Tụ với tay ấn nút khởi động máy. Chiếc thuyền rùng mình trong giây lát, sau xé nước lao đi. Hồ Bầu về đêm thật thơ mộng, huyền bí. Gió từng cơn gối nhau phả vào thuyền mát lạnh. Bốn bề sóng ì oạp vỗ. Từ khu nhà nghỉ, khách sạn, đèn đã tắt dần dẫu tiếng nhạc vẫn xập xình. Vài chùm đèn đêm cô đơn vàng vọt, le lói sáng. Chiếc thuyền máy của Tụ giương hai mắt đèn pha sáng rực lượn một vòng điệu nghệ sau đột ngột tắt máy. Chiếc thuyền tự do bồng bềnh trên sóng nước. Đó là cách thư giãn thường thấy của người chủ cai quản Hồ Bầu. Ông chủ rất thích một mình bồng bềnh trên thuyền kiểu ấy. Và chiếc thuyền chỉ quay về bến đỗ ở ngôi biệt thự sang trọng vào lúc khuya, thường khi cả vùng đã chìm vào giấc ngủ.
Duỗi thẳng người trên chiếc ghế nệm êm ái. Tụ khoan khoái vươn vai tận hưởng bầu không khí thanh sạch gần như tuyệt đối, một đặc sản của Hồ Bầu. Hắn với tay châm một điếu thuốc lá, ngửa cổ phả ra một làn khói thơm ngát. Có thế chứ! Tụ thầm nghĩ và bất giác nhếch mép nhớ đến cuộc thương lượng với Phong “híp” hồi nãy ở nhà hàng đặc sản. Được sự ủy thác của ông chủ ngoại quốc, Phong “híp” đã đồng ý nhận lại khu nghỉ dưỡng Hồ Bầu với giá cả trăm ngàn đô. Vài trăm triệu đô tiếp theo sẽ được chuyển đến khi các thủ tục thuê mướn hoàn tất. Chủ của Phong “híp” muốn sở hữu toàn bộ khu vực Hồ Bầu để thực hiện một dự án khổng lồ. Tụ cùng cánh quan chức sở tại ăn cả hai mang. Chúng vừa được đút túi khoản lót tay, lại vừa có chân trong “hội đồng quản trị” với khoản thu nhập “khủng”.
Bầu không khí thoáng đãng êm ái giữa hồ nước về khuya làm Tụ thêm hưng phấn. Bất giác, Tụ mường tượng ra cặp vú trắng mọng, căng đến nứt khuy áo cùng đôi mắt đĩ thõa của ả tình nhân xưa từng làm người mẫu đang đợi hắn trên biệt thự. Hắn chết mệt khi gần gũi ả. Cách vuốt ve, làm tình điêu luyện. Kiểu uốn người quằn quại, luôn kèm với tiếng rên ư ứ. Tụ vơ chiếc điện thoại bấm gọi. Tiếc rằng chỉ có tiếng tút, tút. Khốn nạn! Ả đang bận son phấn hoặc đang làm gì đó. Không sao! Hắn tự an ủi mình và ngả đầu tợp một hớp rượu mạnh sau đắm chìm vào tiên cảnh giữa Hồ Bầu. Như để hòa theo, mặt hồ đung đưa, dậy sóng khiến chiếc thuyền lắc la, lắc lư như đang trôi vào miền cổ tích.
Hớp rượu làm Tụ tỉnh táo. Bỗng hắn thấy rùng mình bởi một cơn gió lạnh. Mặt hồ như có tiếng mưa rào, cùng lúc những giọt nước bắn tung tóe. Cái gì vậy? Tụ nhỏm dậy khỏi chiếc ghế, với tay bật đèn. Hắn ngạc nhiên nhìn thấy trong đêm, những làn sương mỏng manh như từ dưới đáy hồ chui lên, tỏa ra mù mịt. Cùng lúc, mặt hồ đen đặc như hũ nút vây bủa con thuyền làm ánh đèn pha bị chặn lại, tạo ra một quầng sáng ma quái. Có tiếng cá quẫy lách tách, loạch xoạch… sau lớn dần rộ lên từng đợt. Nhìn vào khoang thuyền, Tụ bất ngờ nhận ra dường như bị ánh sáng kích thích, vài con đòng đong, mại cờ nhảy vào khoang thuyền đang giãy giụa. Chỉ sau đó một lát, bụi nước lại tung tóe, khi liên tiếp từng loạt cá trắng phau ào ạt tung mình nhảy lên khỏi mặt nước. Tụ đực mặt, trố mắt trước màn sương khói mịt mùng. Nhìn bầu trời đen đặc cùng tiếng tôm cá nhảy loạn xạ, chừng như nhớ ra một điều gì đó, hắn chồm hẳn người lên, nhô đầu ra mặt hồ lẩm bẩm:
– Đêm nguyệt tận!
