Thơ Mai Văn Phấn là một hành trình tìm tòi sáng tạo những đổi mới không mệt mỏi về thi pháp. Với Mai Văn Phấn, cái đích cuối cùng là đưa thơ Việt vươn ra thế giới. Qua mỗi tập thơ, anh lại xuất hiện với diện mạo tinh thần mới, “không lặp lại,” làm nên một gương mặt nổi bật của thơ Việt Nam đương đại. Đọc thơ Mai Văn Phấn dễ nhận thấy hai tuyến hình ảnh – biểu tượng: Một – Con người và một – Thiên nhiên. Con người kết tinh từ những anh, em, tôi, hắn,… Còn Thiên nhiên là một thế giới cỏ cây, hoa lá, sông núi, đất đai, gió, nước, trăng,… Tất cả tạo nên một “bản tổng hòa” vẻ đẹp đầy sức sống của vũ trụ vạn vật. Trong thế giới nghệ thuật ấy, đất là một biểu tượng tạo nghĩa cho các ý nghĩa nhân sinh và thẩm mĩ rất độc đáo.


Nhà thơ Mai Văn Phấn (ảnh do nhân vật cung cấp)

Trong thơ Mai Văn Phấn, qua mười một tập thơ (Giọt nắng – 1992, Gọi xanh – 1995, Cầu nguyện ban mai – 1997, Nghi lễ nhận tên – 1999, Trường ca Người cùng thời – 1999, Vách nước – 2003, Hôm sau – 2009, Và đột nhiên gió thổi – 2009, Bầu trời không mái che – 2010, Hoa giấu mặt – 2012, Vừa sinh ra ở đó – 2013), hình ảnh biểu tượng đất xuất hiện một cách hệ thống, tới 267 lần. Trong ý hướng tìm về không gian thiên nhiên đẹp, trong, thuần khiết để nuôi dưỡng, thanh tẩy hồn mình sau những việc đời hỗn tạp, đất trước tiên là một hình ảnh tượng trưng cho vẻ đẹp phồn sinh: Phì nhiêu và sinh sôi, nảy nở.

Một “công cuộc gieo trồng” và những hình ảnh, sự vật, hoạt động gắn liền với công cuộc đó tạo nên “Bài hát mùa màng”: Lan nhanh, choáng ngợp đất hoang vừa mở/Em đổ từng trận lũ dại cuồng/Cuốn xiết anh khỏi ngôi nhà có khu vườn bé nhỏ/…

Thoát khỏi “ngôi nhà có khu vườn bé nhỏ”  là thoát  một không gian chật hẹp, khuôn khổ để đến với bao la không gian tự nhiên, không gian vũ trụ – kết đọng trong hình ảnh đất đai “mỡ màu quyện rạng đông dâng lên khuôn mặt/ dâng lên cỏ cây phồn thực bời bời”; thể hiện nỗi khát khao mãnh liệt:  tái sinh và “làm bầu trời đổi khác”.

Với Mai Văn Phấn trạng thái mang thai/ hoài thai/ thai nghén, tái sinh/ sinh nở là những biểu hiện đẹp đẽ nhất của đời sống trần thế. Những hình ảnh “đất mang thai”, “đất thôi thúc đọt mầm tách ra khỏi vỏ”, “mặt đất vừa qua phút lâm bồn”, “đất đai hồi sinh”… xuất hiện khá nhiều trong thơ anh: Mộng du, Nghe tin em sinh con, Những bông hoa mùa thu,… Đất  được hình dung như cơ thể nữ phồn thực, cũng trải qua “sứ mệnh” thiêng liêng, cao cả của mình: làm “Mẹ” tự nhiên, duy trì nòi giống – quy luật sinh hóa vĩnh cửu.

Trong quan niệm thông thường, đất luôn được xem là yếu tố tĩnh, cố định. Vào thế giới thơ Mai Văn Phấn, nó như một sinh thể luôn chuyển động, luôn “hồi sinh”, “tái sinh”, luôn căng tràn và mang hơi thở, bóng dáng, nhịp điệu con người: Đất nặng nhọc gối đầu lên biển cả/ (Đường bay) hay Biển có dài dại/ Đất có ngây ngây/ Mặt trời vẫn thức/ ở trong đế giày (Chương IX: Cộng hưởng III); thêm nữa: “Từ một điểm bất kì tới chỗ con mèo chơi với miếng giẻ lau là đường chân trời. Mặt đất đang dần co lại. Vòm thời gian cong quá sẽ vỡ. (Vòng cung thời gian) và Tiếng đất reo/ Rễ cây duỗi mềm mại/ Hoa trổ bông nơi mình vừa tưới (Hình đám cỏ – Nhịp IV). Cách ngắt nhịp thơ đa dạng, câu thơ trở nên “phóng túng”, có xu hướng “văn xuôi hóa”, thể hiện sự chuyển động liên tục, mạnh mẽ của sự vật và mạch cảm xúc: bị “xô đẩy”, “choáng ngợp” trước nhịp chảy trôi không cùng của đời sống sung mãn tự nhiên.

