ĐÊM NGUYỆT BẠCH

Truyện ngắn Lê Trâm

Cây nêu chiếm một khoảng không gian rộng lớn, nổi bật giữa gần hai chục cây nêu của nhiều dân tộc ở các tỉnh tụ về lễ hội. Trên cây trụ nêu cao vút trời được trang trí nhiều vòng với các họa tiết đẹp mắt còn có hình tượng cặp “ta-cooi” gắn lên thân nêu. Cặp “ta-cooi” được ví như cánh tay giương cao của người phụ nữ trong điệu múa da dá, thể hiện niềm tin và ngưỡng vọng của người Cơ Tu với trời đất. Trên cặp “ta-cooi”, những họa tiết được vẽ kiểu hoa văn thổ cẩm nhiều sắc màu khiến cây nêu thêm ấn tượng. Gần ngọn nêu là các họa tiết hình chữ nhật, hai đầu nối với hình trụ của nêu, tượng trưng cho cối và chày trong đời sống sinh hoạt của người vùng cao. Chiếc apác được kỳ công bởi những hình tượng con rồng và các họa tiết về loài hoa rừng rực rỡ, ví như sắc đẹp quyến rũ của người phụ nữ Cơ Tu. Trên đỉnh ngọn nêu có vòng p’pa, nơi để già làng ném lễ vật linh thiêng khi kết thúc lễ hội, hàm ý cầu trời đất ban điều lành cho làng. Khác với nhiều cây nêu của nhiều dân tộc, sự hoành tráng của cây nêu được tôn lên nhờ hai đ’đoong bằng tre trồng từ hai phía và được buộc vào đỉnh cây nêu tạo nên vòng cung mềm mại, duyên dáng cho cây nêu đồng thời cũng tạo ra không gian rộng lớn bên dưới, nơi sẽ tổ chức lễ hội. Nghi thức dựng nêu đã đến hồi cao trào. Già làng tung chú gà trống, là vật thiêng của nghi lễ, lên giữa vòng p’pa. Tiếng hú, tiếng hò reo đan xen nhau. Tuấn đảo mắt nhìn về phía tiếng chiêng rộn ràng, nói một mình: “Đến múa ting tung, da dá rồi!”. Đám trai gái nương theo tiếng chiêng đan dày khắp khu vực hành lễ. Bọn trai tráng mặc khố thổ cẩm vai khoác tấm choàng cũng được dệt bằng thổ cẩm. Hai chân lết trên nền đất, tay cầm khiên, tay cầm giáo, mác, dụ hoặc ná. Những bước đi hùng dũng cùng đôi tay phất lên chen lẫn tiếng hú vang rừng núi, thể hiện sức mạnh của mình. Không khí chừng như chững lại khi tốp nữ theo điệu múa da dá cuốn vào sân mang theo những động tác dâng lễ vốn được ra đời từ xa xưa. Bọn con gái mặc váy ngắn kèm áo a doót thổ cẩm nhiều hoa văn sặc sỡ những sắc màu, cổ đeo vòng cườm hoặc mã não. Vũ đệu “hương đất dâng trời” với hai tay đưa lên ngang vai, cánh tay vuông góc song song với thân mình, bàn tay ngửa, thẳng ngón về phía sau thể hiện sự mừng rỡ đón nhận vật thiêng già làng vừa ném lên, mắt nhìn thẳng, miệng luôn tủm tỉm cười, chân đi trần nhón gót lên lết tròn ngược kim đồng hồ. Những đôi chân khoan thai, thẳng nuột cùng đôi tay như hai cánh sen, bàn tay đưa ngả về phía sau như muốn chống cả bầu trời, giống đôi sừng trâu biểu tượng hiến tế của người Cơ Tu. Đang chăm chú theo dõi Tuấn chợt sững người. Một dáng uốn cong như hình ngọn lửa trôi qua trước mắt anh. Hai tay người nữ như được mọc ra từ khu tháp cổ đang nở ra, nở ra những búp sen thon thả, cuốn theo những làn sóng gợn lên bắt đầu từ đôi chân, lướt qua mông đùi, rồi vòng eo thon thả, lướt qua vòm ngực nở nang như muốn làm bật tung chiếc áo váy. Những con sóng cuộn lên, cuộn lên rồi nở ra mãi theo nhịp chiêng cùng nhịp chân miết trên nền đất, thành những búp sen nuột nà in lên nền trời trong trẻo. Một bóng dáng quen thuộc dội lên trong lòng Tuấn khiến anh thấy rưng rưng, cứ muốn ứa nước mắt. Anh lấy tay chặn nhẹ lấy ngực mình….

