Chuyên mục TRUYỆN HAY đầu năm mới 2023, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu truyện ngắn ĐẦU NĂM ĐI CHÙA của nhà văn VĂN THÀNH LÊ

Nhà văn VĂN THÀNH LÊ

Sinh năm 1986 tại Thanh Hóa

Tốt nghiệp khoa Sinh học, Đại học Sư phạm Huế, 2008

Từ 2008 – 2012: Dạy học tại Bà Rịa – Vũng Tàu

Từ 2012 – 2016: Biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu

Từ 2016 đến nay: Công tác tại NXB Kim Đồng (Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh)

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Hội viên Hội Nhà văn tp HCM

Đã tham gia Hội nghị Viết văn Trẻ Toàn quốc lần thứ VIII.

Đã xuất bản 16 tác phẩm, gồm: 1 tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn, 1 tập tản văn, 2 tập chân dung văn học, 1 tập chân dung nghệ sĩ, 4 truyện dài thiếu nhi.

Nhận xét của nhà văn Phan Hồn Nhiên

“Cách lắng nghe, quan sát và nắm bắt cuộc sống của Văn Thành Lê khiến câu từ của anh không miêu tả hay chia sẻ cảm xúc đơn thuần, mà biến thành những bậc thang dẫn người đọc vào sâu không gian truyện, tiếp xúc với nhân vật ở khoảng cách gần, để có thể hiểu và đồng cảm, dù chưa từng qua trải nghiệm tương tự. Nhịp điệu nhanh gọn khỏe khoắn khiến người đọc tiếp nhận trọn vẹn những gì anh truyền tải. Và ấn tượng hơn cả, chính là khả năng biểu đạt bằng ngôn từ của Văn Thành Lê. Theo ngòi bút anh, câu chữ biến hóa, hoạt náo và hóm hỉnh, đi từ đời sống vào thẳng trang văn. Văn của anh tự nhiên và khoáng đạt, không làm đỏm, không gồng gượng, khiến người đọc luôn cảm nhận nụ cười tinh quái, láu lỉnh khuất lấp đâu đó giữa những dòng chữ. Sở hữu giọng điệu riêng là thế mạnh không dễ có được, ngay cả với người viết thâm niên. Giữa rất nhiều trang văn, độc giả có thể nhận diện Văn Thành Lê, là bởi điểm mạnh sáng giá này.”

Đầu năm đi chùa

Truyện ngắn VĂN THÀNH LÊ

1.

Trời đất rờ rỡ. Con người ta không động lòng lúng liếng mới là lạ. “Trời xanh xanh bao la. Mây trắng trắng trắng xóa.” Câu hát ấy như úp nơm khít khìn khịt vào thời tiết cảnh trí giêng hai.

Bữa ấy còn có mưa xuân phơi phới bay của thi sĩ cỏ nội hương đồng Nguyễn Bính nữa. Khin và cả hội túm tụm tán chuyện nhảm sau Tết rồi hò dô ta lên chương trình đi chùa đầu năm.

Phải. Đi chùa. Đầu năm đi chùa cho mát mẻ.

Cơ quan cũng cần phải mát mẻ.

Gì chứ vụ này sếp nhiệt liệt hoan nghênh kịch liệt khuyến khích. Năm nào báo cáo tổng kết, phân tích thuận lợi, nguyên nhân “toàn thắng ắt về ta” đều là được sự quan tâm sâu sát chỉ đạo tận tình của cấp trên kết hợp nhuần nhuyễn khéo léo với anh chị em đoàn kết phát huy nội lực nắm bắt thời cơ, nhưng còn nguyên nhân đặc biệt nữa sếp luôn nói ở bàn nhậu, là nhờ ơn trên phù hộ.

Chẳng thế mà trong cơ quan sếp chỉ đạo lập hẳn am thờ bài bản khang trang. Rằm mùng một khói hương nghi ngút. Mời thầy chuyên nghiệp về cầu lộc cho công ty cầu an cho công nhân viên. Anh chị em văn phòng tha hồ béo miệng vì được thụ lộc hoa quả mệt nghỉ.

Mỗi lần động thổ khởi công dự án từ hàng phó phòng trở lên đều được bắt – buộc – vinh – dự cùng sếp ngồi đội lễ nghiêm cẩn đủ tuần hương, mặc kệ không gian thời gian, nửa đêm gà gáy mưa lâm thâm hay giữa trưa nắng cháy hầm hập. Nhìn cách sếp cúi đầu đập bôm bốp xuống đất mỗi lần cúng vái mọi người đều tin thần thánh dẫu cứng rắn cỡ nào cũng mềm nhũn lại động lòng ủng hộ.

