Mận vẫn nằm im bất tỉnh trong nhà đèn. Từ lúc Thomas Vannier vất vả vượt sóng đưa Mận về đây, anh cũng đã mệt nhoài. Việc đầu tiên anh nghĩ đến là phải hồi sức cho Mận. Thomas vội vàng cởi tung cúc áo ngực để lộ ra hai núm vú của tuổi dậy thì. Con gái miền biển, da ngăm ngăm đen, thấm nước, giá rét chuyển sang tai tái. Áp tai vào vú trái, Thomas nhẩm đếm, tim còn đập nhẹ, mạch cổ tay rất yếu. Lấy nhiệt kế ở trong nách ra, thủy ngân tụt xuống dưới ba mươi độ, Mận đang yếu dần. Bây giờ làm sao đây?. Coi như con gái, Thomas nhanh tay thay hết quần áo ướt, lấy chiếc chăn quân đội mầu cứt ngựa, quấn chặt Mận như một khúc gỗ và nổi lửa sưởi ấm. Lửa cháy, các thân cây gỗ nổ lẹp bẹp, nồi cháo trên bếp trào ra bén lửa, bốc lên mùi thơm khét, ngầy ngậy phảng phất tình thương, no đủ…

Hơn một năm nay, một mình Thomas thui thủi với cây đèn biển giữa biển khơi mênh mông, chỉ một tuần mới có một lần tàu tiếp tế ở đất liền mang lương thực, thực phẩm ra. Ông già đánh cá, thi thoảng mới quay về neo đậu ở vụng phía bên kia Cồn. Cuộc sống đơn côi nhưng đôi khi Thomas vẫn có bạn hiền là Ông già đánh cá. Hương thơm từ bếp lửa bốc ra đã quyến rũ, thôi thúc Thomas nhớ về quê hương, xứ sở của mình. Ngôi nhà của anh nằm trong tỉnh Gironde có thành phố Bordeaux trên bờ biển Đại Tây Dương. Còn đây là bờ biển Thái Bình Dương, hai vùng biển lớn nhất toàn cầu. Gia đình anh chuyên nghề trồng nho, có xưởng nấu rượu vang. Tỉnh Gironde cũng có rất nhiều bến cảng lớn, cảng quân sự, cảng thương mại quốc tế… Ngay từ  nhỏ Thomas đã thích làm việc ở cảng để được đi đây, đi đó khắp nơi, không muốn theo nghề truyền thống của gia đình. Nhà con một, bố mẹ chiều theo ý, nên đã cho học, Trường Đại học Hàng hải, chuyên ngành xếp dỡ. Tốt nghiệp, Thomas về làm việc cho cảng Gironde rồi lấy vợ, hơn hai năm mà không có con. Khi đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ, nước Pháp dồn lực vơ vét tài nguyên, tiền bạc ở các nước thuộc địa để đổ vào chiến tranh. Thomas cùng nhiều kỹ sư giỏi được điều động sang An nam bổ sung cho các hầm mỏ, công xưởng, bến cảng…với thời hạn ba năm, không phải cầm súng ra mặt trận. Trước khi đi, Amina vợ Thomas nói yêu: “Chỉ ba năm thôi nhé, nếu không về, em đi lấy chồng khác”. Thomas ôm chặt, hôn lên má vợ hồi lâu rồi vội vã xuống tàu. Sang tới An nam, Thomas về xây dựng mở rộng Bến cảng than Cẩm Phả Port thuộc Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (Société Francaise des charbonnager du Tonkin). Có kinh nghiệm chuyên ngành xếp dỡ, Thomas đảm nhậm thiết kế và thi công các cầu Portik bốc rót than xuống tàu. Tổ chức lễ khánh thành rất lớn. Vừa đưa vào làm việc được ít ngày thì bỗng dưng một trong số đó bị đổ, đình trệ sản xuất nhiều ngày. Tìm nguyên nhân, do kỹ thuật, chính Thomas đã gây ra. Chủ nhất Công ty Pháp mỏ than Bắc kỳ ra lệnh sa thải Thomas, trả về nước và đền bù thiệt hại.  Trong khi chờ đợi có chuyến tàu về Pháp, Thomas bị đầy ra hải đăng Cồn bà,  đốt đèn biển…

 Thomas ngồi phục bên giường theo dõi từng động thái nhỏ của Mận. Mỗi cái động tay, động chân trái tim anh lại đập, nụ cười lại nở. Thomas cố đút cho Mận từng thìa cháo, ít một, ít một. Một đêm, một ngày, một đêm nữa chờ đợi…

Bất kể thời tiết nắng mưa, bão gió, hàng ngày công việc của Thomas phải leo lên, leo xuống cầu thang bẩy mươi ba bậc xoắn ốc hơn chục lần, để kiểm tra kỹ thuật. Thường xuyên bảo trì máy phát điện, kiểm tra toàn bộ hệ thống phản quang, lau chùi bóng đèn và các thiết bị chiếu sáng. Do ở trên cột cao, mỗi năm, hải đăng Cồn Bà phải hứng chịu rất nhiều sấm sét. Khó khăn trăm bề, nhưng Thomas vẫn cần mẫn dõi theo để cho ánh mắt của biển không được tắt. Giữa cơn cuồng phong, đèn biển càng phải phát sáng, làm hướng đi cho những con tàu ăn than, tàu chiến chở vũ khí, đạn dược,  tìm đường vào tiếp tế cho quân đội Pháp…

