Kiều Hậu

Đến với văn chương, Thụy Anh là trường hợp 3 trong 1, mà mặt nào cũng thành công. Cô được biết đến trước hết là vì thơ, với những vần thơ tình dịu dàng, thiết tha và đậm tính suy tưởng. Nhưng khi viết truyện ngắn, Thụy Anh vẫn được chú ý và thậm chí còn đoạt giải thưởng trong một cuộc thi quốc gia. Sang lĩnh vực dịch thuật, với tác phẩm “Olga Berggoltz của tôi”, cô đã vinh dự giành Giải thưởng Hội nhà văn HN năm 2012. Sự may mắn, hay tài năng đã chín, hay cả hai, đang hội tụ nơi người phụ nữ dịu dàng này?

Ta cùng trò chuyện với Thụy Anh để khám phá thêm những góc thú vị trong một người viết trẻ thế hệ 7X hôm nay.

– Bài thơ nào khiến Thụy Anh (TA) gửi được nhiều thương nhớ nhất?

– Ôi làm sao có thể nói được bài nào gửi nhiều thương nhớ nhất! Tôi sẽ không viết ra được đâu vì mỗi lần đối diện với một bài thơ là một lần tôi thấy thương nhất.

Nhưng tôi vẫn thích nhớ đến nhất là những bài thơ cũ kỹ tôi viết về bố mẹ, về kỷ niệm thơ ấu, dù đó là những bài thơ rất thật thà, không có bất kỳ sự tìm tòi thể nghiệm nào cả. Nó cho tôi nỗi buồn trong sáng và rất nhiều nhớ thương. Hoặc bài thơ cuối cùng tôi viết trên đất Nga cũng là bài thơ gửi gắm nhiều yêu thương, khi nói lời tạm biệt một cách rất khó khăn với miền đất tôi đã gắn bó sâu sắc suốt một thời tuổi trẻ:

“Tạm biệt Người, mảnh đất xa xôi

Mà gần gũi với tôi từ thơ bé

Tôi đã nghĩ ngàn lần, tôi sẽ

Nói một câu gì trong phút rời xa?

Nói rằng tôi nhớ cỏ nhớ hoa

Nhớ thân trắng lá xanh cây hiền dịu

Nhớ hơi giá mùa Đông khó hiểu

Trinh trắng như tình yêu, khắc nghiệt như tình yêu…”

– Có bao giờ TA nằm mơ gặp được Olga, và hai người trò chuyện những gì?

– Nằm mơ thì không nhưng nghĩ ngợi về Olga thì nhiều. Những khi đọc về bà, có thời điểm hân hoan sung sướng với mỗi một phát hiện, có lúc lại muốn nức nở lên vì nhiều khi tôi cảm thấy tôi đắm chìm vào cuộc đời quá truân chuyên của bà mà không thoát được ra. Có lẽ hai người chúng tôi cũng đã từng nói chuyện với nhau thông qua sự giao tiếp lạ lùng trong ý nghĩ.

Đằng sau những vinh quang mà số phận dành tặng cho nữ sĩ, đằng sau những say mê, quyết liệt trong tình yêu, tôi muốn chia sẻ với bà nỗi sợ. Cái nỗi sợ mà Olga luôn phải kìm nén, chế ngự để sống và viết, để nâng đỡ những người xung quanh bằng năng lượng tinh thần của mình. Có thể, với một người từ xa rất xa nhìn vào cuộc đời bà, đọc kỹ lưỡng từng đoạn, từng từ trong nhật ký, thư từ, thơ không công bố của bà, thì Olga sẽ không ngần ngại mà không che giấu gì nữa chăng? Cuộc đời một người nghệ sĩ hóa ra lại có biết bao nỗi sợ, không chỉ trong chiến tranh, khi đối mặt với cái đói, cái chết, bom đạn, mà ngay trong thời bình, nỗi sợ bám theo họ, đôi khi vô hình, khó xác định nhưng lại vẫn tồn tại, khiến nhiều người trong số họ rơi vào bi kịch. Tôi còn muốn nói với bà rằng điều tôi hiểu thấu đáo nhất ở bà là tình mẫu tử bản năng đã khiến người mẹ khi cho con bú cũng cảm thấy mình như một con thú tai và đuôi vẫy vẫy, nỗi đau cùng cực khi mất những đứa con và khao khát được làm mẹ khiến những triệu chứng phù nề vì cơn đói cũng làm Olga tưởng tượng ra một mầm sống đang hình thành trong mình. Chính những điều này từng là lý do để tôi mong muốn được dịch thơ Olga sau 10 năm tôi đọc và yêu quý bà. Chỉ khi ấy, tôi mới cảm thấy giữa tôi và bà có được một điểm chung, cảm thấy mình có thể gần gũi bà ở mức cao nhất. Tôi nghĩ, khi người dịch đến được gần tác giả nhất là lúc có cơ duyên chuyển ngữ tác phẩm được trung thực nhất với những cảm nhận của mình.

