Trương Tửu là một nhà trí thức yêu nước đã có nhiều đóng góp cho hoạt động nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam hiện đại. Một thời ông từng bị phê phán gay gắt bởi những công trình nghiên cứu gây tranh cãi nảy lửa suốt một thời gian dài như: Kinh thi Việt Nam, Triết lý Truyện Kiều, Văn chương Truyện Kiều, Tương lai văn nghệ Việt Nam... Dù cuộc đời trải qua nhiều thăng trầm nhưng Trương Tửu luôn là một nhà văn, người thầy, nhà nghiên cứu đầy tâm huyết và trách nhiệm.
Với nhiều bút danh khác nhau như T.T, Nguyễn Bách Khoa, Hoàng Canh, Mai Viên…, Trương Tửu gia nhập làng văn với tư cách là nhà phê bình và nhà tiểu thuyết. Về lý luận phê bình văn học, Trương Tửu đã nổi danh với các công trình: Văn nghệ bình dân Việt Nam (1951), Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du (1956) và Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam (1958). Đặc biệt, tác phẩm Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam được đánh giá rất cao, một thời được coi là một trong những “công trình chuyên sâu duy nhất bàn về quan niệm và phương pháp văn học sử, những thành phần cấu tạo và việc phân kỳ các giai đoạn văn học sử Việt Nam”.
Ngoài lĩnh vực phê bình văn học, Trương Tửu còn là một cây bút văn xuôi có phong cách. Những trang văn xuôi (bao gồm tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn) in đậm tính luận đề và chất dã sử của Trương Tửu khá nổi tiếng thời những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỷ XX, nhưng dường như sau này bị bạn đọc quên lãng. Sự lãng quên này có lý do bởi các tác phẩm văn xuôi của nhà phê bình nổi tiếng này đều chưa được tái bản, thậm chí có những bản chỉ còn được lưu trữ trong thư viện tư nhân, thư viện ở Pháp. Hơn nữa, người ta thường quan tâm nhiều hơn đến Trương Tửu trong vai trò một nhà phê bình. Phải chăng vì vậy dường như ở mảng sáng tác, Trương Tửu đã bị lãng quên? Trên thực tế, Trương Tửu sáng tác khá nhiều và được coi là một trong những cây bút có phong cách trong làng tiểu thuyết giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám.
Nhìn chung, các tác phẩm văn xuôi của Trương Tửu đã bao quát một hệ thống chủ đề và phạm vi nội dung hiện thực khá rộng lớn. Điều này được thể hiện sinh động trong 12 tác phẩm được tập hợp ở Trương Tửu tuyển tập văn xuôi, bao gồm: Thanh niên S.O.S (1937), Một chiến sĩ (1938), Khi chiếc yếm rơi xuống (1939), Trái tim nổi loạn (1940), Một cổ đôi ba tròng (1940), Tôi nguyền rủa mãi người cha ấy (1940), Khi người ta đói (1940), Đục nước béo cò (1940), Một kiếp đọa đầy (1941), Cái tôi của ai (1941), Tráng sĩ Bồ Đề (1942), Năm chàng hiệp sĩ (1942). Ở những tác phẩm này Trương Tửu quan tâm tới nhiều mặt của hiện thực đời sống xã hội. Nhà văn ca ngợi những tráng sĩ anh hùng, những thiếu niên có chí khí, có đạo đức và lý tưởng cao đẹp nhưng cũng lớn tiếng phê phán lối sống truỵ lạc, những tệ nạn xã hội đang mọc lên như nấm sau cơn mưa rào trong xã hội lúc đó. Đặc biệt là lối sống suy đồi, truỵ lạc, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân của lớp trẻ đương thời, nhất là ở tầng lớp trí thức.
Trong sáng tác văn học, đề tài chỉ các loại hiện tượng đời sống được miêu tả, phản ánh một cách trực tiếp. Nó là phương diện khách quan của nội dung tác phẩm. Nhiều khi đề tài được gắn liền với một hiện tượng xã hội, lịch sử, xuất hiện và trở thành phổ biến trong đời sống tinh thần của một thời hay của một giới nào đó.
