(Báo cáo Đề dẫn Hội thảo “Văn học – 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển”

Chúng ta đang đứng trước nhiệm vụ tổng kết thực tiễn văn học 30 năm đổi mới với tư cách của những người trong cuộc; vừa trực tiếp can dự, trực tiếp tạo nên thành tựu; vừa trực tiếp thừa hưởng những thành quả của tiến trình đổi mới.

Nhìn lại chặng đường đổi mới đã qua, sau mỗi mốc 10, 15, 20, 25, chúng ta đều tiến hành hoạt động tổng kết, đánh giá thành tựu, nhìn nhận hạn chế, chỉ ra các nguyên nhân để tiếp tục đổi mới. Nhưng có lẽ, vào các thời điểm đó, do chưa hội đủ các điều kiện nên việc tổng kết thực tiễn văn học so với một số lĩnh vực khác, chưa được chú ý đúng mức. Và lần này, trước mốc 30 năm, chúng ta không chỉ có thêm thời gian, có thêm thành tựu và kinh nghiệm, mà còn có thêm cơ sở khoa học và các điều kiện khách quan cần thiết khác để tiến hành tổng kết toàn diện thực tiễn văn học.

PGS, TS Phan Trọng Thưởng đọc báo cáo đề dẫn. Ảnh: TUYÊN HÓA

Với một cuộc hội thảo khoa học chắc chắn chúng ta không thể đặt ra và giải quyết được tất cả mọi yêu cầu. Nhưng ít nhất, từ phương diện lý luận phê bình, chúng ta cũng cố gắng làm rõ một số vấn đề có ý nghĩa học thuật, ý nghĩa phương pháp luận để tạo cơ sở cho nhận thức, nhận diện và đánh giá thực tiễn văn học 30 năm qua.

1. Nhìn nhận văn học thời kỳ đổi mới như thế nào?

a. Văn học thời kỳ đổi mới nhìn từ quan điểm phân kỳ

Theo quan điểm lịch sử, văn học Việt Nam từ 1986 đến nay được định danh là văn học thời kỳ đổi mới, thuộc phạm trù văn học đương đại. Đây là giai đoạn văn học đang diễn ra, đang vận động và phát triển, trong đó, năm 1986 được xác định là một mốc phân kỳ, mở ra giai đoạn văn học với phẩm chất hàng đầu là đổi mới và cách tân (đổi mới là chủ lưu, cách tân là chi lưu).

Như nhiều mốc khác, mốc 1986 mang đầy đủ bản chất của một mốc phân kỳ lịch sử văn học. Theo cách hiểu thông thường thì mốc phân kỳ là mốc khép lại một giai đoạn văn học, đồng thời mở ra một giai đoạn văn học khác. Nhưng mốc 1986 thì không hẳn như vậy; tuy nó mở ra một thời kỳ văn học mới, nhưng nó không hoàn toàn khép lạithời kỳ văn học trước đó. Lại càng không bế mạc theo hình dung của Phạm Thế Ngũ. Ngay từ khi công cuộc đổi mới được phát động, các câu hỏi đại loại như: Đổi mới là gì? Đổi mới như thế nào? Đổi mới đến đâu?… đã được đặt ra. Và vì vậy, đổi mới không phải là cuộc chia tay, là sự giã từ với quá khứ, cho dù là “giã từ một cách vui vẻ”theo cách nói của Marx. Có thể nói, mốc đổi mới 1986 là mốc vừa mở cửa cho chúng ta vào tương lai, vừa mở cửa cho chúng ta về quá khứ để tìm kiếm, kiến tạo và phục dựng các giá trị văn học.

Tuy là mốc phân kỳ lập nên để phân chia các giai đoạn, các thời kỳ của lịch sử văn học, nhưng mốc 1986 không phải là lát cắt ngang chia cắt tiến trình văn học, giai đoạn sau không có liên hệ gì với giai đoạn trước. Thực tế lịch sử cho thấy, công cuộc đổi mới văn học không diễn ra trên nền đất trống, trên bãi đổ nát hoang tàn mà diễn ra trên cánh đồng đã từng được gieo trồng, gặt hái và thu hoạch. Ở đó, không ít giá trị văn học của các giai đoạn trước đã được khẳng định, được trân trọng và kế thừa làm cơ sở vốn liếng cho đổi mới và phát triển. Thực tế đó phản biện lại cách hình dung đổi mới như một hiệu lệnh phát ra từ đâu đó từ bên trên hoặc bên ngoài nền văn học.

