Phần 7 (trích):

Thì ra chị là người đi trên chuyến đò dọc đêm hôm ấy. Người đàn bà bế đứa con chết, nằm trên bụng mẹ, mồm vẫn còn ngậm vú. Gã đàn ông ngồi gần đã đẩy đứa bé xuống, tranh phần ngậm vú. Kết cục gã bị ném xuống sông. Còn hai mẹ con chị cùng mười hai người nữa, chủ thuyền để lại, nằm trên bãi bùn ở ngã ba sông. Thế mà hôm nay chị lại ở đây? Chị vẫn còn sống sao? A di đà phật…

Cả đêm hôm ấy, mười hai xác chết lạnh lẽo chìm trong vũng bùn. Thần biển, Hà bá thương tình không cuốn đi. Tinh mơ sáng hôm sau có người ở trong làng ra sông bắt cá, thấy vậy, hoảng hốt lên đê đánh trống liên hồi, tù và, thanh la vang lên ầm ỹ. Dân làng tưởng vỡ đê, mặc dù đói ăn, yếu đuối, nhưng lúc lâm nguy sức mạnh trỗi dậy, tất cả chạy lên đê. Lật mặt nhận danh từng người. Kiểm lại, không có ai là người thân thuộc trong làng. Có một bàn tay động đậy, rồi hai chân giẫy giụa. Mọi người xúm lại khênh lên điếm canh đê, vơ rơm rạ đốt lửa sưởi ấm. Đó là một người đàn bà có hai bầu vú căng đầy đang nuôi con nhỏ. Các bà mẹ trong làng thay nhau giúp sức, người nấu cháo ngô, người cho củ khoai, củ sắn dần dần chị hồi phục. Lời đầu tiên chị hỏi là “Con tôi đâu”. “Nó chết rồi”. “Trả con tôi đây!”. Rồi chị lại ngất đi. Các bà mẹ khuyên giải, dỗ dành cho chị yên lòng. Mười một xác chết còn lại chôn chung trong một hố lớn dưới chân đê, không tên, không tuổi, không quê quán. Trên tường trong điếm canh đê, vẽ hình một cái mộ và mũi tên chỉ bên phải cùng sáu chữ nho: “nhất thập nhất nhân ất hợi”, có thể hiểu là, đi về phía bên phải có ngôi mộ chôn chung mười một người chết đói năm 1945. Những dấu hiệu này, chắc các cụ nơi đây để lại cho đời sau tìm về. Người đàn bà sống sót, được sưởi hơi ấm và tình thương của dân làng đã ở lại điếm canh hai ngày, rồi chị lê từng bước về chợ Huyện. Ai hỏi gì, chị cũng chỉ lắc đầu, nói một câu: “không biết”. Chị không biết tên mình, không biết tuổi, không biết quê quán, cả tên chồng, tên con cũng không biết. Thời ấy là vậy, sách Nghi lễ đã dạy về tam tòng: “Phụ nhân hữu tam tòng chi nghĩa, vô chuyên dụng chi đạo, cố vị giá tòng phụ, ký giá tòng phu, phu tử tòng tử”: Nghĩa là  người con gái chưa lấy chồng thì theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết thì theo con. Chị và gia đình chị từ đâu đến, không phải người vùng này. Gia cư thuyền mủng lang thang trên biển, nay đây mai đó, không đất đai, nhà cửa. Chỗ nào có sông có biển đó là nhà. Con thuyền nhỏ vài mét vuông, là mái ấm cho một gia đình: Mẹ chết sớm, hai bố con chung sống êm ấm. Mười ba tuổi chị đi lấy chồng, hai vợ chồng cùng cảnh ngộ, không biết quê quán ở đâu chỉ gặp nhau mỗi khi thuyền về bến. Hai bên bố mẹ gả bán rồi cưới nhau.

