Các nhà thơ Việt Nam sau 1975 đã tìm cách xây dựng cho mình những kiểu mã ngôn ngữ riêng để sáng tạo nghệ thuật. Những từ ngữ đó tuy vẫn là ngôn từ khá thông dụng, phổ biến được lưu hành trong đời sống giao tiếp của xã hội nhưng đã được nhà văn “cấp” cho chúng những nghĩa mới, đem đến cho chúng những điều mới mẻ và trở nên sinh động hơn. Những từ ngữ này đã vượt qua những trở ngại thường thấy đó là sự sáo mòn trong hoạt động giao tiếp hàng ngày. Để hiểu một cách thấu đáo sự sáng tạo ngôn ngữ thơ ca giai đoạn này ta cần phải nhìn tiến trình vận động của hiện tượng này như sau:
Trong thi ca xưa, tuy không có hẳn một quy tắc thành văn nào những bản thân người viết và công chúng tiếp nhận đều “ngầm” hiểu và thừa nhận sự phân biệt giữa ngôn ngữ văn chương và đời thường. Bởi thế mà trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nhắc đến việc “lời quê” (ngôn ngữ bình thường trong xã hội) được sử dụng trong thơ ông:
Lời quê góp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Quả thật, tuy có sử dụng nhiều chất liệu dân gian để sáng tạo nên những câu thơ của mình nhưng ta vẫn thấy ở tác phẩm này nhiều yếu tố ảnh hưởng của văn học cung đình, quan phương, chính thống. Ngôn ngữ thơ ở đây vẫn có phần ước lệ và được gọt rũa.
Thơ ca giai đoạn 1930-1945, được sáng tạo bằng những bút pháp hiện đại, phá bỏ quy tắc ước lệ, tượng trưng của giai đoạn trước để tạo nên sức sống mới cho thơ nhưng cũng không tránh khỏi những hạn chế. Thơ mới tuy đã thay đổi cách nhìn về cuộc sống, lấy vẻ đẹp con người làm chuẩn mực, tập trung vào những đề tài như mùa xuân, tình yêu, tuổi trẻ. Ngôn ngữ thơ đã có sự trong trẻo, gần gũi với cuộc sống khi chuyển từ trữ tình điệu ngâm sang trữ tình điệu nói. Tuy nhiên, bản thân Thơ mới cũng bị lệ thuộc bởi những mẫu hình, những phương pháp sáng tác từ nước ngoài như: chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa siêu thực… nên lại tạo ra một kiểu mĩ lệ – ước lệ khác. Chính sự thoát ly của chủ nghĩa lãng mạn đã tạo ra một thứ ngôn ngữ lãng mạn ước lệ với những cõi mộng, say, siêu thoát… như:
A ha ha? Say sưa chê chán đã
Ta là ta hay không phải là ta?
Có gì đau, cả thế giới cao xa,
Như cội rễ của trăm nguồn đạo hạnh
(Siêu thoát – Hàn Mặc Tử)
Trời cao, xanh ngắt – Ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai
(Tiếng Sáo Thiên Thai -Thế Lữ )
Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta !
Cổ chưa khô, đầu chưa nặng, mắt chưa hoa
Tay mềm mại, bước còn chưa chuếnh choáng.
Chưa cuối xứ Mê Ly, chưa cùng trời Phóng Đãng.
Còn chưa say, hồn khát vẫn thèm men
(Say đi em – Vũ Hoàng Chương)
Thơ ca giai đoạn 1945-1975 đã có có những bước tiến mới. Dựa trên sự kế thừa những thành tựu hiện đại hoá của Thơ mới, thơ kháng chiến hướng đến sự sinh động, cụ thể, những sự kiện nóng hổi của cuộc kháng chiến:
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày.
(Đồng chí- Chính Hữu)
Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi “một hai”
Súng bắn chưa quen,
Quân sự mươi bài,
Lòng vẫn cười vui kháng chiến.