Hằng năm tiễn ông Táo, cúng Tất niên và giỗ Tổ sếp yêu cầu có mặt toàn cơ quan, không cho ai vắng với bất kể lý do gì. Thầy chuyên nghiệp đến hẹn lại lên, giọng nhấn nhá lên bổng xuống trầm sang sảng khúc đầu hụt hơi muốn đứt thở về sau, vì sớ lê thê loằng ngoằng với danh sách công nhân viên toàn cơ quan xếp hàng chen chúc dài hơn cả đường bờ biển của thành phố thi nhau đòi ra theo cửa miệng thầy để lên với bề trên.

Ra Tết, hệ tiêu hóa còn đang nhảy múa nháo nhào vì ăn uống đầy ngẫu hứng triền miên, ngược xuôi chúc tụng mệt bả người, thì đi chùa là lựa chọn không thể đúng hơn. Đi chùa cho thanh tịnh lại lòng. Chứ đến cơ quan cũng chỉ tổ ngồi đồng. Phải có thời gian chạy rô – đa nữa mới vào số kéo ga theo công việc được.

Đến khổ, cứ gân cổ đòi phải nghỉ Tết dài hơn, như kì nghỉ đông của xứ lạnh ấy. Người ta nghỉ ra nghỉ làm ra làm. Đụng đâu ra đấy. Còn mình nghỉ càng lâu sức ì càng lộ rõ. Thời gian khởi động để về quỹ đạo cũ bằng luôn cả khoảng thời gian nghỉ. Bảo thế có chết không?

Xin thưa là không chết. Bởi Khin và cả hội đang hào hứng.

“Năm nay đi chùa bên Ọc Trô. Nghe bảo chùa mới. Linh lắm. Khuôn viên lại đẹp.”

“Chùa mới xong giai đoạn đầu mà khách về đông nghịt. Đủ kiểu biển số xe. Nghe bảo xây dựng thành khu văn hóa tâm linh lớn nhất vùng.”

“Thầy trụ trì còn trẻ, lại đẹp trai nữa nhá.”

“Thầy có bằng quản trị kinh doanh rồi mới đi tu.”

“Thật á! Vậy mà tu á? Thời buổi oái oăm. Được mấy anh nhìn sạch nước cản lại đồng tính quay ra cặp với nhau. Không thì lại tu. Chúng mình ê sắc ế là phải.” 

“Lại đùa. Nói chuyện chùa chiền cửa Phật còn tếu táo chọc ngoáy. Cẩn thận không thánh vật cho méo mồm.”

Thánh chưa vật méo mồm cả hội đã cười méo miệng. Thở ra toàn dư vị dư ba dư chấn của Tết. A lô xô chốt hạ cuối tuần đi chùa. Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Làm cho đất nước càng ngời ngợi xuân. Một người trong hội vừa đọc vừa chế tác câu cũ rích của ông bà để lại trước khi đám đông giải tán.

Thật ra phi vụ đi tour cửa chùa chẳng phải chỉ cơ quan Khin mới sôi sục.

Dọc dài đất nước hình chữ ét xì này, vài năm gần đây, từ phố thị ồn ào đến lao xao rừng rú, từ cơ quan nhà nước nhiều người ít việc đến công ty tư nhân nhiều việc ít người, từ tập đoàn nghìn nghịt dự án ma đến xí nghiệp lèo tèo việc vặt, đâu đâu cũng nô nức chùa chiền rộn ràng miếu mạo nhộn nhịp đền đài. Công đoàn cơ quan, ngoài việc tổ chức những phi vụ kiểu này, hình như không biết làm gì nữa. Dù công đoàn, nghe đâu, là tổ chức sinh ra để đấu tranh bảo vệ cho quyền lợi của công nhân viên chứ không phải để kêu gọi…bù khú.

Chẳng biết từ bao giờ những thứ vô hình không lý giải được lại đáng tin hơn những thứ hữu hình bộn bề mắt thấy tai nghe. Không lẽ hiện thực cuộc sống mất phiếu tín nhiệm của con người đến thế?!

*

*     *

2.

Gì chứ chuyện chùa chiền Khin thuộc nằm lòng, hơn con trẻ thuộc giá bim bim kẹo mút.

Khin từng lẳng lặng bơi qua tuổi thanh xuân lúc nào không biết, chỉ giản dị cô độc một mình, thêm cái bóng nếu đi dưới nắng trời nhiệt đới.