Do đổi mới là một giai đoạn, là một kỳ của phân kỳ lịch sử văn học cho nên việc đặt văn học đổi mới vào tiến trình lịch sử để nhìn nhận và đánh giá được xem là yêu cầu khoa học đầu tiên. Tách rời tiến trình vận động và phát triển chung của lịch sử văn học, cắt đứt mối liên hệ biện chứng, nhân quả với các giai đoạn khác thì không những là phi khoa học mà còn làm giảm ý nghĩa của thành tựu văn học thời kỳ đổi mới.

b. Văn học thời kỳ đổi mới nhìn từ quy luật vận động nội tại của văn học

Trong lịch sử văn học, đổi mới và cách tân không chỉ diễn ra một lần. Chỉ riêng thế kỷ XX, ít nhất đã có 3 cuộc đổi mới cách tân diễn ra vào các năm đầu, giữa và cuối thế kỷ. Mỗi cuộc đều có hoàn cảnh và lý do riêng của nó. Nhưng trước hết, đổi mới và cách tân là quy luật nội tại, là yêu cầu tự thân, sống còn, là sự tự ý thức của văn học. Thứ đến mới là chịu tác động là tiếp thu ảnh hưởng và tiếp biến các giá trị văn chương từ bên ngoài vào.

Đổi mới lần này cũng vậy; nếu nhìn vào hiện tượng, rất dễ lầm tưởng một số thành tựu văn học có được là do áp lực của quá trình hội nhập – một quá trình diễn ra gần như song song, đồng thời với quá trình đổi mới; hay là do tiếp thu, học hỏi nước ngoài. Song, thực chất, lý do và động lực đổi mới lại nằm ở bên trong nền văn học. Chỉ cần nhớ lại các ý kiến trao đổi về tình hình văn học, đặc biệt là các đề xuất kiến giải về lý luận diễn ra trên báo chí các năm từ 1979 đến trước thềm đổi mới (1985) sẽ thấy rõ điều đó. Từ góc nhìn này, có thể nói đổi mới văn học là quá trình thai nghén, chuẩn bị. Không hội đủ các yếu tố, các điều kiện của chính văn học thì cho dù các lĩnh vực khác có đổi mới, chưa chắc đổi mới văn học đã diễn ra. Vậy các yếu tố đó là gì?

Trước hết, là thái độ không thỏa mãn, không hài lòng với những thành tựu đã có của nền văn học. Như chúng ta đã thấy, những nhà văn đi tiên phong trong thời kỳ đổi mới không ai khác là chính những nhà văn đã từng trực tiếp tham gia vào việc kiến tạo thành tựu văn học thời kỳ chiến tranh cách mạng. Nhưng khi chiến tranh kết thúc, quy luật chi phối văn học thời chiến hết hiệu lực thì một quy luật khác xuất hiện và thay thế, chi phối tiến trình văn học. Với tác động của quy luật này, các nhà văn được thức tỉnh để nhận ra những hạn chế, bất cập, thậm chí non kém của nền văn học. Một thái độ không thỏa mãn, không hài lòng đã xuất hiện. Và đây chính là khởi nguồn cho những lý giải về tính minh họa, tính công thức, tính giáo huấn, tính tuyên truyền và nhiều đặc điểm khác của nền văn học (xin xem lại các ý kiến của Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến và nhiều nhà văn khác trên báo chí đương thời).