Xưa nay, không hiểu tại sao ở Hồ Bầu, nơi hoang vắng giữa bốn bề núi non hiểm trở lại có một sự việc lạ lùng như thế. Người ta cho rằng Hồ Bầu là do thiên tạo, có âm khí rất nặng. Nơi đây từng là mồ chôn giặc phương Bắc. Khi xưa, khắp vùng là những cánh rừng thưa cùng một dòng suối lớn. Giặc tràn sang đây, dựng lều ở nhung nhúc như chuột. Dân trong vùng không ai dám đi qua. Rồi chúng kéo nhau đi cướp bóc, chặt đầu đàn ông, cưỡng hiếp đàn bà… khiến người dân khiếp sợ kéo nhau đi nơi khác. Bẵng một thời gian, người trong vùng không thấy lửa khói nữa. Họ tưởng giặc đã rút, bèn đến tận nơi thì thấy tất cả đã là một hồ nước mênh mông. Trên mặt hồ, xác giặc chết nổi như thân chuối, bốc mùi nồng nặc. Đến thời Pháp thuộc lại có chuyện một bọn Tây, Đầm đú đởn, rủ nhau vào tắm khỏa thân, mãi không thấy lên, người ta vào tìm thì chỉ thấy quần áo trên bờ. Sau này, Hồ Bầu cũng là nơi cho những kẻ oan ức, thất tình tìm đến. Đời là thế, cùng quẫn sinh ra liều. Chọn nơi hoang vắng mà quyên sinh kể ra cũng hợp. Này thì ngăn với chả cấm này! Này thì nợ với chả nần này! Kẻ quẫn chí dùng một hòn đá to, tự buộc vào cổ mình. Trèo lên một mỏm đá cao. Thùm một cái. Ba ngày sau nổi phềnh lên. Hết buồn. Hết khổ… Từ đó, người ta đồn rằng Hồ Bầu có nhiều ma. Ma cụt đầu từ dưới hồ nhảy vọt lên đuổi người giữa ban ngày. Ma cái còn gọi là “con bún” nằm trên cây rũ tóc trắng như sợi bún quấn vào cổ người qua đường. Ma đực cởi truồng, chiều chiều đến tắm thùm thùm, cười hô hô, trồng cây chuối trên mặt nước. Vì thế không ai dám ăn cá, uống nước Hồ Bầu đã đành, ngay cả nước tưới ruộng cũng không dám dùng. Họ sợ ma quỷ sẽ theo đó mà về nhà mình.
Duỗi thẳng người trên chiếc ghế nệm êm ái. Tụ khoan khoái vươn vai tận hưởng bầu không khí thanh sạch gần như tuyệt đối, một đặc sản của Hồ Bầu. Hắn với tay châm một điếu thuốc lá, ngửa cổ phả ra một làn khói thơm ngát. Có thế chứ! Tụ thầm nghĩ và bất giác nhếch mép nhớ đến cuộc thương lượng với Phong “híp” hồi nãy ở nhà hàng đặc sản. Được sự ủy thác của ông chủ ngoại quốc, Phong “híp” đã đồng ý nhận lại khu nghỉ dưỡng Hồ Bầu với giá cả trăm ngàn đô. Vài trăm triệu đô tiếp theo sẽ được chuyển đến khi các thủ tục thuê mướn hoàn tất. Chủ của Phong “híp” muốn sở hữu toàn bộ khu vực Hồ Bầu để thực hiện một dự án khổng lồ. Tụ cùng cánh quan chức sở tại ăn cả hai mang. Chúng vừa được đút túi khoản lót tay, lại vừa có chân trong “hội đồng quản trị” với khoản thu nhập “khủng”.