Trong khi lũ bạn tập hợp thành đội cơ động vừa khám vừa phá khắp mọi nẻo đường đất nước. Từ Lũng Cú cực Bắc đến Đất Mũi cực Nam, từ Mũi Điện cực Đông đến A Pa Chải cực Tây, từ Phansipan tắm sương mù với đỉnh cao na ná số pi 3,14 là 3143 mét đến đáy biển Nha Trang xuống sâu hơn 6 mét ngắm san hô khoe sắc lẫn sinh vật biển tung tăng. Hết khám phá đất nước rộng dài đến khám/ phá nhau trong công viên nhà nghỉ chật hẹp rồi đá nhau chan chát, khóc cười rũ rượi, khoe đủ mọi tầng tầng xúc cảm phun trào. Sau đấy đứa cười cười tỉnh bơ đứa ngao ngán tỉnh rụi, gật đại một đám cho xong phi vụ lớn nhất đời người, thành ba là cây nến vàng mẹ là cây nến xanh con là cây nến hồng.

Thì Khin vẫn lừng lững tiến vào vùng hư không, không chút gợn sóng lăn tăn lẫn băn khoăn, với học vấn và sự nghiệp.

Sự nghiệp đàn bà là ở góc bếp với xoong chảo nồi niêu đủ màu đủ mùi đủ vị, là hầu chồng chu đáo và chăm con cặn kẽ. Điều ấy xưa rồi. Đừng nói đàn bà đái không qua ngọn cỏ nữa. Xưa luôn. Cũ quá. Đàn bà giờ chẳng gì không làm được. Ăn thua là khả năng và kỹ năng. Kỹ năng leo trèo, nghĩa là khả năng làm việc, chẳng thua gì đàn ông, ở trên ngọn dừa, tức là vị trí xã hội cao, mà tưới xuống thì ngọn cỏ cao cỡ nào cũng qua.

Thời đi học bố mẹ cấm tiệt trai tráng lai vãng. Không cấm Khin cũng chẳng đoái hoài. Trong mắt Khin con trai bằng vai phải lứa toàn một lũ chíp hôi. Hôi như chuột chù. Khi an cư và lạc nghiệp mới nhận ra mình lạc nhịp, chơ vơ, trống trơ và rông rỗng. Lũ chíp hôi tranh thủ lớn hồi nào không rõ, đã hết hôi và yên bề gia thất, kịp sản sinh thêm một hai lứa chíp hôi hậu duệ.

Khin cuống cuồng vơ đại một đám điền vào chỗ trống.

Công trình lớn nhất đời người được thi công và khánh thành nhanh gọn bằng tiệc cưới lung linh. Rượu champagne rót đầy tràn bốc khói như tình yêu thăng hoa. Bánh kem tầng tầng lớp lớp tựa tình yêu trinh nguyên tinh khiết. Hôn trường ngất ngây dô dô trăm phần trăm. Người lớn mừng phụ huynh hết cảnh nóng lòng như ngồi trên than trên lửa. Bạn bè mừng Khin không lạc vào quỹ đạo bất thường.

“Đấy! Học cho lắm tiền cho nhiều cũng lấy chồng vai u thịt bắp. Tưởng lấy thánh lấy thần gì chứ?”

“Nó có tiền có tài rồi. Thằng chồng sức dài vai rộng là đủ. Chưa biết lấy thần lấy thánh hay lấy sức trâu sức bò là sướng nhá.”

“Cả hai xung phong ra tiền tuyến để nhà thành vườn không nhà trống à. Con Khin là tiền tuyến nên phải kiếm thằng hậu phương. Đầu nó đầy chữ. Chả lại không khôn chán vạn ra.”

Mấy bà hàng xóm lẫn bè bạn vừa nhồm nhoàm ăn tiệc vừa còm – men trực diện bằng miệng. Mọi phân tích phân vân trộn lẫn cùng với những súp lỏng bỏng những gỏi the the những xôi bó gà lả chả những cà ri bò sền sệt những lẩu thái chua chua cay cay.

Rồi chẳng rõ Khin khôn kiểu gì. Tiền tuyến hậu phương phối hợp ăn ý ra sao. Sau nửa năm đã “vẫy tay chào bạn hiền ơi xin chúc”. Quan tòa gọi lên mấy lần hỏi chuyện, động viên. Chẳng thấy dấu hiệu rút ruột công trình xi măng trộn thêm đất hay cọc tre thay sắt thép như xây dựng. Tưởng cố đấm ăn xôi. Ai dè ăn phải quả đắng. Xôi hỏng bỏng không. Hôn nhân ngỡ dễ, hóa ra còn khó hơn chuyện học chuyện nghề.

“Hôn nhân khó với người này dễ với người khác. Cái gì cũng có nguyên do nguyên cớ. Em học rộng tài cao em hiểu hơn chị chứ. Đây. Đây này. Như thế này thì có lấy đến cả xe bus chồng cũng tn đàn xẻ nghé.”