Thứ hai, là nhu cầu đổi mới tư duy diễn ra trên tất cả các lĩnh vực vào những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Với trào lưu này, không chỉ các quy luật văn học được nhận thức và nhận thức lại mà cả hệ giá trị văn học (bao gồm cả giá trị văn học quá khứ và đương đại) và những vấn đề hết sức cơ bản, bức thiết của lý luận và lịch sử văn học như các vấn đề: Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa; vấn đề bản chất, chức năng và thuộc tính của văn học; vấn đề mối quan hệ giữa văn học và chính trị.v.v… cũng được nhận thức và nhận thức lại. Từ đây, các mối quan hệ bản chất giữa văn học với các loại hình ý thức xã hội khác được minh định; các giá trị văn học của quá khứ từng chịu nhiều định kiến sai lầm; các hiện tượng văn học từng bị hàm oan, thậm chí kết án nặng nề; các trường phái lý thuyết nghệ thuật Âu – Mĩ hiện đại mà một thời chúng ta có thái độ khước từ.v.v… đều được nhận thức lại, được điều chỉnh, bổ sung làm cơ sở cho đổi mới tư duy nghiên cứu, tư duy sáng tạo và phát triển. Nỗ lực khắc phục những non kém, giải tỏa các định kiến và sửa chữa các khuyết tật, hạn chế của nền văn học diễn ra trong suốt thời kỳ đổi mới có thể xem là kết quả của quá trình tự nhận thức và nhận thức lại, quá trình đổi mới tư duy văn học này.

Thứ ba, là sự xuất hiện một đội ngũ nhà văn mới. Bên cạnh lớp nhà văn, nhà thơ trưởng thành từ kháng chiến chống Mĩ có tài năng, bản lĩnh, kinh nghiệm và tâm huyết làm trụ cột cho đổi mới, dường như lịch sử văn học giai đoạn này cũng lặng lẽ chuẩn bị cho mình một đội ngũ, một lực lượng tương thích với yêu cầu đổi mới và cách tân. Trừ một số ít được xem là “người của hai thế hệ” còn phần lớn họ đều sinh và trưởng thành trong đổi mới vàcùng đổi mới. Khác với lớp nhà văn đi trước, họ được hấp thụ những tư tưởng mới, thừa hưởng thành quả sáng tạo, được đào luyện trong môi trường thực tiễn đổi mới, được đối mặt với những vấn đề của đời sống xã hội và công chúng đương đại. Về một phương diện nào đó, sự xuất hiện lớp nhà văn mới là một lẽ tự nhiên, bình thường. Nhưng để bắt kịp với xu thế đổi mới và thực hiện sứ mệnh đổi mới thì lực lượng này có vai trò quan trọng.Họ là những người nhạy bén với cái mới, luôn luôn tìm kiếm cái mới.Có thể xem họ là một trong số những chủ nhân đích thực của văn học thời kỳ đổi mới.

Cuối cùng, là khát vọng sáng tạo, khát vọng thay đổi và khát vọng làm mới toàn bộ nền văn học từ quan niệm đến cảm hứng, phong cách, thi pháp thể loại và phương thức thể hiện nghệ thuật. Có thể nói đây là động lực của đổi mới, cách tân; là yếu tố thường xuyên kích thích năng lực tìm kiếm sáng tạo văn học.

c. Văn học thời kỳ đổi mới nhìn từ quá trình vận động khách quan

Nhìn từ phương diện khác, đổi mới không chỉ là quá trình vận động nội tại, tự thân của văn học mà còn là quá trình lịch sử khách quan diễn ra dưới tác động của rất nhiều yếu tố có quan hệ biện chứng cần được nhìn nhận lý giải một cách khoa học. Việc nhận thức đầy đủ các yếu tố tác động tới quá trình văn học đổi mới sẽ cho phép chúng ta tiếp cận đúng đắn hơn, lý giải sâu sắc và chính xác hơn quá trình vận động và phát triển cũng như thành tựu văn học thời kỳ đổi mới.

Trong khuôn khổ một bản báo cáo đề dẫn, không có điều kiện đi sâu vào các lí do tác độngcơ chế tác động của từng yếu tố nên ở đây chúng tôi chỉ bước đầu liệt kê, gọi tên các yếu tố để từ đó chỉ ra các yếu tố tác động mạnh có ý nghĩa quyết định đến tiến trình văn học. Ít nhất có các yếu tố sau đây:

– Tác động của hệ thống tư tưởng chính trị (bao gồm cả quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách,…).

