Trong ám ảnh của văn nghệ sĩ, của nhà văn, viết về lịch sử, tái hiện lịch sử, tưởng dễ mà khó, thậm chí là rất khó. Đôi khi đụng chạm lắm chuyện phiền hà, chẳng phải đầu thì phải tai.
Như chuyện phim ảnh. Nhiều năm trước, phim cổ trang Trung Quốc, phim cổ trang Hàn Quốc tràn ngập màn ảnh nhỏ và các rạp. Xem nhiều phim cổ trang nước ngoài, người xem phim Việt xuýt xoa khen tụng các nhân vật mà với người Việt nghìn đời nay là kẻ thù, từng gây nên các cuộc xâm lược tàn ngược nước mình mà không biết. Xem “Tể tướng Lưu gù” khen ông Càn Long thông minh, nhân từ hết lời, ngay sau đó lại khen ông Quang Trung đại phá giặc Thanh bạo ngược. Cũng có chuyện vì xem quá nhiều phim Tàu nên thanh niên Việt thuộc sử Tàu nhiều hơn sử ta. Hỏi Lê Lợi là ai còn lẫn chứ Đường Minh Hoàng, Ung Chính, Từ Hi Thái hậu là ai là biết liền, biết thật chi tiết (dù là biết theo sự tưởng tượng của đạo diễn).
Để thoát cảnh ăn đong, xôi người cúng chùa nhà, một cuộc ra quân rầm rộ để sản xuất phim lấp đầy khoảng từ 30% đến 50% giờ phát dành cho phim trên truyền hình được mở ra. Kết quả là thật nhanh chóng, từ chỗ làm được 200 tập phim một năm đã giỏi, các hãng phim Việt cả Nhà nước cả tư nhân đã làm được 400 tập rồi 800 tập, đến bây giờ 1.000 tập là chuyện bình thường. Làm phim “mì ăn liền”, khoảng hơn 100 triệu một tập để lấp đầy giờ phát, phim Việt đã thoát cảnh ăn đong. Từ nay, hẳn không còn cảnh phim nước ngoài có vài bộ mà nước ta có đến 67 đài truyền hình, phải chầu chực chờ đài X phát xong đài Y mới được mang về từng tập một, thành ra có khi hơn chục đài cùng chiếu một phim, chỉ khác tập. Nhưng đấy mới chỉ nói chuyện số lượng, chất lượng vẫn là chuyện gian nan. Phim về đề tài hiện đại còn đỡ, đụng đến phim cổ trang (ta quen gọi là phim lịch sử) thì khó khăn chồng chất như núi, không dễ chút nào. Làm phim đề tài này, không phải đi thuê, đi mượn được mà tất cả phải sắm, từ nội cảnh đến ngoại cảnh, đạo cụ, trang phục cho hàng trăm, có khi hàng nghìn người, chưa kể những “của độc” như voi chiến, ngựa chiến. Hàng tỷ đồng cho những thứ đó là chuyện nhỏ, mà chưa chắc đã xong. Nhưng tốn kém còn đỡ, cái khó vẫn là biết thời ông Ngô Quyền ăn thế nào, mặc thế nào, thuyền bè thế nào, đánh nhau thế nào mà làm phim? Khó hơn là xã hội thế nào, tâm lý con người ra sao, yêu đương thế nào… để mà viết kịch bản.