“Người âm theo em ầm ầm đây này. Yên sao được. Có đụng vào ai họ cũng phá. Duyên âm của em lớn lắm. Đi chùa nhiều vào.”

“Hôm sau lại chị làm lễ cắt duyên âm cho. Đông thế này không biết phải cắt đến bao giờ. Cắt. Cắt. Cắt.”

Cô bói trẻ giơ con bài tây lên, mắt trái ngưỡng thiên mắt phải ngưỡng địa, lòng trắng chiếm ba phần tư, nói vồ nói vập, rồi chốt ba từ sau cùng, dứt khoát như vị đạo diễn mới vào nghề lần đầu được ra hiệu lệnh kết thúc cảnh quay trên phim trường nên đầy hăm hở.

Ban đầu Khin không tin. Vớ vẩn. Vớ vẩn hết sức. Học hết chữ thiên hạ, rách sách mờ bàn phím, lại đâm đầu vào với những, nói như cô hai mắt không chịu đội trời chung với nhau là, huyền bí phương Đông. Nhưng sau vài phi vụ bạn bè môi giới, đồng nghiệp gán ghép, bản thân ngẫu nhiên đụng phải, đều đường ai nấy đi chỉ sau khúc dạo đầu cà phê lẫn lộn xi – nê, thì Khin bắt đầu nghi ngại. Dù cho lần nào cũng Khin chủ động bỏ của chạy lấy người trước.

Người Khin kêu viêm màng cánh, tức hôi nách. Người Khin kêu hệ thống loa bị ô xi hóa, tức hôi miệng. Người Khin kêu bộ dạng thế nhất định không lòi đom trĩ ngoại cũng là trĩ nội hoặc hỗn độn trĩ. Người thì gì mà chẳng bao giờ dám nhìn thẳng mặt Khin nói chuyện, toàn nhìn từ dưới cằm trở xuống. Khin đá hết. Sút đi hết. Sút căng hơn cầu thủ ở giải ngoại hạng Anh. Kinh nghiệm một lần rồi. Hơi đâu ôm thêm những quả bom vậy nữa.

“Mày vừa vừa phải phải thôi. Đàn ông không bệnh này cũng tật kia. Nhất là cỡ hợp với tuổi mày ít nhiều đều hoen rỉ vài phần. Người chứ phải vàng đâu mà đòi nguyên chất. Mà đến vàng cũng chỉ có bốn số chín thôi.”

“Mày nhìn lại mày đi. Tưởng tiền tài mà ngon à. Trai ngon nó thích thứ mày không có chứ không thèm tiền tài nhá.”

“Thôi. Có cho ra tấm ra miếng. Không thì nghỉ quách cho nhẹ đầu.”

“Vụng chèo khéo chống. Có nghỉ quách được không. Thằng chồng khơi thông cống rảnh rồi, thử hỏi giờ ngồi im mãi được không. Thà cứ ủ cho mốc ngay từ đầu lại đi một nhẽ. Khơi ra bỏ đấy bố ai chịu được. Không như núi lửa âm ỉ cháy tao không làm người. Lâu ngày có khi làm chuyện phạm pháp.”

Cả bọn rũ rượi cười.

Khin cười mà như mếu.

Ừ. Có bệnh phải vái tứ phương. Thế là nương nhờ cửa Phật. Nương thầy nhờ cô. Cắt. Cắt. Cắt. Khin nhớ lời và sắc mặt của cô bói trẻ. Từ chỗ lơ ngơ lóng ngóng từng bước học cầu cúng, thoắt cái Khin thông thuộc lễ lạt và chùa chiền. Đúng là có học đầu sáng vẫn hơn, nhanh lắm.

*

*     *

3.

Năm giờ. Trời lạnh. Gió táp từng tảng giá buốt vào mặt. Nữ tú nam thanh, lính lác và sếp cùng thê tử bầu đoàn dắt dây sau hồi a lô cháy máy đón chỗ này rước chỗ kia đã nhét đầy đặn vào con xe ba mươi hai chỗ. Xe đời mới kín bưng. Áo ấm ních căng người như lật đật. Vậy mà ai cũng xuýt xoa lạnh.

Xe chạy được lúc, đội hình bắt đầu có dấu hiệu vỡ ra, phân hóa và tách tốp, không còn kiểu gia đình lập khu tự trị. Đàn bà con gái dồn hết lên phía trên thậm thụt tính dâng lễ những gì, đã có gì và tới nơi phải mua thêm gì không, sau lần này tuần sau tuần sau nữa đi đâu, chùa nào? Có gì ới nhau một tiếng nhé. Nhất định đấy. Không ai được ăn mảnh. Đám đàn ông con trai lui ra sau ồn ào đề tài ăn nhậu quỹ đen và cua gái. Cập nhật và bình luận hết tình hình báo mạng giật tin sốc sau Tết lại quay về chuyện nội bộ loằng ngoằng cơ quan.

