, đủ sức để nuôi nghiệp Văn chương.
Xin gửi tới anh chị em bạn bè truyện ngắn ĐÊM Ở HỒ HOẢ TƯỚC của nhà văn Võ Thị Xuân Hà. Giọng đọc tác giả.

https://tonvinhvanhoadoc.net/wp-content/uploads/2022/06/1.mp4

Võ Thị Xuân Hà

ĐÊM Ở HỒ HOẢ TƯỚC

Truyện ngắn

Hồ lóng lánh muôn ngàn ánh ly tan.

Những vụn vỡ bay bay vào vũ trụ. Những ánh ngũ sắc tràn ra thấm đẫm những cánh lá cuối mùa.

Hè đi đột ngột như cơn lốc.

Mới hôm qua từng cơn gió bức bối còn lang thang trên đồng bằng, vương trên nóc các toà nhà cao nhất thành phố, rồi chui xuống trêu cợt khắp ngóc ngách phố. Mới hôm qua mọi sự vẫn nguyên vị trí của nó. Chiếc ti vi ọt ẹt báo tin thời tiết.

Mẹ chồng bảo:

– Lấy nhau chừng ấy thời gian mà vẫn chưa thấy có gì. Mày có đẻ được không đấy hở dâu?

Mẹ chồng vào bếp, bật tanh tách ngọn lửa bếp ga, bùng lên lại tắt lịm, bùng lên lại phật xuống.

Con Tương rủ, ra đằng hồ Hoả Tước mà cắm lấy một miếng đất phòng thân. Bây giờ khắp thành phố này chỉ có mỗi chỗ đấy là còn có thể cắm đất ăn ở liều, không ai biết đâu, bí mật đấy nhớ. Coi như đất hết rồi. Bãi rác cũng không còn. Nhưng tớ đã có mẹo.

Tương nói xong thì rồ ga cái xe SH cho chồm lên vỉa hè.

Cô ngạc nhiên hỏi hồ Hoả Tước là cái hồ nào? Chân nhảy xuống hè, suýt nữa bị bỏng bô. Tương cười khanh khách. Thế cũng đòi làm cán bộ phong trào. Vẫn còn ngây ngô cụ lắm, Kỳ ơi.

Buồn cười thật, con bé Tương này lúc nào cũng thích nói khác người. Nó không dùng cụm từ ngây thơ cụ. Nó lắm mưu nhiều kế. Nói thì đến con kiến cũng phải nghiêng mình. Nhưng viết báo thì đọc chán lè. Lúc nào cũng chỉ mấy cái fom ai? khi nào? ở đâu? cái gì? Lời lẽ thì choang choang như sáo sậu sắp xổ lồng. Đọc xong bài báo của Huyền Tương, thấy lòng trống rỗng. Lẽ ra nó nên làm cán bộ phụ nữ phường thay cái chân của Kỳ mới phải.

Đêm, hai người ra trước hồ. Cái hồ xanh xanh nằm ngay gần những con phố tạo nên Trung tâm tài chính, như cách gọi của cánh thợ báo. Hồ thoạt nhìn thấy hiền hiền, dại dại. Xung quanh mới chỉ có vài ba nóc nhà “cắm thùng” ba bốn tầng, còn lại toàn nhà lúp xúp mọc lẫn cỏ lác với túi ni lông cũ và kim tiêm.

Gửi xe vào cái quán có tên Bên hồ, ô hay, thì rõ là bên hồ rồi còn gì. Cái quán này nom kỳ quái, cứ như bên trong là chốn liêu trai có thật trên đời, toàn mùi tanh tanh, đèn thì toàn màu đỏ, nhạc thi thoảng tóe rú lên khiến khách cứ thấy rợn rợn trong đêm. Anh chàng bảo vệ mặt dài xanh như đít nhái dưới ánh đèn đỏ hắt ra từ bên trong quán, chạy ra ghi số xe, mắt cắm vào cái đám đánh cờ xúm xít bên hồ cạnh quán. Cái đám này có lẽ tụ nhau từ sáng. Giờ mấy thằng soi đèn pin tàu bé xíu đeo cùng chùm khóa cho hai thằng đi quân. Tiếng cãi nhau ỏm tỏi khiến góc hồ sôi động lên một tẹo, đỡ đi cái mùi tanh tanh cứ thi thoảng lại bốc lên.