Tình yêu là một trong những đề tài xuất hiện khá nhiều trong sáng tác của Trương Tửu có thể mờ nhạt hay đậm nét nhưng đều rất đa dạng. Trong sáng tác của Trương Tửu, tình yêu của giới trẻ nhất là những thanh niên trí thức mang đậm dấu ấn của thời đại, một thời đại giao nhau giữa cái cũ và cái mới, giữa những tư tưởng phong kiến lạc hậu và lối sống Âu hoá hiện đại của phương Tây đang từng ngày từng giờ xâm nhập vào đời sống xã hội. Tác giả không chỉ đề cập tới tình yêu mang tính bản năng, vụ lợi mà còn khắc họa sinh động, sâu sắc những mối tình cao thượng đẹp đẽ, trong sáng.
Ở một số tác phẩm, Trương Tửu đã lên án tình yêu trụy lạc, lối sống buông thả, lối yêu vô trách nhiệm. Trong Thanh niên S.O.S, Liêu đã nuôi trong lòng một tình cảm trong sáng với Sâm. Chàng trẻ tuổi ấy yêu một cách âm thầm với một trái tim trong sáng. “Từ khi gặp Sâm, chuyện trò cùng Sâm, Liêu chỉ còn biết thờ có một lý tưởng: TÌNH YÊU, chỉ chiêm bái có một thần tượng: ĐÀN BÀ, chỉ theo đuổi có một mục đích: LẬP GIA ĐÌNH”. Rồi trong những ngày xa người yêu, Liêu chỉ cần ngắm ảnh nàng và “tưởng tượng đến cái tổ uyên ương ấm áp mà chàng sắp gây dựng cũng đủ thấy lòng hồi hộp và rung động” [2; tr.48]. Tình yêu của Liêu có thể đã đẹp và đi đến hạnh phúc nhưng rồi kết cục là gì? Liêu đã thay đổi về tư tưởng, về nhận thức. Chàng coi Sâm cũng chỉ là một quả quất, chàng đã “ăn cái vỏ nõn nà của quả quất chín tới ấy. Chàng nghĩ phân vân không biết bây giờ có nên ném cái ruột quất xuống rãnh bùn?” [2; tr.110]. Chàng đã làm cho Sâm – người mà chàng yêu tha thiết – mang thai rồi bỏ mặc nàng khiến nàng phải bỏ nhà ra đi dấn thân vào gió bụi. Bản thân thì mắc bệnh nặng khó lòng qua khỏi vì chơi bời trác táng. Trương Tửu đã chỉ rõ cho người đọc thấy nguyên nhân của sự đổi thay này đến từ môi trường xã hội. Liêu làm sao có thể là một con người có chí khí, có lí tưởng khi xung quanh Liêu toàn những người bạn chơi bời, thuần thục trong lí luận về ăn chơi và thuần thục trong cả những ngón nghề ăn chơi trụy lạc? Văn – bạn Liêu – đã “bơm” vào đầu anh ta những tư tưởng đồi bại, rằng ái tình chỉ là tình dục, chỉ là sự thỏa mãn những nhục dục. Văn và những “pho tiểu thuyết diễm tình trong rừng văn Pháp, Trung Quốc và Việt Nam”, những đoạn phim trong nhà chiếu bóng khiêu dâm đã làm hỏng những nhận thức trong sáng về tình yêu của Liêu. Viết về tình yêu trong quan niệm của Liêu và giới thanh niên bạn chàng, nhà văn như cất một tiếng kêu cứu cho thứ tình cảm nhân bản nhất và cũng nhân văn nhất của con người. Với tình yêu mù quáng, Sâm đã lãnh chịu sự đau khổ đến tột cùng, có mang với người yêu nhưng bị người yêu bỏ rơi. Cô phải bỏ gia đình đi hoang và tiền đồ đang chờ đợi cô chính là kiếp giang hồ, kiếm sống bằng những việc làm nhơ nhớp. Tình yêu của thanh niên như Liêu, Sâm hay Văn không chỉ nhầm đường lạc lối mà còn bị chi phối