Mận từ từ mở mắt, đảo nhanh một lượt rồi hét toáng lên: “Cứu em với, chị Sen.. chị Sen, đây là đâu thế này?.. chị ơi…”. Thomas lúng túng ôm chặt lấy Mận, Sau một hồi giẫy giụa, Mận vùng ngồi dậy. Lạ lẫm trong bộ quần áo rộng thùng thình, hai giòng nước mắt chảy dài và nấc lên từng hồi. Thomas dịu dàng dỗ:

– Bác đây mà, cháu đừng sợ!

Mận không hiểu Thomas nói gì, thấy xì xồ càng sợ, co rúm người lại. Thomas đến gần xoa đầu lại càng sợ, hai mắt nhắm nghiền, tay chân run bần bật. Làm thế nào bây giờ nhỉ, nói không hiểu, ra hiệu không biết. Hai con người cách nhau nửa vòng trái đất, ngôn ngữ bất đồng thành hai con vật. Trời tối, Thomas đành để lại bát cháo, một miếng lương khô của lính chiến rồi làm công việc của mình, đi lên Hải đăng đốt đèn. Căn buồng im  ắng, ngoài biển gió rít từng hồi, sóng biển kêu ùng ục như người khổng lồ sôi bụng. Ngọn đèn dầu ở góc buồng le lói, bây giờ Mận không còn run, tim không đập mạnh, trong đầu thấy nhẹ nhõm bớt đi sự lo lắng. Bát cháo nóng thơm ngậy đã làm bụng Mận cuộn lên từng hồi. Mặc kệ, rồi sẽ ra sao thì ra, húp hết bát cháo, miếng lương khô trông như hòn đất, sao ngon thế, ăn hết một nửa, Mận nhớ đến em Sửu dấu một nửa cho em. Bao giờ thì về với em? đây là đâu nhỉ? ông Tây vừa rồi là ai, liệu có giết mình không? Tại sao mình lại vào đây? Bao câu hỏi đặt ra mà chẳng có ai nói hộ? Mẹ ơi, bố Tráng ơi, anh Còi ơi? mọi người sống khôn chết thiêng thì về đây cứu con. Tiếng động cửa buồng mở, Thomas bước vào soi đèn pin một lượt, Mận ngồi ôm đầu gối co ro ở góc giường. Bát cháo, miếng lương khô đã hết, Thomas yên lòng mỉn cười. Dù không biết hiệu, không hiểu được tiếng nói, nhưng Thomas vẫn ra hiệu cho Mận – Nằm xuống đây ngủ đi – rồi lấy cái chăn nhỏ, đóng cửa lại sang nhà kho ngủ. Tất cả cử động ấy của Thomas, Mận đều hiểu, không nói, vội vàng chèn chặt cửa, lên giường nằm…

Nhà kho chật chội, tối om, đồ đạc lỉnh kỉnh, không có chỗ nào nằm, duỗi thẳng được hai chân. Thomas lặng lẽ bước lên bẩy mươi ba bậc cầu thang của cây Hải đăng. Thường ngày lên xuống nhẹ nhàng là thế, mà hôm nay từng bậc, từng bậc khó khăn, nặng chịch. Ngắm nhìn bầu trời mênh mông xa thẳm đầy sao, ngôi to, ngôi nhỏ, ngôi sáng, ngôi mờ. Dưới biển từng đợt sóng xô, lúc rì rầm, lúc gầm gào đuổi nhau về tận chân trời. Những cây đèn biển là những đốm sáng giữa đại dương, như đôi mắt người thân đang ngóng đợi. Họ đi qua, họ về rồi, đèn biển lại cô đơn giữa biển khơi.  Bên kia Thái Bình Dương là Đại Tây Dương có Amina như cây đèn biển đang đứng đợi. Quá hạn ba năm rồi, có chịu được sóng gió không Amina của anh ơi? Ngày ra đây, chủ nhất Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ nói rằng: “hãy chờ ba tháng sẽ có tàu ra đón về nước”. Ba tháng, rồi một năm, mà vẫn không có tàu nào ra. Từ ngày bước chân lên Cẩm phả prort, Thomas lao ngay vào công việc, rồi đầy ải ra đây cách biệt tất cả với mọi người dân An nam. Vịnh Hạ Long kỳ quan thứ bẩy của thế giới, Thomas vẫn chưa được đặt chân tới. Chiến thắng Bạch Đằng Giang lẫy lừng của các Vua Trần đánh tan Đế quốc Nguyên Mông cũng chỉ là trong tưởng tượng. Người con gái bé nhỏ, ý chí kiên cường đã gây ấn tượng đầu tiên cho Thomas…