Tương kéo cô quành sang một lối nhỏ dẫn vào một căn nhà ghép bằng những viên gạch mộc xếp lên nhau, y như cách đồng bào Mông xếp hàng rào đá trên núi cao. Mới đến gần cửa đã ngửi thấy mùi gì thơm lắm lan tỏa.

Tương nở nụ cười bí ẩn:

– Xì gà Mẽo tẩm hê-rô-in đấy.

Cô thoáng giật lui.

Tương ẩn mạnh vào lưng:

– Sợ cái gì chứ. Cho mày xem một người đẹp. Đối tượng hoạt động nghề nghiệp của mày đấy.

Cô thì thào:

– Mày liều thế?

Tương cười:

– Tao làm báo. Lê la quen rồi. Không thế lấy đâu ra bài để nộp. Mà tao viết chật vật thế. Chữ nghĩa cứ như lũ giai bao, cứ đuồn đuột đuồn đuột. Không lấy thực tế đáp vào mặt lão Tổng thì lão cho tao lõm mông lâu rồi. Khổ thế đấy. Nếu nói có thực tế sống động nhất, chụp được nhiều ảnh nóng nhất ở cái báo lá cà đấy phải là tao. Nhưng cha mẹ tao sinh ra tao là không có khiếu viết lách đỡ tay chân như mấy con đĩ đượi tóc xoăn, trên dưới chỗ nào cũng xoăn, cười nói ỏn ẻn ra vẻ đài các với đủ hạng đực ở cái tờ lá cà của tao.

Kết thúc bài diễn văn, Tương gọi cửa:

– Tương đây. Vào nhớ?

Giọng ai thật ấm:

– Cứ vào đi. Tự nhiên.

Ai đó quay mặt vào tường. Cô không nhìn thấy gì ngoài một tấm lưng ong mảnh và trắng muốt trong ánh đèn tuýp thiếu điện chỉ đủ nhờ nhờ sáng.

Trên bức tường gạch xếp, một tấm ảnh chân dung to bằng nửa cánh liếp nhìn khách mỉm cười.

Cô ngây người nhìn.

Tương huých:

– Mua chứ?

Cô thì thào:

– Mua gì?

– Nhà?

– Ai vậy? Hoa hậu cũng không thể sánh ấy chứ.

– Đã bảo rồi mà. Thấy đẹp chưa? Mua nhà này chứ?

– Mua nhà này? Rồi làm thế nào mà giữ? Làm thế nào để thành cái nhà? Mà khu này thì…

– Dễ lắm. Chở cát sỏi xi măng về cho tất vào nhà. Đêm thợ xây sẽ xây tường áp phía bên trong xung quanh tường gạch. Rồi cứ để thế cho bạn tao trông hộ. Khi nào nó đi tao khắc tính cho mày. Tao cũng mua cái bên cạnh rồi, năm mươi mét đất chứ ít gì. Rẻ lắm. Cái nhà này còn rộng hơn, được gần bảy mươi mét đấy. Điện nước thì mua của mấy nhà cao tầng kia kìa. Họ ở cùng khu đất này nhưng lại có giấy tờ cấp nhà cho xã viên của cái hợp tác xã trồng rau trước kia cung cấp rau cho  thành phố. Nên họ có điện nước. Nhà này có đường ống nước nối sang đấy, bơm mỗi tiếng nước sạch trả mười nghìn. Điện dùng mỗi số hai nghìn, rẻ bèo.

Cái lưng động đậy:

– Chồng tiền ngay. Bao nhiêu với tôi cũng không đủ. Nhưng tôi tính rồi. Tôi còn sống được độ dăm tháng nữa. Mỗi tháng ăn hết mươi cân gạo, một triệu mua rau thịt, ba triệu chi cho cỏ, tí điện nước. Dăm tháng với tiền ma chay, tiền để lại cho phụ huynh, tổng cộng tôi cần năm mươi triệu. Chồng tiền xong nếu đuổi tôi đi ngay. Nhưng tôi đi thì không có ai trông nhà hộ đâu. Rồi thì bọn nghiện bọn gái nó về phá quanh nhà đấy.

Tương rót nước từ cái bình thủy trong vắt vào hai cái cốc nom khá sạch sẽ. Lạ thật, trong căn nhà này cái gì cũng rất sạch và đẹp. Những cái cốc nước làm bằng pha lê xanh dương lóng lánh như đã từng ngự trị ở một nơi đẹp lắm, khác xa với nơi này. Bộ bàn ghế cũng được làm từ một loài gỗ hình như có tên là cẩm lai, được khắc gọt rất tinh tế.