bởi tư tưởng cổ hủ của xã hội phong kiến còn rơi rớt. Sâm không chỉ khổ vì yêu nhầm một chàng trai sống trụy lạc, không lý tưởng, không mục đích. Đời cô còn khổ bởi sự sắp đặt, cưỡng ép hôn nhân của gia đình. Nếu không có sự sắp đặt phải lấy một người mình không yêu liệu Sâm có liều mình hiến thân cho Liêu để rồi phải chuốc lấy ê chề một đời? Và khi biết mình mang thai cô cũng biết trước tương lai của mình bởi những định kiến hẹp hòi của gia đình, xã hội không chấp nhận lầm lỗi trong tình yêu. Cô sẽ bị coi như kẻ bỏ đi. Cô đã quyết định tha hương trước khi viết cho Liêu những bức thư đầy oán hờn về tình yêu mù quáng của mình và sự vụ lợi yếu hèn của Liêu.
Phần lớn các sáng tác của Trương Tửu đều có mối liên hệ chặt chẽ với dự đồ sáng tạo, với chủ đích luận đề đấu tranh xã hội, với tính tư tưởng mà tác giả suy tôn, tin tưởng. Ngay ở lời tựa cho tác phẩm Thanh niên S.O.S, nhà văn đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo kết án “chỉ tại xã hội” khiến thanh niên sa ngã vào tình yêu bản năng, ích kỉ, hưởng thụ thân xác. Như vậy, có thể thấy, những lời tựa, đề từ, trữ tình ngoại đề đều có sự kết hợp chặt chẽ với toàn bộ nội dung tư tưởng tác phẩm. Đây chính là một đặc điểm quan trọng, góp phần định hướng, chi phối hầu hết các tác phẩm văn xuôi của Trương Tửu giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Ở tác phẩm Trái tim nổi loạn, thông qua câu chuyện tình của Thúy và Thông, Trương Tửu đã đề cập đến đề tài tình yêu ở một hoàn cảnh khác. Thúy và Thông đến với nhau bằng sự cuốn hút của ái tình, lạc thú. Tình yêu của Thông thể hiện rõ sự cuồng nhiệt nhưng cũng rất chân thành. Với Thúy, ban đầu là sự cuốn hút bởi nhục dục nên cũng say mê đắm đuối với tình yêu, nhưng nàng thật sự đến với ý định hôn nhân của Thông bởi cần một sự giải thoát cho hoàn cảnh bi kịch của mình, giống như một kẻ chết đuối cần một cái cọc để bám. Hôn nhân có những toan tính, hôn nhân bất đồng về tập quán, lối sống, hôn nhân không có điểm chung là những nguyên nhân khiến cho cái gia đình hạnh phúc mà họ tạo nên sớm đổ vỡ. Tưởng rằng cuộc hôn nhân vượt lên trên cả lễ giáo gia phong, được xây dựng bằng sự say mê của ái tình sẽ có kết cục hạnh phúc viên mãn, nhưng không phải vậy. Kết thúc câu chuyện thật buồn, Thông đã dìm chết cả mình và người vợ sắp li dị trong cơn biển động. Trong lòng anh là cả một sự đổ nát, tâm hồn anh trống rỗng vì mất mát. Tại đâu mà hạnh phúc của họ tan vỡ khi họ đã quyết chí đến với nhau? Ngoài nhiều lý do có thể kể đến, có lẽ có cả nguyên nhân từ Thúy, một cô gái quá tân thời! Lối sống với quan niệm yêu tự do và phóng túng đến buông thả mà cô ảnh hưởng từ phương Tây sao có thể gây dựng một mái ấm hạnh phúc bình dị? Với người đàn bà này, tình yêu sôi nổi chỉ để thỏa mãn ham muốn nhất thời của cá nhân. Lối sống ích kỷ đó không hiếm gặp ở thanh niên bấy giờ.
