Dấu chân trên cát bỏng

Truyện ngắn của Dương Giao Linh

 

Cánh đồng bị hút sâu trong bóng đêm. Phía cuối cánh đồng, nơi có một đường kẻ mờ ảo, bóng tối hút vào đó, đen đặc. Giữa cái ranh giới của sự mờ ảo ấy, Nhân nhận ra những đốm trắng. Những mảng sáng nhờ nhờ. Nhân đăm mắt vào cố bới tung ra trong ấy một thứ gì có thể làm cả không gian bừng sáng lên. Thứ gì có thể soi rọi đường kẻ mờ ảo kia và đẩy lùi bóng tối đi? Tất cả đều lặng câm. Nhân nhắm mắt lại. Gió lên rồi. Gió không phát ra tiếng gì cả. Lặng thinh. Đám mây đen tan ra, tản thành một mảng lớn, lởn vởn. Nhân ngẩng đầu lên, đôi mắt bị hút vào đám mây. Mây trên đầu. Nhân bị trói giữa đám mây bùng nhùng không thoát ra được. Tay và chân bắt đầu tê dại. Đôi mắt hoảng hốt. Nhân cảm nhận cơ thể mình đang cứng dần, các ngón tay, ngón chân, rồi lên đến đầu. Sắp rồi.
– Không! Cha ơi!

Nhân trôi đi, rất nhanh và mạnh.

– Cái lược trên bàn! Mau!

Răng cắn chặt chiếc lược. Chân đạp giần giật. Ông nắm lấy hai cánh tay Nhân giữ chặt. Nhân nằm yên không cựa, mắt mở trừng trừng. Những mảnh gỗ bị mọt ăn có thể gẫy, đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Nhắm mắt lại…

– Được rồi.

Ông quay ra ngoài sân. Những luồng khói lởn vởn trên mái tóc lốm đốm những sợi bạc. Phía đường kẻ kia, dãy núi nhấp nhô thành viền lượn sóng. Phía bên kia có gì? Phải chăng là một chân trời khác? Một thế giới khác? Không như cái thế giới trong lòng ông đang hỗn tạp và thương tổn ghê gớm lắm.


Ực… Nốc đầy. Rượu hâm người nóng ran. Những mạch máu tan ra từ từ, giãn nở các cơ trên khuôn mặt. Đôi đồng tử giãn ra. Phía chân trời lờ mờ sáng. Đường chân trời rõ ràng hiện ra với phía trước mặt là đường viền chóp núi xanh ngăn ngắt. Ông nhớ ngày xưa… Sáng, đêm cùng đồng đội vượt núi, xiên rừng. Cuộc chiến tưởng như có thể chết bất cứ lúc nào, chết không còn mảnh thịt. Đối diện với cái chết, những người lính trở nên gan lì, coi cái chết nhẹ như lông hồng. Nhưng phải chết sao cho đáng! Ý nghĩ ấy đã theo ông những năm dài chiến đấu.

Ngày hoà bình… Chỉ cần nghĩ đến một ngày không còn phải chứng kiến cảnh chết chóc. Được trở về với xóm làng, được ôm vợ trong tay là những người lính mắt như sáng rực. Nghĩ đến những người đồng đội vừa mới hôm qua mắc võng, trò chuyện về người yêu, kể cho nhau nghe về những đêm hò hẹn, đêm đầu tiên và duy nhất được làm chồng rồi đi, bỏ lại vợ dại và mẹ già… Vậy mà hôm nay khi điểm danh đã vắng mặt. Đứa nằm tại trận chiến, tay vẫn ôm khẩu súng, mắt trừng lên. Vuốt mắt mấy lần không nhắm được, đồng đội phải đốt hương rồi đọc lá thư mẹ gửi mắt mới nhắm lại. Có người chỉ còn lại manh áo tả tơi, đồng đội gói tròn chôn xuống đất. Có người chỉ biết không có tên khi điểm danh sau trận chiến…