– Sau khi ẵm giải thưởng của Hội Nhà văn HN năm 2012 về dịch Olga Berggoltz, TA suy tưởng như thế nào về Olga, hoặc tự nói với bà ấy điều gì?

– Tôi rất vui khi được nhận giải thưởng. Trước hết là vui mừng cho Olga. Bà có vị trí đặc biệt trong lòng người đọc Việt Nam, và điều này tôi đã không ít lần phát biểu rằng, công đầu thuộc về nhà thơ Bằng Việt, rồi đến dịch giả Ngân Xuyên. Cái lần gặp gỡ đầu tiên bao giờ cũng quan trọng và cho một ấn tượng lớn để người ta quyết định sẽ yêu hay sẽ thờ ơ. Một điều vui nữa là không chỉ người đọc lớn tuổi mà những bạn trẻ 8x cũng quan tâm đến số phận của nhà thơ Nga này. Tôi muốn nói với Olga, rằng bà thật hạnh phúc, sau tất cả những bi kịch, những đắng cay thống khổ mà bà phải chịu đựng. Bà có được tình yêu, bà không bị lãng quên. Tôi cũng thật hạnh phúc khi có được một nhân vật để mình yêu, say mê và ngưỡng mộ. Không phải và không chỉ về thơ ca – mà tôi ngưỡng mộ cuộc đời của bà – số phận kỳ lạ cũng như cách bà vượt lên trên số phận để sống, viết và yêu. Tôi hy vọng có thể tiếp tục làm trọn vẹn hơn công việc đưa nàng thơ của thành Len năm xưa đến với người đọc Việt Nam – tiếp tục làm hiển hiện ra những góc đẹp lung linh trong tâm hồn và cuộc đời bà. Chẳng hạn, có thể khai thác mảng viết cho thiếu nhi mà Olga khá nổi tiếng trước chiến tranh hoặc những bài bút ký và tiểu luận của bà với văn phong giản dị nhưng khá sắc sảo.

– Từ khi nào TA bắt đầu viết những bài báo về giáo dục? Có chiến lược lâu dài gì cho lĩnh vực này không?

– Những bài báo về lĩnh vực giáo dục tôi bắt đầu viết từ năm 2005, viết cho tạp chí Mẹ và Bé, liên tục, từ đó đến giờ, mỗi tháng 2 bài: 1 bài về tâm lý giáo dục gửi các bố mẹ và một bài viết cho trẻ. Tôi học ngành sư phạm, vì thế, có thể nói, đây là lĩnh vực tôi tâm huyết và tương đối cảm thấy tự tin, tin vào sự nhiệt tình và chân thành của mình khi hướng tới công việc hỗ trợ các phụ huynh, các thầy cô trong việc tìm đường giải mã các vấn đề tâm lý của trẻ. Với CLB Đọc sách cùng con (được thành lập năm 2010), tôi kỳ vọng về tương lai có thể đào tạo được nhiều nhóm giáo viên nguồn, những người nắm bắt được các phương pháp giáo dục hiện đại, tích cực để tham gia hướng dẫn việc đọc, học và lối sống của giới trẻ.

– Những phản hồi của bạn đọc về những bài giáo dục này thế nào? Họ kích thích TA viết thêm không?

– Tôi nhận được nhiều thư, trả lời không xuể, hẳn rất nhiều người trách. Nhưng những bức thư ấy cho tôi rất nhiều chia sẻ: những sai lầm, những thành công, những băn khoăn, những hy vọng… Những bức thư cho tôi thêm động lực làm việc và biết rằng mình ở đâu đó có ích cho ai đó, chí ít là bằng những lý thuyết mà mình được học trong nhà trường. Những phản hồi của bạn đọc luôn gợi cho tôi những chủ đề kế tiếp, vì chị cũng biết là giữ một chuyên mục đến 7, 8 năm là “oải” lắm, nếu không có người đọc tiếp sức bằng chính những đề nghị, những vấn đề của họ thì người viết dù có cố gắng mấy cũng sẽ cằn cỗi đi rất nhanh.

– Vấn đề nào trong giáo dục con cái mà các bậc cha mẹ Việt có thể cải thiện ngay để không làm hại con và làm hỏng không khí gia đình trong mắt trẻ thơ?