Sau cùng, hội đàn ông thống nhất Lữ đại trượng phu nên ra tay cứu vớt cuộc đời Khin, chứ để em ấy lăn lộn chùa gần chùa xa có khi thành ni cô trước khi lấy được chồng, cơ quan lại mất nhân tài. Thời buổi giờ chiêu hiền đãi sĩ mỗi lúc một khó. Lữ nghe chỉ cười trừ, khục khặc đầu, không ra lắc chẳng ra gật. Bí hiểm từ nụ cười đến ánh mắt lan ra tận vành tai.

Kể ra không chỉ mình Khin mà Lữ cũng là ca khó của cơ quan.

Lữ phong nhã hào hoa. Có tiếng từ thời mài đũng quần trên ghế giảng đường. Xông pha hăng hái đi đầu trong mọi mặt trận văn nghệ. Đầu từng bù tóc từng rối mắt nhắm tịt giật giật dưới ánh đèn sân khấu sinh viên. Vóc dáng tiềm tàng cỡ nghệ sĩ có số chứ không thường. Nếu rẽ ngang tương lai không nghệ sĩ nhân dân cũng phải ưu tú. Sinh viên nữ bu quanh xúm xít như ruồi bu mật.

Đùng cái vỡ mật. Là cuối năm Tư. Đang ngời ngời khí thế bước ra nhảy nhót với đời phải nhận ngay bé con khóc oe oe từ cô nàng trường bên với lý do trả về nơi sản xuất.

Điếng người. Có con nòng nọc ngựa non háu đá mắt nhắm mắt mở cảm tử lao vào nơi hầm tối mà ra nông nỗi ấy. Thay vì vi vu công việc hứa hẹn nhiều hân hoan lắm phấn chấn lại quay ra với bỉm với tả với sữa với ẹ ẹ tè dầm.

Lữ đầu tắt mặt tối.

Vù cái tuổi trôi tuột ra ngoài ba mươi. Con gái phải lứa cùng vai có thể đủ sâu sắc và đầy cảm thông, dĩ nhiên, cao bay xa chạy theo chồng. Vài cuộc tình với thế hệ sau ở mức độ chóng vánh đi ngang, bị ách lại bởi rờ – mooc kéo theo phía sau là bé con bi bô chập chững những bước đi đầu đời.

Em nào cũng hoảng hốt như cảnh cháy nhà mới ra mặt chuột, quăng xăng – đan dép guốc chạy muốn đứt hơi. Tuổi mơ màng ỏng ẹo uốn éo lãng mạn mà phải đi rửa đít vắt nước mũi cho bé con suốt ngày khóc nhè, dù chưa có cảm giác mang nặng đẻ đau, lại được khuyến mãi thêm từ “mẹ” kêu eo éo suốt ngày, thì đúng là cực hình.

Người tốt bụng chép miệng thương Lữ cảnh gà trống nuôi con. Người độc miệng nói sau lưng có khi gà trống thiến nuôi con, chứ như bình thường kiếm vợ mà đạp mái từ đời nào rồi ấy chứ, làm gì phải thui thủi thế.

Lữ để ngoài tai, hay có vào tai trái cũng ra luôn tai phải, hoặc nuốt xuống bụng cho đi theo đường tiêu hóa, hoặc đẩy lên mũi cho ra ngoài theo đường hô hấp, là suy luận theo lý thuyết của mấy anh đốc tờ tai mũi họng.

Sướng con cờ u mù con mờ ắt. Lữ đành chịu. Có ai ngờ, chàng trai năng động lịch lãm năm xưa giờ thành trầm tĩnh lừ đừ, pha chút lơ đãng như người trời.

*

*     *

4.

Bãi đổ xe cách cổng chùa hơn cây số. Cả đoàn xuống xe khi sương vẫn bãng lãng phủ trắng xung quanh. Trời đất còn ngái ngủ, chưa kịp rửa mặt.

Bãi xe đông nghìn nghịt. Nhìn biển số xe là biết, trong Nam ra, ngoài Bắc vào, dưới biển lên, trên núi xuống, đủ cả. Xe công xe tư lẫn lộn kèn cựa nhau.

“Người đâu ra nhiều thế không biết. Chưa nhìn rõ mặt người đã thế này, lát nữa chắc không có chỗ chen chân.”

“Người ta đi cả đêm đấy. Mình ở gần còn đỡ.”

“Thôi, nhanh nhanh chân tay lên, mấy ông mấy anh xem đỡ chị em đồ đoàn nào.”

