Đầu tháng 9, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức cuộc hội thảo Sáng tác văn học về đề tài lịch sử. Theo đánh giá của nhiều người (trong và ngoài cuộc) thì đây là cuộc hội thảo quy mô, chuẩn bị kĩ lưỡng, có chất lượng, thu hút được sự quan tâm của nhiều người trong giới và đông đảo bạn đọc. Có rất nhiều “cây đa”, “cây đề” trong làng văn chuyên tâm với đề tài lịch sử, các học giả, nhà lí luận phê bình nổi tiếng được mời tham gia. Không ít người nghĩ rằng với những tham luận thẳng thắn, tâm huyết, có tính học thuật cao… thì cuộc hội thảo sẽ là một “cú hích”, làm mảng đề tài này có thể thu hút được nhiều tác giả, và không xa sẽ xuất hiện những tác phẩm xứng tầm với lịch sử hào hùng hơn 4000 năm của dân tộc.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm một điều, dường như cuộc hội thảo này đã không “dành cửa”, không phải là “chiếu” cho người trẻ! Tác giả trẻ nhất được mời là Lưu Sơn Minh cũng xấp xỉ tứ tuần. Người “trẻ” thứ hai là nhà văn Sương Nguyệt Minh, vừa bước sang tuổi… 55! Còn hầu hết đại biểu đều đã U70, U80, một vài đại biểu U90. Việc thiếu vắng các gương mặt trẻ trong cuộc hội thảo phải chăng là hiện nay quá hiếm hoi các tác giả trẻ tâm huyết với đề tài lịch sử hay người trẻ chưa thực sự được quan tâm, “ưu ái” cũng như ghi nhận một cách đúng mức với đề tài lịch sử?
Gần đây, trên các diễn đàn văn chương đã có những bài viết xoay quanh vấn đề tác giả trẻ với đề tài lịch sử. Song, phải nói rằng một số bài chưa thực sự “điểm huyệt” được tình hình sáng tác đề tài lịch sử của người trẻ. Có ý kiến tỏ ra nghi ngờ, thậm chí phủ nhận những nỗ lực rất đáng quí, đáng trân trọng của tác giả trẻ với đề tài này. Ở bài viết này, chúng tôi không có tham vọng sẽ tranh luận, biện giải với những ý kiến trước đó mà chỉ xin nêu ra một vài vấn đề với tư cách là người trong cuộc.
Con đường không lẻ bóng…
Khoảng 5 – 7 năm về trước, tìm tác giả trẻ sáng tác về đề tài lịch chỉ có thể điểm tên được đúng 4 người: Lưu Sơn Minh, Dương Ngọc Hoàn, Trần Thu Hằng và Nguyễn Thị Diệp Mai! Nếu không mấy quan tâm hoặc chỉ đọc lớt phớt sáng tác của người trẻ thì càng không dễ điểm danh họ. Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 (9/2011) có 113 đại biểu, 1/2 đại biểu là tác giả văn xuôi, nhưng chỉ đúng… 2 tác giả viết truyện lịch sử! Đó là Uông Triều vừa xuất bản tập truyện ngắn lịch sử Đôi mắt Đông Hoàng (2010) và Nguyễn Phú mới thử sức với mảng lịch sử, đã đăng tải vài truyện ngắn. Chỉ “soi” trong một khoảng thời gian và một cuộc hội nghị thì quả là đội ngũ người trẻ viết truyện lịch sử thật èo uột, khan hiếm. Càng khó khăn hơn khi tìm kiếm một tác giả “độc canh” với truyện lịch sử.