*

Ánh ngày bị giữ lại trên những tán lá rậm rạp nên chiều ở rừng thường xuống rất sớm. Tuấn cố hết sức bò ra mép suối, hi vọng sẽ gặp được người. Và anh bất ngờ ngớ người trước cảnh tượng kì diệu đang bày ra trước mắt mình. Từ vách đá dựng đứng chắn ngang con suối, nước đổ xuống ầm ào như một dải cung bạc, lấp lánh cầu vồng đủ sắc màu. Hơi nước mờ mờ ùa theo hướng dòng chảy phả ra lạnh ngắt. Tuấn rùng mình, không thể tin ở mắt mình. Bóng một cô gái nhòa tan rồi hiện ra rồi lại nhòa giữa màn nước trắng xóa. Thân thể cô gái ánh lên trong nắng chiều muộn, lóng lánh sáng. Mái tóc dài nửa ép theo dòng nước nửa bay tung theo chiều gió. Những đường cong tuyệt đẹp ẩn hiện sau làn nước. Cứ hệt như là tượng vũ nữ Trà Kiệu vậy! Từng cử động duyên dáng khiến những đường cong chừng như mềm mại hơn. Dù đã gần kiệt sức Tuấn vẫn cố rướn người để nhìn cho rõ. Nhưng cứ thấy bất lực… Thân xác rã rời, Tuấn không biết mình đang suy nghĩ bằng đầu óc hay chỉ là ảo giác nữa. Bóng cô gái thì cứ chập chờn rồi nhòa đi. Cổ khát cháy, Tuấn cố hết sức tàn bò ra sát mép nước. Bảy thước, sáu, năm… Anh thiếp đi rồi lại bừng tỉnh. Cô gái vẫn không hay biết gì cứ hồn nhiên nghịch nước. Ngẩng mặt, hai tay đưa lên cao đón dòng nước đang ào ạt đổ xuống. Bụi nước bắn tung như pháo hoa. Nghịch chán, cô co một chân tựa người lên mấy ngón của bàn chân còn lại và xoay tròn. Những tia nước xòe ra như chiếc váy ôm trọn tấm thân lõa thể óng ả. Cô càng xoay nhanh chiếc váy bạc càng xòe rộng thêm, vô cùng kì ảo. Chừng như thích thú cô gái bỗng cười vang. Tiếng cười dội vào vách đá, vào không gian yên ả nghe trong vắt. Tuấn bỗng nhận ra một nghịch cảnh oái oăm, ở cô ấy là sức sống kì diệu còn ở anh là cái chết đang kề tận cổ. Liệu có nên kêu lên không…? Mà anh thì không thích xóa đi hình ảnh và giây phút kì diệu không dễ có được này cho dù phải trả giá khá đắt. Anh là ai? Một kẻ quá chán đời và bỏ lên núi đi tìm trầm, phó mặc sinh tử cho núi rừng thì có gì mà phải níu kéo? Mọi thứ đã khép lại phía sau lưng mình rồi, níu kéo nữa làm chi? Đói, lang thang, cuối cùng dạt lên rừng vắt kiệt sức mình cho những chuyến đi rủi nhiều hơn may. Lúc túi rủng rỉnh tiền thì lại lao vào ăn chơi, nhậu nhẹt, phá phách. Rồi cũng chẳng hơn gì. Lại bất mãn, chán ngán đến ứ người. Tiền bạc vung vãi qua các nhà hàng, các động bãi ăn chơi lại quay về với đói rách, lại lang thang và tiếp tục cuộc chơi đầy mạo hiểm…

Cơn sốt làm Tuấn mệt nhoài. Như chỉ còn chút hơi tàn nơi cuống phổi. Lồng ngực như đã rỗng không. Mà sao thân thể lại nóng bừng bừng rồi rét đến cứng người thế này? Ai đó lăn giùm tảng đá trên ngực cho ta đi. Mà sao phải sợ chết nhỉ? Mình đã chết từ lâu cơ mà, từ những ngày đói rách lang thang mất hết niềm tin chứ đâu cần đợi đến tận bây giờ? Bỗng nhiên tất cả trở nên im ắng lạ lùng. Tuấn đi vào cơn mê muội. Mong sao khi ra đi có được tiếng chim rừng đưa tiễn. Mong có được chút âm thanh dịu dàng của rừng để bớt đời hẩm hiu. Rừng bỗng như bừng tỉnh. Mà sao chỉ có tiếng thác, tiếng thác ầm ào… Không chịu đựng nổi, Tuấn gục đầu lên đám lau, mê đi. Rừng cây xanh lá muôn đóa hoa mai mừng đón xuân về…[1].

Chùm âm thanh trong trẻo bất chợt rung lên như được gieo xuống từ vùng không gian cao rộng trên kia. Tiếng hát như muốn át đi tiếng suối rì rầm, tiếng thác gầm réo. Thứ âm sắc nhọn hoắt như muốn đâm toạt vào màn âm thanh trầm đục vang lên từ ngọn thác dữ dằn. Tiếng hát nhẹ tênh bốc lên, lan tỏa. Rừng như sáng hơn. Tuấn có cảm giác như cái chết đang đến rất gần. Tiếng hát ngân lên đúng như lòng mong đợi của mình đây mà. Anh cảm thấy sung sướng và thân thể tựa như nhẹ dần. Và, anh bay lên. Trước anh, tấm thân óng ả như dải lụa nuột nà cũng đang bay lên, như dẫn đường. Anh đưa hai tay ra phía trước, vẫy vẫy…