Bầu không khí thoáng đãng êm ái giữa hồ nước về khuya làm Tụ thêm hưng phấn. Bất giác, Tụ mường tượng ra cặp vú trắng mọng, căng đến nứt khuy áo cùng đôi mắt đĩ thõa của ả tình nhân xưa từng làm người mẫu đang đợi hắn trên biệt thự. Hắn chết mệt khi gần gũi ả. Cách vuốt ve, làm tình điêu luyện. Kiểu uốn người quằn quại, luôn kèm với tiếng rên ư ứ. Tụ vơ chiếc điện thoại bấm gọi. Tiếc rằng chỉ có tiếng tút, tút. Khốn nạn! Ả đang bận son phấn hoặc đang làm gì đó. Không sao! Hắn tự an ủi mình và ngả đầu tợp một hớp rượu mạnh sau đắm chìm vào tiên cảnh giữa Hồ Bầu. Như để hòa theo, mặt hồ đung đưa, dậy sóng khiến chiếc thuyền lắc la, lắc lư như đang trôi vào miền cổ tích.
Hớp rượu làm Tụ tỉnh táo. Bỗng hắn thấy rùng mình bởi một cơn gió lạnh. Mặt hồ như có tiếng mưa rào, cùng lúc những giọt nước bắn tung tóe. Cái gì vậy? Tụ nhỏm dậy khỏi chiếc ghế, với tay bật đèn. Hắn ngạc nhiên nhìn thấy trong đêm, những làn sương mỏng manh như từ dưới đáy hồ chui lên, tỏa ra mù mịt. Cùng lúc, mặt hồ đen đặc như hũ nút vây bủa con thuyền làm ánh đèn pha bị chặn lại, tạo ra một quầng sáng ma quái. Có tiếng cá quẫy lách tách, loạch xoạch… sau lớn dần rộ lên từng đợt. Nhìn vào khoang thuyền, Tụ bất ngờ nhận ra dường như bị ánh sáng kích thích, vài con đòng đong, mại cờ nhảy vào khoang thuyền đang giãy giụa. Chỉ sau đó một lát, bụi nước lại tung tóe, khi liên tiếp từng loạt cá trắng phau ào ạt tung mình nhảy lên khỏi mặt nước. Tụ đực mặt, trố mắt trước màn sương khói mịt mùng. Nhìn bầu trời đen đặc cùng tiếng tôm cá nhảy loạn xạ, chừng như nhớ ra một điều gì đó, hắn chồm hẳn người lên, nhô đầu ra mặt hồ lẩm bẩm:
– Đêm nguyệt tận!
Xưa nay, không hiểu tại sao ở Hồ Bầu, nơi hoang vắng giữa bốn bề núi non hiểm trở lại có một sự việc lạ lùng như thế. Người ta cho rằng Hồ Bầu là do thiên tạo, có âm khí rất nặng. Nơi đây từng là mồ chôn giặc phương Bắc. Khi xưa, khắp vùng là những cánh rừng thưa cùng một dòng suối lớn. Giặc tràn sang đây, dựng lều ở nhung nhúc như chuột. Dân trong vùng không ai dám đi qua. Rồi chúng kéo nhau đi cướp bóc, chặt đầu đàn ông, cưỡng hiếp đàn bà… khiến người dân khiếp sợ kéo nhau đi nơi khác. Bẵng một thời gian, người trong vùng không thấy lửa khói nữa. Họ tưởng giặc đã rút, bèn đến tận nơi thì thấy tất cả đã là một hồ nước mênh mông. Trên mặt hồ, xác giặc chết nổi như thân chuối, bốc mùi nồng nặc. Đến thời Pháp thuộc lại có chuyện một bọn Tây, Đầm đú đởn, rủ nhau vào tắm khỏa thân, mãi không thấy lên, người ta vào tìm thì chỉ thấy quần áo trên bờ. Sau này, Hồ Bầu cũng là nơi cho những kẻ oan ức, thất tình tìm đến. Đời là thế, cùng quẫn sinh ra liều. Chọn nơi hoang vắng mà quyên sinh kể ra cũng hợp. Này thì ngăn với chả cấm này! Này thì nợ với chả nần này! Kẻ quẫn chí dùng một hòn đá to, tự buộc vào cổ mình. Trèo lên một mỏm đá cao. Thùm một cái. Ba ngày sau nổi phềnh lên. Hết buồn. Hết khổ… Từ đó, người ta đồn rằng Hồ Bầu có nhiều ma. Ma cụt đầu từ dưới hồ nhảy vọt lên đuổi người giữa ban ngày. Ma cái còn gọi là “con bún” nằm trên cây rũ tóc trắng như sợi bún quấn vào cổ người qua đường. Ma đực cởi truồng, chiều chiều đến tắm thùm thùm, cười hô hô, trồng cây chuối trên mặt nước. Vì thế không ai dám ăn cá, uống nước Hồ Bầu đã đành, ngay cả nước tưới ruộng cũng không dám dùng. Họ sợ ma quỷ sẽ theo đó mà về nhà mình.