Điều đáng mừng vài năm trở lại đây, ngoài 4 tác giả trên vẫn tâm huyết với lịch sử, văn đàn đã xuất hiện thêm dăm bảy tác giả trẻ, trong số đó có một vài trường hợp cho biết sẽ chọn đề tài lịch sử cho văn nghiệp của mình. Hoàng Tùng (sinh năm 1980) thời gian qua nổi lên như một hiện tượng viết truyện lịch sử. Truyện của anh xuất hiện khá đều đặn trên các diễn đàn văn chương uy tín. Cuộc thi truyện ngắn của tuần báo Văn nghệ (2011 – 2013) chưa đến hồi kết, nhưng độc giả đã gặp truyện lịch sử của Hoàng Tùng trên dưới 10 lần. Một con số khá ấn tượng! Hoàng Tùng “trần tình” anh đang theo đuổi dòng văn học lịch sử kiếm hiệp, và mong muốn góp một chút mới mẻ cho không khí văn chương hiện nay. Còn Uông Triều sau khi đã xuất bản tập truyện ngắn lịch sử, anh đang hoàn thiện những trang cuối cuốn tiểu thuyết Bản Quỷ có nhiều tình tiết, bối cảnh lịch sử và chuẩn bị viết cuốn tiểu thuyết lịch sử khác. Uông Triều tâm sự: “tôi thuộc dạng hoài cổ bẩm sinh” và “sẽ viết về lịch sử nhưng với những góc nhìn mới, phong cách mới”. Ngoài ra, Lê Vũ Trường Giang, Nguyễn Phú cũng là các tác giả trẻ duyên nợ với lịch sử. Nguyễn Anh Vũ rất ít xuất hiện, đến thời điểm này chỉ với một truyện ngắn lịch sử duy nhất Cửa Bắc. Nhưng bằng thái độ lao động cực kì nghiêm túc, cẩn trọng khi viết về lịch sử ở một người trẻ và tấm lòng với lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc, Vũ được đồng nghiệp trong giới thừa nhận và đặt nhiều hi vọng ở đề tài này.
Bên cạnh đó, một số nhà văn trẻ đã thành danh cũng quan tâm và bắt đầu “khởi động” với đề tài lịch sử. Đỗ Bích Thúy đang viết cuốn tiểu thuyết lịch sử về phong trào cách mạng trước năm 1945 ở vùng cực bắc Hà Giang, quê chị. Phùng Văn Khai, sau một thời gian dài đắm đuối với đề tài đương đại, chiến tranh cách mạng, nay đang gấp rút hoàn thành bản thảo tiểu thuyết Phùng Hưng. Và nếu “cởi mở” một chút, ở chừng mực nào đó, chúng ta cũng có thể coi một số truyện ngắn của Phạm Vân Anh, Nguyễn Thị Hoa Xuân… là truyện ngắn lịch sử!?
So sánh con số trên dưới 10 tác giả trẻ sáng tác đề tài lịch sử với khoảng 400 người viết trẻ hiện nay có lẽ sẽ làm nhiều người quan tâm đến mảng đề tài này thất vọng, lo lắng. Viết văn là loại hình lao động đặc thù, người viết phải biết “sở trường”, “sở đoản” của mình để chọn lấy con đường cho phù hợp. Nhà văn sẽ không bao giờ chạm tới được những đỉnh cao nếu nhầm đường. Đề tài lịch sử kén người viết, không thể hô hào, phát động, nó là sự thôi thúc từ trong sâu thẳm tôn hồn, ý chí của người viết. Lưu Sơn Minh tâm sự anh đến với đề tài lịch sử không chỉ đơn thuần là yêu sử mà điều thôi thúc lớn nhất đó là những “ám ảnh”, “nghi ngờ” về những thân phận người trong lịch sử, và anh muốn “giải mã”, tìm sự công bằng cho họ. Nguyễn Thị Diệp Mai, Uông Triều viết về lịch sử, văn hóa vùng đất quê hương bằng tấm lòng tri ân, tự hào và ngưỡng mộ .v.v… Tất cả họ gặp nhau ở sự nặng lòng với lịch sử, với quê hương và văn hóa truyền thống của dân tộc… Họ đều thấy “mắc nợ” nên đang âm thầm, miệt mài trả món nợ đó trong hành trình sáng tạo của mình. Và dù ít ỏi, nhưng rõ ràng họ không lẻ bóng trên con đường đầy chông gai mình đã chọn, dấn bước. Mỗi người ở một nơi, ở những vị trí, công việc khác nhau, nhưng thời gian qua, một số tác giả trên đã tìm đến “đồng minh” để được giãi bày, chia sẻ và học hỏi. Điều ấy rất cần thiết đối với người viết, càng cần thiết với những người chọn đề tài lịch sử!