Chỗ Tuấn trườn đến mép đá bắt đầu thoai thoải. Hai tay anh cấu vào đất đá, người trườn tới, từng tí một. Bỗng anh thấy hụt hẫng, chới với. Anh lăn ùm xuống suối. Bản năng thèm được sống thúc giục anh mở miệng kêu cứu nhưng không thể, chỉ có những ngụm nước thay nhau ùa vào miệng… Phía xa xa, nghe tiếng động, cô gái bất chợt giật mình, hoảng hốt nhanh chóng biến vào sau đám lau cao ngập đầu…

*

Tấm đá đang đè nặng trên ngực Tuấn như vừa được ai dỡ đi. Anh thấy nhẹ người hẳn. Tuấn mở mắt cố làm quen với cảnh vật xung quanh một cách khó khăn. Bằng cách nào anh đã lọt vào căn nhà lợp lá, thưng ván này? Ánh đèn leo lét không đủ soi sáng hết căn nhà. Anh vừa được một người Cơ Tu nào cứu ư? Nhưng sao có vẻ gì đó gần gũi, quen thuộc như nhà của một người Kinh? Một cái bóng tóc dài in trên vách khiến anh chú ý. Anh nghiến răng cố chịu đau để trở mình. Một cô gái đang ngồi viết trên chiếc bàn con cạnh cửa sổ trông ra vườn gần chiếc giường anh đang nằm. Cô gái trông có vẻ nhỏ nhắn trong chiếc váy ngủ màu tím phớt, trông quen quen. Mái tóc dài mượt đổ tràn trên vai, trên lưng bồng bềnh. Tuấn chợt có cảm giác như đang ngắm tấm thân óng ả nơi ngọn thác khi chiều. Và anh chợt hiểu. Khi anh trở mình lần thứ hai thì cô gái quay lại, reo lên:

– Ô, anh tỉnh rồi! Vậy mà anh làm em hết hồn!

Tuấn ngỡ ngàng nhìn đôi mắt đen, sáng và khuôn mặt xinh xắn. Đúng là cô ấy rồi. Chỉ có khuôn mặt ấy, khuôn mặt mà anh đã hình dung, mới hợp với cô!

– Tôi… mà sao tôi lại ở đây thế?

 Tuấn nhổm dậy. Cô gái ngăn lại:

– Khoan, anh cứ nằm đi cho khỏe đã! – Cô gái cười cười – Em… lượm anh ngoài suối Cxêê Abướp[2] về đấy! Anh sốt cao quá cứ nói mê miết làm em sợ khiếp. May mà em còn ít thuốc sốt rét chứ không có thì nguy to rồi!

Tuấn nhìn xuống ngực mình. Áo quần vẫn chưa kịp khô. Tấm chăn mỏng đắp ngang ngực không giấu hết cái mùi khó chịu bốc lên từ người anh. Cô gái có vẻ lúng túng với cảm giác thiếu chu đáo của mình, mặt đỏ lên:

– Em… xin lỗi! Nhưng mà… chịu thôi!

Tuấn đánh trống lảng:

– Cô… là… người Kinh à?

Cô gái lúc lắc đầu, cười:

– Chứ anh bảo em là… người gì nào?

Thấy không tiện nên Tuấn chỉ cười không hỏi gì thêm. Cô gái tiếp lời:

– Nhưng mà anh biết đây là đâu không?

Tuấn lắc đầu.

– Không à? Là làng Da dá! Anh đang ở nhà của giáo viên đứng điểm trường lẻ đó!

Da dá? Cái này thì Tuấn biết, một điệu múa của con gái Cơ Tu. Anh ngơ ngác bật thành tiếng:

– Bản mang tên một điệu múa à?

Mắt cô gái sáng lên:

– Anh cũng biết hả? À quên, dân địu[3] mà, cái gì chẳng biết!

Tuấn bỗng nhớ đến những lần lễ hội đâm trâu anh từng dự, với lửa ấm và tưng bừng ting tung, da dá. Cũng gần tới mùa lễ hội rồi…

Anh dịu giọng:

– Mà… cũng gần tới Tết rồi! Sao cô chưa về quê?

Cô gái cúi đầu, giọng trầm hẳn xuống:

– Nhà em đâu còn ai để về, anh!

– …?

– Chỉ một trái pháo trăm lẻ năm vu vơ của tụi Đại Hàn nhà em chỉ còn lại mỗi mình em! Mới tí tuổi đầu đã phải ở nhờ hết nhà người này đến nhà người khác rồi. Vất vả thời gian khá dài, cuối cùng em về ở với ông chú họ, đi học sư phạm rồi lên đây. Ông chú em mất năm kia. Bây giờ em chẳng còn ai thân thích. Với lại, dân làng muốn em ở lại ăn Tết cùng họ. Mọi người ở khu nội trú này về hết từ tuần trước rồi, chỉ còn lại mình em.