Cánh đồng này vùi chôn bao xác đồng đội ông… Cánh đồng trơ trụi, không một ngọn cỏ. Đất cằn khô khốc một hạt mầm không trỗi dậy. Không ai dám sống ở đây. Cái chất độc vô hình ngấm vào sâu tận ba tầng đất kia. Cái thứ không màu, không mùi, không vị, vô hình mà có sức tàn phá kinh khiếp. Đến bây giờ…

Ông đã từng hãi hùng với hình hài của chính đứa con mình. Vợ ông ngất lịm. Làng xóm xì xào bảo ông ăn ở đến nỗi nào mà ma ám cả vào con, mang tội. Ông nín lặng, lật khật đem cục thịt đỏ hỏn của mình chôn xuống cánh đồng. Ông thắp cho con một nén hương. Máu thịt của ông và cả đồng đội đổ xuống cánh đồng này. Và giờ con ông cũng vùi chôn ở đây. Ông đặt tên con là Phúc. Con cần một cái tên để về với những người cha, người mẹ hồn còn vương trên từng tấc đất này. Đứa tiếp sau ông đặt tên là Tùng, tên người bạn thời chiến của ông. Thằng bé có cái đầu to, đôi mắt lồi ra, màu nhờ nhờ như lòng trắng trứng, những vết đen loang lổ khắp mặt. Nhìn hao hao giống khuôn mặt người đồng đội của ông trong giấc mơ đêm mưa chớp giật, bùn và gió ào vào mặt, lấm láp, loang lổ, chỉ còn đôi mắt trơ ra, sáng rực. Đôi mắt mở trừng trừng không chịu khép. Nó ở được với ông một thời gian rồi cũng theo tiếng gọi của đất… trên cánh đồng này.

Nhân sinh ra sau đó ba năm. Có tay, có chân, có mắt, mũi, miệng… hoàn chỉnh. Ông bế con giơ lên trời, miệng cười, nước mắt rơi đắng đót. Nhân lớn lên trong tình yêu thầm lặng của cha, sự chăm sóc kỹ lưỡng của mẹ. Không lúc nào mẹ rời Nhân. Nhân lớn lên cùng với sự ngỡ ngàng nhận ra sự khác biệt giữa mình với cha, mẹ. Nhân không có dáng đi nhẹ nhàng như mẹ, không có đôi tay rắn chắc như cha để có thể viết chữ, buộc tóc. Nhân chỉ ước mình được lớn lên, khoẻ và chắc nịch như cha và được vẹn toàn mọi thứ như mẹ… Cha dắt tay Nhân dạy đi. Nhân không bước nổi, ngã xước đầu gối, máu rạch hằn lên những vết xước nhoè đỏ, tím bầm. Cha câm lặng bỏ đi, bỏ mặc Nhân gượng gạo đôi chân teo tóp đứng lên. Mẹ khóc. Nhân khóc. Mẹ cho Nhân ngồi vào chiếc xe gỗ cha đóng. Cha chỉ cho Nhân ngồi khi cha đi làm. Nhân bước đi được khi lên tám tuổi. Cái chân dẻo kẹo uốn từng bước. Cha cho Nhân đi học. Cha dạy Nhân ngậm bút vào miệng viết, lưỡi thụt vào đau điếng. Phải viết được chữ như các bạn. Phải viết đẹp! Con thua các bạn nhiều thứ nhưng phải hơn các bạn được một thứ, sự kiên nhẫn, con hiểu không? Đôi mắt cha nhăn nheo, những nếp nhăn xô vào nhau trong đôi mắt mở tròn của Nhân.