Và những đóa hoa
Âm thầm viết, rồi lần lượt cho ra đời 3 tập tiểu thuyết lịch sử (Đường về Hà Tiên tập 1,2 và Hoa Trân của dòng họ) trong khoảng thời gian 20 năm là sự cố gắng rất đáng khâm phục của nhà văn Nguyễn Thị Diệp Mai. Với một nữ nhà văn trẻ, trong thời buổi “gạo châu củi quế” nếu không thực sự bản lĩnh, không có một tấm lòng sâu nặng với lịch sử nước nhà, với tiền nhân chắc chắn nhà văn sẽ không thể vượt qua những thử thách mà đề tài này đòi hỏi ở một người viết trẻ, cũng như những “mối lo” trên vai người phụ nữ của gia đình, xã hội. Và chắc chắn khi đọc những tác phẩm trên của Nguyễn Thị Diệp Mai sẽ thấy nỗ lực của chị đã được đền đáp xứng đáng.
Sáu năm để làm nên một “Trần Quốc Toản” (Tiểu thuyết Trần Quốc Toản, NXB Kim Đồng, 2006) khác với “Trần Quốc Toản” của “ông lớn” trong dòng tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Huy Tưởng là thành công của Lưu Sơn Minh. Người đọc sẽ gặp một Trần Quốc Toản tươi mới, lạ và có “tầm” nhất định trong chiến thắng oanh liệt chống Nguyên của nhà Trần. Nhà phê bình Nguyễn Hoa đánh giá Lưu Sơn Minh đã vượt thoát qua bức tường thành Nguyễn Huy Tưởng một cách ngoạn mục! Tiểu thuyết lịch sử Mắt đêm của Dương Ngọc Hoàn cũng đã vượt ra khỏi cái bóng của những nhà văn lớn trước đó…
Đánh giá tác phẩm của tác giả thì các giải thưởng văn học là một “kênh” đáng tin cậy. Dăm năm trở lại đây, sáng tác đề tài này của một số tác giả đã giành được những giải thưởng từ các cuộc thi uy tín. Tiểu thuyết Đàn đáy (NXB Hội Nhà văn, 2005) của Trần Thu Hằng được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải trong năm 2005. Đọc tiểu thuyết lịch sử này nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi độ “tinh thông” về một giai đoạn lịch sử, về một loại hình nghệ thuật truyền thống và sự khéo léo trong việc dựng cái “phông” lịch sử của tác giả. Văn của Trần Thu Hằng đẹp, giàu cảm xúc, có sức nặng và tạo những dư thanh trong lòng bạn đọc. Trong cùng một cuộc thi (Truyện ngắn năm 2008 – 2009 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội), Nguyễn Anh Vũ đã giành giải Nhì (không có giải nhất) với truyện ngắn Cửa Bắc, Uông Triều giải tư với chùm truyện Đôi mắt Đông Hoàng và Nước mắt Sông Cầm. Cả hai tác giả đều xây dựng truyện ngắn lịch sử bằng thi pháp hậu hiện đại. Nhưng từng người có dấu ấn riêng. Nguyễn Anh Vũ rất giỏi tạo hình, đậm chất hội họa, thao tác điện ảnh linh hoạt, những vấn đề đặt ra làm người đọc phải ngẫm ngợi. Uông Triều văn và ngôn ngữ đều mới, giàu nội lực, có nền vững về văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ, dưới con mắt của nhà văn lịch sử đã được soi chiếu bằng lăng kính mới. Truyện ngắn của Hoàng Tùng trong cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ cũng mang một giọng điệu mới với sự pha trộn giữa lịch sử và kiếm hiệp, có thể tạo bất ngờ trong cơ cấu giải thưởng khi cuộc thi kết thúc. Ngoài ra, truyện ngắn lịch sử của các tác giả trên cũng xuất hiện trên các tuyển tập có chất lượng như Tuyển văn mới 2010, Tuyển văn mới 5 năm (2005 -2010), Tuyển tập truyện ngắn đặc sắc, Tuyển tập truyện ngắn hay và đoạt giải…
Chưa phải là những bông hoa lạ kì, rực rỡ, ngạt ngào hương thơm tạo những cơn “xung chấn” cho độc giả nhưng tác phẩm của các tác giả trẻ về đề tài lịch sử thực sự là những bông hoa mới, đang tỏa thứ hương dìu dịu thanh cao trên đường thiên lí của những người gieo trồng mới giữa cánh đồng văn chương Việt. Tác phẩm của họ thời gian qua ít nhiều đã tạo được sự quan tâm của giới phê bình cũng như độc giả. Một đề tài tưởng như “héo úa”, “mất khách” đang tươi dần, “sôi động” trở lại bởi một phần là ở những nỗ lực rất đáng ghi nhận của những người trẻ.