Cô cười:

– Nếu anh… định làm gì em thì… – Cô lắc đầu, ngước mắt lên nhìn Tuấn – mà xấu như em ma nó thèm, anh hả? Sợ gì… – Cô gái bộc bạch nỗi lòng không chút kìm nén. Có lẽ sự cô đơn đã ám ảnh cô quá lâu rồi…

Tuấn im lặng chia sẻ nỗi buồn cùng Hạnh – tên cô gái. Anh bỗng thấy thương cô rồi lại nghĩ về thân phận mình. Có thực đời anh cũng gặp toàn bất hạnh như Hạnh không? Khi mới làm cán bộ kĩ thuật của hợp tác xã, Tuấn cũng hăm hở như hồi mới vào bộ đội. Thử xem môi trường mới thế nào? Hai mùa lúa, hợp tác xã làm ăn trầy trật. Tuấn cảm thấy có điều gì đó không ổn trong cách tổ chức hợp tác xã nơi vùng anh ở – cái miền cận sơn đất đai vô cùng phân tán đó. Quản thì quản không hết, làm thì làm không nổi, chẳng đến nơi đến chốn. Ban quản trị không điều hành nổi công việc, xã viên ưng làm chi thì làm. Họ thấy hợp tác xã làm ăn không ra gì nên một số chán nản rủ nhau vào núi kiếm sống. Tuấn bắt đầu chán và rồi bản tính bướng bỉnh nơi anh bắt đầu trỗi dậy. Cái mùa lúa ấy nắng suốt tháng, lúa trơ thân phơi nắng đã đến độ kiệt sức. Thêm bọ xít ùa tới cùng khắp. Sau ba ngày lội quanh các cánh đồng, chịu không nổi, Tuấn xộc vào nhà chủ nhiệm. Ông ta đang lúi húi bên chiếc cát-xét hình như mới mua về.

– Nắng cháy khô hơn mấy chục héc ta lúa rồi chú Bảy, tính sao đây?

Ông chủ nhiệm vẫn không ngẩng đầu lên, tay chọc chọc chiếc tuốc-nơ-vít vào thân máy, thờ ơ trả lời Tuấn:

– Héo hả? Thì… tát nước lên! Có thế mà cũng hỏi! Ngu thế?- Lão nói như quát.

   Tuấn giận run trước sự hời hợt vô trách nhiệm của tay chủ nhiệm. Sao ở đâu cũng gặp cái kiểu người như tay đại đội trưởng đại đội anh vậy, cái tay ngu dốt chỉ giỏi nướng lính bởi thói bảo thủ của mình? Mẹ nó, làm sao tát cho nổi mấy chục héc ta đất nứt nẻ trong tình cảnh nước vét từng giọt như thế này? Xin tiền mua mấy chiếc máy bơm thì đơn từ còn lơ lửng tận đâu trên huyện trên tỉnh. Mà có ai thiết tha gì với cái hợp tác xã nghèo nàn này đâu mà ra sức chạy vạy? Tức quá, Tuấn đấm tay xuống bàn làm chiếc cát-xét nảy tung lên. Tiếng máy kêu lọc xọc như heo bị chọc tiết.

– Mẹ kiếp, chủ nhiệm cái giống gì ông? Tôi đếch thèm làm nữa xem ông còn dựa hơi thằng nào?

Tuấn ào ra như cơn lốc, đến cửa còn ngoái lại, gầm gừ:

– Ông liệu hồn đấy. Dân mà bị đói có ngày họ treo cổ ông lên ngọn tre, liệu cái thần hồn!

Tuấn bỏ đi thật. Đúng như anh dự đoán, năm ấy đói từ làng trên tới xóm dưới. Xã viên chửi cán bộ hợp tác xã như muốn xúc c. đổ vào mặt, không bỏ việc mới lạ! Còn ông chủ nhiệm thì không bị treo cổ như anh dọa mà lại được điều lên huyện sau mấy vụ lèm nhèm ở hợp tác xã khiến dân kiện đủ ngõ. Không hiểu lên huyện ông sẽ “công tác” kiểu gì nữa?