Minh họa: Phạm Hà Hải |
Giai thoại về Hồ Bầu sau còn nhiều, nhưng không thể bỏ qua chuyện thường gọi là “đêm nguyệt tận”. Rằng cứ vài năm, hay vài chục năm. Một đêm nào đó, các loài cá sẽ trồi mình trên mặt nước đùa giỡn, nhảy múa và giao hoan, làm mặt nước hồ rộn ràng tựa tiên cảnh. Cá trong hồ rất nhiều loài quý, nhưng quý nhất là loài “chép ông”. Truyền rằng loài “chép ông” rất đẹp, vây dài tựa đôi cánh của chim, toàn thân đỏ tía như nhuộm phẩm. “Chép ông” là thuốc trường sinh, xưa chỉ để dâng cho bậc đế vương. Vây loài cá này dùng làm thuốc chữa bách bệnh. Uống rượu ngâm cặp mắt cá “chép ông”, đàn ông tuổi bát tuần vẫn mạnh mẽ nơi phòng the tựa trai trẻ…
Tụ là dân tứ chiếng, từ nhỏ đã theo cha làm nghề chài lưới nên bơi lội rất giỏi. Thời trai trẻ, hắn lười nhác lại ham mê cờ bạc, bỏ nhà lang thang sau phải ngồi tù. Trong tù hắn lừa đảo cán bộ coi trại, sau lại đánh người nên phải ngồi bóc lịch đến gần chục năm. Ngày ra tù, Tụ không về quê quán vì gia đình hắn đã tan nát mỗi người một ngả. Hắn lang thang ngoài thị xã kiếm việc làm thuê. Không cửa. Không nhà. Vất vưởng. Nhục hơn con chó! Một hôm ngang qua vùng này hắn bị cảm gió, lăn ra cạnh một cái quán ven đường. May mắn, đó là quán nước của một cụ ông phúc hậu có người con gái nhỡ nhàng. Cảm thương kẻ khốn nạn, cha con ông lão vực vào nhà phục cơm, thuốc mấy ngày trời. Ngày khỏi bệnh, thấy hắn như ngần ngại không muốn đi, lại rân rấn nước mắt kể lể hoàn cảnh của mình, có ý xin ở lại làm người ở để trả ơn cứu mạng, ông cụ chủ nhà động lòng thương bảo cứ ở lại vài bữa cho khỏe hẳn rồi tính sau. Thế là Tụ có nhà ở, cơm ăn. Thấy hắn nhanh nhẹn, khỏe mạnh, xốc vác công việc lại khéo tay, cô gái nhỡ nhàng động lòng yêu mến. Căn nhà xưa cô quạnh có Tụ bỗng ấm cúng rộn rã. Thời gian sau thì ông cụ kén ngày tác thành cho hai đứa nên vợ, nên chồng. Biết hắn có nghề chài lưới, nhà lại cạnh Hồ Bầu, ông bố vợ bỏ tiền mua thuyền, lưới cho hắn hành nghề. Ban ngày làm nương rẫy. Tối tối vợ chồng ríu rít ngược dốc lên Hồ Bầu, vợ cất vó, chồng thả lưới. Cá tôm kiếm được sáng hôm sau mang ra chợ bán. Gia đình đổi thay từ ngày Tụ về làm rể. Hồ Bầu tưởng dữ mà lành. Nước ngọt, cá tôm vừa nhiều vừa béo. Chẳng bao lâu kinh tế gia đình khá giả hẳn lên. Vợ Tụ xưa héo hon, sầu não, nay được anh chồng trẻ như mạ già gặp ruộng ngấu. Da dẻ mịn màng, phổng phao, chị chàng đẻ sòn sòn. Vài năm sau ông cụ mất, gia sản ấy thuộc về vợ chồng hắn. Căn nhà xưa được tu bổ khang trang.