Tác giả đã lên án lối sống buông thả, tình yêu ích kỷ chỉ nhằm thoả mãn bản năng sẽ dẫn con người đến những kết cục đầy thảm họa. Đây cũng là tiếng kêu cứu về lối sống sa ngã đầy bản năng dục vọng của những thanh niên trí thức đương thời.
Trương Tửu không giới hạn về hướng phát triển của một đề tài. Đề tài tình yêu còn được thể hiện khá linh hoạt, khai thác ở nhiều góc cạnh, nhiều chiều trong khá nhiều tác phẩm. Nhà văn đã không ngớt lời ca ngợi tình yêu đẹp, tình yêu đồng nghĩa với hy sinh, với khát vọng bình dị và cao thượng. Đó là tình yêu giữa Như Lan và Hiền (Một chiến sĩ); tình yêu giữa những con người nghèo khổ như Thiện và Mỹ (Khi người ta đói) hay tình yêu cao thượng của Huấn và Nguyệt Minh (Tôi nguyền rủa mãi người cha ấy)Như Lan và Hiền trong Một chiến sĩ l à những thanh niên đáng yêu, đáng trân trọng. Tình yêu của họ đẹp một cách nồng nàn và trong sáng. Điều đáng khâm phục là họ biết đấu tranh để từ bỏ những ham muốn cá nhân, tôn thờ những cái thiêng liêng. Nghĩa vụ của một chàng trai trong thời loạn là biết hy sinh hạnh phúc của mình để nghĩ đến hạnh phúc cho mọi người. Còn Như Lan, vốn là một cô gái yếu đuối, yêu tha thiết nhưng cô đã nhận ra, thấu hiểu và cảm thông cho những lý tưởng của người yêu dù cô vô cùng đau đớn khi phải chấp nhận hy sinh. Như Lan đã để Hiền đi trên con đường anh chọn. Cô không níu kéo người yêu cho riêng mình khiến người yêu phải vướng bận mà cao thượng chọn một lối đi bên cạnh để chờ đợi lặng thầm, hi vọng làm động lực cho người yêu hoàn thành chí hướng.
Trong tác phẩm Khi người ta đói, Trương Tửu lại đặt tình yêu vào một thử thách không kém phần khốc liệt của cuộc sống, đó là nạn đói. Thiện thất nghiệp. Anh lương thiện, có bàn tay khối óc nhưng không tìm được việc làm. Anh đói đến thảm thương. Thiện còn không cứu nổi mình trong cơn đói khát. Ngồi bên những câu nói êm dịu của người yêu mà Thiện đói lả, Mỹ – người yêu của anh phải mua vội bát phở để cứu anh khỏi cơn đói điêu linh. Vậy mà trên vai anh còn người mẹ già bệnh tật, một cô em gái yếu đuối. Cả gia đình đói kém, họ không chỉ quay cuồng với tiền rau cháo qua bữa, đoạn ngày mà họ còn khốn khổ vì bị ám ảnh ghê gớm với tiền thuê nhà không có trả. Thiện chỉ còn cái áo ba-đờ-suy cho em đi cầm, nhưng cái áo cũ sờn đó không được nổi một xu. Vậy mà nổi trên cái nền xám ngắt của đói nghèo và những số phận bất hạnh, nổi lên trong cái xã hội tôn thờ kim tiền ấy, anh đã có một tình yêu rất đẹp, nồng thắm. Mỹ đã dành cho anh một tình yêu trong sáng vô ngần. Mỹ chia sẻ với người yêu qua cơn đói kém bằng tấm lòng trân trọng, bao dung. Cô yêu anh bằng tất cả sự chân thành. Cô thương xót người yêu bị cảnh bần hàn ghì sát đất. Mỹ không chỉ chia sẻ về vật chất, cô luôn bên Thiện để chàng trai đang phẫn chí vì đói nghèo đó không sa ngã. Và ngay cả khi anh phải vào tù tội, người yêu anh đã thay anh vượt qua sự ngăn trở của bà dì ghẻ, bước qua cả những đàm tiếu của người đời để đến ở cùng và phụng dưỡng mẹ già cho Thiện. Rõ ràng, trong cơn bĩ cực của cuộc đời, tình yêu của Mỹ giống như những tia nắng toả hơi ấm thắp sáng cho cuộc đời đầy giông bão quay cuồng với mưu sinh, với cơm, áo, gạo, tiền mà Thiện đang phải chống trọi.