Chủ tịch công đoàn cơ quan và Khin xốc vác như người quen việc, đốc thúc mọi người.

Đi được gần ba trăm mét đụng phải con kênh ta đào. Lên đò. Quy định năm người một đò nhưng đông quá nhồi mười người cho nhanh. Trùng triềng trùng triềng. Tròng trành tròng trành. Nước mấp mé sát mép thành đò như chực chờ sơ sểnh là liếm mép ồ ạt đổ xô vào trong. Từng có người qua đò mà ngáp ngủ, suýt lộn cổ hỏi thăm cơ ngơi Long Vương.

Thực ra đây chỉ là rạch nước tù đọng sau mỗi mùa mưa. Để sơn thủy hữu tình người ta lắm tiền kiêm rỗi hơi nạo vét khoét xuống thành sông. Đất đưa lên đắp đồi lập núi. Chênh vênh. Cheo leo. Ngoằn nghèo. Đường đến với Phật phải vậy. Chứ vù cái, xe đổ xịch trước cổng, còn gì là trèo đèo lội suối một lòng cũng qua. Ông Ngô Thừa Ân nói xưa Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh ròng rã 14 năm trời phải vượt bao trắc trở khó khăn với yêu quái yêu ma hút chết cả trăm lần kìa. Đến với Phật không thể dễ dàng được. Nhất định phải đò giang cách trở. Nhờ vậy đẩy người ra làm dịch vụ chèo thuyền đưa đón khách kiếm tiền đơn giản như không.

Sông nước. Để du khách tự soi mình trước khi vào chùa quả là ý nghĩa.

Đò cập bến, khách bước lên bờ, thêm quãng đường hơn cây số đi bộ nhấp nhô lượn vòng uốn éo. Hai bên lối đi ken đặc người. Đồ hàng mã. Hoa quả. Viết sớ cầu gì cũng được. Lẫn lộn trong các quầy hàng tạp hóa, cây cảnh, các trò chơi may rủi. Thêm tập đoàn ăn xin chuyên nghiệp được lực lượng chăn dắt trang bị, hóa trang kín kẽ. Người gãy tay. Người gãy chân. Người mù mắt. Người lê lết. Người nằm cho ruồi bu. Người hát rong. Người thổi sáo. Người mở băng nam mô a di đà.

Kinh nghiệm đi chùa bao nhiêu năm. Mọi thứ chuẩn bị từ nhà. Cứ chính điện thẳng tiến. Lướt qua hết. Lòng thương để không đúng chỗ có khi mang họa chứ không phải tích đức tích phúc.

Đoàn tiến vào nơi làm lễ.

Không thể tin được. Người sát người, đến kiến e khó lòng lọt qua. Người ở trong chen ra đã khó. Người ở ngoài chen vào càng khó hơn. Khói hương nghi ngút. Cứ như xông người bằng khói. Ai ai cũng gắng chen lên để cắm bằng được thẻ hương. Dù chốc chốc người của chùa lại vơ cả cụm hương nhổ ra dúi vào chậu nước cạnh đấy, sợ nhiều quá bốc cháy thì thần phật không còn nơi nương tựa.

Vài cậu trai choai choai tóc bảy sắc cầu vồng hoặc không để tóc chứng tỏ tài ba trước người đẹp hoặc bạn bè bằng cách đứng từ vòng ngoài đốt hương phóng vào bát nhang, như phi tiêu. Mười cây thì chín cây vào đầu vào vai người phía trước. Người trước người sau ngoái qua nhìn lại, thấy mặt rỗ dậy thì tóc tai ngờm ngợp không dám nói nhưng trong đầu chắc cầu cho thánh vật chúng đi.

Không phải ai cũng kịp trang bị sự nhã nhặn điềm đạm khi bước vào chùa. Không phải ai đến cửa Phật cũng mang theo lòng từ bi.

Tình hình căng. Không thể tiến sâu hơn vào ban thờ. Khin nói chỉ còn cách đưa mấy anh trẻ trai lên trước đội lễ, rồi bái vọng từ xa. Mong thần Phật chứng giám cho lòng thành chúng con. Đâu cứ phải đến tận ban thờ trên mới biết mới thấy. Trong đấy hương khói nghi ngút. Các cụ về khói mờ mờ ảo ảo  không rõ có nhận ra được ai với ai không, nhớ được lời khẩn cầu của muôn vạn chúng sinh không?

Rất nhanh. Lữ cùng hai anh bạn nữa làm am sống để cả đoàn dâng lễ. Gần hết tuần nhang. Chân cả ba như muốn khuỵu xuống. Không gian đông người, ngột ngạt. Lâu lâu Khin và chị em lại lên lau mồ hồi rịn ra trên trán ba cái am sống của đoàn.