Tụ lẻo mép, khéo nói, khéo quà cáp nên dần dà được lòng cánh chức sắc địa phương. Rồi Tụ trở thành cán bộ. Từ anh bảo vệ, sau hắn được người ta giao cho chức quản lí cả vùng Hồ Bầu. Và từ anh đội trưởng ngành nghề, hắn trở thành nòng cốt, phụ trách mấy chục công nhân chuyên trông coi và khai thác, quản lí hồ nước. Đời là thế, cái khuôn mặt đen quắt như ngón tay chéo, giờ bỗng phì độn. Ngồi trên ô tô vênh vang. Đôi mắt lé được nấp sau cặp kính trắng gọng vàng, nom lại sang. Cả cái dáng đi cun cút của anh chuyên đánh giậm cũng khác, giờ ục ịch bởi cái bụng chảy mỡ. Nom có tướng lắm. “Chào ông giám đốc nghỉ dưỡng!”. Dân trong vùng chào hắn thế.
Đời vậy mà hay. Thế mới biết ông trời cho ai, người ấy được. Dân trong vùng kháo nhau Tụ vớ được vàng… Ít người biết rằng Tụ đổi đời chỉ trải qua một “đêm nguyệt tận”.
Vào một đêm, Tụ một mình vác thuyền lên hồ đánh cá. Trời mùa đông gió lạnh hun hút. Mặt Hồ Bầu vắng lặng u tịch. Gỡ liền hai tay lưới vương chỉ được vài con đòng đong nhỏ, hắn thở dài định về thì mặt hồ bỗng dậy sóng. Sương mù mịt từ trên núi ùn ùn tràn xuống khiến mặt Hồ Bầu đen kịt. Như có một hiệu lệnh, cá lớn bé dưới mặt hồ nhất loạt lao lên, phơi mình trên mặt nước. Trong ánh sáng tù mù của cây đèn soi, Tụ nhận ra quanh chiếc thuyền câu cá to, cá nhỏ quẫy rào rào sau nhảy đè lên nhau như mưa sa. Chúng há miệng đớp khí trời, quấn lấy nhau sau tung mình nhảy vọt lên trắng cả mặt hồ đêm. Tụ run lên sung sướng khi nhớ rằng đây chính là thời khắc “nguyệt tận”, ngày lễ hội của tôm cá Hồ Bầu trong truyền thuyết xưa. Tụ cuống cuồng vung vợt chọn những con to nhất, hối hả quăng lên thuyền. Kì lạ thay, lũ cá dường như không sợ. Chúng vẫn nhảy đè lên nhau, ve vẩy đuôi như thể tự nguyện hiến thân cho đến khi sương mù tan dần lúc trời rạng sáng.
Trong số cá lớn nhỏ béo mũm, vàng ươm, còn có một con cá lạ, toànthân đỏ rực với cặp vây dài như cánh chim. Vợ Tụ kinh hãi la lên:
– Thả ngay “cụ” xuống! Tai họa bây giờ… Trời ơi… cá “chép ông”…
– Cái gì!… Câm mẹ cái mõm mày đi! Đúng là cái óc đàn bà.
Tụ chửi.
Hôm ấy, hắn mang mẻ cá ra ngoài thành phố bán cho một nhà hàng. Ông chủ mua tất cả chỗ cá, trả cho một xấp tiền mới. Người chủ nhà hàng sau đó đặt tiền trước, giao kèo rằng hễ đánh được cá thì phải mang đến bán tại đây. Duy con cá lạ Tụ vẫn thả trong bể nước chưa bán. Nhưng khi được mời bia rượu, hắn cao hứng kể chuyện. Chủ cửa hàng lập tức điện thoại cho ai đó. Ngay chiều hôm ấy, mấy chiếc xe hơi đen bóng tìm đến nhà Tụ. Những vị khách sang trọng cùng những kẻ đầu trọc, kính đen nom rất hãi. Trong đó có Phong “híp”. Sau này Tụ mới biết rằng đó là những kẻ giàu sụ và đầy quyền lực. Họ đến đòi xem cá “chép ông”. Trái với vẻ bề ngoài cộm cán, những người này ăn nói rất nhẹ nhàng, từ tốn. Họ lơ đãng nhìn cá “chép ông”, sau chụp ảnh rồi lặng lẽ ra về.