Người đọc cũng sẽ thấy trân trọng tình yêu trong sáng của Huấn và Nguyệt Minh trong Tôi nguyền rủa mãi người cha ấy. Đó là một mối tình đẹp bởi chính họ đã xác định giữ gìn một tình yêu trong khiết, nguyên vẹn không nhục dục, không vụ lợi đê hèn. Khác với Liêu ở Thanh niên S.O.S, Huấn trong Tôi nguyền rủa mãi người cha ấy đã “giữ giá” cho người yêu, không bao giờ đi quá giới hạn. Anh bộc bạch: “Tôi muốn người yêu tôi giữ được nguyên giá cho đến lúc làm vợ tôi. Mà xưa nay tôi vẫn thường ghê sự sa ngã về nhục dục do sự gần nhau sinh ra” [2; tr.379]. Vậy mà đôi trai gái ấy cũng khó có hạnh phúc trong tình yêu. Họ đã va phải bức tường cổ hủ hà khắc từ người cha tàn nhẫn, độc đoán của Nguyệt Minh. Bị ngăn cấm tình yêu, Nguyệt Minh đã tìm đến với người yêu nhưng bị cha bắt được. Người cha ấy hành hạ nàng đến tật nguyền. “Nguyệt Minh có đôi mắt bồ câu, nước da trắng mịn của tôi! Nàng Nguyệt Minh ấy bây giờ chột một mắt và có hai ba vết sẹo sâu hoắm ở hai bên má [2; tr.389]. Đó là chứng tích đau đớn mà người cha thô bạo vũ phu đã ghi dấu lên hình hài con gái mình. Tình yêu của đôi trái gái này không nhuốm màu sắc dục, được giữ gìn trọn vẹn, trong sáng nhưng rào cản của những tập tục cổ hủ vẫn đeo bám khiến cho người yêu của Huấn đã không còn lành lặn. Cô bị tổn thương cả về thể xác và tâm hồn. Cô gái xinh đẹp đã bị tật nguyền vì những trận đòn kinh hoàng của người cha vũ phu, tàn nhẫn. Gặp lại Nguyệt Minh trong tình cảnh đó, Huấn vẫn xin cưới cô gái đáng thương ấy về làm vợ. Bởi tình yêu của họ đồng nghĩa với tình thương cao thượng.
Đề tài tình yêu cũng được đề cập đến khá đậm nét trong những trang tiểu thuyết dã sử. Tình yêu trong sáng của tráng sĩ Bồ Đề và Tú Lan (Tráng sĩ Bồ Đề) hay tình yêu lặng thầm của Việt Liễu, của Kim Sơn với ni cô Thanh Tuyền (Năm chàng hiệp sĩ). Trong tiểu thuyết Tráng sĩ Bồ Đề, mặc dù sự thất bại của đảng Từ Bi khiến người đọc hụt hẫng thì một kết thúc có hậu cho tình yêu của người tráng sĩ lại khiến chúng ta hài lòng, mãn nguyện. Đó là điểm sáng của tác phẩm. Tình yêu trong những trang tiểu thuyết dã sử của Trương Tửu cũng nồng nàn khát vọng yêu và được yêu. Nhân vật Việt Liễu, một cô gái trong sáng, ngây thơ và yếu đuối đã yêu lặng thầm nhưng mãnh liệt người anh được cha mẹ cô nhận làm con nuôi. Tình cảm ấy đến tự nhiên, tinh tế. Đó là một tình yêu sâu đậm nhưng lặng thầm và không được đáp lại khiến cô gái thanh xuân ấy trở nên tiều tụy, mỏi mòn. Cô lâm vào tâm bệnh không thể cứu vãn. Cuối cùng cô gái đáng thương ấy cũng được mãn nguyện một cách đau đớn là được chết trong vòng tay người cô yêu.
