Hà Nội đang “sở hữu” số lượng cây bút đông đảo, bao gồm cả những người đã và đang khẳng định tài năng; những người giàu tiềm năng và khát khao đóng góp.

Để vận động, tập hợp, phát huy giá trị văn chương của đội ngũ này vào công cuộc phát triển chung của thành phố, cần xây dựng, hoàn thiện và tích cực triển khai cơ chế, chính sách phù hợp tạo môi trường cho mỗi dòng văn trang viết làm giàu thêm văn hiến Thăng Long – Hà Nội.

Nhiều tác phẩm văn học phản ánh đời sống kinh tế – xã hội Thủ đô đã thu hút sự quan tâm của độc giả. Ảnh: Khánh Huy


Tiềm năng dồi dào

Với sức hút tự nhiên và chuyển biến của thời cuộc, không gian văn hóa Thăng Long – Hà Nội là nơi quy tụ của đông đảo thế hệ cầm bút. Từ bậc tài danh cho đến người bắt đầu khởi nghiệp. Bằng con mắt dõi theo thời gian, lắng mình trong vàng son văn hiến, từng bước bắt nhịp cùng hiện tại bung mở của Hà Nội, những đóng góp nổi bật của nhiều tác giả đã được chứng minh qua thời gian hoặc có được sự ghi nhận bước đầu.

Thế hệ cao và trung tuổi có nhiều tác phẩm xuất sắc, được dư luận đón nhận như nhà văn Nguyễn Xuân Khánh với các tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”, “Đội gạo lên chùa”, “Mẫu Thượng Ngàn”…, nhà văn Hoàng Quốc Hải với bộ tiểu thuyết “Bão táp triều Trần”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến với các tác phẩm khảo cứu và tiểu thuyết như “Đi ngang Hà Nội”, “Đi dọc Hà Nội”, “Me Tư Hồng”… Diện mạo văn hóa, chân dung con người Hà Nội một thời đã được nhiều tác giả đi sâu khai thác. Đặc biệt, khi những hiện thực được tưởng tượng từ các tác phẩm vốn bắt nguồn từ những ký ức quen thuộc, những dữ liệu đã được tác giả thẩm thấu, nghiền ngẫm qua thời gian.

Lứa tác giả đang tiếp tục khẳng định năng lực trong dòng chảy văn học viết về Hà Nội, có thể kể đến các nhà văn Đỗ Bích Thúy với truyện vừa “Cửa hiệu giặt là”, Nguyễn Xuân Thủy với tiểu thuyết “Nhắm mắt nhìn trời”, Phong Điệp và Nguyễn Đình Tú với những truyện ngắn khai thác đề tài đô thị và thế hệ thanh niên hiện đại; Nguyễn Trương Quý với những cuốn tản văn hay… Nhiều tác phẩm thể hiện cái nhìn trực diện vào đời sống đô thị Hà Nội, ở đó có sự nhắc nhở hay báo động về nguy cơ rạn nứt tâm hồn, đổ vỡ về đạo đức và những quy tắc ứng xử truyền thống, thể hiện khát khao nỗ lực giữ lại phần tốt đẹp của cộng đồng, của mỗi con người.

Dù có hay không nhắc đến Hà Nội với các địa danh cụ thể của nó, nhưng nhiều tác giả sáng tác trong không gian này, được thôi thúc từ những vận động đa chiều, phức tạp của đời sống đô thị hoặc nông thôn Hà Nội đang biến đổi mạnh mẽ, đều đang khai thác và phản ánh chính một phần của không gian, môi trường, hoàn cảnh mà họ sống, mưu sinh, lập nghiệp. Nhưng, có thể thấy rằng, đó chủ yếu vẫn là tiến trình sáng tác tự thân. Tác giả tự viết và làm việc với các nhà xuất bản, hưởng nhuận bút có phần khiêm tốn theo cơ chế chung. Tác phẩm sau đó đến với bạn đọc, nếu được đánh giá cao thì có thể được trao giải thưởng. Tiếng nói tâm huyết của các tác giả đối với Hà Nội, hơi tiếc rằng, vẫn chủ yếu xuất phát từ những thôi thúc cá nhân, chứ chưa có mối xúc tác thật sự hiệu quả từ cơ chế, chính sách, từ mối quan tâm trợ lực của các cơ quan, ban, ngành chức năng.