– Tác động của cơ chế thị trường.

– Tác động của quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế

– Tác động của sự thay đổi hệ giá trị vưn học và đạo đức thẩm mỹ.

– Tác động của hệ thống lý thuyết nghệ thuật (chủ yếu đến tư duy lý luận và phương pháp nghiên cứu).

– Tác động của báo chí, truyền thông và internet,…

– Tác động của quá trình phát triển khoa học và công nghệ.

– Tác động của đời sống văn hóa v.v….

Trong các yếu tố này, tư tưởng chính trị, cơ chế thị trường, giao lưu và hội nhập, hệ giá trị văn học và thẩm mỹ, hệ thống lý thuyết nghệ thuật, báo chí truyền thông, internet, v.v… được xem là các yếu tố tác động mạnh có ý nghĩa quyết định. Có rất nhiều yếu tố chỉ đến giai đoạn này mới xuất hiện, những giai đoạn trước không có. Điều đó tạo nên tính chất và phẩm chất khác biệt của văn học thời kỳ đổi mới. Tìm hiểu và lý giải chính xác về cơ chế, hiệu lực, hiệu quả tác động của từng yếu tố lên tiến trình văn học đổi mới là một yêu cầu khoa học thú vị cần được cả giới, trước hết là những nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học quan tâm.

2. Vấn đề nhìn nhận và đánh giá thành tựu và hạn chế của văn học thời kỳ đổi mới.

a. Thành tựu về lý luận phê bình

Mặc dù đổi mới là một quá trình không đơn giản, lại chịu nhiều yếu tố tác động như trên vừa nêu, nhưng văn học 30 năm qua đã tận dụng được cơ hội lịch sử để đổi mới và làm mới mình trên tất cả các phương diện.

Trước hết phải kể đến sự đổi mới về tư duyđổi mới về quan niệmđổi mới về nhận thức văn học như một thành tựu đặc biệt. Có thể xem đây là chìa khóa của đổi mới. Với chìa khoá này, rất nhiều cánh cửa của văn học đã được mở ra. Đã có nhà nghiên cứu mô tả những năm đầu thời kỳ đổi mới là những năm “cả nước tư duy”, “cả nước động não” để tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề của đời sống kinh tế, chính trị – xã hội và văn học. Với đổi mới tư duy, đổi mới quan niệm, đổi mới nhận thức chúng ta đã tư duy lại, nhận thức lại, quan niệm lại rất nhiều vấn đề cơ bản, hệ trọng của lý luận và lịch sử văn học.

Ngay từ những năm 80 của thế kỷ 20, cùng với những dấu hiệu chuyển biến trên lĩnh vực sáng tác, trên lĩnh vực lý luận phê bình đã xuất hiện những luận điểm mang tính chất đối thoại, phản biện của những nhà đổi mới tiên phong. Đó là những nhân tố kích thích dũng khí đổi mới, kích thích năng lực tìm kiếm, phát hiện và lý giải mới về những vấn đề tưởng như đã trở thành nguyên tắc, nguyên lý của văn học. Nhờ đổi mới tư duy, lý luận văn học và mỹ học mácxit tuy vẫn được xác định là cơ sở lý luận nền tảng, nhưng không còn giữ địa vị độc tôn, duy nhất như nhiều chục năm hậu bán thế kỷ 20. Trong tiến trình đổi mới và hội nhập, tư duy lý luận nói chung, tư duy lý luận văn học nói riêng đã trở nên năng động hơn, khách quan hơn. Với không khí dân chủ mới, các hệ thống lý thuyết nghệ thuật không ngừng được giới thiệu, tiếp thu và vận dụng với tinh thần khách quan, khoa học hơn. Đến thời điểm này có thể nói hầu hết các lý thuyết văn học và mỹ học Âu – Mỹ hiện đại đều đã được biết đến ở Việt Nam. Với nỗ lực nghiên cứu và dịch thuật, nỗ lực truyền bá và vận dụng, giới nghiên cứu văn học đã góp phần làm mới các lý thuyết, ít ra là làm cho nó sống lại ở Việt Nam. Thực tiễn đó đã tạo ra sinh khí lý luận và học thuật mới, mau chóng đưa nền văn học từ trạng thái đơn lý thuyết sang trạng thái đa lý thuyết, mở rộng tầm hiểu biết và trình độ tư duy, đổi mới phương pháp và cách thức tiếp cận, ngõ hầu cập nhật và đối thoại với các nước trong khu vực và thế giới. Đây cũng là cơ sở để hoạt động phê bình và hoạt động tiếp nhận có những chuyển biến căn bản.

