Trong giai đoạn kinh tế khó khăn (2011-2016), tỉnh Vĩnh Phúc đã “mạnh dạn” đầu tư xây dựng Văn Miếu để thờ Khổng Tử với số vốn lên tới 271 tỷ đồng. Và việc này hiện đang gây ra nhiều tranh cãi.


Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến hoàn thành trong năm 2016.

Công trình Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt đầu tư xây dựng từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành trong năm 2016. Chủ đầu tư là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc.

Được xây dựng trên khu đất có diện tích 4,24 ha tại Khu đô thị Hà Tiên (phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên), Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc có tổng mức đầu tư 271 tỷ đồng với các hạng mục như: hồ Thiên Quang, tứ trụ, cầu đá, nghi môn, đền chính, bia tiến sĩ, gác chuông, gác trống, sân hành lễ, đại thành môn,… Trong đó, tứ trụ, cầu đá được làm bằng đá xanh Thanh Hóa, nghi môn làm bằng gỗ lim, đại thành ôn gồm 3 gian gỗ lim trang trí theo lối “cá chép vượt vũ môn”,…

Trong tờ trình đề nghị phê duyệt dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử – nhà tư tưởng và giáo dục lớn thời cổ đại. Các nước theo Nho giáo trước đây như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam đều xây dựng Văn Miếu. Ở nước ta từ năm 1070 Nhà Lý đã cho xây dựng Văn Miếu ở kinh đô Thăng Long, đến năm 1076 cho lập Quốc Tử Giám bên cạnh Văn Miếu. Do vậy ngày nay thường nói đến Văn Miếu Hà Nội là trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

“Ngày xưa hầu như tất cả các địa phương ở các cấp tỉnh, huyện, xã đều có Văn Miếu từ và Văn Chỉ. Ở Vĩnh Phúc là khởi đầu của Văn Miếu phủ Tam Đới đời nhà Lê. Phủ này được thành lập vào niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469) đời Lê Thánh Tông. Đến năm 1822 khi tên phủ Tam Đới đổi thành Phủ Vĩnh Tường, Văn Miếu phủ Tam Đới chuyển giao cho phủ Vĩnh Tường quản lý rồi trở thành Văn Miếu của tỉnh Vĩnh Yên (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) vào đầu thế kỷ XX. Văn Miếu ở nước ta là một biểu tượng văn hóa rất độc đáo và đẹp đẽ”- văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc nêu rõ.

Cơ quan này cho rằng việc xây dựng (tái hiện lại) Văn Miếu Vĩnh Phúc là cần thiết nhằm tái hiện, kế thừa một di tích lịch sử quan trọng (Văn Miếu phủ Tam Đới), tưởng niệm các danh nhân văn hóa đạo cao đức trọng của đất nước nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng; tiếp nối và phát huy truyền thống hiếu học, truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, của người Vĩnh Phúc; khuyến khích thế hệ trẻ trên đường hoàn thiện học vấn, nghiên cứu khoa học kỹ thuật xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh….

Tuy nhiên theo ông Trần Mạnh Định – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, trong quá trình xây dựng đã có một số tranh cãi về việc thiết kế, bài trí thờ tự bài vị Khổng Tử. Đã có ý kiến đề nghị không đưa bài vị của Khổng Tử vào thờ tại Văn Miếu. Sắp tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tổ chức hội thảo để xin ý kiến các nhà khoa học, lịch sử và cơ quan liên quan xung quanh chuyện này.

Cổng vào Văn Miếu

Tứ trụ

Sân hành lễ

Nhà bia tiến sĩ

Hồ Thiên Quang

Hậu cung của Văn Miếu

Một góc phía trong Hậu cung

Nhiều hạng mục được làm bằng gỗ lim với hoa văn trạm trổ cầu kỳ

Gác trống

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết với gần 1.000 di tích (65 di tích quốc gia) thì nguồn tiền ngân sách dành cho các di tích hiện tại của Vĩnh Phúc rất thiếu. Trước khi lập dự án xây dựng công trình này, Vĩnh Phúc đã tham khảo Văn Miếu ở Hà Nội và một số nơi khác nên trong kết cấu xây dựng có nhiều điểm tương đối giống nhau. Hai hàng bia trong Văn Miếu dự kiến sẽ khắc tên 99 cụ đại khoa, trung khoa của tỉnh Vĩnh Phúc.

Thế Kha (Dân trí)