Hôm sau Phong “híp” lại đến. Y bảo muốn mua con “chép ông”. Món tiền lớn quá làm Tụ hoa mắt, hắn đồng ý bán. Phong “híp” bảo Tụ kí nhận vào một tờ giấy, giao tiền và cho người mang cá đi. Vợ Tụ thấy vậy cũng lặng lẽ gật đầu, sau xuống bếp làm cơm tiếp khách. Hóa ra Phong “híp” cũng hiền. Anh ta vừa ăn uống, vừa bày cách cho vợ chồng Tụ quản lí và dùng món tiền lớn. Sau lại hỏi han kĩ càng nơi bắt được “chép ông”. Vợ chồng Tụ mới đầu còn e ngại nhưng sau thì cao hứng, cướp lời nhau kể ra tuốt tuồn tuột. Phong chăm chú nghe, sau khuyên hãy giữ kín chuyện đừng cho ai biết. Ít lâu sau, Phong lại đến chơi, nói rằng muốn kết nghĩa anh em với Tụ, lại nhỏ to bày cách hối lộ quan chức sở tại, xin được độc quyền cai quản, khai thác Hồ Bầu.
Việc ấy dễ. Lập tức Phong “híp” và đồng bọn kéo đến mang theo thuyền máy và lưới. Các kiểu đánh cá cổ điển và tân kì được chúng thi thố. Quả không sai. Cá Hồ Bầu được khai thác ngày đêm. Những chiếc xe tải rồ máy chở cá về thành phố. Tiền và tiền. Món tiền lớn ấy được chia chác sòng phẳng sau khi dành phần cho quan thầy. Nhưng tham vọng của chúng không chỉ có vậy. Mục tiêu của phong “híp” là lùng bắt “chép ông”. Sau là xác định nơi “chép ông” cư ngụ. Điều ấy những kẻ như Tụ không hay biết. Bởi nơi “chép ông” xuất hiện chính là huyệt đất. Phong “híp” là một kẻ bí hiểm. Hắn đến từ đâu, làm việc cho ai, ai đã mua cá “chép ông”… tất cả những việc ấy không một người nào biết. Chỉ thấy hắn rất nhiều tiền.
Không bắt được “chép ông”, nhưng Tụ và đồng bọn của Phong “híp” không nản chí. Khi nghe Tụ kể chuyện “đêm nguyệt tận”, chúng biết chắc chỉ có thời khắc ấy “chép ông” mới xuất hiện. Tuy ngày nguyệt tận diễn ra hàng tháng, đều đặn, và sương mù trên mặt hồ ngày nào cũng có, nhưng khoảnh khắc sương mù mịt vào canh ba, mặt hồ tự bốc khói quyện vào sương mù trên núi thì hiếm gặp. Các cụ truyền rằng có thể một năm, cũng có thể một đời người mới có một lần. Không chịu bó tay, Tụ và cánh Phong “híp” bàn nhau tạo ra cảnh sương mù để lừa bắt cá “chép ông”. Ít ngày sau, những chiếc xuồng nhỏ được chở đến cùng các thiết bị chuyên dụng để thực hiện mưu gian.
Một đêm, mặt Hồ Bầu tối đen như mực. Hiệu lệnh phát ra. Những chiếc xuồng nhẹ nhàng xuất phát, kéo theo các máy phun khói nhân tạo. Chúng chạy thành hàng, lớp quanh hồ. Gần như cùng một lúc, những đống lá mục khổng lồ được chuẩn bị sẵn trên bờ hồ cũng được đốt lên, phả khói cuồn cuộn một góc trời. Hồ Bầu chìm trong làn khói mù mịt. Quả nhiên chỉ một lát sau, mặt nước hồ lay động. Lũ cá bị làn khói sương ma mị đánh lừa. Cá lớn, cá nhỏ bơi quấn lấy nhau thành từng đàn, sau lao lên khỏi mặt nước, từng hàng, từng lớp. Chúng nhảy múa, há miệng hớp những làn khói bay là là trên mặt nước. Đó là lúc những chiếc thuyền lặng lẽ thả lưới. Lưới mau, lưới thưa. Lưới vét, lưới quây. Vòng trong, vòng ngoài. Không một con cá nào thoát được. Người ta dồn lũ cá vào ven bờ, dùng chao, vợt hất chúng lên lồ, sọt và mủng, sau chất lên xe chở ra thành phố.