Tương đưa nước cho cô, rồi bưng một cốc mang đến đặt cạnh tấm lưng. Cô thấy Tương đưa tay dịu dàng vuốt nhẹ tấm lưng, rồi đột nhiên đập mạnh vào cái lưng eo ấy:

– Khỉ thật. Những dăm tháng nữa mới toi mà đã không chịu dậy. Dậy đi. Khách tôi đưa đến là con bạn thân. Mẹ chồng suốt ngày nhìn chằm chằm vào cái bụng con dâu xem giống má nhà bà ấy đã thành tinh trỗi dậy trong ấy chưa? Thế nếu không có gì trong bụng nó thì sao? Chắc độ vài năm nữa họ hất cẳng. Nó phải có đất riêng nhà riêng. Cái chỗ này mai sau ông nhà nước muốn lấy cũng phải đền bù. Tính đi tính lại hộ nó, thì chắc chắn phải có cái căn hộ chung cư đền bù. Nó làm cán bộ phụ nữ phường. Lương kiết xác cả đời gộp lại không mua được nhà phố sổ đỏ. Xử cho bao nhiêu đôi bỏ nhau rồi đấy. Khuyên ở chẳng được thì khuyên bỏ. Giải phóng cho chị em. Cán bộ phụ nữ phường mua nhà này thì yên tâm nhé. Nhưng đừng loang ra, thiên hạ lại hại nó. Tiền tươi thóc thật đấy. Mua xong vẫn cho cậu ở đến khi nào sắp nghẻo thì về quê. Đúng như thỏa thuận rồi nhé. Dậy đi.

Cái lưng nhỏm dậy ngay. Đôi chân trần xỏ vào dép. Cô không dám nhìn cô gái đang trần như nhộng, không dám uống nước dù lúc này bỗng nhiên cô thấy khát kinh khủng, cũng không dám phản đối những ý tưởng mua bán không được bàn bạc trước của cô bạn.

Đôi tay cô gái quành ra sau lưng buộc nhẹ một vòng dây lụa màu xanh. Rồi cái lưng quay ngược với ánh đèn. Cô nhìn thấy đôi mắt, đôi môi, dọc mũi. Cô thấy bờ vai trần và vồng ngực đội lên dưới lụa.

Phía ngoài cửa, tiếng đôi chuột đang vờn nhau loạt xoạt. Một con chó hoang từ đâu xồ ra kêu ủng oẳng. Những cái gai trinh nữ khô bám trên người con chó hoang lập lòe ánh lân tinh.

Cô gật đầu chào. Cô gái cũng gật đầu. Mắt lạnh tanh như không nhìn thấy gì. Mà hình như cô ta đang nhìn ra phía ngoài hồ. Gió từ phía ấy thổi tới từng cơn. Những cơn gió mang theo hơi lạnh phương Bắc.

Tương thôi nói, ngồi xuống bên cái bàn nhỏ với cây sáo nhỏ đen bóng ra đưa lên miệng thổi. Tiếng sáo vút lên khiến cô bàng hoàng nhìn, Tương giờ đây như là ai đó khác với cái Tương hàng ngày thô kệch. Vậy mà lâu nay cô đâu biết Tương có tài thổi sáo. Tương thổi khúc Con thuyền không bến.

Lướt theo chiều gió

Một con thuyền trôi nơi nao

Bên con sông Tương nước chảy đôi dòng

Biết đâu bờ bến…

Cô gái quệt tay lên miệng ngáp. Vừa hút cái thứ kia xong mà hình như cô ta vẫn mơ màng thèm. Cô nhìn thấy Tương mắt nhìn cô gái dần đẫm lệ, không che giấu, đôi môi chúm lại bên miệng sáo như những nụ hôn tàn khốc. Cô gái ngồi khép đùi trên cái ghế bên bàn nhìn qua bàn, với sang ánh mắt Tương với sang cả đôi môi đang chúm lại mà lần đầu tiên cô chợt nhận ra đôi môi ấy thật dầy và đẹp.

