https://www.youtube.com/watch?v=8a21MmQberI

ĐÂU RỒI SÔNG CŨ

Truyện ngắn của Trương Anh Quốc

Mấy ngày này nắng như thiêu như đốt, nhiệt độ ngoài trời lên quá bốn mươi độ bách phân. Nắng nóng thế mà khắp nơi lại bị kẹt đường, khói bụi mịt mù, không một tí ti gió. Càng oi bức dữ. Hoàng thượng cầm chiếc quạt lông chim phượng hoàng quạt đến đớ cả tay bèn vời các quan cận thần sửa soạn thuyền bè đi du ngoạn sông nước một chuyến để tránh nắng nóng. Quan quân dạ ran, thuyền rồng được đưa đến bến ngay tức khắc.

Lâu nay nhà vua đích thân đứng ra lo việc nước việc dân đến quên cả ăn, đêm chỉ chợp mắt chưa đầy một canh giờ. Nhờ hồng phúc, dân chúng ngày càng an cư lạc nghiệp. Bá tánh tận trung, nhất lòng hướng về hoàng thượng. Không vì thế đức vua ngồi yên một chỗ nhận trình tấu mà thường giả thường dân vi hành khắp xứ. Chuyến du ngoạn lần này vua muốn xem đời sống bá tánh cùng giang sơn xã tắc, tiện đường thăm lại chiến trường xưa.

Xuất hành bỗng có gió đông bắc thổi nhè nhẹ, thuyền chạy nhanh mà không tốn mấy sức chèo. Thuyền rồng ngang khu vực mấy đảo còn hoang sơ với con đường đất đỏ như sợi dây rừng ngoằn ngoèo ngang vách núi dẫn đến một khu phố thị nhà cửa cao tầng sầm uất. Thấy lạ vua hỏi một vị quan:

– Đây là đâu?

Viên địa quan áo tía chắp hai tay trước mặt quỳ xuống cúi đầu tâu:

– Bẩm hoàng thượng khu du lịch Cát Bà!

Bá tánh khá giả, vua cười hà hà. Rồi chỉ tay về phía hòn đảo nhỏ nhô ra phía biển giống đầu một con ốc sên có ngọn hải đăng như chiếc râu dựng đứng, hỏi tiếp:

– Còn đằng kia?

– Bẩm hoàng thượng đấy là Cát Ông!

– Trẫm nghe có vẻ lạ, trong thư địa chí hình như chưa có tên này?

– Bẩm, hoàng thượng anh minh có trí nhớ siêu phàm! Đất này vốn tên Đồ Sơn, hằng năm có tục chọi trâu đực cổ vang danh thiên hạ. Trâu thắng trâu thua đều mang xẻ thịt lột da rất dã man bán với giá cắt cổ. Bãi biển toàn cát đen thui, cảnh biển thì chẳng đẹp mấy nhưng mấy ông hay tới lui nên mới gọi là Cát Ông.

– Nhà ngươi nhớ phải bổ sung vào sách địa danh này đó!

Viên quan dạ thật to. Thuyền rồng rẽ nước vào cửa biển hình chiếc phễu, nước triều đang lên, một vùng nước mênh mông. Vua lại hỏi:

– Đây là đâu?

Địa quan lại chắp tay trước trán quỳ xuống tâu:

– Bẩm bệ hạ, Ninh Tiếp!

– Sao lại Ninh Tiếp, nhà ngươi có nhầm không?

– Chữ “ninh” trong “an ninh”, còn chữ “tiếp” đa nghĩa quá!

– Hay là Ninh Nhừ? Có ai mang tự điển theo không?