Cũng nhờ đổi mới tư duy, khi lý trí được thức tỉnh, một trong những hoạt động được xúc tiến sớm là hoạt động nhận thức lại các giá trị đánh giá lại các hiện tượng văn học như một sự trang trải các món nợ của quá khứ. Ngay từ năm 1987, khi cánh cửa đổi mới vừa được mở, các hội nghị, hội thảo khoa học đánh giá lại về Thơ Mới, về văn chương Tự lực Văn đoànvăn chương lãng mạn và các hiện tượng văn học từng chịu những định kiến nặng nề do những nhận thức ấu trĩ một thời, từng bị xem nhẹ hoặc bỏ quên… đã được tiến hành nhằm trả lại các giá trị văn chương đích thực cho mỗi hiện tượng. Đó là tiền đề để các năm tiếp theo của quá trình đổi mới, chúng ta có được các ứng xử phù hợp, đúng đắn hơn với các giá trị văn chương mới hình thành, các hiện tượng mới xuất hiện. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để trong quá trình đổi mới, chúng ta từng bước thiết lập được một hệ giá trị văn học mới,vừa tương thích với hệ giá trị văn học chung của thế giới, vừa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn lịch sử và văn học Việt Nam. Với hệ giá trị này, văn học Việt Nam tìm được tiếng nói chung, ngôn ngữ chung để đối thoại, hội nhập và phát triển. Từ đây một tiến trình khác đã từng bước hình thành đó là tiến trình dân chủ hoá văn học, góp phần dân chủ hoá xã hội.

Với vai trò như vậy, có thể xem đổi mới tư duy, đổi mới quan niệm, đổi mới nhận thức lý luận là thành tựu đặc biệt, là thành tựu đẻ ra thành tựu, là cơ sở để kiến tạo nên các thành tựu khác.

b. Thành tựu về sáng tác

Trên phương diện sáng tác, để nhìn nhận và đánh giá đúng thành tựu, cần ngược dòng thời gian kể từ thời điểm 1986 khoảng năm, sáu  năm. Có thể xem đây là giai đoạn tiền đổi mới, giai đoạn khởi động và chuẩn bị tạo đà cho đổi mới. Rất nhiều tác giả và tác phẩm thuộc các thể loại thơ, văn xuôi, kịch, lý luận phê bình xuất hiện trong giai đoạn này đã mang tư tưởng đổi mới, mang tinh thần xã hội – công dân sâu sắc, được ghi nhận như những hiện tượng, nhưng do ra đời sớm nên vẫn ít nhiều chịu những hệ luỵ từ mọi phía. Phải đợi đến năm 1986, khi công cuộc đổi mới được chính thức phát động thì mọi lực cản mới được phá dỡ, tiềm năng sáng tạo mới thực sự được giải phóng để bước vào giai đoạn đổi mới. Vì vậy, cần phải ghi công đầu đổi mới cho những tác giả, tác phẩm này.