Cô ngồi ngây nhìn hai người trong đêm, bên hồ Hỏa Tước. Họ ngồi nhìn nhau như một đôi tri âm. Bóng đêm bên hồ như phả lên cô gái và cả Tương vẻ huyền ảo hoang dại mà cô chưa bao giờ được nhìn thấy. Vẻ hoang dại bảng lảng trên mặt hồ, dường như bị bỏ quên giữa phố xá sầm uất ngoài kia.

Bỗng nhiên cô gái nói với cô:

– Ở khu hồ Hỏa Tước này có đám đàn ông con trai khá lắm, nhận làm phu bao. Không tốn mấy tiền

Cô nhướng mày nhìn cô gái.

Phu bao? Là loại người gì vậy?

Cô gái bật cười. Lần đầu tiên từ tối đến giờ cô nhìn thấy cô ta cười. Nụ cười đẹp và tươi tắn thanh thản.

Tương dừng thổi sáo, giọng bí ẩn:

– Tớ tính cho con bé Kỳ này rồi. Mua nhà xong, nhớ gọi hộ cái thằng hôm nọ. Hình như năm nay nó đang năm thứ tư Ngoại thương thì phải. Thuê nhà bên kia hồ. Đẹp trai thư sinh, lại vẫn còn mới mẻ khỏe mạnh, chưa bệnh tật gì. Chắc chắn sẽ chửa được…

Cô gái bảo:

– Chắc bạn chưa biết sống ở khu này là sướng nhất. Không có tổ dân phố, khỏi họp hành. Không có nhà sổ đỏ, khỏi mất tiền thuế đất. Không cấp phép xây dựng, xây trộm trong đêm. Đêm ở đây như Lát-vê-gát bên Mỹ ấy chứ. Khác một cái là không cần đèn đóm nhiều như bên ấy. Cũng không cần nhiều người như bên ấy. Chỉ có bóng tối, bóng tối và bóng tối. Rất sôi động nhưng chẳng ai biết rõ cái gì. Cái gì cũng sinh ra trong bóng đêm bên cái hồ này. Chúng nuôi sống chúng tôi. Bạn tưởng tôi buồn vì sắp chết sao? Tôi không buồn chút nào, chỉ thương phụ huynh đi sau thôi. Tôi sống đã được hưởng đủ lạc thú trên đời này, ở đây. Ngắn ngủi, nhưng thật tuyệt. Tự do ở đây chứ còn ở đâu nữa? Cái gì cũng có. Muốn có con để chồng khỏi bỏ dễ ợt. Tôi sẽ lo cho bạn. Thiên hạ cứ phải tốn hàng đống tiền đi vào bệnh viện Từ Dũ tận Sài Gòn. Cứ thử xem. Con mình thì cũng là con chồng chứ, sợ gì.

Tương chen vào:

– Mình vẫn kính trên chồng nhường dưới chồng, lo gì công dung ngôn hạnh bị lu mờ. Xem mấy bài báo Kiếm con của tao chưa? Chuyện thật như bịa ấy nhỉ. Mà ối đoạn bịa thì bọn đồng nghiệp với lão Tổng cứ tưởng thật, sướng tít mắt, đăng luôn, câu chữ lủng củng láu táu như chó tháu ăn cứt sốt vẫn bỏ qua, trả nhuận bút công kênh lên tận giời.

Tương nói. Cô gái nói. Tai cô bùng nhùng trong thứ âm thanh mà cô chưa bao giờ biết đến. Thứ âm thanh líu ríu tươi vui như được đưa đến từ một thế giới khác biệt với thế giới mà cô đang sống.

Bỗng nhiên cô cũng thích được thổi sáo như Tương. Cô với tay sang bên kia bàn cầm lấy cây sáo. Cô đưa sáo lên ngang miệng.

Khi đưa cây sáo ấy lên ngang miệng, cô nhìn thấy con chó hoang đứng nhìn cô trong ánh đêm.

Nước hồ lóng lánh.

*

Không ai biết hồ Hỏa Tước giờ nằm ở đâu trong bản đồ thành phố.

Nếu có, chắc rằng bây giờ hồ ấy cũng đã bị san phẳng, trên mặt hồ ấy những tòa biệt thự đã mọc lên, hoặc là đã có một siêu thị sầm uất của một đại gia trúng thầu. Đại gia ấy có lẽ sẽ là người thứ n. mua được phi cơ riêng…

                                               – Khu bãi rác Thành Công, Thái Hà, ngày 3/10/2008 –

Exit mobile version