Tìm ra bí quyết của “đêm nguyệt tận”, liên tiếp những ngày sau đó phun khói giả, quây lưới được lặp lại. Nhưng theo quy luật tự nhiên, lượng cá giảm dần. Sau thì cách này phải bỏ, hoặc cá trong Hồ Bầu đã hết. Vậy mà tuyệt nhiên không thấy cá “chép ông”. Mục đích của Tụ cùng Phong “híp” chưa thành, chúng liền dùng kế khác. Hàng trăm chùm lưỡi câu vướng đa năng được thả xuống. Tầng cao, tầng thấp, di chuyển khắp mặt hồ. Tiếp đến, thiết bị “rà điện liên hoàn” làm việc suốt ngày đêm. Và sau cùng là những thỏi thuốc nổ được lùa vào các hang, hốc đá dưới mặt nước, nơi nghi ngờ có “chép ông” ẩn náu. Khi đó Hồ Bầu rung chuyển dữ dội. Mặt nước xưa trong văn vắt thành đen đặc tro than, khét lẹt mùi thuốc súng. Cá tôm bị điện giật chết nổi lềnh bềnh trắng mặt nước, bốc mùi tanh tưởi. Quạ từng đàn đen kịt đậu kín các ngọn cây ven bờ kêu quàng quạc thê lương. Cá “chép ông” biến mất! Kế hoạch thất bại. Phong “híp”cùng đồng bọn bỏ đi, để lại một đống sắt hoen gỉ cùng mặt nước hồ nổi váng gạch cua, đỏ như máu. Tuy vậy y nói sẽ trở lại khi có cơ hội.
Một thời gian sau y đã đến. Phong “híp” mang theo một dự án chưa từng có về vùng đất Hồ Bầu. Theo đó, một con đường phẳng lì, bóng nhoáng sẽ được mở, chạy quanh hồ. Vùng đất này được quy hoạch thành khu du lịch. Bên trái vùng núi đá hoa cương sẽ được xây thành khu du lịch “tâm linh”, với các đền chùa, miếu mạo. Khu trung tâm, tức bên còn lại bao gồm các nhà hàng, khách sạn, khu giải trí, hội họp sang trọng, có thể thu hút nhiều triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan và nghỉ dưỡng. Tiền sẽ thu về như nước. Cư dân trong vùng có đất nằm trong quy hoạch sẽ được bồi thường thích đáng. Nếu có nhu cầu lao động sẽ được nhận vào làm việc với mức lương thỏa đáng.
Riêng diện tích mặt hồ là điểm nhấn quan trọng nhất. Đây là nhân tố quyết định dẫn đến thành công của “siêu dự án”. Theo thiết kế, Hồ Bầu sẽ có một chiếc cầu vắt ngang chính chỗ vùng thắt của “quả bầu”. Đây là cây cầu ba tầng siêu hiện đại với một tầng ngầm dưới nước. Bám vào cầu là các nhà hàng chìm, nổi và lơ lửng trên không. Mặt Hồ Bầu được ngăn bởi lưới sắt, tạo ra những khu giải trí đa dạng. Mặt nước được nhuộm bởi hóa chất tạo màu đặc biệt, thay đổi theo thời tiết, về đêm sẽ trở thành tiên giới. Phần hồ còn lại sẽ trở thành vương quốc cá sấu, cùng các loài thủy quái dành cho nhu cầu du lịch mạo hiểm… Hồ Bầu sẽ trở thành một kì quan bậc nhất. Nó phục vụ được tất cả mọi người với tiêu chí “rẻ nhất, đẹp nhất, sướng nhất”. Một dịch vụ hoàn hảo dành cho cả linh hồn và thể xác.