Thế là một đêm mất ngủ, Thomas vội vàng xuống nhà chuẩn bị ăn sáng cho cô bé. Đẩy cửa vào, ngạc nhiên Mận đã đi đâu mất rồi, Thomas gọi ầm ĩ, lòng vòng khắp nơi vẫn không thấy. Giữa sân, tượng đài Tướng quân thủ lĩnh của vạn chài, vẫn hiên ngang đứng đó. Người dân vạn chài sống nhờ biển, chết nhờ biển. Thomas chợt nhớ đến con thuyền mủng hôm qua, vội vàng chạy nhanh ra bãi cát nơi để con thuyền. Không kịp, con thuyền từ từ trôi ra xa. Mận đã ngồi gọn lỏn trong đó. Nguy hiểm rồi, chỉ cần sóng xô mạnh là con thuyền cũ kỹ kia vỡ tan và chìm nghỉm. Thomas vội bơi ra, đuổi theo, với tay bám vào thành, con thuyền lật úp, hai người chìm trong nước, một hồi lâu mới ngoi lên được. Thomas vác Mận trên vai chạy dọc bãi cát, nước trong mồm ộc ra hết và dần dần tỉnh lại. Thế là hai lần từ cõi chết trở về, hết hồn Mận chìm sâu vào giấc ngủ…

Mấy ngày nay, bận rộn chăm sóc Mận, Thomas không ghi nhật ký, công việc thường ngày mà anh vẫn làm. Tranh thủ Mận  đang ngủ Thomas mở ra xem lại:

Ngày…

Ông chủ nhất Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ gặp gỡ ba chúng tôi là kỹ sư thiết bị bốc xếp của Cảng lớn nhất Tỉnh Gironde. Ông vui vẻ nói:“Công ty chúng tôi rất muốn các ông thiết kế và xây dựng một hệ thống bốc rót than xuống tàu, trên mười vạn tấn ở hai bến cảng Hòn Gai và Cẩm Phả. Cầu cảng chúng tôi đã hoàn thành, chỉ còn thiết bị bốc rót là hoàn chỉnh. Yêu cầu kinh tế và tài chính của chính quốc đang gấp rút. Trong cuộc thế chiến  lần thứ hai này nước Pháp có thắng được Mỹ, Anh, Đức, Nhật hay không là ở chúng ta. Vì vậy các ông phải làm tròn phận sự, nếu không sẽ bị sai thải…”.

Ngừng một lát ông chủ nhất nói tiếp:

“Thời gian không có nhiều, các ông cần làm ngay: Quan sát thực địa – Khảo sát Thủy văn – Khảo sát địa chất – Nguồn than cấp – Nguồn than tiêu thụ…Đây là tài liệu về Công ty Pháp mỏ than Bắc kỳ (Société Francaise des charbonnager du Tonkin), viết tắt là SFCT Tôi không có thì giờ để nói, các ông tự tham khảo…

Cuộc gặp ngắn vậy nhưng rất căng thẳng, giọng một ông chủ vừa giao việc, vừa đe dọa và dồn người làm thuê vào chân tường.

Ngay tối hôm ấy tôi thức thâu đêm để đọc tài liệu của Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ. Dài lắm xin trích lại một đoạn như sau:

“…Năm một nghìn tám trăm tám mươi mốt, tức là sau hai năm đánh chiếm Nam kỳ và Bắc kỳ, một đoàn thăm dò, do kỹ sư trưởng ngành khai thác mỏ Phuy-Xơ dẫn đầu vào khu vực Hòn Gai. Sau đó quân Pháp tức tốc đánh chiếm khu mỏ Hòn Gai và thiết lập ngay bộ máy cai trị. Thượng thư bộ hộ, thay mặt triều đình Huế ký khế ước nhượng toàn bộ khu vực Hòn Gai – Cẩm Phả rộng lớn, cho ông chủ Baviesophua với giá bốn mười nghìn đồng Mễ – tây – cơ trong thời hạn một trăm năm. Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ, SFCT, được thành lập. Từ đây vùng mỏ Hòn Gai – Cẩm Phả là đặc khu của người Pháp có hệ thống hành chính riêng, sở cẩm và quân đội riêng…”

Ối trời ơi! thế này là sao? Tất cả những công trình kiến trúc nguy nga, hoành tráng, lộng lẫy trên đất Pháp, lâu nay là xương máu của người nghèo nhân loại? Đất nước Đông Dương nhỏ bé này đã bị những nước lớn cướp đất, cướp tài nguyên, đẩy họ quay về thời kỳ đồ đá…      

Đây là kênh youtube chính thức của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, xin mời đăng ký kênh tại đây: Cầm Kỳ Official

https://www.youtube.com/c/CầmKỳOfficial2022

để ủng hộ trang và nhận được thông báo mỗi khi có video mới.

Trên một số nền tảng số khác như:

Facebook: https://www.facebook.com/CamKyOfficial

Website: https://tonvinhvanhoadoc.net

#Võ Thị Xuân Hà

#Cầm Kỳ

#Nàng Thê

Email: vtxh2022@gmail.com

Zalo & hotline: 0393 996 018

Exit mobile version