Nhìn rộng ra nữa, sẽ càng thấy tiềm năng trong đội ngũ tác giả đang sinh sống, làm việc, sáng tác tại Hà Nội rất dồi dào, đặc biệt với sự xuất hiện, phát triển của đội ngũ các tác giả trẻ bên cạnh những cây bút tên tuổi hay có thâm niên. Sự hiện diện của họ trong hội nghị viết văn trẻ Hà Nội cuối năm 2015, cùng sự xuất hiện trên các diễn đàn báo chí thời gian qua đã phần nào cho thấy sự phong phú của đội ngũ đó. Nhưng để thôi thúc, phát huy tiềm năng của đông đảo các tác giả ở Hà Nội nói chung, các tác giả trẻ nói riêng, để đồng hành với tiến trình phát triển Thủ đô giàu mạnh, xây dựng con người Hà Nội văn minh, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hiến Thăng Long – Hà Nội trong đời sống hôm nay như mong muốn của lãnh đạo và người dân thành phố…, thì rõ ràng phải có những tác động từ phía cơ quan văn hóa hay hội nghề nghiệp…

Vun xới để có quả ngọt

Để người viết tích cực đồng hành với Hà Nội, hòa mình vào công cuộc lao động, sản xuất, sáng tạo, đổi mới của Thủ đô, rõ ràng rất cần những tiếng nói khích lệ và những hành động mở đường, bắc cầu, tạo điều kiện nhằm tạo ra một “mảnh đất giàu dinh dưỡng” nuôi dưỡng và kích thích nền văn hóa đọc phát triển.

Công việc này cần và nên tiến hành thế nào?

Như trên đã nói, cần quan tâm sớm đối với các tác giả trong hoạt động sáng tác về Hà Nội. Nên xây dựng cơ chế đầu tư sâu, đầu tư thỏa đáng cho các tác giả tài năng, tiềm năng, những cây bút uy tín. Kinh phí không quyết định chất lượng tác phẩm, nhưng sẽ giúp các tác giả trong quá trình làm việc, nhất là với các tác giả tâm huyết, đang nuôi dưỡng nhiều ý tưởng mới, có kế hoạch sáng tác cụ thể về Hà Nội.

Bên cạnh đó, để quan tâm đến phong trào sáng tác chung, để các tác giả trên địa bàn Hà Nội có thể gắn bó, lưu tâm và có ý thức hơn trong việc sáng tác về Hà Nội, rất cần sự phối hợp của Ngành Văn hóa, hội nghề nghiệp và các địa phương, ban, ngành trong việc tạo điều kiện thâm nhập thực tế, cung cấp thông tin, tư liệu. Cần tổ chức những chuyến đi thực tế về các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn Hà Nội, giúp các tác giả tiếp cận hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau… Có tổ chức triển khai được các hoạt động đó thì người cầm bút mới có thêm cơ hội nắm bắt thực tế để trải nghiệm, tích lũy thông tin, hình thành ý tưởng. Nếu không kiến tạo, nếu thiếu hình thức đặt hàng hay bồi dưỡng, động viên nhất định thì các tác phẩm về Hà Nội chỉ có được nhờ vào cảm hứng tự thân, bất chợt của các tác giả.

Và đương nhiên, không thể thiếu và không nên để uổng phí khả năng góp mặt của lớp tác giả trẻ trong cuộc vận động lâu dài nhưng cần bắt đầu sớm này. Để kịp động viên những người trẻ, rất cần có chương trình hành động dành riêng cho người cầm bút trẻ. Cần triển khai những cuộc thi viết, các trại sáng tác kết hợp với đi thực tế, các cuộc tọa đàm về việc xây dựng, phát triển đề tài. Các ngành chức năng, hội nghề nghiệp của Hà Nội cần phối hợp với các nhà xuất bản phát triển hình thức hỗ trợ các tác giả trẻ, nhất là việc in ấn, quảng bá tác phẩm viết về Hà Nội. Nếu quy tụ được nhiều tác giả trẻ vào các hoạt động nghề nghiệp và tạo ra được không khí trao đổi thường xuyên thì sẽ tạo thêm sức đẩy để người trẻ tích cực hơn trong sáng tác.

Như đã nói, sự đãi ngộ và mức đầu tư không quyết định “độ hay” của tác phẩm, nhưng có thể kích thích sáng tạo và lôi kéo phong trào sáng tác phát triển, nhất là khi lực lượng đông đảo và giàu tiềm năng đã “ở sẵn” trên địa bàn Thủ đô. Trong mặt bằng chung ấy, khi những tiếng ca cùng cất lên, hòa nhịp với cuộc sống sôi nổi, có sự so sánh, tranh đua nhất định, thì sẽ có thêm những nỗ lực cách tân, làm mới, những tích cực tìm tòi, thể nghiệm. Điều cần thiết là sức đẩy, sức kéo để làm bật lên nhiệt huyết sáng tạo và thái độ cởi mở để đón nhận những tìm tòi mới lạ, sự nhanh nhạy trong việc bắc cầu nối đưa các tác phẩm hay về Hà Nội.

Trách nhiệm của mỗi người cầm bút

(HNM) – Văn học trong thực tiễn đời sống và dưới ngòi bút của các nhà lý luận, từ xa xưa đến nay chưa bao giờ rời xa hai tiếng Con người…

Theo Nguyễn Quang Hưng – Hà Nội mới