“Anh cố gắng tí, tí nữa thôi, hương sắp tàn rồi. Không cúng bái thì thôi, cúng bái phải nghiêm cẩn anh ạ.”

Ôi! Lời của Khin mới dễ thương làm sao. Khăn giấy trong tay Khin mới thơm làm sao. Khin đâu cau có khó tính thẳng băng như trong các cuộc họp ở cơ quan. Cứ như Bồ Tát sống đang động viên chăm chút cho Lữ.

Người Lữ như run lên. Không phải do mỏi tay mỏi chân. Mà mỏi tim. Tim đập nhanh dần đều.

*

*    *

5.

Dâng lễ ở điện chính xong, cả đoàn di tản hoặc tách tốp tùy nghi. Đa số tiếp tục chen lấn đổ đến các vị trí thắp hương khác.

Ngôi chùa này trước là am nhỏ, gắn liền với sự tích gì đấy chỉ nhúm dân địa phương biết. Có đại gia về đây mua đất tính xây dựng trang trại cho hợp mốt. Vài lần đại gia dẫn bạn bè về bù khú, con mắt nhìn đâu cũng ra tiền lóe lên làm du lịch sinh thái. Vậy là hùng hục dời non lập bể, khai sông đắp núi.

Thiên hạ giờ đảo điên. Người dân ở nông thôn túm tụm đổ xô ra thành phố kiếm ăn mang theo vốn liếng là sự nhếch nhác tùy tiện. Người thành phố đổ xô về nông thôn lập ấp chiến lược nghỉ dưỡng phá nát chút “đặc sản” yên bình còn sót lại của làng quê.

Sinh thái chưa đủ. Nhận thấy xu thế người người lung lạc niềm tin, nhà nhà nôn nao với thần thánh, đại gia liền phù phép cho am thành chùa. To đùng to đoàng. Phật ùn ùn kéo về. Phật nằm. Phật đứng. Phật ngồi. Phật ở mọi tư thế.

Thần thánh về. Về theo đường cơ ngơi lồng lộng xa hoa. Về theo đường miệng tai vách mạch rừng. Chẳng mấy chốc giai thoại được dựng lên. Tiếng lành đồn xa. Tiếng dữ đồn xa. Từ khi manh nha khách bốn phương tám hướng đã ùn ùn kéo về. Đâu biết đấy là khách – thập – phương – của – đại – gia. Báo chí bu vào vẽ thêm râu cho rồng.

Tự nhiên Lữ nghĩ, cái này sao gọi là chùa, tên đầy đủ phải là Công ty trách nhiệm hữu hạn chùa Z. mới phải.

Mặc mọi người thắp hương cầu cúng, sau hồi ngó nghiêng, Lữ một mình ngược lên phía núi bên phải. Xem ra phía ấy ít người nhất. Trên đường liên tục gặp bảng chỉ dẫn với dòng chữ Hướng lên giếng nước Thánh, khi lại chỉ dẫn Hướng qua Vườn Tiên. Hướng nào cũng hấp dẫn, không đến chỗ Thánh cũng chỗ Phật chỗ Tiên. Thánh, Phật, Tiên đâu ra nhiều thế? Sao con dân cầu bao nhiêu đời vẫn chẳng khá hơn? Không lẽ bất đồng ngôn ngữ nên bề trên luôn luôn lắng nghe và luôn luôn chẳng hiểu.

Lạ cái là dẫu có hiểu hay không ngày ngày vẫn đông người về. Có lẽ ngài Thích – ca Mâu – ni chẳng thể tưởng tượng được sau hơn hai nghìn năm với biết bao tiến bộ văn minh con cháu lại phó thác hết cuộc đời cho ngài theo nghĩa mong cầu được ước thấy như vậy. 

Vừa đi vừa nghĩ, không biết nghĩ thế có làm phật lòng thánh không thì, có bóng người lao qua, thêm người trong bộ áo đồng phục bảo vệ chạy theo sau, vừa chạy vừa la, bắt lấy nó, ăn cắp hòm công đức. Đến thế là cùng. Hòm công đức mà dám nẫng đơn giản như không. Chả trách trong các gian thờ lớn, hòm công đức toàn bằng két sắt.

Sợ quá. Chùa chiền giờ là nơi nhiều két sắt nhất. Lòng tham chen lấn xô đẩy vào tận thế giới của Phật, cách cõi Niết Bàn đâu đó không xa. Thoắt cái, anh chàng ôm hòm công đức trượt qua phía núi bên kia, trong nhịp lắc đầu ngao ngán và thở dài muốn đứt hơi của cậu bảo vệ cùng ánh mắt bao nhiêu người trông theo ái ngại.

