TÔ HOÀNG

 Văn hào Pháp Jules Verne

(Chuyện kể quanh những cuốn

tiểu thuyết viễn tưởng của nhà văn Jules Verne)

NVTPHCM- Vào ngày 8 tháng Hai của 190 năm trước, tại thành phố Nant, nước Pháp, trong gia đình hành nghề thầy cãi, một chú bé khao khát được nhìn thấy tương lai của thế giới đã cất tiếng khóc chào đời. Đó là nhà văn Jules Verne sau này. Đối với chúng ta ông không chỉ nổi tiếng như người cha đẻ của thể loại khoa học viễn tưởng, mà còn là tác giả của nhiều lời tiên đoán đã thành sự thật mà thuở xa xưa nhiều người cho là chuyện bông phèng. Không phải vô cớ ở thập niên thứ 2 của thế kỷ 21 này, lớp hậu sinh gọi ông là “Bà lão Vanga(1) mặc quần”…

 

Chú bé mơ ước về những chuyến viễn du. Người ta đã có ý định xích chân chú bé vào một chiếc bàn viết, đợi đến ngày nào đưa chú ra một phiên tòa tại Paris xử tội những người loan truyền tin thất thiệt. Chú bé buộc phải học hành theo lời khuyên của cha. Đậu tú tài, đến năm 18 tuổi, Jules cũng theo học luật tại Nant, để đến tháng 4 năm 1847, Jules lên Paris bước vào năm đầu đại học.

 

Jules rời thành phố quê hương không hề luyến tiếc, nhưng trái tim nhà văn tương lai mãi mãi còn ở lại nơi này. Carolina Trolson – cô em họ – người đã góp phần khơi gợi và mài sắc tài năng văn chương của Jules trong hàng trăm bài thơ và những vở kịch thơ chàng trai viết ra để tặng người đẹp. Nhưng chính Carolina cũng cương quyết gạt đẩy để Jules không ngã vào vòng tay với nụ hôn ấm của mình.

 

Chúng ta dễ hiểu vì sao sau khi đã thi đỗ vào trường luật ở Paris, Jules lại quay trở về Nant để viết hai vở kịch “Alesandr IV” và “Âm mưu nổi loạn” cho một nhà hát ở địa phương. Cả hai vở kịch nhà hát không đón nhận mà chỉ được đọc trong đám bạn bè. Jules quay trở lại Paris. Ít lâu sau, Jules nhận bằng tốt nghiệp để có quyền hành nghề thày cãi. Nhưng nghề mới này không quyến rũ chàng trai. Trước khi trở thành nhà văn viễn tưởng, Jules là tác giả của những vở kịch.

 

Jules Verne nhớ lại:

 

“Tác phẩm đầu tiên của tôi là một vở hài kịch nhỏ bằng thơ, được viết với sự cộng tác của Aleksandr Duma-Con, người mãi mãi trở thành bạn tốt của tôi, tận đến khi ông qua đời. Vở kịch ấy có tên là “Những sợi rơm bị vò nát” được dựng trên sân khấu Nhà hát Lịch sử mà ông chủ của nhà hát này là Duma-Cha. Vở kịch tương đối thành công và theo lời khuyên của Duma-Cha tôi cho in thành sách.” Đừng ngại-Duma-Cha động viên tôi – Bác bảo đảm với con sách sẽ bán được. và chính bác sẽ mua sách của hai đứa”. Nhưng chỉ ít lâu sau thôi, tôi hiểu ra rằng sách không hề mang tới cho tôi tiếng tăm cũng như tiền bạc để duy trì cuộc sống tại Paris. Những năm tháng này tôi ở trong một căn phòng hẹp và rất túng thiếu”.

 

Jules Verne cảm thấy rất khó tiếp tục cuộc sống nghèo khổ này. Trong gia đình lớn, ngoài Jules ra còn một người anh và ba cô em gái. Chàng trai phải làm rất nhiều việc: chạy giấy ở phòng chưởng khế, nhân viên kế toán ở ngân hàng và lúc có thời gian rảnh rỗi tham gia cả những cuộc “diễn thử” tại tòa án dưới vai trò luật sư tương lai. Ông đảm nhiệm cả công việc của nhân viên thư ký tại nhà hát, thử viết những bài báo ngắn gửi cho các tạp chí. Uy tín ngòi bút của Verne tăng tiến dần dần nhờ vào những cuộc dạo chơi, những lần phiêu lưu, những chuyện kể dựa trên khoa học chính xác và trí tưởng tượng.

 

Một lần Jules Verne được mời tới dự một đám cưới. Tại đây, Verne làm quen với Oronina Morel, chị ruột của cô dâu. Để lấy được người đàn bà 26 tuổi, một nách 2 con, nhất thiết Verne phải có công ăn việc làm nghiêm chỉnh, không phải chỉ viết ra những câu chuyện huyễn hoặc, những vớ kịch tầm thường. Người anh của Oronina Morel giới thiệu để Verne làm chân môi giới chứng khoan. Muốn vậy phải nộp một khoản tiền lớn tới 50 ngàn franc. Ông bố Verne đứng ra trợ giúp khoản tiền đó và Verne với Morel nên vợ nên chồng.