Mấy vị quan cũng hùa theo hỏi ran, mỗi người một cú. Quả thật, vùng biên phòng miền duyên hải gọi tắt là hải phòng (mấy vị quan còn trân gân cổ cố cãi nhất quyết là hải tần phòng thủ) có nhiều địa danh lạ đọc sái cả quai hàm. Sử quan nãy giờ đứng nơi cuối thuyền rồng để ngắm cảnh mấy chú chim hiếm hoi thấy bóng người ba chân bốn cẳng chạy trốn mất hút, tiến tới chắp hai tay trên đầu:

– Bẩm hoàng thượng, trước đây vùng này hoang vắng chỉ toàn lau lách, dưới nước tôm cá đông đàn, trên bãi chim cò đông nghịt, bắt tôm cá như vớt trong chậu, bắt chim như bắt trong lồng. Phần nhiều thảo dân vùng này làm nghề chài lưới và bẫy chim kiếm sống. Dần dà nước bị ô nhiễm, tôm cá kéo đi đâu vắng khói. Số cá tôm mới mở mắt chưa bơi kịp bị lưới giã cào bắt sạch không còn một mống. Chim không còn thức ăn lại bị giăng lưới và súng hơi bắn đến sạch bóng. Vào một ngày kia có lão ngư dân mang lưới ra kiếm vài vụn cá con để nấu bữa canh khế. Cứt cá hơn lá rau. Nhi nữ bắc nồi nước lên chờ mà cha vẫn chưa bắt được con nào bèn cắp rổ ra bờ sông cứ đứng trên bờ ngóng. Người cha sai con gái bỏ vào nồi nước một chiếc vỏ ốc nấu trước, một lúc vỏ ốc chín cha sẽ mang cá về. Vâng lời cha, thôn nữ làm theo và chờ mãi, áng chừng chiếc vỏ ốc ninh đã nhừ tự khi nào rồi nhưng cha vẫn chưa kiếm được lấy một vảy cá. Lão ngư chèo thuyền nan ra càng lúc càng xa cho đến khi cái dáng ốm gầy cong cong như con mắm khô còn nhỏ xíu và lời dặn con chỉ còn thoảng trong gió: Ninh tiếp! Ninh tiếp!… Cái tên Ninh Tiếp có từ dạo đó.

– Khanh đúng là một sử quan tinh thông kim cổ! Khi về triều, trẫm sẽ ban thưởng!

Vua lại cười hà hà. Nghe ban thưởng, mặt sử quan ửng hồng rạng rỡ, mép môi giần giật mấy cái. Quan nào không thích thưởng thích quà! Thuyền rồng đi nhanh hơn bởi qua một con kênh đào giữa bãi không mông quạnh, một vài cái chòi lá trước gió phất phơ, vẻ đìu hiu. Một vài ngư dân ngồi trên thuyền nan rách nát khóc than bên tay lưới vừa bị chân vịt tàu bè chém đứt. Dân tình thế này làm sao tận thu được thuế thu nhập cá nhân? Vua cám cảnh, nghe lòng se lạnh:

– Sao bá tánh lại sống lẻ loi chốn hoang vắng thế này, khi tắt lửa tối đèn biết với ai?

– Bẩm, mấy lần rời phủ đi kinh lý (các quan thường lấy cớ kinh lý để thăm thê thiếp, thê thiếp mỗi nơi mỗi cô) hạ quan được biết trước đây dân chúng khai làng lập ấp phía trong kia nhưng mới bị giải tỏa phải ra nương náu ngoài bãi bồi này, số khác bỏ nghề tứ tán vào các nội thị buôn thúng bán mẹt. Thần nghe đâu vùng giải tỏa đã thành lập khu công nghiệp với nhiều cột cao chĩa tận lên trời nhả khói cuồn cuộn. Và nữa, một bãi rác lộ thiên xuất hiện, dân chúng ngày đêm phải hít thở mùi hôi thối đến điếc mũi thủng phổi, sống chung với ruồi nhặng của bãi rác, nhắm mắt uống nước ngầm rác rưởi phân hủy ngấm xuống. Thần nghe đâu cũng có đền bù một ít lo thuốc thang, mai táng nhưng thượng cấp đã giấu nhẹm mà bỏ túi tất…

– Khanh hãy lưu tâm các điểm này để giải quyết tức khắc nhằm mang lại cơm no áo ấm môi trường xanh sạch cho bá tánh. Có như thế lòng dân mới yên, xã tắc mới vững bền đời đời!