Đến đây nảy ra câu hỏi: Thế sao người ta làm được mà mình thì không? Thưa rằng người ta làm được vì người ta được phép “bịa” trên cơ sở những hiểu biết, ước đoán về quá khứ. Nghệ thuật về đề tài lịch sử không phải là lịch sử. Người quản lý và công chúng của họ chấp nhận các ông Khổng Minh, Quan Vân Trường, Trương Phi trong phim “Tam Quốc diễn nghĩa” này khác các ông Khổng Minh, Quan Vân Trường, Trương Phi ở phim “Tam Quốc diễn nghĩa” khác. Cũng như thế với Bao Thanh Thiên, Đường Minh Hoàng, Từ Hi Thái hậu, Đê chang kưm, Chun jee ô… Cũng như thế với cảnh nội, cảnh ngoại, phục trang binh khí. Nghĩa là họ chấp nhận chuyện trong kịch bản không có trong lịch sử, chỉ cần giống như lịch sử và có ý nghĩa với ngày nay là được. Còn ta thì không. Phim cổ trang nào giới sử cũng phải có ý kiến thẩm định có đúng với những gì đã diễn ra trong chính sử không. Mà nhà sử thì không phải là nhà làm phim. Thế là bế tắc, chưa nói gì đến tiền bạc và những thứ khác. Cho nên rộ lên dịp trước 2010 kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, hàng chục phim cổ trang cái thì xin phép, cái thì bấm máy nhưng cuối cùng không có phim nhựa để chiếu trong ngày chính lễ, các phim khác thì èo uột,  phát truyền hình một lần rồi mất tăm dạng. Hỏi một nhà đạo diễn bao giờ phim cổ trang ta bằng phim cổ trang Trung Quốc, nhà đạo diễn kia cười: “Phải ba chục năm nữa, nếu ta tiến nhanh”. Còn riêng tôi thì nghĩ có lẽ hơn…
Hết chuyện phim đến chuyện kịch. Quả thật trong loại hình sân khấu, lịch sử xôm trò hơn phim. Kịch mục của nhiều đoàn dày đặc các vở lấy đề tài lịch sử, đến nỗi để ngăn chặn tình trạng “lạm phát lịch sử” này, Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2012 vừa qua tại Huế phải ra một cái lệnh “cấm”… các vở đề tài lịch sử. Vở diễn đề tài lịch sử dễ gây tò mò với các hậu duệ của nhân vật Hoàng “tiên sư thằng Tào Tháo” trong truyện ngắn “Đôi mắt” của Nam Cao hơn, dễ “nói Sơn Tây chết cây Hà Nội” hơn, đạo cụ, phục trang cũng dễ “ang áng” hơn, nhưng xem ra không biết có phải sân khấu đến hồi mạt không mà ngay đến những vở mang đề tài lịch sử cũng không kéo được người xem đến rạp, kéo được tiền về cho đoàn. Vì sao vậy? Hóa ra lại do các nhà sử học và những ý nghĩ cũ kỹ về quan hệ sử học với nghệ thuật lịch sử. Theo họ, dù là sân khấu cũng phải bám vào các nhân vật, các sự kiện lịch sử có thật. Thế là đôi cánh sáng tạo, “bịa như thật” bị trói chặt.
Các vở mang đề tài lịch sử phần nhiều là “bổn cũ soạn lại” hoặc vẫn giữ nguyên tư duy cũ, tích cũ, không có gì đột phá vì muốn đột phá được thì phải “bịa”, phải hư cấu. Đã xa lắm rồi cái thời người ta đổ xô đi xem “ĐảoVệ nữ”, “Người đốt đền”, hay “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, “Rừng Trúc”… Ở những vở đó hay nhiều vở khác nữa như “Vòng phấn Kavkaz”, “Vũ Như Tô”… người ta không thấy lịch sử đúng như lịch sử, người ta chỉ thấy nghệ thuật lấy cớ lịch sử chứ không phải nghệ thuật bò lê theo lịch sử như cách nhìn của một số người về sân khấu lịch sử.
Hết chuyện kịch đến chuyện văn. Ngày xưa, vốn văn sử bất phân. “Hán thư”, “Hậu Hán thư”, “Sử ký” (của Tư Mã Thiên) là văn hay là sử? Còn biết bao tiểu thuyết, truyện ngắn từ đề tài lịch sử của người thời nay viết, đọc không thể hết và thèm ước thì vô cùng. Ngay ở Việt Nam, cách ta gần một thế kỷ đã có hẳn một dàn nhà văn bề thế: Đào Trinh Nhất, Lan Khai, Ngô Tất Tố, Chu Thiên… với nhiều tiểu thuyết như “Lều chõng”, “Bóng nước Hồ Gươm”… đến giờ in lại vẫn có nhiều người đọc. Gần ta hơn nữa, Nguyễn Xuân Khánh sau một thời gian dài im lặng, vào tuổi 80 đã ra liền ba tiểu thuyết lịch sử “Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn” và “Đội gạo lên chùa”, tuy mạnh yếu mỗi quyển khác nhau nhưng nói chung đọc được, đứng được. Vậy tại sao khi bàn về tiểu thuyết lịch sử vẫn nhiều người ngần ngại? Trước hết, từ đâu trở ngược là lịch sử còn từ đâu trở lui là hiện đại? Từ khi Pháp mang quân vào cửa biển Đà Nẵng đến Điện Biên Phủ đã là lịch sử chưa hay vẫn hiện đại. Từ 1954 đến 1975 đánh Mỹ đã là lịch sử chưa hay vẫn hiện đại… Những điều ấy cần rõ ràng. Chỉ có rõ ràng như thế mới mở đường sáng tạo cho nhà văn được.