Tuấn đi lang thang mấy tháng, Càng đi càng rách. Cuối cùng đành theo đám bạn nhập với bọn địu. Tuấn nghèo đến mức chẳng sắm nổi cho mình một chuyến đi núi. Anh đành phải đi tìm bọn lái, nhờ chúng chuẩn bị chuyến giùm. Nghĩa là bắt đầu “bán linh hồn” cho tụi nó. Một chuyến kể cả gạo muối để ăn đến bánh trái hoa quả cúng núi rừng có khi gần cả [4]. Anh thấy bị ép quá nhưng bí quá, đành liều. Cứ thế bọn anh bị cuốn vào cơn lốc trầm. Mà chuyến được, chuyến không, không thì luôn nhiều hơn được. Chuyện ngậm ngải tìm trầm vốn xưa như trái đất tưởng chỉ có trong ca dao, cổ tích giờ ám vào đúng anh. Chuyến nào trúng, dân địu vung tay tiêu thỏa thích. Ăn nhậu, chơi bời, bài bạc, gái gú… Chuyến nào tay không lại vay tiếp nợ bọn lái. Dân địu hợp thành từng băng. Băng gì băng chứ hễ ngồi vào sòng bạc là cứ tha hồ sát phạt, lột nhau đến tận chiếc quần lót! Tuấn mơ hồ cảm thấy càng làm ra tiền người cứ tha hóa dần đi. Mỗi chuyến đi là một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm. Chỉ cần lạc rừng hay vướng sốt rét là coi như đi đứt. Bao nhiêu hiểm nguy rình rập từng bước chân bọn Tuấn. Hồi đầu hè thằng Quý bờm bị rắn độc cắn phải nằm lại trên núi. Bọn cùng đi tìm mãi mới ra xác. Rồi cũng chỉ chôn qua quít trên rừng vì chẳng biết nó quê ở đâu để đưa về nữa. Mà tiền đâu để đưa về? Chuyện dân địu thanh toán nhau là chuyện thường ngày ở… rừng. Nên lỡ có nằm lại đâu đó trên rừng thì cũng… thường thôi! Năm ngoái, bất ngờ gặp một bộ xương co quắp giữa rừng Tuấn rùng mình giật thót khi liên tưởng đến một trong những cách chấm hết của đời mình. Ai mà biết được! Riết rồi Tuấn chả thiết tha gì nữa, được bao nhiêu nướng hết vào các chiếu bạc để khuây khỏa qua ngày đoạn tháng. Cái thị trấn miền núi nho nhỏ ven cửa rừng từng không ít lần lên cơn náo động khi có dân địu trúng mánh về. Mỗi kí trầm loại tốt giá mấy cây vàng, vớ phải kì nam chỉ tính bằng tiền tỉ. Có người trúng cả trăm kí. Số tiền vượt quá sức tưởng tượng của họ, dại gì không tiêu pha cho thỏa chí để bù lại những ngày khổ cực băng rừng lội suối. Có khi chuyến tới phải nằm lại vĩnh viễn trong rừng sâu cũng nên! Nên họ sống không cần ngày mai. Rất ít người nghĩ đến chuyện trúng to một chuyến rồi bỏ nghề, về quê làm ăn lương thiện. Họ không hề khôn ngoan và kĩ cơ như những tay lái trầm. Lần này nhẵn túi, Tuấn định đi chuyến cuối cùng trong năm cố kiếm chút đỉnh tiêu qua mấy ngày Tết. Đi mãi đến ngày thứ mười sáu vẫn chưa thấy gì, anh liều mạng tách bọn, theo đường khác. Tuấn đã phạm phải điều tối kị khi đi rừng! Càng đi chỉ gặp toàn những cây gió đã bị đốn hạ tự khi nào. Chắc tụi Phú Khánh hay Quảng Bình gì đó đã xuyên qua tận đây rồi! Tuấn càng đi càng mất phương hướng. Thất vọng, thêm ba ngày tìm đường về, đói như ma ốm. Đuối quá, anh lần lượt vất bỏ những thứ đem theo. Cuối cùng, chỉ còn đủ sức để bò đi, từng tí, từng tí một. Lại bị sốt rét quật… Sau này, anh đã kể lại với Hạnh như thế, có bỏ bớt chút ít về những lần ăn chơi trác táng của mình.

– Em lên đây đã hơn bốn năm. Lúc đầu chỉ mình em. Năm ngoái thêm con Hải. Nó về ăn Tết hôm hai mươi kia. Những ngày đầu buồn kinh lắm anh. Hơn hai tháng trời chẳng có ai qua lại. Khi đoàn kiểm tra của phòng giáo dục đến, em đã ôm các anh ấy mà khóc như trẻ con – Cô gái cười ngượng nghịu – Mới đó mà nhanh thật!

– Hạnh dạy học trò bằng tiếng Kinh hay tiếng dân vậy?

– Trước chỉ dạy tiếng Kinh, từ năm ngoái dạy thêm tiếng Cơ Tu. Học trò ở đây dễ thương lắm anh!

Cô gái lắc đầu, hất mái tóc ra sau lưng. Tuấn hơi ngạc nhiên về sự thay đổi của mình kể từ lúc gặp Hạnh. Giá mà cô ấy gặp mình trong quán rượu… Có phải mình đã xấu xa đến hết thuốc chữa? Không, dù sao mình cũng còn có học, cũng từng muốn sống tốt hơn. Giá đời không có những người như tay đại đội trưởng, như lão chủ nhiệm. Giá tất cả đều dịu dàng như… Hạnh! Nhưng liệu rồi mình sẽ sống khác được hay không sau khi ra khỏi đây? Lại thấp thoáng trong đầu Tuấn hình ảnh cô gái tắm nơi suối khi chiều. Anh chỉ cần ngồi dậy và ôm lấy đôi bờ vai nhỏ bé kia. Rồi chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ? Cô gái sẽ ngả vào anh hay sẽ cho anh mấy cái tát? Cái thiện cái ác giằng xé trong anh. Nhưng mà anh cũng đã sợ lắm rồi những ngày tháng tăm tối. Có hiểu anh không Hạnh?

-Anh sao vậy? Đừng nhìn như thế… em… sợ!

Tuấn thở ra. Anh đã làm phiền Hạnh rồi. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu dân bản biết cô giáo đang ở chung nhà với một người đàn ông lạ qua đêm? Đi khỏi đây thì anh không còn đủ sức. Mà thực ra, lòng anh cũng chẳng muốn rời.