Tự tin bước tiếp…
Không ít người tỏ ra lo ngại, thậm chí là nghi ngờ các tác giả trẻ khi họ bước vào đề tài được cho là “hiểm hóc” với không chỉ người trẻ. Họ cho rằng với thuộc tính “nóng vội”, mong sớm nổi tiếng, luôn chạy đua, vật lộn với nhịp sống đô thị để “kiếm cơm” (của đại đa số người viết trẻ hiện nay) thì mong gì tác giả trẻ làm nên trò trống với mảng lịch sử, một đề tài cần độ đằm sâu, nghiêm cẩn, tinh tường và cái nền văn hóa, lịch sử uyên thâm. Họ – những người viết trẻ – sớm muộn cũng bỏ cuộc hoặc có theo được đề tài này thì cũng chỉ làm ra những thứ nhạt nhẽo, nông toèn! Những nghi ngại ấy không hẳn là không có nguyên do. Nhưng chúng ta cũng cần thấy rằng trong thời đại ngay nay ở mọi lĩnh vực, nhất là khoa học hay nghệ thuật thì không có gì đáng ngạc nhiên. Mấy năm nay, hàng loạt các tác giả “nhí” ra sách, có tác giả gây kinh ngạc, sửng sốt như trường hợp Nguyễn Bình với bộ tiểu thuyết Cuộc chiến với hành tinh Fantom thì việc tác giả trẻ làm “nên chuyện” với đề tài lịch sử cũng không phải là điều quá khó.
Vượt lên trên những gánh nặng đời thường, những thử thách của đề tài, những tiếp nhận hững hờ, lạnh nhạt, những nghi ngờ đâu đó và cả sự cô độc của người trẻ chọn đề tài lịch sử, khi trả lời phỏng vấn của báo Văn nghệ trẻ (số 20, năm 2011), Nguyễn Thị Diệp Mai nói với bạn văn và với chính mình: “Đến một lúc nào đó, có người viết trẻ nào đó cảm nhận được đề tài lịch sử nào đó thật hấp dẫn sẽ thôi thúc họ viết. Không cần lo lắng cũng không cần vội vàng. Cây đời trăm năm vẫn mãi xanh tươi. Hãy để cho người viết tự do thực hiện khát vọng đi theo “cái nghiệp Trời cho”.
Trong tham luận tại hội thảo Sáng tác văn học về đề tài lịch sử, Lưu Sơn Minh khẳng định: “Đề tài lịch sử, ít người viết. Đề tài hiện đại nhiều người viết hơn. Đề tài lịch sử, ít người đọc. Đề tài hiện đại đương nhiên nhiều người đọc hơn, hiểu hơn, thích hơn. Nhưng thế thì đâu có sao? Ít người đọc, tôi không sợ. Ít người viết, dĩ nhiên tôi lại càng không sợ”.
Và trong khi nhiều tác giả trẻ chọn đề tài “hot”, dễ hút độc giả, “đẻ” tác phẩm sòn sòn thì việc Nguyễn Anh Vũ vật lộn, cầu toàn đến từng con chữ khi viết truyện ngắn lịch sử quả là đáng trọng. Và các tác giả khác nữa, không bị cuốn theo những ồn ã trong và ngoài văn chương họ vẫn âm thầm, miệt mài như những người thợ kim hoàn “nặng căn” với nghiệp luôn cháy hết mình, luôn khát khao làm ra những chiếc vương miện hoàn hảo cho đời.
*
Những năm gần đây văn học về đề tài lịch sử đã được nhìn nhận một cách công bằng, đúng với vai trò của nó trong dòng chảy văn học Việt Nam. Có lẽ điều đó sẽ góp phần không nhỏ tạo bước “đột phá” mới về đội ngũ sáng tác cũng như tác phẩm về đề tài này trong thời gian tới!
Trong hành trình sáng tạo người trẻ có thể thiếu nhiều thứ (đó là lẽ tất yếu), cần phải bồi đắp nhiều theo thời gian, nhưng người trẻ cũng có thể mang đến những điều mới mẻ mà những thế hệ trước họ chưa có. Thay bằng thái độ nghi ngờ hay hờ hững, lạnh nhạt hãy nhìn người trẻ sáng tác đề tài lịch sử bằng con mắt xanh, bằng thái độ khách quan để họ có thêm sức mạnh trên con đường đầy tâm huyết và khổ ải của mình. Hãy tin người viết trẻ!
Nguồn: Tổ quốc