(Nhớ – Hồng Nguyên)
Có đêm gió bấc lạnh lùng
Áo quần rách nát lá dùng che thân
Khó khăn đau ốm muôn phần
Lấy đâu đủ thuốc mặc dần bệnh nguôi
Có phen giặc chạy tơi bời
Rừng sâu đói rét không người hỏi han
(Lên Cấm Sơn – Thôi Hữu)
Tuy nhiên tất cả những từ ngữ được sử dụng phổ biến trong thời kì đó và sự chất phác của những người lính xuất phát từ luỹ tre làng như: Đồng chí, Quân sự mươi bài, Lòng vẫn cười vui kháng chiến… rất bình dị nhưng đều không phải là những ngôn từ mang tính đời thường thực sự. Có thể lý giải điều này như sau: Thơ là những xúc cảm tâm hồn của thi sĩ nhưng nhà thơ nào cũng sống trong một không gian, thời gian cụ thể. Chính vì thế, ngoài những xúc cảm nội tâm, thơ còn thể hiện tinh thần thời đại. Tuy trong giai đoạn lịch sử 1945-1975, nhân dân ta vẫn duy trì hai hoạt động sản xuất và đánh giặc nhưng đây là vẫn là một thời đại đặc biệt. Tất cả các hoạt động của đời sống ở hậu phương hay tiền tuyến đều theo một mô hình thời chiến. Thơ kháng chiến tuy có đầy ắp chất hiện thực, những hoạt động hàng ngày diễn ra phổ biến khắp nơi nhưng đều là những hoạt động liên quan đến kháng chiến, đấu tranh cách mạng.
Có thể nói, phải đến giai đoạn sau 1975, cùng với sự trở lại của cuộc sống đời thường thì trong thơ ca mới thực sự xuất hiện những chất liệu đời thường. Ngôn ngữ thơ cùng với tư duy nghệ thuật mới đã tạo ra một diện mạo mới mẻ. Ngôn ngữ thơ ấy không phải là một thứ vật liệu được lắp ghép rời rạc mà nó gắn với những nguồn cảm hứng mới của thời đại như cảm hứng giải thiêng, cảm hứng triết luận từ cái nhìn của cái tôi công dân. Cùng với sự thay đổi vị thế và điểm nhìn của nhà văn là chất giọng tự thú và giễu nhại nhưng không hờ hững vô tình mà rất xót xa: Thơ ơi ta bảo thơ này/ Để ta đi cấy đi cầy nuôi em (Bao cấp thơ – Nguyễn Duy); Rồi có cả những hồ nghi: Rõ ràng là chẳng giống ngày xưa/ Giống mai chăng?/… Cũng không biết nữa (Thoáng- Trần Nhuận Minh). Có khi ngang tàng, bất cần: Tin thì tin không tin thì thôi (Nguyễn Trọng Tạo)… Tuy nhiên, ở từng tác giả cụ thể lại có những sự khác biệt riêng với số lượng và tấn số xuất hiện khác nhau.
Thơ sau 1975 có sử dụng các loại ngôn ngữ khác nhau trong đời sống thường nhật từ những thuật ngữ của triết học, đến những ngôn ngữ thông tục, thậm chí có phần thô tục:
Đêm gần sáng tiếng chó buồn day dứt
Đêm nhàu như tấm áo chó đang nhay
(Nguyễn Quang Thiều)
Hay:
Nhớ điên cuồng mùi anh như con bò cái nhớ mùi phân rác
(Hoàng Hưng)
Có thể nói, mỗi khuynh hướng sáng tạo trong thi ca lại được thăng hoa ở sự phá cách của từng cây bút. Ngôn ngữ đời thường đi vào thơ bằng một lối cấu trúc riêng của họ khiến thơ ngày càng trở nên mới mẻ và lạ lẫm mà không bị rơi vào tầm thường và thô tục. Trong bất kì một xu hướng cách tân nào cũng không thiếu những sáng tạo nửa vời, những chiến binh gục ngã. Nhưng, vượt qua được cái trung bình, vượt qua được ngưỡng sáng tạo của mình là những tên tuổi sáng giá thật sự để lại những đóng góp cho nền văn chương nước nhà.
Nguồn: Toquoc.