– Bẩm hoàng thượng, hạ quan sẽ xử lý trong nay mai…

Viên quan họ Hứa gãi đầu gãi tai, hứa thế chứ không biết khi nào mới thực hiện. Thuyền rồng cứ rẽ nước mà đi, dòng nước nâu đen lờm lợm, váng dầu lấp loáng. Phía trước có gì hụp lặn, dập dềnh? Có phải rùa rái ba ba gì đó nổi lên chào đón hoàng thượng hay đòi gươm? Vua đưa tay nắm chặt chuôi kiếm đang đeo bên hông. Không, kiếm này ta mua ở siêu thị! Vua chồm người tới xem kỹ, không phải rùa rái mà hình như là sứa đớp bóng nước do thiếu ô xi. Sứa sống ở sông là sứa sông. Ngạc nhiên, vua lại hỏi:

– Không có tôm cá sao sứa nhiều đến thế kia. Hãy vớt một con làm gỏi nhâm nhi vài ly đế tạm vậy.

Các quan truyền lại lệnh vua. Tuân lời, đám quân hầu dùng sào, cù móc cố vớt. Ai vớt được sẽ có thưởng. Chỉ trong nháy mắt, quân hầu nào cũng vớt được một con. Không phải sứa mà là những chiếc… bao ni lông đủ màu sắc sặc sỡ. Bao ni lông vứt xuống sông thế này thì đến đời chắt chút chít cũng chưa tiêu hủy được. Cua cá nuốt phải ngộ độc hay rách bao tử chết không còn một mống là phải! Vua nói to như quát:

– Từ nay ta cấm dùng túi ni lông!

– Bẩm hoàng thượng, cũng nan lắm! Hiện thời số người lượm bọc, ve chai làm kế sinh nhai khá đông, nếu hoàng thượng ban chỉ đột ngột quá, e rằng họ sẽ chết đói hết. Thần trộm nghĩ, khi nào họ tự nhận thức được, tự bỏ nghề, hẵng cấm dùng bịch ni lông cũng chưa muộn…

– Ngươi quả là một trung thần! Không sợ chết dám can ngăn ta, lại có tấm lòng nhân nghĩa đáng được làm gương cho các quan. Quả thật, thuận lòng dân (chứ không phải cư dân mạng) là hợp lẽ trời đó!

Nhà vua vỗ vai vị quan vừa can gián, đâu biết rằng viên quan này có một xưởng sản xuất bao ni lông lớn nằm ở ngoài thành với thiên vạn nhân công.

– Hay là thay nước con sông này?

– Bẩm hoàng thượng, mấy năm hoàng thượng mới đi trên sông này có một lần. Vua tôi đều ở kinh thành cả, thần nghĩ khi nào thay nước hồ Lục Thủy xong, thứ đến sẽ thay nước sông này.

Thuyền rồng cứ rẽ nước lướt về phía trước. Vua trầm ngâm nghĩ ngợi, hình như Bạch Đằng Giang đã bị hẹp lại. Ngày trước, khi chèo thuyền dò tìm địa điểm đóng cọc gỗ, sông sâu và rộng mênh mông, trời mù nhìn không thấy bờ bên kia, khắp nơi lau lách um tùm cá tôm đông đặc. Thế mà bây giờ dòng sông chỉ thế này thôi ư? Nước đục đen, một màu đen nước cống. Trong khói chiều tà bãi cọc to đùng vuông vức đang được đóng dở trên sông, một khối cọc khác còn chất cao ngay ngắn bên bãi, áng chừng đến cả ngàn chiếc.

– Lại sắp có giặc và thủy chiến nữa ư? Sao cọc chỉ vót một đầu còn một đầu để tà?

– Bẩm hoàng thượng, theo hiểu biết của hạ quan, không phải cọc đánh giặc mà là cọc bê tông để làm nhà máy, cầu cảng!

– À, cầu cảng. Nhưng sao lại lấn chiếm hết lòng sông thế kia, đâu còn lối cho thuyền bè? Mưa lũ về nước sao thoát kịp? Ngập úng như trận hồng thủy bảy ngày bảy đêm vừa rồi ở kinh thành há biết làm sao?