– Ở một mình Hạnh không sợ hay sao?

– Sợ chứ, anh! Nhưng mà… – Cô gái với tay chạm vào mảnh bom treo lủng lẳng gần bàn viết rồi đẩy nhẹ về phía Tuấn – Anh biết công dụng của cái này chứ?

Tuấn lắc đầu. Cô gái cười nhẹ:

– Dở thế, ông anh ngậm ngải tìm trầm! Là kẻng báo động đó! Có chuyện gì khẩn cấp em chỉ cần gõ mấy tiếng kẻng là có dân lên ngay. Họ quí em ngang bằng già làng đó. Xã còn cấp cho em cả… súng nữa kia…

Mắt cô gái chợt ánh lên đầy tinh quái:

– Anh mà… em sẽ đánh kẻng liền!

Tuấn giật mình, mặt đỏ lên. Anh nghĩ đến những ý định vụng trộm vừa lóe trong đầu mình. Giọng cô gái chừng như nhẹ hơn:

– Đùa với anh tí chơi. Em tin anh không đến nỗi tệ mà. Dù sao anh cũng đã từng là bộ đội. Dân họ tin em nên anh cứ yên tâm ở đây chữa bệnh, dù chỉ có mỗi mình em. Nhỡ… là anh giết em đó. Họ sẽ đuổi em ra khỏi đây như đuổi… con ma rừng!

Tuấn thấy thương Hạnh vô cùng. Cô ấy thì cả tin đến độ dại dột. Còn anh, chưa gì… Có phải ai cũng tốt như cô đâu, cô bạn? Thiên hạ còn đạp lên đầu người khác để giành giật địa vị tiền bạc của cải nữa kia. Có người còn cưỡi lên đầu lên cổ dân để được nhà cao cửa rộng nữa mà cô thấy không?… Anh có cực đoan lắm không nhỉ? Nhưng mà Hạnh nói đúng, người tốt cũng còn đâu đó, như cô đây mà. Tuấn ngạc nhiên trước tính cách của cô gái: dạn dĩ, thương người, nhưng đôi khi ngây thơ, tin người đến liều lĩnh. Chắc do cô phải ở một mình, lại giữa rừng trong nhiều năm trời. Cô đã nghĩ thế nào về anh? Một tên tìm trầm khó có thể tin là tốt được, hay một kẻ hoạn nạn đáng thương? Dù sao anh cũng nhận ra rằng cô gái có cảm tình với anh có lẽ qua những gì anh đã kể về mình. Còn gì nữa không nhỉ?

Hạnh chợt im lặng lắng tai nghe ngóng một lúc rồi buột miệng:

  • Anh có nghe gì không?

Tuấn ngồi dậy, tựa lưng vào đầu giường, dỏng tai nghe:

– Hình như có tiếng trống!

– Cả tiếng chiêng nữa! Dân làng bắt đầu múa rồi đó anh. Hội Băn Calang[5] đó. Nếu không có anh, em đã xuống dưới đó từ chiều rồi – Cô gái có vẻ tiếc rẻ.

– Hạnh cứ đi đi! Tôi ở nhà một mình cũng được mà!

– Không, anh đang đau mà!

Hạnh như nhớ ra điều gì:

– Chết, khuya quá rồi! Anh đỡ rồi phải không? Giúp em chuẩn bị bánh trái đón giao thừa đi. May quá, có anh chứ một mình em thì buồn chết đi được!

Tuấn ngớ người. Đã giao thừa rồi sao? Vậy là anh đã đi đến hai mươi mấy ngày. Rất nhanh nhẹn, cô gái biến vào căn buồng nhỏ quây ở góc phòng rồi quay ra với một lô bánh đựng trên khay. Nhiều thứ bánh lạ mắt, hình như của người Cơ Tu thì phải. Lúc này Hạnh đã tươm tất trong chiếc áo bà ba trắng, quần đen, trông vô cùng hiền thục. Tuấn lóng ngóng giúp cô bày biện mọi thứ ra bàn. Cô nhóm vội đống củi được chất giữa nền nhà, bảo anh:

– Anh sưởi cho khô người đi!

 Trông Hạnh lúc này có vẻ gì đó thật nghiêm cẩn. Cô đứng lặng, hai tay vòng trước ngực, đầu hơi cúi. Bỗng nhiên Tuấn thấy nhớ nhà vô cùng. Giờ này chắc mẹ anh cũng đang đợi anh về. Và có lẽ bà đã cạn nước mắt vì lo cho anh. Tuấn vẫn còn một mái nhà để về, còn Hạnh? Anh liếc sang cô. Hai giọt nước lớn dần trên khóe mắt rồi từ từ lăn trên má Hạnh. Gương mặt Hạnh nhợt nhạt hẳn. Tuấn lặng lẽ bước tới sau lưng Hạnh. Anh thoáng nghĩ đến một cái ôm thật ấm nhưng rồi lại lắc đầu. Hai người im lặng. Thật lâu. Khi những tiếng cồng chiêng phía dưới bản đã im ắng, anh nói khẽ với Hạnh:

– Thôi Hạnh đừng buồn nữa!