Từ 1986 trở đi, khi đã được cởi trói và tự cởi trói nền văn học đã vận hành theo hướng tự do hơn, dân chủ hơn. Các năng lực sang tạo có cơ hội được giải phóng, đánh thức, các tìm kiếm cá nhân được kích thích, tôn trọng. Đó là tiền đề để đổi mới toàn diện nền văn học từ hệ thống quan niệm đến cảm hứng sáng táchệ thống thi pháp thể loạiphương thức tiếp cận và phong cách cá nhân. Trong tiến trình đổi mới, đồng hành với cảm hứng sử thi, một cảm hứng nhân văn mới xuất hiện, đưa con người và những vấn đề của con người vào vị trí trung tâm của nền văn học với những chiều khám phá phát hiện mới. Chưa bao giờ, đội ngũ tác giả văn học lại đông đảo về số lượng như hiện nay. Cũng chưa bao giờ các khuynh hướng tìm tòi, cách tân về kỹ thuật, về hình thức, lại nở rộ nhiều đến thế. Biên độ thể loại được mở rộng, thậm chí phá vỡ. Các loại hình văn học mới ra đời. Các hiện tượng sáng tác mới liên tục xuất hiện. Thơ thì tràn bờ (chữ dùng của Hữu Thỉnh), tiểu thuyết và truyện ngắn thì bội thu… Tất cả những chuyển biến đó tạo nên diện mạo văn học thời kỳ đổi mới.

Tuy nhiên, quá trình nào cũng có những được, mất, những mặt tích cực và tiêu cực của nó. Bên cạnh thành tựu, trong quá trình đổi mới và hội nhập đời sống văn học cũng đã bộc lộ những vấn đề cần được nhìn nhận. Những dấu hiệu khủng hoảng về giá trị; thiếu chuẩn, lệch chuẩn trong sáng tạo, thưởng thức, tiếp nhận và đánh giá; xu hướng sính lý thuyết, chạy theo sáng tạo hình thức, chạy theo thị trường và các thị hiếu nghệ thuật thời thượng; xa rời các vấn đề lớn của đời sống xã hội và lịch sử của đất nước đã và đang hiện hữu. Nên chăng, xem đó là sự hăng say đổi mới một cách quá giới hạn khiến cho đời sống văn học thiếu sự chừng mực, điềm tĩnh cần có để đổi mới và phát triển bền vững?

3. Một số bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn văn học thời kỳ đổi mới

Từ thực tiễn văn học 30 năm đổi mới, có thể suy ngẫm và rút ra rất nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích cho sự phát triển văn học.

– Đầu tiên là bài học về sự giải phóng năng lực của đội ngũ sáng tạo. Thực tiễn cho thấy, chúng ta đã tiến hành đổi mới và đổi mới thành công bằng chính những con người đã tạo ra nền văn học trước đó. Chỉ có điều, để bước vào thời kỳ đổi mới họ được giải phóng khỏi những ràng buộc, cấm kỵ hữu hình và vô hình; được giải phóng khỏi tình trạng bao cấp về tư tưởng; được tự do, dân chủ hơn trong đời sống xã hội và văn chương để trở thành những chủ nhân của văn học thời kỳ đổi mới. Đó là tiền đề quan trọng cho sự giải phóng tiềm năng trí tuệ, năng lực chất xám, năng lực tư duy sáng tạo và năng lực đổi mới cách tân. Thiết nghĩ đây sẽ là bài học kinh nghiệm hữu ích cho quá trình phát triển văn học tiếp theo.

– Mặc dù sự phát triển văn học tuân theo quy luật riêng và đổi mới, cách tân là yêu cầu nội tại của văn học, nhưng trong quá trình vận động, nó vẫn chịu sự tác động mạnh mẽ của rất nhiều yếu tố. Lường trước, và xử lý tốt các mối quan hệ này sẽ hạn chế được các tác động tiêu cực; đồng thời sẽ phát huy được các tác động tích cực tới quá trình phát triển văn học.

– Kinh nghiệm từ thời kỳ đổi mới cho thấy, khi các quy luật khách quan của văn học không được nhận thức, phát hiện kịp thời, không được tôn trọng đúng mức thì đổi mới về một phương diện nào đó là sự trả giá cho những định kiến sai lầm. Sự sửa chữa, làm lại đôi khi cũng tốn thời gian, công sức và trí tuệ không kém sự làm mới.

***

Trên đây là những gợi ý bước đầu để hội thảo cùng trao đổi thảo luận. Rất mong có được những ý kiến đóng góp của các nhà văn, nhà thơ và quý vị đại biểu. Trân trọng cảm ơn!

PGS, TS Phan Trọng Thưởng

Theo Vanvn.net

Exit mobile version