Đó là vấn đề được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu… mang ra “mổ xẻ” tại Hội thảo khoa học “Bình Ðịnh với chữ Quốc ngữ” (ngày 13.1) tại TP Quy Nhơn (Bình Định).

Tại hội thảo đã có gần 80 tham luận của nhiều tác giả trên cả nước tham gia nhằm làm sáng tỏ vấn đề này.

Hội thảo do UBND tỉnh Bình Định phối hợp cùng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam… tổ chức, có gần 200 đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà báo… tham dự.

dau la

Cư sở truyền giáo Nước Mặn (được thành lập tháng 7.1618) ở thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, Bình Định – được coi là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ

Theo Linh mục Gioan Võ Đình Đệ, các thừa sai Dòng Tên ở Nước Mặn (Bình Định) (từ giữa năm 1618, lúc thành lập cư sở cho đến đầu năm 1620) là những thừa sai tiên phong chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam.

Trong đó linh mục Pina và linh mục Borri là hai thừa sai đầu tiên thông thạo tiếng Việt. Sự hình thành chữ Quốc ngữ còn có sự tham gia và đóng góp của những người Việt Nam như: ông Trần Đức Hòa (quan phủ Quy Nhơn), những vị Sãi, người có tên rửa tội là Phê rô, những người buôn bán và bà con nông dân Việt Nam tại thương cảng Nước Mặn mà các thừa sai được tiếp xúc hằng ngày, những thương nhân Nhật Bản với vai trò thông ngôn.

Quang cảnh Hội thảo khoa học “Bình Ðịnh với chữ Quốc ngữ”.

Nói về nơi sinh ra của chữ quốc ngữ, nhà báo Huỳnh Văn Mỹ (Quảng Nam) cho rằng: “Người lên tiếng nói Hội An và Thanh Chiêm là nơi ra đời của chữ Quốc ngữ là nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương. Và tác giả Nguyễn Phước Tương đúc kết: “Rõ ràng là ở nước ta trước hết là cảng thị Hội An rồi tiếp đến là dinh trấn Thanh Chiêm là cái nôi ra đời sớm nhất và quan trọng nhất của chữ Quốc ngữ so với Nước Mặn – Quy Nhơn và một địa điểm nào đó ở Nghệ An mà đến nay chưa được xác định cụ thể…”.

Theo ông Mỹ, với người Bình Định, có lẽ ý niệm về “chiếc nôi” của chữ Quốc ngữ đến với họ sớm hơn. Cũng căn cứ vào những dữ liệu được họ coi là xác tín từ các thư tịch, những báo cáo mang tính biên niên của các giáo sĩ Dòng Tên ở Đàng Trong vào giai đoạn sơ khai đầy ấn tượng của chữ Quốc ngữ, từ những năm 1969-1970, một số nhân sĩ, trí thức ở Bình Định đã nghĩ đến việc “làm cái gì đó ” để ghi dấu việc chữ Quốc ngữ được khai sinh ở di chỉ Nước Mặn của tỉnh mình.

GS Phan Huy Lê cho rằng, đi tìm nơi hay cội nguồn duy nhất của chữ Quốc ngữ là không thể có được.

Phát biểu kết thúc hội thảo, theo ví von của GS Phan Huy Lê, dòng sông của chữ Quốc ngữ có nhiều con suối, trong đó Nước Mặn, Thanh Chiêm hay Hội An đều là mỗi con suối chảy dồn về tạo nên dòng sông này…

“Bình Định trong đó có Nước Mặn là 1 trong những địa bàn quan trọng trong sự ra đời của chữ Quốc ngữ, trong đó Nước Mặn là một trong những nơi ra đời sớm của chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, sự ra đời của chữ Quốc ngữ, chúng ta không nên coi nó như một sự kiện gắn liền với một con người với một địa điểm quá chật hẹp. Đây là quá trình phải có sự tham gia của nhiều người, mang tính cộng đồng. Vì vậy đi tìm nơi hay cội nguồn duy nhất của chữ Quốc ngữ theo tôi không thể có được”- GS Lê nói.

Theo Dũ Tuấn – Dân Việt

Exit mobile version