Hạnh quay mặt về phía anh. Gương mặt trắng nhợt nhạt bắt đầu hồng lên. Hạnh lắc đầu, buồn rượi. Cô quệt nhanh những giọt nước mắt rồi nói:

– Anh giúp em trải chiếu và bày các thứ lên đi!

Tuấn ngoan ngoãn làm theo. Chưa bày hết bánh ra chiếu, cô gái đã trở lại vui vẻ, hoạt bát như trước.

– Bánh này em làm, bánh này đồng bào cho, là bánh sừng trâu của người Cơ Tu đó, cả mấy thứ này, thịt nữa! Nhiều lắm, anh. Còn anh thì… rừng cho! – Cô cười lớn rồi dứ dứ ngón tay trước mặt anh – Anh phải kiêng cữ, ăn ít thôi. Nếu không, em sẽ khiêng vô trả lại cho rừng đó!

– Người mới dứt cơn sốt thường ăn khiếp lắm. Sợ phải ăn cả… cô mới no đó chứ!

Cô gái khúc khích cười. Tuấn hiểu mình đang được lột xác dần. Theo logic của sách vở thì cô gái này sẽ là… của anh, phải là của anh mới hợp lí… Không nhịn được, anh bỗng buông một câu lãng xẹt:

– Mà Hạnh đã… có ai chưa ta?

Cô gái hơi ngạc nhiên rồi cười lớn:

– Em có rồi! Mà…

Tuấn chưng hửng. Theo logic của vấn đề thì đôi khi cũng có nghĩa là con zê rô to tướng? Có những thứ không thể cứ ra tay là chiếm đoạt được dù ở giữa rừng. Cô ấy có phải là một thứ Trầm không?

– Em ở lại một mình, dành hết thời gian rảnh để nhớ về anh ấy – Hạnh quay về phía Tuấn buột miệng – Ơ, mà sao trông anh buồn thế? Mệt à?

– Không có gì đâu Hạnh!

Bắt phải kiêng cữ nhưng Hạnh lại liên tiếp ép Tuấn ăn đủ thứ. Bị đói lâu ngày cộng thêm cơn sốt dữ dằn nên Tuấn chỉ dám ăn nhỏ nhẻ cho vừa lòng Hạnh. Với Tuấn, mọi thứ hình như đang trở nên tuyệt vời hơn. Giá có thể nuốt hết bánh trái lẫn… cô gái tuyệt diệu, nuốt luôn cả đêm giao thừa kì lạ giữa chốn rừng hoang này! Họ đã thay nhau kể một cách vừa cởi mở vừa dè dặt về mình…

– Mà… sao anh dễ chán đời thế? Hèn gì… – Hạnh thở dài.

– Hạnh có thấy sợ tôi không?

– Sợ chứ! Em cũng liều nhưng không lẽ lại để anh chết một mình giữa rừng, còn cõng xuống bản thì em đâu đủ sức – Rồi Hạnh cười tinh quái – Mà một con cọp đói khát nằm chờ chết thì chẳng đáng sợ bao nhiêu!

– Bây giờ cọp sắp khỏi bệnh rồi đấy!

Hạnh ngồi im không trả lời Tuấn.

Lát sau, Hạnh nheo nheo mắt rồi nghiêm sắc mặt lại:

– Có thể sống khác hơn được không anh Tuấn? Chẳng lẽ không còn chỗ dựa nào để anh tin tưởng hay sao? – Hạnh thở ra – Khi mất hết niềm tin thì đáng sợ thật! Anh biết mấy câu này không, chẳng nhớ em đã đọc đâu đó: Tim không tình yêu như đền thờ không thánh. Thấy đền chùa hoang xóm giềng lẻn đến. Cuỗm đi hương án đĩa đèn.

Tuấn lắc đầu và nghĩ, đúng là cô giáo có khác, lúc này mà còn… đọc thơ được! Nhưng lòng bỗng thấy dễ chịu hết sức. Chưa ai nói với Tuấn như thế. Sống khác hơn ư? Mà mình đã trượt đến đâu rồi? Chắc đã gần đến mép vực. Nếu lần ấy anh không kìm được mà kéo hết băng đạn trước tay đại đội trưởng thì đã ra tòa án binh rồi! Rồi sẽ ra sao? Và cả lão chủ nhiệm khốn kiếp nữa! Mà sao cứ trượt dài mãi thế này?

Không uổng công cô cứu sống tôi đâu, Hạnh à! Là ai đang nói thế? Mình ư? Là cái thằng suốt ngày say ngất ngưởng, nói năng lảm nhảm? Cái thằng từng ném cả xấp tiền lẫn vàng bạc, ném cả nhẫn cả đồng hồ xuống chiếu? Ném luôn cả cuộc đời mình cho những canh bạc đầy may rủi? Cái thằng Tuấn trơ trơ như đá, không yêu, không ghét, không một mảy may xúc động trước bất cứ chuyện gì? Thằng Tuấn đàn anh của đám dân địu (mà Tuấn thừa hiểu chỉ cần lỡ sa cơ chúng cũng sẽ sẵn sàng lụi dao vô sườn mình ngay)? Cái thằng từng chống lại những thứ lệnh vô lí và ngu xuẩn của tay đại đội trưởng ngày nào, từng đập bàn trước mặt lão chủ nhiệm hợp tác xã sao lại chẳng dám làm cho đời mình tử tế hơn? Kì quái thật. Thử sống như cô gái này xem. Thử chịu đựng, kiên nhẫn chịu đựng một lần xem sao!