Các bạn giương mắt nhìn Nhân lạ lẫm. Cứ như Nhân lạc từ một hành tinh khác đến. Những nụ cười gượng gạo… Nhân thấy mình lạc lõng, hình như không phải người, không giống các bạn. Cô giáo cho Nhân ngồi bàn đầu tiên. Nhân ngồi riêng trên chiếc ghế cha đóng cho mình. Cái bàn nhỏ tẹo ngang ngực. Cô giáo chỉ cho Nhân những chữ cái đầu tiên là những chữ cái ghép tên Nhân. Nhân bảo cô dạy chữ ghép tên cha và tên mẹ. Cô giáo nhìn Nhân nhoẻn miệng cười. Nhân viết tên cha lên tấm bảng đen. Cha im lặng nắm cổ tay mềm oặt của Nhân. Có lẽ nó chỉ có để Nhân thấy mình đầy đủ các bộ phận như mọi người. Nhân mong nụ cười nở trên môi cha nhưng chưa lần nào Nhân thấy cha cười. Những nỗi đau trong lòng cha Nhân không biết, chỉ thấy nỗi đau khi gió đổi mùa hành hạ, không cho cha chợp mắt. Trong cơn mơ đêm, cha gọi những cái tên lạ hoắc, Nhân chưa từng nghe. Nhân không quen những gương mặt ấy. Những nụ cười hiền lành vẫn chập chờn hiển hiện trong những lúc Nhân lên cơn co giật. Nụ cười ấy bao lần kéo Nhân ở lại với cuộc đời này, với cha, với bạn bè, cô giáo…

Cánh đồng hút gió khô khốc. Cha cho Nhân đội khăn trắng và gọi những cái tên quen thuộc trong cơn mê đêm. Cha bảo, Nhân là con của những linh hồn đang đi hoang trên cánh đồng kia. Nhân nhìn sâu vào không gian lạnh tanh, cố gắng nhìn ra được một hình ảnh như cha, một nụ cười hiền lành. Không có. Chỉ có gió thổi đến mùi cỏ mật thơm thơm lạ, mùi đất đang tách ra, ươm những hạt mầm lớn lên trên mảnh đất tưởng như đã chết. Nhân nghe những hạt mầm đang tách ra rất khẽ, trong khe đất cằn kia. Lồng ngực đập những nhịp đập yếu ớt. Sự sống nảy mầm từ cái chết! Đất tưởng như đã chết nhưng vẫn ươm những hạt mầm. Một sự hồi sinh kỳ diệu!


Những đường kẻ lờ mờ phía cuối cánh đồng kia là cái ranh giới. Ranh giới mờ ảo giữa nỗi đau và niềm hạnh phúc. Giữa hai cái đó cũng có ranh giới. Người ta bước qua đau đớn thì sẽ tìm được hạnh phúc. Mình và đồng đội đã trải qua những đau đớn, những nỗi khổ sở của cuộc chiến tranh khốc liệt. Vậy mà… Đi qua nỗi đau giờ nỗi đau vẫn còn đau đáu trong tim. Đồng đội ơi hãy cùng nhau đi tiếp qua trận chiến khốc liệt này. Trận chiến thầm lặng, không tiếng súng, không tiếng bom. Chỉ có chúng ta, những người lính đi qua chiến tranh vẫn đang từng ngày chiến đấu. Chiến đấu với chính bản thân mình. Ông rót từng chén rượu rải xuống đất. Nhân nhấp ngụm rượu cha đưa. Đắng và nóng sực.

Gió hi hút trên cánh đồng mông mênh lơ thơ những búi cỏ mọc. Tóc Nhân thưa từng sợi mảnh, vàng, khét trong nắng. Cha nắm tay Nhân bước lầm lụi. Nhân nghe như gió nén trong ngực cha, hơi thở đứt đoạn. Đôi mắt có những nếp nhăn xô vào nhau như từng đợt sóng soi xuống đôi chân mình. Đôi bàn chân thô in dấu sâu trên mặt đất.

Đêm, Nhân gối đầu lên chân mẹ nghĩ vẩn vơ, những ý nghĩ không đầu không cuối. Mẹ nắn từng ngón tay Nhân. Cha ngả mình trên chiếc phản tre ngoài hiên, thỉnh thoảng húng hắng ho. Gió đổi mùa, sợ Nhân lại lên cơn co giật mẹ kéo tấm chăn mỏng đắp kín ngực Nhân. Gió bứt những chiếc lá tung lên không trung rồi lạo xạo một góc sân nhà. Bóng trắng thấp thoáng. Con Gâu sủa vang. Tiếng bước chân người lịch bịch. Cha vụt dậy làm tấm phản tre chênh chao.

– Ai như chị Thanh?