Đám cưới làng chài thật đặc biệt, thơ mộng và lãng mạng. Dù khó khăn đói kém đến mấy, họ cũng tổ chức chu đáo theo lệ. Ngày rằm đã định, đêm giữa tháng trăng sáng, non nước lung linh kỳ ảo, rất thuận tiện cho sinh hoạt của cộng đồng trên biển. Tất cả hàng trăm con thuyền, không ra khơi đánh bắt, tập trung về bến đỗ san sát như lá tre. Họ chăng dây kết hoa thuyền nọ mắc sang thuyền kia, quây quanh thuyền cô dâu, chủ rể. Nhà trai đi đón dâu bằng ba thuyền lớn. Thuyền nhà gái neo đậu sát nhau, trong đó có một thuyền lớn, bàn thờ gia tiên ở trong khoang giữa. Bên ngoài, trên mặt sạp phía mũi thuyền có chăng ba dải lụa, thứ tự từ phía mũi thuyền về phía khoang giữa: Dải lụa màu xanh tượng trưng ngõ khách; Dải lụa màu vàng tượng trưng ngõ treo; Dải lụa màu đỏ tượng trưng ngõ hoa.

Hôm ấy chú rể mặc áo the thùng thình, khăn xếp, đi chân trần, hàng ngày ra khơi đánh cá, người đen nhẻm thế mà diện bộ vào trông ra dáng. Cô dâu mặc áo dài tứ thân, thắt mớ ba, khăn mỏ quạ, đội nón. Nhà trai và nhà gái đều mời ông cao niên trong làng chài gọi là “chánh sứ”. Bà “bù đa” (bà mối), là người quen thuộc buôn bán giỏi giang, xởi lởi. Hai bên có một đội hát giao duyên vùng biển. Hát cưới trên thuyền có giá trị văn hóa riêng biệt:

Tình ta thăm thẳm biển sâu

Đã yêu dẫu mấy cơ cầu cũng yêu

Cho dù lái gãy buồm xiêu

Tan thuyền nát ván cũng liều vì nhau.

Hay lại hát rằng:

Thuyền duyên chạy với thuyền tình

Đi xuôi có mình, đi ngược có ta

Động trời gió táp mưa sa

 Anh về bẻ lái em ra xuống buồm.

Họ hát thâu đêm suốt sáng, nói lên được cuộc sống của cư dân vạn chài quanh năm lênh đênh trên biển, truyền đạt tình cảm, diễn tả tâm hồn, tư tưởng, niềm vui, nỗi buồn, cái yêu, cái ghét cũng như những hoài bão, mơ ước, chí khí của người dân vùng biển. Cư dân thuyền mủng cũng như cả dân tộc này, có bao giờ tận hưởng được ước mơ hoài bão. Kẻ xâm lược tứ phương nào vào chiếm đất, cướp của, giết người máu đổ chồng chất lên nhau thấm vào lòng đất mẹ.

Sau đám cưới, chị đẻ đứa con đầu lòng, thì gặp nạn đói hoành hành. Tôm cá đánh về không có người mua, không có tiền mua khoai sắn. Có tôm cá, không có gạo làm sao sống được. Đã nhiều ngày hai vợ chồng chỉ ăn cá, bị bệnh tả phải uống lá sú vẹt cho xăn ruột. Anh chồng vốn đã lười biếng lại nghiện rượu, thường xuyên hành hạ vợ. Không có rượu uống, không có ăn, hốc hác nằm dài trên thuyền, hắn thều thào nói: “Mình ơi tao đói lắm, sắp chết rồi. Tao thèm miếng thịt, mày mổ bụng con mày ra lấy lá gan xào cho to một đĩa.”. Chị giật mình hét lên: “Mày điên à?”. “Mày không mổ con mày thì tao mổ bụng mày.” Nói rồi hắn giẫy đành đạch như người say thuốc lào, con thuyền tròng trành như sắp lật. Chờ hắn xỉu đi chị lặng lẽ lấy dây buồm, trói chân lại rồi bế con bơi vào bờ.

Lang thang mấy ngày kiếm miếng ăn để nuôi con. Gặp chuyến đò dọc, chị theo chân mấy người lê xuống thuyền, đi đâu, về đâu mặc cho số phận…