Hạnh đi vào buồng, sau đó quay trở lại với li rượu trên tay. Tuấn hơi bất ngờ với li rượu trên tay Hạnh.

– Chúc mừng anh năm mới, mà chỉ được uống tí chút. Và phải hát cho em nghe! – Giọng Hạnh chùng xuống – Lâu rồi ở đây chẳng nghe tiếng hát đàn ông…

– Không, tôi sẽ đàn cho Hạnh hát. Nào, chúc mừng năm mới, chúc mừng em!

– Cũng được.

Rồi cô chằm chằm nhìn Tuấn nhấp rượu cứ như trẻ con xem xiếc. Sau đó chạy vội ra phía vách mang cây đàn vào.

Em là dòng sông Mã… Anh là suối Mường Hung[6]Cái tán nước trắng xóa xòe rộng, xòe rộng mãi theo tiếng hát của Hạnh. Thế mà giữa anh và Hạnh còn có cái anh bộ đội may mắn nào đó, khỉ thật! Cô đừng làm cho tôi không thể quên cô được, Hạnh à! Hình như anh đã nói như thế khi Hạnh nghỉ giữa hai lời bài hát.

– Hạnh thử múa da dá đi!

– Dạ. Nhưng anh phải vỗ lên dây và thùng đàn tạo nhịp mới được. Thế, thế. Một, hai, chung chinh, tùng chinh chinh, một, hai…

Tuấn ngẩn người nhìn cô gái múa. Cái thân thể cong mềm cuốn vào điệu múa kì ảo. Đôi chân trần lướt nhẹ trên nền đất, phần thân trên rung theo tiếng ghita vỗ nhịp nhàng. Hai cánh tay trắng dựng lên, mở ra những đường lượn đẹp mắt. Gương mặt cô gái trở nên nghiêm trang và huyền bí. Đôi mắt thỉnh thoảng ánh lên, chập chờn những ánh lửa nhỏ. Không thể có thực đâu. Cái dáng uốn cong của đôi tay vũ nữ. Không có thực cả đôi chân kia nữa. Cả tấm thân mang hình ngọn lửa. Cũng mơ hồ phi lí đến ngây thơ[7]. Mồ hôi rịn trên trán cô gái, lấm tấm, bắt vào ánh lửa cứ long lanh, long lanh. Tuấn vỗ nhanh nhịp đàn. Điệu múa dồn dập, sôi nổi như gió cuốn. Bóng những cánh tay trắng muốt cứ vươn lên, nở ra liên hồi. Mắt Tuấn hoa lên. Cô gái như thoắt biến thành cái váy-nước-bạc trong màn nước trắng xóa, xoay tròn, càng lúc càng nhanh. Bụi nước bắn tung tóe. Bỗng chốc những bụi nước thoắt biến thành những đốm pháo hoa sáng rực. Người Tuấn bỗng rung bần bật. Đầu óc choáng váng, chao đảo. Anh buông đàn, gục xuống. Cô gái hét lên, lao tới anh, thân thể trẻ trung vạch lên một đường sáng như dải lụa.

Tuấn thức giấc khi trời rựng sáng. Cô gái cong người nép sát vào anh, vẫn đang chìm trong giấc ngủ sâu. Và khỏa thân như đang múa.

Mấy ngày lễ hội trình diễn nghi thức dựng nêu của các dân tộc miền núi rồi cũng trôi qua. Tuấn làm nốt phận sự của một giám khảo, lưu vội vàng những dữ liệu mới về các điệu múa thu thập được từ các đoàn vừa trình diễn vào laptop. Anh thở ra nhè nhẹ, vươn vai sảng khoái rồi mở cửa thả bộ xuống dốc đi về khu vực nghỉ của các đoàn. Nhưng, trước mắt anh, ngôi nhà gươl dành cho mấy cô gái Cơ Tu vùng cao trống trơn. Có lẽ, họ đã trở về làng từ hồi nửa đêm. Và anh lại chậm một bước, như hai mươi mấy năm về trước…

Lê Trâm (tạp chí Đất Quảng)


[1] Lời bài hát Tình ca Tây Bắc

[2] Cxêê Abướp: Nghĩa là trăng sáng

[3] Địu: Tiếng lóng chỉ người đi tìm trầm

[4] Xê: Chỉ vàng

[5] Băn Calang: Ngày hội chung của làng tổ chức vào cuối năm cũ, đầu năm mới ở vùng cao huyện Hiên, Giằng tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng. (Nay là Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang).

[6] Lời bài hát Tình ca Tây Bắc

[7] Bên tượng vũ nữ Trà Kiệu , thơ Nguyễn Trác

Exit mobile version