– Chị Thanh!

Bác Thanh là bạn chiến đấu với cha. Bác chuyển nhà đi lâu lắm rồi. Nhân vẫn nhớ có lần bác cùng cha đưa Nhân ra cánh đồng. Mẹ bảo vợ bác sinh mấy lần không được con, người làng đồn đất nhà bác có con ma chết trẻ thiêng lắm, đêm về nằm ngủ với vợ bác nên những đứa con của bác mang hình thù kỳ dị.

Người đàn bà đội chiếc nón che nửa khuôn mặt, chỉ trơ đôi mắt hoang hoải ngó trước ngó sau. Bàn chân trần giẫm lên những viên sỏi tươm tươm máu. Trong tay một bọc vải thô đỏ, bàn chân nhỏ xinh thò ra tím như trái mận.

– Anh Thanh đâu? Sao không đi cùng chị?

– Cháu bé à? Đưa cháu em đỡ chị uống nước cho mát.

Mẹ đón bọc vải từ tay người đàn bà.

– Chị sinh cháu lâu chưa?

Em bé nhắm mắt nằm ngoan. Người đàn bà mắt ráo hoảnh, giọng nói lục khục trong cổ họng…

– Anh Thanh mất sau khi tôi sinh thằng bé này. Nó là đứa con sống sót đầu tiên của vợ chồng tôi.

Em bé nằm ngoan trong tay mẹ. Thỉnh thoảng miệng lép nhép. Đôi chân cựa quậy đạp xô tấm vải bọc xuống ngang người. Mẹ nhún cổ, như có một luồng điện chạy qua, đôi tay khựng lại. Nhân mở to mắt nhìn đăm vào tấm ngực nhấp nhô, nhấp nhô. Em bé không có cánh tay dài như mẹ, không có tay mềm oặt như Nhân. Người đàn bà đưa tay đón lấy đứa con.

–  Ông ấy ốm hai tuần rồi chết. Còn tôi, chắc không sống được ở đó nữa.

Ngoài trời đen sịt như bùn, gió thổi từ ngoài cánh đồng những luồng nóng bỏng. Mảnh trăng mỏng như lưỡi liềm treo lửng lơ phía đường ngang lờ mờ, rạch  những đám mây tan ra, nhởn nhơ bay. Những nếp nhăn như những con sóng trào, ép giọt nước chảy gỉ trên khoé mắt. Đồng đội ông lại đón thêm một người. Làn khói mỏng vẽ những đường vòng nghi ngút. Có tiếng thầm thì ngoài cánh đồng theo gió đi hoang. Những tiếng cười nói âm âm một vùng sâu thẳm vọng lên, những khoảng mây vỡ trên nền trời. Nhân đứng bên cha thẳng đứng, mắt nhìn về phía đường lờ mờ những luồng sáng.

“Tôi không đủ can đảm nuôi cháu, tôi sợ một ngày nó lại rời bỏ tôi. Không ai hiểu nỗi đau ấy ngoài cô, chú. Thằng bé không có tội. Tôi không mong cô chú nuôi lớn nó thành người, chỉ mong cô chú thương yêu nó như con những ngày sống ít ỏi. Tôi tạ ơn cô, chú”.

Tấm giấy nhoè những dòng chữ nguệch ngoạc giắt trên ngực em bé. Đôi mắt như một nét vẽ nhỏ, nằm ngoan trên tấm chăn mỏng. Mắt mẹ nhoà đỏ. Nhân chưa kịp đánh vần hết đoạn chữ nhưng hiểu em bé sẽ ở lại căn nhà này, bên cánh đồng chết kia, với cha, với mẹ và cả với Nhân nữa…

Mẹ chắt nước cơm cho em uống, nấu cháo thật nhừ cho em ăn. Rồi chị sẽ kể em nghe câu chuyện về chú lính chì dũng cảm và nàng tiên cá. Những đêm trăng khuyết mỏng, chị sẽ chỉ cho em có một quả chuối chín vàng treo trên trời nhé! Em biết cười rồi sẽ biết nói. Cha đóng cho em một tấm bảng vuông lớn kê sát chân tường, cặp phấn vào kẽ ngón chân cho em viết. Những chữ cái đẹp dần. Em rúc đầu vào ngực mẹ cười vang. Đôi mắt cha những đường gợn sóng tan ra… Nhân thơm lên đôi má hồng âm ấm.