Tụ trúng quả lớn. Phong “híp” đúng là thần tài của hắn. Vừa ẵm số tiền lớn, tài sản đất đai còn nguyên lại trở thành “thành viên sáng lập” trong hội đồng quản trị. Giờ chỉ còn việc nhét vào họng “lão khọm” một khoản. Để lão cùng đồng sự hoàn tất thủ tục. Sau đó tung hô trên mặt báo, đài như một kì tích lớn về một mô hình cần học tập và nhân rộng. Điều ấy dễ, bởi lão ta sắp về hưu, đang sống gấp. Tiền và gái, hai thứ ấy bảo gì lão chả nghe.
Lúc này, Tụ đứng ngây người trên thuyền, tận hưởng vì lạc vào “đêm nguyệt tận” thuở nào. Hắn thầm nghĩ và thương hại cho tôm cá ngây thơ đã bị hắn cùng Phong “híp” làm giả sương khói đánh lừa. Đời là thế, “khôn sống, mống chết”, Tụ tự nói với mình. Hắn với tay lấy chai rượu quý, nhấp một ngụm và khởi động máy. Chiếc thuyền máy rung lên, một vùng hồ bừng sáng trong lớp sương mù như cảnh dưới thủy cung. Thuyền từ từ rẽ nước, đưa ông chủ về biệt thự, nơi người đẹp đang chờ.
Nhưng kìa… Tụ ngạc nhiên thấy dưới sàn thuyền, lũ tôm tép vẫn tanh tách nhảy. Sương mù như đặc quánh bốn bề. Thật bất ngờ, một loạt cá nữa từ mặt nước tối sẫm cùng lúc tung lên, rơi xuống sàn thuyền. Chúng không giãy giụa, nhưng lại ve vẩy đuôi. Trong ánh đèn, các cặp mắt cá như lóe sáng. Một loạt nhảy nữa, Tụ kinh hãi nhìn vào khoang thuyền giờ đã đầy ắp cá to cá nhỏ. Chiếc thuyền đã “đằm”! Chỉ một chút nữa là nước sẽ tràn vào. Có thể hắn dự cảm được điềm chẳng lành, nên với tay ga tăng tốc.
Nhưng không kịp! Mặt nước hồ đã sùng sục, sôi lên. Dường như tất cả cá tôm, hay đúng hơn là tất cả những sự sống dưới hồ trước vòng tuyệt diệt bèn gọi nhau thí mạng, quyết dùng cái chết để tìm cơ hội sống. Bất ngờ nhất, một đàn cá khổng lồ, toàn thân đỏ rực với đôi vây dài như thể đôi cánh chim theo một hiệu lệnh nào đó, nhất loạt bay vọt lên thuyền.
Cá “chép ông”! Tụ kinh hoàng thét lên trong lúc nước xối xả ập vào khoang thuyền. Động cơ kêu ằng ặc rồi im bặt. Đèn điện tắt ngóm. Chiếc thuyền quay tròn và lật úp. Mất đà, đầu Tụ đập mạnh vào một vật cứng nào đó khiến hắn nổ đom đóm mắt. Hắn cuống cuồng, quờ quạng sau rúc đầu vào mớ dây cước và lưỡi câu bùng nhùng. Tụ giãy đành đạch. Nhưng càng giãy, mớ dây cùng lưỡi câu càng cuốn chặt. Chiếc thuyền máy như một cỗ quan tài sắt chìm nhanh xuống mặt nước đen ngòm…
Ngày hôm sau, người ta lôi xác Tụ lên khám nghiệm, sau đào lỗ, chôn hắn cạnh Hồ Bầu. Dân trong vùng được một phen bàn tán xôn sao. Một số người chép miệng tiếc rẻ: Tiền của thế mà chết, thật phí! Nhưng đa phần người ta chửi hắn là đứa phản phúc, đểu giả… thế mới đáng đời.
Tụ chết, Phong “híp” cũng biến mất. Cũng như lúc đến, ngoài những lời hứa hươu, vượn, hắn chẳng để lại một cắc nhỏ. “Dự án Hồ Bầu” bị hủy vì thiếu “luận chứng kinh tế”. Nhưng nghe nói thỉnh thoảng vẫn được lôi ra “thảo luận, khởi động”, đại để nó vẫn nhùng nhằng cho đến tận hôm nay.
Văn Thành – Văn nghệ Quân đội