Từ giếng nước Thánh, nhìn xuống thung lũng, lượng người đổ về đông hơn gấp bội. Rồng rắn lên mây. Đúng là rồng rắn lên mây. Tiếng loa từ khu chánh điện phát oang oang lời cảm ơn công đức của nhà chùa đối với khách thập phương. Những vị công đức tại bàn được ban quản lý chùa ghi danh tặng lại giấy chứng nhận. Lại xếp hàng cả tiếng để được tờ giấy. Không biết họ lấy tờ giấy để làm gì. Sao công đức lại phải cần tờ giấy? Sao nhất thiết phải đọc tên lên loa oang oang giữa chốn khói hương nghi ngút?

Xa xa phía ngoài kênh, sương mù chạy đâu mất tiêu, hiện rõ lên những quầy hàng treo lủng lẳng đặc sản rừng, thịt trâu, thịt cầy hương, thịt lợn rừng, thịt gà rừng, thịt chim rừng… Đúng phương châm kinh tế thị trường định hướng gì đó không hiểu nổi, đâu có người là ta cứ buôn. Với mật độ dày đặc đồ rừng hứa hẹn không mấy chốc người mua và người bán sẽ quay lại thời… nguyên thủy.

Ngắm dòng người ngược xuôi chán, Lữ thong thả xuống núi, bỗng tiếng gọi của Khin giật lại. “Anh Lữ. Em trật khớp rồi hay sao ấy!” Giọng Khin méo mó vì đau. Phật tính trong Lữ nổi lên. Thương quá là thương. Khổ thân chưa. Sao phải mò xuống giếng nước Thánh cơ chứ. Thánh đâu ở đấy!

Khin không biết thực chất đấy chỉ là hố sâu cỡ hơn mét nước, nhìn thấy đáy, nước chảy ri rỉ róc rách từ phía trên xuống tận con mương giờ đã thành sông, và đến đây thì được khoét xuống thành hố sâu làm giếng nước Thánh, uống vào tiêu tan bệnh tật, người khỏe hẳn ra.

Là người ta truyền tai nhau thế. Nếu không có bệnh thì xuống xin tí lộc. Ai ai cũng sẵn sàng chổng mông trật hết cạp quần với phụ tùng phía trong ra để xin tí lộc. Đâu biết rằng, cách đấy không xa, trên đỉnh núi, đoạn nằm ngoài khu vực sinh thái tâm linh này, trâu bò vẫn được lũ trẻ thả, lũ trẻ và trâu bò vẫn dẫm đạp ỉa đái tùm lum. Thế mà Khin cũng “cho em đi với một đoàn cho vui” xin nước Thánh.

*

*     *

6.

Sau hồi xoa xoa nắn nắn rồi giật cái ngắc, rất có nghề, Khin hoa mắt kêu ái á, khớp đã đâu vào đấy. Tự nhiên Khin thấy Lữ dễ thương gì đâu. Tự nhiên Lữ cũng thấy Khin dễ thương gì đâu. Khin tựa vào Lữ xuống núi, ra địa điểm đoàn hẹn tập kết.

Lúc lúc gặp đoạn đường gồ ghề Khin lại nhúc nhắc chân ngã hẳn lên vai Lữ. Điểm tựa là đây. Khin cảm giác như mình có thể bẩy được cả trái đất lên vào lúc này, dẫu chân còn nhúc nhắc. Có lẽ mấy người trong đoàn nói đúng, mò kim đáy bể đâu cho xa, phải đốt lửa lên mới biết khói như thế nào, bay theo chiều nào.

Rời Công ty trách nhiệm hữu hạn chùa Z, cả đoàn lên xe đi nhà hàng rồi mới tiếp tục tới chùa khác. Phải đủ ba chùa trước khi ai về nhà nấy. Tour được tính khít khìn khịt.

Trên xe. Vẫn vị trí chiến đấu cũ, đội hình không có gì xáo trộn. Nữ phía trên. Nam phía dưới. Mấy nàng sồn sồn tiếc ngẩn tiếc ngơ không gặp được thầy trụ trì nghe đồn rất đẹp trai. Mấy chàng mấy anh quay ra với bộ bài tây, vừa quất nhau vừa bàn về đặc sản thú rừng bày bán dọc đường ra. Không biết có ai để ý thấy Lữ và Khin lọt thỏm ở quãng giữa xe?

Khin ngồi ghế cạnh bên nghiêng đầu qua vai Lữ. Xe chạy. Hai người chẳng nói gì. Nhưng vẻ mặt cả hai thì như muốn nói xe có chạy đến chân trời góc bể nào cũng được. Xuân này mới thật là xuân!

V.T.L

Exit mobile version