– Cách đây không lâu, tôi có đặt tên một bài báo của mình là “Nuôi dạy con bắt đầu từ những… định nghĩa”, tức là, việc đầu tiên quan trọng nhất là xem lại các khái niệm trong quan niệm của cha mẹ. Con là ai? Là đứa trẻ do ta sinh ra, ta có trách nhiệm hy sinh vì nó, còn nó, ngược lại, có trách nhiệm hiểu được sự hy sinh ấy mà mang ơn ta và làm những điều ta mong muốn? “Là một tờ giấy trắng” để cha mẹ, thày cô tùy tiện vẽ vào? Là một cái “cây bonsai” được uốn nắn, thật nghiêm khắc, kiên trì, dù cây sẽ phải trải qua đau đớn? Là một tờ giấy thấm, thấm đến hết những lời dạy dỗ rèn giũa của cha mẹ ông bà, những kiến thức mà thày cô truyền thụ? Chỉ khi nào nhìn nhận được những khái niệm này một cách hợp lý thì bố mẹ mới tìm được phương pháp giáo dục hay nói cách khác là giao tiếp với con, cùng con đối mặt với bất kỳ một vấn đề nào của cuộc sống. Với tất cả những cách ví von vừa liệt kê, tôi đều thấy không thỏa đáng. Trong một chừng mực nào đó, con cái bạn có thể là một “partner” (đối tác!) của bạn ngay cả trong việc nuôi dạy chính bản thân chúng. Với sự hợp tác, thấu hiểu của con, bạn có thể trở thành một “đồng minh” tốt của con, đồng hành cùng con trên con đường học để trở thành một con người, hơn thế, thành một con người hạnh phúc, được tôn trọng. Nhiều người bạn tôi nhận xét rằng, khi sinh con ra, cuộc đời họ thay đổi – và đó là những thay đổi rất lớn lao. Nhờ đứa trẻ, ta trở thành cha mẹ, sống có trách nhiệm hơn với bản thân, với những người xung quanh. Hiểu hơn nhiều giá trị và ý nghĩa của cuộc đời. Hiểu hơn về sợi dây liên hệ thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái. Những ngày tháng nuôi con có thể cho họ nhiều suy ngẫm và niềm vui, từng ngày, thậm chí từng giờ. Chính vì thế, không ngoa khi có người khẳng định, cha mẹ – con cái đều cần phải biết ơn nhau.

Nếu có được cảm xúc ấy, các bậc phụ huynh vừa cố gắng hiểu con, vừa tạo điều kiện để con hiểu mình bằng cách cho con tham gia vào các công việc gia đình, tạo sự đồng cảm giữa các thành viên trong gia đình. Những định nghĩa đúng giúp cha mẹ tránh được áp lực từ đám đông trong việc dạy con, giữ được sự tự tin vào chính mình trong việc nuôi dạy con cái, ít bị ảnh hưởng của áp lực tiêu cực từ phía xã hội, nhất là những vấn nạn như bệnh thành tích, chạy đua học hành…v..v..

Chúng ta – cha mẹ và con cái – đang tận hưởng những ngày quý giá bên nhau, cùng khám phá nhau, khám phá mối ràng buộc thiêng liêng về mặt huyết thống, đồng thời cùng nhau làm nên những kỷ niệm. Sau này, khi con lớn lên, cha mẹ già đi, rồi bất cứ điều gì xảy ra, thì những kỷ niệm ấu thơ chính là chỗ dựa tinh thần lớn lao cho một con người, giúp anh ta sống mà không cảm thấy bơ vơ trong cuộc đời này.

– Có khá nhiều người hâm mộ TA trên FaceBook khi TA chia sẻ những vấn đề của Dế (con trai TA) lên đó cùng cách giải quyết của mình. FaceBook có là kênh hiệu quả để TA tải những ý tưởng về giáo dục của mình?

– Không không, trang FaceBook cá nhân chỉ là nơi tôi xả… “xì chét” rất hiệu quả, giao lưu bạn bè cũ lâu không gặp và những bạn bè mới chưa gặp đã quý. Chuyện của Dế chỉ xuất phát từ mong muốn chia sẻ những mẩu chuyện vui vui và những suy nghĩ của mình xung quanh chuyện con chuyện cái mà bà mẹ nào cũng quan tâm. Có thể, trên thực tế, tôi đã vô tình chuyển tải một vài ý tưởng giáo dục nào đó của mình, và nhận được sự đồng cảm từ những người đọc đáng yêu.

Nguồn: Phongdiep.net