Viên quan lại gãi đầu gãi tai, không biết trả lời thế nào cho phải. Tất cả các quan im thin thít. Cái gì dễ các quan bàn tán rân trời còn gặp việc khó cứ câm như hến gặp nước đục. Tức mình, vua đá gió một cái. Cú đá mạnh quá làm chiếc giày thêu hình rồng chỉ vàng óng tuột khỏi chân rơi xuống nước. Đám quân chèo định nhảy theo nhưng vua đưa tay ngăn lại:

– Sinh mạng ngàn vàng, hãy bảo trọng! Địa quan đâu, xem chỗ này sâu bao nhiêu?

Trong khi địa quan còn lục tìm tài liệu, các quan khác bàn tán:

– Sông sâu lắm, ắt phải đến 10 trượng![1]

– Làm gì có, ngày trước chỉ 5 trượng, không hơn không kém một phân!

– 5 trượng thì người khỏe nhất cũng không thể lặn đến đáy…

Các quan né ra nhường chỗ khi địa quan cầm tờ hải đồ bằng giấy các tông láng coóng chạy đến trước mặt vua chắp tay vái:

– Bẩm hoàng thượng, 5 fathom![2]

Vua cùng các quan ngơ ngác:

– Là… bao nhiêu trượng?

Địa quan bấm đốt ngón tay nhẩm một hồi bỗng đưa nắm đấm lên trời, ý là ơrêca:

– Bẩm hoàng thượng, chừng già 2 trượng!

Vua gật gật, chòm râu cằm dài trắng như cước rung rung. Hai trượng non 6 sải, 6 sải là nằm trong mức an toàn. Vua cho đám quân đeo dây thừng vào lưng trước khi lặn, nếu có bất trắc hãy giật giật dây ra hiệu, quân trên mạn thuyền sẽ kéo lên ngay.

Một viên quan còn có sáng kiến cho mấy tên lính uống vài bát nước mắm ngồi thiền một lúc cho ấm bụng rồi mới nhảy ùm xuống nước. Nước mắm sẽ giữ cho thân nhiệt ổn định và không bị chuột rút. Vua cùng các quan đứng trên mạn thuyền phấp phỏng lo. Dòng nước có sâu quá và có xoáy không, có cá lớn cắn người không? Một tên lính hít một hơi thật sâu căng cứng lồng ngực rồi nhảy xuống.

Nước chỉ ngập ngang cổ.

Vua không nhịn được cười nhưng kịp chuyển thành cái đằng hắng. Giá như ngày trước nước cạn thế này thì dễ đóng cọc biết mấy. Viên địa quan lúng túng và xấu hổ vì đã nói sai. Quan ngạc nhiên là mới cập nhật tu chỉnh tài liệu cách chừng dăm ba tháng, sao lại có dung sai lớn thế. Đang là triều cường đã như thế rồi, khi triều thiểu, nước chỉ đến mắt cá, tâu tầm bậy tầm bạ, con số không chính xác, hoàng thượng và các đại quan có nghi ngờ về cái bằng mua của mình hay không? Ta tài mọn, không am tường công việc nhưng ta chỉ cần biết trước khu đất nào sắp quy hoạch. Tấc đất tấc vàng, làm quan phú quý.

Cũng may chiếc giày rơi xuống nằm yên trong đống bùn đáy sông nên lính nhặt được lên ngay mà không tốn công mò. Trông thấy chiếc giày hình mũi thuyền, vua mừng rỡ không còn chú ý đến viên địa quan nữa. Địa quan liếc mắt tả hữu rồi đi thụt lùi về đằng sau, êm ru ru như gió mùa thu.

Thuyền rồng thẳng tiến, mái chèo khua nước ì oạp. Vua nhìn quanh, đâu rồi những khu rừng rậm ngày trước lấy gỗ đóng cọc mà bốn bề chỉ toàn những vuông tôm nước xăm xắp be bờ. Một viên quan tâu, đại gia thương nhân từ phố thị xa xôi đến mua đất cát đào ao thả tôm nuôi xuất khẩu. Trung nông đã thành bần cố nông cả rồi, phải làm thuê làm mướn trên chính mảnh đất trước kia của mình. Phía trước những ụ cát vừa chở đâu đó về còn tanh mùi bùn san lấp mặt bằng dang dở. Vua không quen mùi xú uế, cứ dùng ngón tay bịt mũi.