 

Năm 1860, Verne gặp được một trong những người thú vị nhất ở thời buổi ấy. Đó là Gaspard-Felix Tournachon, 44 tuổi mà thường được gọi tắt là Nadar. Nadar vừa là nhà nghiên cứu về hàng không, vừa là nhiếp ảnh, họa sỹ, nhà văn. Verne từ lâu đã quan tâm tới việc bay lên không trung. Có thể tình bạn với Nadar đã ảnh hưởng tới việc lựa chọn đề tài cho cuốn tiểu thuyết phiêu lưu viễn tưởng đầu tiên mà Verne hoàn thành vào cuối năm 1862.

 

Nhà văn Aleksandr Duma và việc ông ta giao lưu rộng với giới xuất bản cũng đã trợ giúp nhiều vào sự ra đời cuốn “Năm tuần lễ trên khinh khí cầu” (Cinq semaines en ballon) của Verne. Mặc cho bạn đọc luôn luôn cầu mong sao cho quả cầu bay kia “đừng rơi trúng đầu người thân của mình”. Tác phẩm gây tiếng vang không ngờ. Bạn đọc châu Âu vào thời kỳ đó đang bị cuốn hút sự quan tâm của mình tới những cuộc phiêu lưu tại những vùng đầm lầy thượng nguồn sông Nil, châu Phi của nhà thám hiểm Jonh Spik và một số người khác. Lập tức những chuyến bay trên kinh khí cầu của Verne cũng tạo nên sức cuốn hút không thua kém.

 

Những con người cần thiết thường xuất hiện trong những thời khắc cần thiết, ở những nơi cần thiết. Liệu có cần nói ra ở đây sự khác biệt giữa ông chủ xuất bản-phú hộ Nga đã ký những hợp đồng keo bẩn dành cho nhà văn Fedor Dostoievsky với mối quan hệ tuyệt vời giữa Verne và Pierre-Jules Hetzel-ông chủ một nhà xuất bản ở Paris không? Ngay trước khi cuốn tiểu thuyết “Năm tuần lễ trên khinh khí cầu” ra đời Hetzel đã ký với Verne một bản hợp đồng tới 20 năm, theo đó mỗi năm nhà văn sẽ nộp cho nhà xuất bản 3 cuốn bản thảo, mỗi cuốn sẽ được nhận 1900 franc.Sau khi công bố 5 cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Jules Verne, nhuận bút của ông đã tăng lên 3000 franc một cuốn.

 

Theo thỏa thuận trong hợp đồng đã ký, nhà xuất bản có thể thoải mái cho in ra những cuốn sách tranh theo truyện của Verne mà không phải thanh toán nhuận bút. Nhưng ông chủ Hetzet vẫn trả thêm cho nhà văn 5 cuốn truyện tranh là 5.500 franc. Tháng 9 năm 1871 một bản hợp đồng mới đã được thỏa thuận lại, theo đó Verne chỉ phải nộp nhà xuất bản không phải là 3 mà là 2 cuốn sách mỗi năm. Và nhuận bút tăng lên tới 6000 franc mỗi cuốn.

 

Vào những năm cuối đời Verne thất vọng vì những tiến bộ của kỹ thuật, những khả năng của khoa học mang lại bất hạnh cho loài người. Các nhà xuất bản Liên Xô (cũ) yêu quý nhà văn Pháp này vì ông đã ca ngợi sự chiến thắng của trí tuệ con người. Số lượng ấn phẩm của Jules Verne cao vượt trội số sách khoa học viễn tượng mang dấu ấn của chủ nghĩa bi quan.

 

Người đọc ở Liên Xô (cũ) trên thực tế không biết tới truyện vừa “Adam vĩnh hằng” (L’Eternel Adam) được công bố sau khi Verne mất.

 

Chuyện kể, có một nhà khảo cổ học phát hiện ra dấu vết của một nền văn minh phát triển cao đã bị một thảm họa tiêu diệt từ hàng ngàn năm trước. Trong lúc khai quật nhà khảo cổ kia đã tìm ra những dấu vết còn xa xưa hơn nền văn hóa cổ đại.

 

Jules Verne hóa ra là một nhà tiên tri khi ông đã báo trước sự ra đời của các thiết bị lặn, vô tuyến truyền hình, máy bay, máy bay trực thăng… Liệu có thể nói được rằng, qua truyện vừa “Adam vĩnh hằng”, Jules Vern chứng tỏ ông là một nhà tiên tri thiên tài được không? Bởi cũng ở truyện này nhà văn đã kể lại, dưới những lớp đất đá tro bụi của nhiều nghìn năm trước ẩn náu những gì mà con người hiện đại mới khám phá ra trong vài thập kỷ gần đây…

 

Chúng ta sẽ phạm lỗi chống lại sự thật, nếu chúng ta phủ nhận sự nhìn xa trông rộng của thiên tài Jules Verne khi ông còn rất trẻ. Ngay từ năm 1863 nhà văn đã viết cuốn tiểu thuyết “Paris ở thế kỷ 20” (Paris au XXe siècle) và sách chỉ được công bố lần đầu vào năm 1994. Ngày hôm nay thì chúng ta đều hiểu rằng trong sách kể lại nhiều điều dự báo còn sớm sủa hơn rất nhiều những phát kiến của khoa học trong vài chục năm gần đây. Ông chủ xuất bản Hetzet không thích cuốn sách ấy và sau nhiều tranh cãi, Verne đã cất nó vào trong hộc bàn.

 

Theo tạp chí Tầm Nhìn – Nga

 

__________

(1) Bà cụ Vanga, gốc Bungary, được truyền tụng như người tiên đoán sớm sủa nhiều sự kiện đã xẩy ra trong thế kỷ XX và những năm đầu của thế kỷ XXI.

Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version