Cô giáo dạy về chất độc đi-ô-xin, chất độc được người Mỹ dùng làm thuốc diệt cỏ cây trong chiến tranh, nó có sức huỷ diệt ghê gớm mà ngay cả những người sử dụng cũng không lường hết được. Và những người lính chiến đấu nơi chiến trường năm ấy như cha, như bác Thanh đã mang trong mình cái chất huỷ diệt ấy. Sao cha không nói với Nhân về nỗi đau chính Nhân cũng đang mang? Nhân đăm đắm mắt vào những hình ảnh nhỏ bé kia. Có đôi mắt lồi ra, có gương mặt loang lổ những mảng đen, có cánh tay mềm oặt, có đôi chân còng queo… Và những nụ cười ngờ nghệch giữa cuộc đời.

Người làng cuốc đất trồng cây trên cánh đồng. Màu xanh bắt đầu lấp dần những đường nứt nẻ chạy loằng ngoằng. Những dấu chân in xuống nền đất ấy không chỉ có dấu chân cha cô độc. Gió chẳng còn đi hoang, dội lại những luồng nóng bỏng. Những đứa trẻ chơi trốn tìm trong những lùm cây có những bông hoa vàng nhỏ như cúc áo, tiếng cười thông thênh một khoảng.

Mặt trời quệt một mảng dài màu cam. Những luồng gió nóng thổi rát mặt, Nhân lê từng bước trên cát bỏng. Đám bạn gọi tên Nhân trên đồi cát trắng. Những bông quay lăn từ trên dốc xuống như những bánh xe quay quay. Nhân mỉm cười đuổi theo những bông quay…

– Cháu con bố Chu bộ đội phải không?

– Vâng!

– Con tên gì? Lên mấy rồi?
– …
– Con… gái.
Nhân nằm gọn trong những vòng tay rắn chắc, nghe mùi âm âm từ những gì rất quen. Những mái đầu hoa râm, những ánh mắt sáng bừng cúi xuống, nhìn Nhân thân thương lắm, chẳng lạ. Nhân đi giữa những luồng gió mát thổi từ trên cao xuống, bóng Nhân nhỏ, tròn giữa những chiếc bóng lênh khênh, chắc nịch. Cha bế em đứng giữa khoảng mênh mông nắng, nụ cười tan ra như những đợt sóng trào. Chưa bao giờ cha cười giòn tan thế!

Tháng bảy, những người đồng đội trở về cùng ngồi bên nhau, trên cát bỏng. Tất cả như mới ngày hôm qua… Sôi sục, tự hào và xúc động. Chiến tranh đã đi qua mảnh đất này lâu lắm rồi. Trên gương mặt những người lính năm xưa, những vết nhăn đã xô vào nhau như những đường gợn sóng, nhưng đôi mắt vẫn sáng rực, giọng nói ồ ồ từ trong lồng ngực còn vọng từ những con đường, mảnh rừng, khe núi… Uống cạn chén rượu đầy, rải lên nền cát bỏng… lắng nghe những tiếng thầm thì từ trong lòng đất.

Ông đặt tay lên ngực nghe trái tim thúc giục những bước chân hành quân vội vã. Cuộc chiến vẫn còn phía trước. Cuộc đối mặt với những dư âm của chiến tranh, những nỗi đau âm ỉ trong những trái tim bé bỏng…

Trời chuyển màu xanh biếc, gợn những lùm mây trắng phau trôi lững thững. Nhân chỉ cho em những hình mây đang trôi về phía đường lờ mờ xa tắp. Tóc Nhân bời trong gió phất phơ. Cha đặt bàn tay lên đôi vai nhỏ của Nhân và em chỉ xuống những dấu chân in sâu trên cát bỏng của những người lính già đi về mỗi ngả…

QNCT