Nhà vua nhón gót lấy tay che tầm mắt trông xa hơn cho khỏi chói. Chợt mừng rỡ. Kia rồi ngọn núi nhỏ ngày xưa quân ta lấy gỗ và dựng trại đóng quân mai phục. Vua nheo nheo mắt, nhưng sao ngọn núi nhỏ thấp hơn ngày trước rất nhiều, lại trọc ghẻ và lở lói như đang bị đào bới.

Đọc được ý nghĩ của hoàng thượng, một viên quan bước tới chắp tay tâu:

– Bẩm hoàng thượng, đằng kia ngày trước là trận địa của ta, ngọn núi nhỏ ấy đang bị khai thác để làm xi măng, xi măng để trộn vữa xây cất thay cho mật mía với vôi nung. Nay đường nhập lậu giá rẻ, nông dân đã bỏ nghề trồng mía, làm gì còn mật mía mà trộn thay vôi vữa. Cái trụ cao bốc khói trắng kia là nhà máy xi măng đó hoàng thượng…

Các quan khác cũng hùa theo như vịt bầy:

– Phải đó hoàng thượng!

Nhà vua phải đưa hai tay vẫy như đập ruồi mới vãn hồi trật tự. Cảnh thay đổi nhiều quá, nhà vua nhận không ra. Thay đổi đến độ dân cư vùng này còn không ngờ huống chi hoàng thượng. Dòng sông không bao lâu nữa chỉ còn là cái tên trong ký ức.

Đi trên sông nước cả ngày ròng, người xưa nhưng đâu còn cảnh cũ, nhà vua cứ đưa ống tay áo che miệng ngáp ngắn ngáp dài. Vua ra hiệu cho thuyền tấp vào bờ rồi bước lên tản bộ một lúc cho có hơi đất và bớt tê chân. Ngài đi dạo trên bãi cát đầy xà bần gần một đám lau thưa. Mé bờ lau có vài lùm cây còn sót lại lưa thưa lá đang trổ hoa vàng khè. Vua đưa tay ra hiệu cho các quan dừng lại, rồi một mình đi mãi vào trong, cởi tấm áo choàng mắc lên cành cây la…

Các quan nghĩ hoàng thượng vào lùm tiểu tiện, chờ mãi chờ mãi không thấy trở ra. Hay là vua không đi nhẹ mà đi nặng? Vua ngại thuốc trừ sâu mà ít dùng rau xanh đâm ra táo bón kinh niên. Không dám nói to, các quan cứ bồn chồn bước tới bước lui bàn tán xôn xao:

– Không biết hoàng thượng đi đâu đã hơn một canh giờ?

– Hoàng thượng có ngại dị ứng khi đi lại trên dòng Bạch Đằng Giang?

– Hoàng thượng qua Cầu Rào ra hướng Đồ Sơn chăng?

– Hay hoàng thượng đi ngược dòng đường sông Đá Bạc mà về kinh đô?

– Hoàng thượng có vi hành vào những xóm liều để xem đời sống bá tánh? Không cẩn thận, đạp phải kim tiêm thì buồn ơi chào nhé. Một mớ con nghiện mới tổ chức trốn trại đó…

– Chắc hoàng thượng ra bến Tam Bạc đón xe Hoàng Long theo đường bộ rồi cũng nên!

Trời đã sập tối mà vẫn chưa có kết quả. Quan quân cứ đứng chờ mãi. Chiếc hoàng bào vẫn còn mắc đó mà văn võ bá quan không dám bước tới. Trái lệnh vua là kháng chỉ. Có người nói nhà vua đã xong vai diễn cũng phải nghỉ tối, muốn tìm thì vài bữa nữa hãy xem phim!

 18.05.2010


[1] 1 trượng khoảng 4m.

[2] Fathom: đơn vị tính độ sâu của Anh (1,82m).