Trở lại vấn đề hư cấu. Cũng giống như kịch, lấy cớ không được xuyên tạc lịch sử, bảo vệ truyền thống, có một số nhà sử, kể cả một số nhà phê bình văn học hiện nay xăm soi từng trang viết để đòi hỏi nó phải giống hệt lịch sử. Chỉ vì cần xác minh cô Huệ trong kịch bản văn học có thật ở ngoài đời không mà phim phải chờ hàng năm. Chỉ vì tiểu thuyết có một bài thơ, cần xác minh bài thơ ấy có thật của nhân vật không, thế là bao chuyện rầy rà. Khi bắt văn học chỉ được phép “phản ánh chân thực” những gì đã xảy ra, phải bám vào nguyên mẫu chứ không phải bám vào trí tưởng tượng của nhà văn tức là đã giết chết văn học, biến nhà văn trở thành người viết ký, những người làm báo đơn thuần.
Từ chuyện văn liên hệ đến chuyện học (vì chúng rất gần nhau). Tình trạng hàng ngàn bài điểm “0” (không) môn sử trong các kỳ thi tuyển, được báo chí công khai mấy năm gần đây đã khiến xã hội đau đầu. Vì sao người thi vào các môn khoa học xã hội ngày càng ít? Vì sao điểm văn, điểm sử ngày càng kém, trong đó sử còn kém hơn cả văn? Câu trả lời sẽ là vì các môn xã hội ngày càng ít hấp dẫn, học sinh không chịu học? Nhưng vì sao vậy?
Đến đây câu trả lời trở nên rất khó và mâu thuẫn nhau. Người thì đổ lỗi cho chương trình giảng dạy, cho sách giáo khoa chậm cải tiến. Lịch sử đất nước thì hào hùng, sinh động trong khi sách giáo khoa nhạt nhẽo, khô cứng, chỉ loay hoay mấy trận chiến lịch sử, làm như lịch sử Việt Nam chỉ có đánh nhau là chính, học sinh học không vào. Người đổ lỗi cho trẻ em thời nay không chịu học hành những môn cơ bản, chỉ chạy theo những kiến thức ứng dụng được ngay để kiếm nhiều tiền. Văn không đọc hết một cuốn tiểu thuyết, sử không đọc nghiêm chỉnh lấy trăm trang, chỉ chạy theo thiết kế thời trang, đồ họa ứng dụng… thì sao mà giỏi được. Trong khi cuộc cãi vã như vậy chưa ngã ngũ thì người yêu sử cứ vãn dần, các văn nghệ sĩ, nhà văn yêu sử, gắn bó với sử cũng vãn dần (không có học sinh giỏi sử thì lấy đâu ra văn nghệ sĩ giỏi sử, tác phẩm hay về sử), còn lại người nào thì lại bị cái nghèo, cái cũ nó trói buộc.
Cho nên khai thác đề tài lịch sử trong sáng tạo nghệ thuật tưởng dễ mà hóa khó. Nó chỉ tưởng khó mà hóa dễ khi nào ta bớt nghèo và nhất là thay đổi được tư duy cũ như một dây trói vô hình lâu nay đối với những nghệ sĩ, nhà văn tâm huyết với đề tài này. Lúc đó, sẽ là bình thường quan niệm sử là sử, văn là văn. Nó có liên hệ với nhau nhưng như gạo và cơm, không thể lẫn lộn.

Nguồn: VNCA

Exit mobile version