Có thể nói, so với những cây bút nổi tiếng thời đó viết về xã hội đô thị như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đình Lạp hay Nguyễn Tuân thì Trương Tửu không thực sự nổi bật, nhưng ông đã biết tìm ra một góc độ riêng trong việc phản ánh xã hội. Trong văn xuôi của Trương Tửu, người ta bắt gặp một hiện trạng báo động đỏ trong giới trẻ, đó là lối sống. Đề tài tình yêu đã thể hiện được phần nào sự cảnh báo này. Những con người trẻ tuổi trong sáng tác của Trương Tửu luôn khao khát yêu thương nhưng họ không có được hạnh phúc trọn vẹn. Tình yêu, khát khao hạnh phúc gia đình luôn bị chi phối bởi chính xã hội đang rối ren, hỗn độn, bát nháo.
Tình yêu luôn gặp những trắc trở, bất hạnh đến từ nhiều phía. Phần lớn thanh niên không tìm thấy được hạnh phúc từ tình yêu và hôn nhân mà trở thành nạn nhân của xã hội. Hoặc họ chịu ảnh hưởng bởi đạo đức suy đồi, bởi những dục vọng thấp hèn như những cơn lốc từ phương Tây tràn đến với sức tàn phá ghê gớm. Hoặc họ va phải những bức tường phong kiến hủ lậu dù đang “tróc vôi, lở gạch” nhưng vẫn còn tồn tại khá vững chắc trong lòng xã hội khó lòng đạp đổ. Viết về tình yêu dường như nhà văn đã trút tất cả bút lực để thể hiện thật sinh động cái muôn hình vạn trạng của tình yêu trong một xã hội rối ren. Những tác phẩm của ông không chỉ phản ánh thực tại mà còn thể hiện sự cảm thông. Ông muốn dùng tiếng nói của văn nghệ để cảm hóa thế hệ thanh niên đương thời hãy biết nâng niu tình yêu trước những dục vọng thấp hèn.

N.T.T.V

_______________________________________________
Tài liệu tham khảo:
1. Lại Nguyên Ân (2008), Cần tiếp cận nghiên cứu một cách bài bản hơn đối với Trương Tửu như một tác giả và như một nhân vật văn hoá lịch sử, Tham luận tại hội thảo về Trương Tửu do khoa Ngữ văn trường ĐH sư phạm Hà Nội tổ chức, 28/11/2008.
2. Nguyễn Hữu Sơn (Sưu tầm và biên soạn) (2009), Trương Tửu – Tuyển tập văn xuôi, NXB Lao động.
3. Nguyễn Vỹ (1969), Văn thi sĩ tiền chiến, NXB Khai Trí, Sài Gòn.
4. Tài liệu ghi lại trong buổi Gặp mặt tưởng nhớ Nhà văn – Giáo sư Trương Tửu nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh của ông (1913 – 2008) được tổ chức ngày 28-11 tại Đại học sư phạm Hà Nội.
5. Kiều Thanh Quế (27/10/1938.), Làm đĩ, thanh niên S.O.S, người đàn bà trần truồng và quan niệm tình dục trong văn trương Việt Nam, Báo Mai, Sài Gòn, số 108.
6. Hoài Nam (2008), Bản lĩnh và cá tính Trương Tửu, Báo Tiền Phong cuối tuần số 14.


Nguồn tin: TCNV 03-2013

Exit mobile version