Là một biểu tượng lớn, đất còn là sự ám gợi về một cuộc sinh thành vũ trụ. Nó cùng với ánh sáng, không khí, gió cấu thành sự sống của con người: Hình như nắng sớm đang phủ lên đỉnh núi/ Làm trong suốt lòng đất, lòng cây (Vô tình trong nắng sớm); Gió cuộn anh vào cây/ cho trái chín (Tỉnh dậy trong mưa);… Khắp nơi trong hoàn vũ, đất là một tử cung thai nghén những nguồn nước, khoáng sản, kim loại… Trong văn hóa người Việt, đất được xem là địa bàn cư trú và là nơi mà con người sinh ra rồi trở về, là “móng nền vững chắc” cho mọi vật của thế gian tồn tại, sinh trưởng. Trong thơ Mai Văn Phấn, đất còn là hiện thân cho vẻ đẹp và sức mạnh của tình yêu mang đậm dục tính. Nhưng đây là “dục tính” sâu xa hơn những hoạt động tính giao, là tình yêu và dục tính ở tầm mức tượng trưng, phổ quát: Những mái rạ xếp lên nhau thở dốc/Mặt đất nôn nao mở miệng sông hồ/Mùa thu chảy vào nỗi niềm thâm căn cố đế/Hơi nóng rân rân truyền lên thịt da./Vọng tiếng reo trên nguồn rừng góc bể…/(Quyền lực mùa thu)

Theo chiều sâu liên tưởng của các hình ảnh biểu tượng, chất dục tính đã được “kết giới” trong miền ảo ảnh, mơ mộng và tưởng tượng. Ở đó, tình yêu, hành động tính giao mở ra chiều sâu nhờ hình ảnh ẩn dụ  “Những mái rạ xếp lên nhau thở dốc/ Mặt đất nôn nao mở miệng sông hồ”. Với Mai Văn Phấn, dục tính “là biểu hiện của sự sống tự nhiên nguyên thủy lành mạnh và thuần khiết” [14; 308] thế nên nhà thơ luôn xem hành động tính giao như một nghi lễ, nghi thức: Yêu nhau/ Là những nghi thức dâng tụng trời đất/ (Anhanhemem). Chỉ những khi ấy nhà thơ mới có thể tinh tế phát hiện “cuộc ái ân của đất với nước “, lắng nghe chúng “ngân lên thành tiết tấu” để “mọi cánh đồng được thấy mình sinh ra bên cạnh dòng sông”.

Tình yêu, theo đó, luôn được đặt trong chiều sâu sức hút âm dương của nó. Điều này thể hiện ở sự kết hợp hài hòa, thống nhất giữa các đối cực: Âm và Dương, Anh và Em, Trời và Đất, Nước và Lửa, Ánh sáng và Bóng tối, Đêm và Ngày… Sự xuất hiện của cực này sẽ nâng tầm quan trọng cho cực kia: Một ngày ánh sáng rút đi, mọi vật quanh ta chỉ là bóng tối. Cánh đồng tối ôm giống lúa tối. Thủy triều tối cuốn đàn cá tối. … Vậy từ nay tôi tiết kiệm và tàng trữ ánh sáng, gom nhặt và đầu cơ ánh sáng, tích lũy và khúc xạ ánh sáng, nâng niu và giành giật ánh sáng, yêu thương và ăn cắp ánh sáng, thanh sạch và vươn trong ánh sáng… (Quang phổ).

Trong thơ Mai Văn Phấn, đất còn là một biểu tượng đặc thù của cái tôi thi nhân, mang dáng dấp của người đàn ông, là sự hóa thân của người đàn ông: Đất đai – người đàn ông nằm ngủ/Mắt khép một vùng cửa sông/ …Những đám cháy bò lan bùng lên điệu múa/Thức dậy người đàn ông/Trên ngực còn vương tro than của mùa đốt đồng/(Sau mùa gặt)

Việc gắn hình ảnh đất đai trực tiếp với người đàn ông hay với những tính từ vốn đặc trưng của người đàn ông (vạm vỡ) đều thể hiện một nét đặc biệt riêng trong quan niệm thẩm mỹ của nhà thơ.

Và anh – người đàn ông – cũng mang đặc thù của đất: Hút mãi về em/ Từng hơi thở đất/ Anh hạn hán/ Cơn mưa chiều tất bật (Nỗi nhớ mùa thu). Vì anh được hình dung là đất nên em mới có thể Tìm miệng anh gieo hạt/ Gió níu chân tay đất dịu dàng/ Lao xuống vực (phần II – Đỉnh gió); và có khi anh lại mường tượng rằng mình là đất để dấu chân em in hằn lên đó: Da thịt anh rộn ràng mang dấu chân em/ Làm những móng tay trên đất càng vang vọng (Dấu vết bình minh)…

Đấy dường như là kết quả của một tâm hồn luôn bị ám ảnh bởi sự sinh sôi của vũ trụ. Sự ám ảnh mạnh mẽ, táo bạo hơn: khát khao trở thành một phần của “công cuộc gieo trồng”, của sự sinh sôi ấy: “ta thèm một lần nhân danh đất đai”; khát khao trở thành người phụ nữ, người mẹ: “Anh mơ được em gieo trồng trên ngực/ Bàn tay dịu dàng vun vào da thịt/ Hôn lên tai anh lời chăm bón thì thào/ Anh cựa mình nồng nàn tơi xốp” (Bài ca buổi sớm) và thậm chí sẵn sàng “chết đi cho mọi sự sinh ra”. Mai Văn Phấn muốn hóa thân vào đất, đất với người là một.
Theo Nguyễn Thị YếnNguồn Văn nghệ số 01+02/2016
Exit mobile version